1. Châu Á đang đối mặt với mối đe dọa lớn nhất đó là lạm phát

Trong tuần vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra nhận định: nguy cơ lạm phát cao vẫn là mối lo ngại chính đối với khu vực châu Á. Theo Giám đốc ADB, lạm phát trong năm 2008 sẽ vượt quá mức dự đoán 5,1% như dự báo hồi tháng 4-2008 mà nguyên nhân chính là do giá lương thực và nhiên liệu tăng cao. Ấn Độ thông báo lạm phát tại nước này đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 7 năm qua. Tháng 6-2008, Hàn Quốc cho biết lạm phát tại nước này ở mức cao nhất trong 7 năm qua do giá lương thực và nhiên liệu tăng. Xin-ga-po, Thái Lan, Phi-líp-pin và In-đô-nê-xi-a cũng đang phải đối phó với lạm phát từ 7,5% đến 11%. ADB dự đoán, năm 2008 khu vực châu Á sẽ đạt tăng trưởng 7,6%, thấp hơn so với mức 8,7% trong năm 2007, mức cao nhất trong hai thập kỷ qua. Theo ADB, lạm phát là một vấn đề rất lớn và tăng lãi suất có thể là một giải pháp để khắc phục. Trong khi đó, các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a gần đây đã cắt giảm trợ cấp nhiên liệu trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng mạnh, có thể khiến lạm phát tiếp tục tăng. Khoảng 1 tỉ người ở châu Á đang bị ảnh hưởng nặng do giá nhiên liệu và lương thực tăng. ADB cho biết, họ sẵn sàng cho các nước vay tiền để họ có thể trợ giá những mặt hàng thiết yếu cho người nghèo.

2. Xung đột lan rộng ở Áp-ga-ni-xtan

Trong tuần qua, xung đột giữa quân đội Mỹ và Áp-ga-ni-xtan với lực lượng Ta-li-ban ở miền nam nước này trở nên dữ dội. Khoảng 600 tay súng Ta-li-ban được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại đang đối mặt với chiến dịch truy quét của các lực lượng vũ trang Mỹ phối hợp với quân chính phủ Áp-ga-ni-xtan. Hàng trăm dân thường ở thành phố Can-đa-ha và khu vực chung quanh vội vàng rời bỏ quê hương để tránh khói lửa trong cuộc tàn sát mới này. Trong khi đó, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan, ông Ha-mít Ca-dai vừa đưa ra tuyên bố gây chấn động Nam Á rằng quân đội nước này sẽ vượt biên giới để truy lùng các thủ lĩnh Ta-li-ban đang ẩn náu trên lãnh thổ Pa-ki-xtan. Trước đó, ngày 15-6-2008, Thủ tướng Pa-ki-xtan đã từng tuyên bố, sẽ không cho phép bất cứ nước nào can thiệp vào công việc nội bộ của Pa-ki-xtan và cho rằng tuyên bố của ông Ca-dai sẽ không thể giúp cải thiện quan hệ song phương mà chỉ làm tổn thương tình cảm giữa nhân dân hai nước. Còn Tổng thống Mỹ Bu-sơ đưa ra tuyên bố lấp lửng về một lực lượng thiện chiến hoặc đặc nhiệm Mỹ sẽ tham chiến trực tiếp tại vùng biên giới quốc gia Nam Á này, một khi Oa-sinh-tơn có được tin tình báo đáng tin cậy về sự xuất hiện của trùm khủng bố quốc tế Bin La-đen tại đây. Kể từ khi Mỹ và liên quân kết thúc cuộc chiến lật đổ chế độ Ta-li-ban (năm 2001) tại Áp-ga-ni-xtan, tình hình an ninh tại đây về căn bản vẫn chưa được cải thiện.

