TCCSĐT - Ngày 24-9-2013, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (2003 - 2013) và phát động Lễ hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới (26-9). Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và chủ trì Hội nghị
Gần 600 đại biểu, đại diện các Ủy ban của Quốc hội; các ban của Đảng; Văn phòng Chính phủ; các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Bộ Y tế; Ban Tuyên giáo; lãnh đạo các Ủy ban nhân dân, các Sở Y tế của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng đại diện của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đã tham dự Hội nghị.

Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 09-01-2003 (có hiệu lực thực thi từ ngày 01-5-2003) và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thông qua ngày 27-12-2008 (có hiệu lực thực thi từ ngày 01-02-2009). Pháp lệnh Dân số đã đặt nền tảng hành lang pháp lý cho công tác quản lý dân số ở nước ta, là văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước ta trong lĩnh vực dân số.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định, sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, bức tranh dân số nước ta đã thay đổi căn bản. Trước khi Pháp lệnh Dân số 2003 ra đời, quy mô dân số nước ta năm 2002 là 79,54 triệu người, đến 01-4-2012, số dân là 88,77 triệu người, đạt mức thấp hơn mục tiêu Chiến lược 2001 - 2010 (không quá 89 triệu người). Do đó, có cơ sở để khẳng định nước ta có thể đạt được mục tiêu Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản mà Chương trình mục tiêu của Chính phủ đặt ra năm 2015 không vượt quá 93 triệu người và không quá 98 triệu người vào năm 2020.

Hội nghị đã nghe Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Dương Quốc Trọng, trình bày báo cáo Kết quả kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số với những thành tựu nhất định như: số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm mạnh; tuổi thọ bình quân của người dân tăng từ 40 tuổi (năm 1960) lên 73 tuổi (năm 2010); tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,5% (năm 1960) xuống chỉ còn 1,06% (năm 2012); tỷ suất trẻ bị chết dưới 1 tuổi giảm, tỷ số tử vong bà mẹ tai biến khi sinh giảm. Thành công trong lĩnh vực dân số cũng mở ra vận hội lớn cho nước ta. Năm 2007, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” - thời kỳ chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Hơn 61 triệu người (chiếm 69% tổng số dân) đang ở độ tuổi lao động chính là nguồn nhân lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả đạt được của công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Thiên niên kỷ, tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế và tồn tại cần khắc phục trong công tác dân số kế hoạch hóa gia đình nước ta như: tỷ suất sinh không đồng đều giữa các vùng miền, tỉnh, thành phố (năm 2012, một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau mức sinh chỉ từ 1,35 - 1,62 con/1 mẹ, thấp hơn mức sinh thay thế); vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức cao đáng báo động và rất nguy hiểm (112,3 bé trai/100 bé gái - số liệu năm 2012); tốc độ già hóa dân số tăng nhanh đặt ra nhiều thách thức trong việc thực hiện chính sách chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi; tốc độ tăng dân số tuy đã giảm nhiều song, quy mô dân số khá lớn, chất lượng dân số thấp (hiện nước ta là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á); phân bố dân cư không đồng đều; quá trình di cư và đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ; việc quản lý dân cư còn nhiều bất cập; việc tận dụng cơ hội từ cơ cấu “dân số vàng” chưa được quan tâm và tận dụng đúng mức; nhiều vấn đề mới nảy sinh như hôn nhân đồng tính, mang thai hộ.… Chính vì thế, việc giải quyết những hạn chế này là vô cùng quan trọng và bức thiết để ngăn chặn những hệ lụy nặng nề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng…

Hơn 20 báo cáo, tham luận, trong đó có 6 báo cáo của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và 11 báo cáo của các địa phương đã được các đại biểu tham dự Hội nghị chia sẻ. Tất cả tập trung vào việc đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện pháp lệnh dân số cũng như các giải pháp về nâng cao chất lượng dân số cùng những kiến nghị, bổ sung từ thực tiễn… Hội nghị cũng biểu dương, khen thưởng nhiều cá nhân và tập thể đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Pháp lệnh Dân số.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của công tác dân số kế hoạch hóa gia đình 10 năm qua và khẳng định Chính phủ luôn coi vấn đề duy trì và phát triển dân số là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển bền vững của đất nước. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc nâng cấp Pháp lệnh Dân số lên Luật Dân số trước yêu cầu phát triển mới, nhằm khắc phục hạn chế trong công tác dân số hiện nay và đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của đất nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, với chính sách về dân số, đặc biệt là việc xây dựng Dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế cần quan tâm đến việc tham chiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực dân số ở một số nước như Phần Lan, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc…

Trong thời gian tới, các bộ, ban, ngành cần phối hợp để thực hiện tốt công tác dân số, phát triển quản lý để duy trì cơ cấu dân số vàng đến năm 2061; xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách nâng cao chất lượng dân số đồng đều giữa các vùng, miền. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch truyền thông, giáo dục nhận thức cho học sinh, sinh viên tôn trọng giá trị gia đình, không lệch lạc trong quan niệm về sinh sản; giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu: “Đất nước muốn phát triển bền vững thì dân số cũng phải ổn định và bền vững”; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động theo hướng tăng, để bảo đảm cơ cấu lao động hợp lý; xây dựng chính sách, duy trì những chế độ ưu đãi đối với những gia đình sinh 2 con. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã bày tỏ cảm ơn Quỹ Dân số Thế giới Liên hợp quốc đã hỗ trợ có hiệu quả đối với Việt Nam trong công tác dân số thời gian qua.

Chiều cùng ngày, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã phát động Lễ hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới (26-9) với chủ đề “Tăng cường quyền năng cho giới trẻ để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền tình dục”. Buổi lễ đã nêu được tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin đáng tin cậy về vấn đề tránh thai an toàn và sức khỏe sinh sản, hướng tới sự phát triển bền vững của dân số. Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Dương Quốc Trọng khẳng định, thời gian qua, Việt Nam đã có bước tiến ngoạn mục trong công tác dân số, tổng tỷ suất sinh đã giảm xuống còn 2 con nhờ tăng cường các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức cho công tác dân số nước ta trong thời gian tới khi số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục tăng và đạt cực đại vào năm 2027 - 2028, vì thế việc sử dụng các biện pháp tránh thai là cần thiết.

Lễ hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới năm nay có ý nghĩa như một Chiến dịch toàn cầu, là dịp để đẩy mạnh công tác truyền thông, khơi dậy trách nhiệm của cộng đồng trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì những lợi ích chung./.