Sau 12 ngày làm việc (từ ngày 20-3 đến sáng ngày 2-4-2007), Quốc hội khoá XI đã hoàn thành tốt nội dung chương trình của kỳ họp thứ 11, bảo đảm yêu cầu chất lượng và thời gian kết thúc sớm 2 ngày so với dự kiến.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã:

- Nghe Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2006; tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2007;

- Xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XI của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;

- Xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2002-2007 của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Tiến hành việc giám sát chuyên đề về việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội;

- Xem xét, thông qua 2 dự án luật và cho ý kiến 2 dự án Luật;

- Xem xét thông qua Nghị quyết về việc kết thúc dự án khí-điện-đạm Bà Rịa -Vũng Tàu và Nghị quyết về phương án quy hoạch xây dựng Nhà Quốc hội.

Sau đây là một số kết quả chủ yếu của kỳ họp:

A. NGHE BÁO CÁO BỔ SUNG VỀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2006, TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2007

Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày Báo cáo bổ sung của Chính phủ về những vấn đề quan trọng nói trên. Theo Báo cáo, kết thúc năm 2006 có 9/16 chỉ tiêu có thay đổi theo hướng tích cực so với con số đã báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2006 đạt 8,17 % (số đã báo cáo là 8,1 %), chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng 6,6 % (số đã báo cáo là 7,2 % - 7,5 %), tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 22,8% (số đã báo cáo là 18,7 %); tổng thu ngân sách là 272,877 nghìn tỉ đồng (số đã báo cáo là 269,61 nghìn tỉ đồng). Có 4 chỉ tiêu đạt thấp so với số đã báo cáo, đó là: tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước sạch và số tỉnh hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.

Có thể nói những kết quá khá toàn diện về kinh tế - xã hội năm 2006 và hai tháng đầu năm 2007 khẳng định thành tựu to lớn của một chặng đường không ít gian nan, thử thách mà nhân dân ta đã vượt qua bằng chính lòng tin và sức mạnh tổng hợp của mình. Ngoài ra, còn phải kể đến những kết quả của hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều thuận lợi và cơ hội mới cho việc phát triển kinh tế đất nước, mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bảo đảm vai trò bình đẳng trong cạnh tranh, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các đại biểu Quốc hội rất đồng tình với bản báo cáo của Chính phủ đã tập trung nêu 7 nhóm giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2007, từ việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đến các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn và tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính; kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy Nhà nước cũng như thực hiện kiên quyết, đồng bộ các biện pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí…

B. XEM XÉT CÁC BÁO CÁO CÔNG TÁC CẢ NHIỆM KỲ CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã giành nhiều thời gian để xem xét, cho ý kiến về các báo cáo công tác cả nhiệm kỳ 2002-2007 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí nhận định: Trong nhiệm kỳ vừa qua, kể từ ngày Quốc hội khoá XI tiến hành kỳ họp thứ nhất (7-2002) đến nay, với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta, Quốc hội đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI đã để lại dấu ấn đậm nét về hoạt động lập pháp với sự tiến bộ cả về chất lượng và số lượng các dự án luật được thông qua. Chức năng giám sát tối cao của Quốc hội đối với các hoạt động của Nhà nước có hiệu lực và hiệu quả hơn...

Trong nhiệm kỳ XI, Chủ tịch nước với tư cách là một định chế trong tổ chức quyền lực nhà nước, đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố, kiện toàn khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Với tư cách là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, 5 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực và trình độ quản lý đất nước, quản lý xã hội, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống.

