“Trang vàng của tình đoàn kết và hữu nghị”

Vũ Trung Mỹ Ban Đối ngoại Trung ương, dịch và giới thiệu
14:06, ngày 20-09-2013
TCCSĐT - Báo Gran-ma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cu-ba số ra ngày 16-9-2013 đã đăng bài của nhà báo Ốt-ca Xan-chét Xê-ra viết về chuyến thăm Việt Nam của Tổng Tư lệnh Cu-ba Phi-đen Cát-xtơ-tô 40 năm trước đây với tiêu đề "Trang vàng của tình đoàn kết và hữu nghị". Dưới đây là lược dịch bài viết.

Cách đây 40 năm, trong 30 phút có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử nhân loại, phát biểu của Tổng Tư lệnh Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô đã góp phần làm tiêu tan ý đồ của chủ nghĩa đế quốc hòng cô lập và chia rẽ Phong trào Không liên kết, bằng cách reo rắc tư tưởng đối kháng trong nội bộ phong trào đối với khối các nước theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết lần thứ VI diễn ra tại Thủ đô An-giê (An-giê-ri) vào ngày 07-9-1973, Tổng Tư lệnh Phi-đen khẳng định: “Những nỗ lực nhằm làm cho các nước không liên kết đối đầu với phe xã hội chủ nghĩa thật là phản cách mạng và điều này chỉ mang lại lợi ích duy nhất cho đế quốc”.

 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
gắn huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên cho Tổng Tư lệnh Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô

Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh này, Tổng Tư lệnh Phi-đen tuyên bố: “Chúng tôi, các nước không liên kết công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của chúng tôi trong cuộc đấu tranh đòi thực thi Hiệp định Pa-ri” “Chúng tôi đề nghị các nước không liên kết hãy tham gia vào công cuộc tái thiết Việt Nam, mỗi chúng ta tham gia đóng góp theo khả năng của mình”.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phẩm giá và sự đấu tranh của một dân tộc

Đúng vào ngày Tổng Tư lệnh Cu-ba Phi-đen bắt đầu chuyến công du quốc tế, cũng là ngày kỷ niệm 28 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập (14 ngày sau Cách mạng Tháng Tám). Và trước thế giới, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ra đời, khởi nguồn của một giai đoạn mới trong lịch sử Việt Nam, lập ra nhà nước công nông, mở ra kỷ nguyên tan rã của hệ thống thực dân ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, đội quân thất trận Pháp không công nhận thất bại và tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược với sự giúp đỡ quân sự của Mỹ. Quân xâm lược đã phải đương đầu với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phẩm giá và tinh thần chiến đấu của nhân dân Việt Nam mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 07-5-1954), buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định hòa bình ở Giơ-ne-vơ (ngày 20-7-1954). Theo đó, lãnh thổ Việt Nam tạm bị chia thành 2 miền, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng và miền Nam vẫn tiếp tục bị chủ nghĩa đế quốc và tay sai chiếm đóng.

Theo Hiệp định hòa bình được ký kết, sau hai năm, sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ tôn trọng bản Hiệp định. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ đã chà đạp lên bản Hiệp định và làm mọi cách để thay thế thực dân Pháp tại miền Nam. Trước tình hình đó, Việt Nam đã thành lập Quân Giải phóng miền Nam (năm 1959) và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (năm 1969).

 
Bác sĩ Cu-ba tham gia sơ cứu những người Việt Nam - nạn nhân của bom mìn,
do đế quốc ném xuống mảnh đất của Dân tộc Anh hùng

Từ năm 1960, Mỹ đã tiến hành tội ác diệt chủng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trong những năm 1965 đến năm 1972, đế quốc Mỹ đã ném xuống mảnh đất Việt Nam hơn 7 triệu tấn bom đạn, gấp 4 lần so với số lượng bom trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai; thực hiện hơn 1,5 triệu phi vụ bay trên lãnh thổ Việt Nam. Không khuất phục trước những hành động tàn bạo của đế quốc Mỹ, dân tộc Việt Nam đã anh dũng, kiên cường đấu tranh chiến thắng mọi cuộc tấn công của đế quốc Mỹ.

Lá cờ chiến thắng”

Khi đang diễn ra những cuộc tấn công bạo tàn nhất của đế quốc Mỹ vào lãnh thổ Việt Nam, vào 11 giờ 55 phút sáng 12-9-1973, Tổng Tư lệnh Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô đã đến Hà Nội. Ông khẳng định: “Chưa một nơi nào mà tôi từng đặt chân đến lại nhận được nhiều tình cảm thân thương đến như vậy. Chúng tôi sẽ luôn giữ trong tim những kỷ niệm của cuộc đón tiếp này”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho biết, được đón một người anh em và đoàn đại biểu của nhân dân Cu-ba thân yêu sang thăm Việt Nam đúng vào dịp cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam giành được những chiến thắng to lớn trong sự nghiệp cứu nước, không chỉ là một niềm vinh dự, mà còn là một niềm vui lớn của tất cả người dân Việt Nam.

 
 Tổng Tư lệnh Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô và Thủ tướng Phạm Văn Đồng
 trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9-1973

Ngay sau lễ đón tiếp nồng hậu tại Hà Nội và có cuộc gặp với Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Tổng Tư lệnh Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô đã tham gia một chương trình làm việc dày đặc và trong các hoạt động này, ông đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên.  

Trong chuyến thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Đoàn đại biểu Cu-ba, ngày 15-9, Tổng Tư lệnh Phi-đen Ca-xtơ-rô đã tới tỉnh Quảng Bình, nơi ông nhận định là “Tiền tuyến của miền Bắc và hậu phương của miền Nam”. Tại Vĩnh Linh - nơi mỗi người dân phải hứng chịu trung bình 12 tấn bom, Lãnh tụ cách mạng Cu-ba đã chia sẻ tình cảm và bày tỏ sự khâm phục đối với những người dân, dân quân, nông dân - những con người bất chấp đạn bom, vẫn ngày đêm lao động sản xuất, thậm chí ngay cả trong lòng đất.  

Rạng sáng ngày 16-9, vào lúc 05 giờ 25 phút, Tổng Tư lệnh Phi-đen Ca-xtơ-rô đã vượt qua vĩ tuyến 17, qua sông Bến Hải và tại đây, ông đã gặp Thượng tướng Trần Nam Trung, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Hai người đã ôm chầm lấy nhau mừng rỡ. Đoàn xe tiếp tục lăn bánh trên vùng đất Quảng Trị, nơi mà 85% diện tích đã được giải phóng. Tới căn cứ Tân Lâm, Tổng Tư lệnh Phi-đen Ca-xtơ-rô đã nghe giới thiệu về các trận chiến đấu vào mùa xuân năm 1972. Đoàn dừng lại ở xã Cam Lộ, huyện Đông Hà và tới căn cứ Dốc Miếu. Đây là tuyến phòng ngự từng được xây dựng hệ thống hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra, nơi lực lượng Mỹ và Sài Gòn sử dụng phương tiện thông tin tối tân để phát hiện mọi xâm phạm trong phạm vi phòng tuyến, và bất cứ tiếng động lạ nào xuất hiện cũng sẽ bị các loại hỏa lực hiện đại tấn công.

Cũng tại đây, Tổng Tư lệnh Phi-đen Ca-xtơ-rô đã rất xúc động đón nhận lá cờ chiến thắng từ tay người tiểu đoàn trưởng Quân giải phóng miền Nam, đơn vị đã tham gia chiến đấu 81 ngày đêm tại Thành Cổ Quảng Trị. Ông là phất lá cờ trước những tràng pháo tay và cổ vũ của những người chiến sỹ, và cũng là nguyên thủ đầu tiên đặt chân lên mảnh đất giải phóng của miền Nam Việt Nam.

Trước lúc chia tay Việt Nam, Tổng Tư lệnh Phi-đen Ca-xtơ-rô đã bày tỏ: “Chỉ có tận mắt chứng kiến mới có thể cảm nhận được đầy đủ tội ác đã phạm phải để chống lại dân tộc anh hùng này”. Đề cập tới chiến thắng của nhân dân Việt Nam, ông khẳng định: “Trong nhân dân Việt Nam, chúng tôi cảm nhận được sự giáo dục của một Đảng cách mạng”.

Nói về cảm xúc của những ngày ở Việt Nam, Tổng Tư lệnh Phi-đen Ca-xtơ-rô cho biết, trong ông vẫn còn một nỗi đau:“Tôi đã không đến Việt Nam trước ngày 02-9-1969 và tôi đã không có vinh dự được gặp trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà chúng tôi hằng ngưỡng mộ, tuy nhiên, chúng tôi được an ủi là được tận mắt chứng kiến, được sống với dân tộc Việt Nam và được thấy trong nhân dân Việt Nam sự nghiệp của Người, những di huấn của Người, lao động của Người, giáo dục của Người, tấm gương của Người, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sự giản dị của Người”.

Bốn mươi năm qua, mối quan hệ đoàn kết chiến đấu, hữu nghị anh em và hợp tác gắn bó giữa Việt Nam và Cu-ba không ngừng được củng cố và phát triển. Hòn đảo nhỏ vùng Ca-ri-bê không chịu khuất phục trước những cuộc tấn công của đế quốc, còn Việt Nam - đất nước thấm đượm những phẩm chất mà Tổng Tư lệnh Phi-đen Ca-xtơ-rô ghi nhận, đã từ địa ngục chiến tranh vươn lên đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội./.