Hoạt động của các cơ quan tư pháp đã có những chuyển biến tích cực. Cải cách tư pháp được đẩy mạnh. Tính công khai, dân chủ trong hoạt động xét xử được chú trọng. Việc thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được thực thi tốt hơn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các định chế trong tổ chức quyền lực nhà nước đã không ngừng phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; quyền lực nhà nước thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, vận hành thông suốt. Kết quả này thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cử tri ngày càng tin tưởng, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng vào Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng sôi nổi thảo luận, nêu bật những việc chưa làm được, hoặc làm chưa đầy đủ: Các cơ quan trong bộ máy Nhà nước chưa thực sự đủ mạnh để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn theo hiến định. Hoạt động lập pháp chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cuộc sống cả về chất lượng và số lượng; hiệu lực, hiệu quả giám sát còn thấp; chất lượng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước chưa cao. Cải cách tư pháp mới bước đầu được thực hiện. Cải cách hành chính còn chậm, hiệu quả còn thấp so với mục tiêu và yêu cầu đề ra là đến năm 2010 phải xây dựng được một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại. Hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở chưa ngang tầm với đòi hỏi phát triển của đất nước. Tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng...

C. TIẾN HÀNH VIỆC GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ VIỆC THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG; LUẬT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG THAM NHŨNG

Quốc hội đã giành ngày 29 và sáng ngày 30-3 để nghe Chính phủ báo cáo và đại diện 2 Ủy ban của Quốc hội trình bày ý kiến về việc thực hiện 2 Luật nói trên trong thời gian qua.

Theo báo cáo của Chính phủ do Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền trình bày, đến nay vẫn còn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3 bộ chưa ban hành Chương trình hành động thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Thủ tướng; 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 2 Bộ không có báo cáo kết quả thực hiện Luật; nội dung Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của một số Bộ, ngành, địa phương còn chung chung, chưa bảm sát Chương trình hành động của Chính phủ. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật này nhìn chung còn chậm. Đến nay, Chính phủ mới ban hành được 3 nghị định trên tổng số 9 nghị định , quy chế cần ban hành để hướng dẫn thi hành Luật. Trách nhiệm người đứng đầu chưa được quy định, xem xét xử lý đúng mức. Báo cáo cũng nêu rõ việc kiện toàn các cơ quan chịu trách nhiệm còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh chống tham nhũng. Công tác điều tra vụ việc lớn còn chậm, kéo dài, đặc biệt là 8 vụ việc nghiêm trọng đã được Thủ tướng chỉ đạo đưa ra xét xử trong năm 2006.

Trong năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã kết luận 33 cuộc thanh tra, trong đó có nhiều cuộc thanh tra để làm rõ nội dung tố cáo hành vi tiêu cực do báo chí và quần chúng phản ánh. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, chi tiêu tài chính, lãng phí, thất thoát với tổng giá trị 1.560 tỉ 147 triệu đồng và 5.478.583 USD. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi vào ngân sách 164 tỉ 345 triệu đồng và 207.923 USD; kiến nghị chuyển hồ sơ 3 vụ việc cho cơ quan điều tra. Hầu hết các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đều được Thủ tướng đồng tình và có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm túc…

Báo cáo của Chính phủ về triển khai thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày cho thấy, thời gian vừa qua tình trạng để đất hoang, hóa hoặc sử dụng với hiệu quả thấp vẫn còn khá phổ biến: Tỉnh Sơn La có 29.426 m2diện tích đất sử dụng không đúng mục đích. Tỉnh Hà Tây có 93.551 m2diện tích đất hoang hóa và 1.193.709 m2diện tích đất sử dụng không đúng mục đích. Thành phố Hà Nội phát hiện hơn 6,3 triệu m2đất sử dụng sai mục đích. Thành phố Hồ Chí Minh có 390.088 m2đất vi phạm về quản lý, sử dụng…

Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại rằng, tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn và đẩy lùi là hệ quả tất yếu của việc một số cấp, ngành, địa phương thực hiện thiếu kiên quyết. Và nếu tình trạng tham nhũng, lãng phí không bị ngăn chặn, đẩy lùi sẽ càng làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Vì vậy, bày tỏ nguyện vọng của bản thân và của đông đảo cử tri yêu cầu các cơ quan Đảng và Nhà nước cần có những biện pháp, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa để khắc phục tình trạng tham nhũng, lãnh phí hiện nay.

D. TIẾN HÀNH VIỆC CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

1. Về việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Tại kỳ họp 11 này, Quốc hội đã nhận được 769 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước. Trên cơ sở báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 10 vừa qua của các cơ quan, tổ chức hữu quan, trong kỳ họp này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có báo cáo tổng hợp khá đầy đủ về những vấn để bức xúc nhất mà cử tri cả nước quan tâm và kiến nghị để trình bày tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều ngày 30-3-2007.

2. Về chất vấn và trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội

Tính đến chiều ngày 30-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 41 ý kiến chất vấn của 22 đại biểu Quốc hội. Tất cả các chất vấn đó đã được Đoàn thư ký tập hợp, phân loại chuyển đến người đứng đầu các cơ quan hữu quan để xem xét, trả lời, đồng thời gửi tới các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiện theo dõi, giám sát.

Trong 1,5 ngày làm việc, Quốc hội đã lần lượt nghe 4 vị Bộ trưởng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng đã đề cập một số vấn đề cụ thể như: Về vấn đề quản lý đô thị; vấn đề giá đất; việc chậm tiến độ xây dựng ở một số công trình trọng điểm; về sự cố tràn dầu, gây ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở một số tỉnh ven biển nước ta; về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng... Các đại biểu Quốc hội rất tâm đắc với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “…Không ai khác hơn là tổ chức Đảng, cấp ủy Đảng. là người đứng đầu phải có trách nhiệm, phải gương mẫu thì sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí mới có kết quả.”

Nhìn chung không khí tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn là dân chủ, thẳng thắn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng và thực sự cầu thị giữa người hỏi và người trả lời. Những vấn đề đưa ra chất vấn khá tập trung, đều là vấn đề lớn, chiến lược, nhưng lại đang là vấn đề thời sự cấp bách như: thị trường chứng khoán, sự cố tràn dầu, việc thi trắc nghiệm v.v. Nhiều câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ý gắn với nội dung của báo cáo chung, các báo cáo giám sát chuyên đề, làm cho việc chất vấn và trả lời chất vấn đi vào trọng tâm. Phần lớn các vị trả lời chất vấn đã trực tiếp nêu rõ vấn đề, thẳng thắn nhận những yếu kém, khuyết điểm của ngành mình và của người đứng đầu, đưa ra những giải pháp khắc phục… Tuy vậy, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri vẫn đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới, cải tiến hơn nữa hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để thực sự hiệu quả, tập trung vào những vấn đề lớn liên quan đến pháp luật, chính sách và chủ trương chung của Đảng và Nhà nước.

Ngoài các nội dung kể trên, Quốc hội còn xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội, nhằm tạo điều kiện để Quốc hội khóa XII tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật lao động để người lao động được nghỉ ngày giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm). Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật đặc xá và dự án Luật hóa chất.

Quốc hội cũng đã xem xét và thông qua Nghị quyết về việc kết thúc dự án khí - điện - đạm Bà Rịa - Vũng Tàu Nghị quyết về phương án quy hoạch xây dựng nhà Quốc hội.

*
* *
Thành công của kỳ họp thứ 11 đánh dấu sự kết thúc tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI. Có thể nói, trong 5 năm qua (2002-2007), bằng tâm huyết, trí tuệ và sức lực, các vị đại biểu Quốc hội ở khắp Tổ quốc đã gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với Quốc hội và tham gia quyết định những vấn đề quan trọng về quốc kế dân sinh của đất nước. Cử tri, nhân dân ghi nhận và hoan nghênh sự đóng góp có hiệu quả của Quốc hội, trong đó có phần đáng kể của các vị đại biểu Quốc hội. Nhiệm vụ to lớn, trước mắt của cả nước là tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII vào ngày 20-5-2007 để lựa chọn những người tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta. Chúng ta tin chắc rằng phát huy những thành quả, bài học kinh nghiệm đã thu được trong những khóa vừa qua, Quốc hội khóa XII sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tổ chức và phương pháp làm việc để có những bước tiến mới trong việc phát huy dân chủ, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân; xứng đáng là một Quốc hội gần dân, luôn chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
 
 
 
* Văn phòng Quốc hội