3. I-ran quyết định rút 75 tỉ USD ra khỏi các ngân hàng ở châu Âu

Ngày 16-6-2008, theo tin từ Trung Đông, để đề phòng một cuộc chiến tranh mới có thể bùng phát ở Vùng Vịnh sẽ làm tăng giá dầu và làm phá sản thị trường tiền tệ, hoặc chí ít cũng tránh được các biện pháp cấm vận quốc tế cứng rắn nhằm vào Tê-hê-ran, Chính phủ I-ran đã quyết định rút 75 tỉ USD ra khỏi các ngân hàng ở châu Âu . Điều này chứng tỏ cuộc xung đột giữa các nước phương Tây với I-ran liên quan đến chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran sẽ có những diễn biến mới phức tạp hơn. Một phần trong số tiền 75 tỉ USD của I-ran sẽ được chuyển thành vàng và cổ phiếu, phần còn lại được chuyển sang ngân hàng các nước châu Á, trong đó có Ngân hàng trung ương Cộng hoà Hồi giáo. Ông Ra-du-ép, Trưởng phòng phân tích thị trường Ngân hàng Sobinbank tuyên bố, hành động của Tê-hê-ran cảnh báo nguy cơ chiến tranh hơn là cấm vận nhằm vào I-ran. Rất có thể, Đảng Cộng hoà sẽ phát động một cuộc chiến tranh mới ở Vùng Vịnh trước khi diễn ra cuộc chạy đua chặng cuối vào Nhà Trắng với Đảng Dân chủ. Mỹ đang xúc tiến vận động I-xra-en, đồng minh chiến lược của họ ở Trung Đông, tham gia cuộc chiến tranh này. Hành động chiến tranh nhằm vào I-ran được giới phân tích chính trị đánh gía như là lá phiếu nặng ký của Đảng Cộng hoà dành cho ông Giôn Mác-kên. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vơ-rốp tuyên bố không có bằng chứng cho thấy I-ran đang sản xuất vũ khí hạt nhân và không có lý do để tấn công quốc gia Hồi giáo này.

4. Học thuyết quốc phòng mới của Pháp

Ngày 17-6-2008, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Sác-cô-di công bố "Sách trắng về quốc phòng" năm 2008 giới thiệu nội dung Học thuyết quân sự mới của Pháp, gồm các biện pháp giảm quân, tăng cường đầu tư vào lực lượng tình báo và tuyên bố lộ trình Pháp trở lại NATO. Trong giai đoạn 2009-2020, Pháp sẽ đầu tư khoảng 377 tỉ ơ-rô (tương đương khoảng 583 tỉ USD) cho lĩnh vực quốc phòng, trong đó dành 200 tỉ ơ-rô đầu tư chế tạo các phương tiện chiến tranh mới. Theo Tổng thống Ni-cô-la Sác-cô-di, để đối phó với hoạt động khủng bố dưới các dạng khác nhau như khủng bố sinh học, hạt nhân và hóa học Pháp sẽ đầu tư lớn vào lĩnh vực tình báo để chế tạo vệ tinh và các thiết bị do thám đường không - vũ trụ khác. Một Ủy ban an ninh quốc gia mới cũng sẽ được thành lập nhằm tăng cường hoạt động thu thập tin tức tình báo. Pháp sẽ vẫn duy trì vị thế là “một đồng minh độc lập”, với lực lượng hạt nhân độc lập ngay cả khi nước này trở lại NATO vào năm 2009. Pháp sẽ đóng cửa khoảng 50 căn cứ quân sự, đơn vị đồn trú và các trung tâm quốc phòng khác trên toàn nước Pháp cùng với 1 trong 4 căn cứ quân sự thường trực của Pháp ở châu Phi. Thay vào đó, 1 căn cứ quân sự thường xuyên ở A-bu Đơ-ha-bi thuộc Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất sẽ được mở. Đây là căn cứ quân sự đầu tiên của Pháp ở Vùng Vịnh.

5. Đối thoại chiến lược kinh tế Mỹ - Trung

Ngày 18-6-2008, cuộc “Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ - Trung Quốc” đã bế mạc. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đồng ý khởi động các cuộc đàm phán về hiệp định đầu tư song phương, mở rộng hợp tác về năng lượng và các vấn đề môi trường. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn những khác biệt về quan điểm đối với tốc độ tự do hóa thị trường của Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Pao-xơn cho biết, một hiệp định về đầu tư sẽ mang đến tín hiệu mạnh mẽ, rằng Mỹ và Trung Quốc hoan nghênh đầu tư. Hai bên sẽ đối xử với các nhà đầu tư mỗi nước một cách công bằng và minh bạch. Về vấn đề năng lượng và môi trường, ông Pao-xơn cho rằng, hiệp định hợp tác trong vòng 10 năm sẽ cho phép hai nước giải quyết một số vấn đề quan trọng nhất nhưng cũng nhiều thách thức nhất như vấn đề an ninh năng lượng, ổn định môi trường và thay đổi khí hậu. Hiệp định mới sẽ khuyến khích các nhà kinh doanh, các nhà khoa học và các cơ sở nghiên cứu chia sẻ hiểu biết cũng như thương mại hóa nguồn năng lượng chuyển đổi và các công nghệ môi trường mới. Đánh giá vấn đề này trong buổi hội kiến với Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn hôm 18-6-2008 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Bu-sơ cho rằng, việc Mỹ và Trung Quốc ký kết “Khung hợp tác năng lượng môi trường 10 năm” thể hiện hai nước có lợi ích chung trong lĩnh vực này, quan hệ Mỹ - Trung có sức sống mạnh mẽ phù hợp với lợi ích quốc gia của hai bên, mong muốn quan hệ hai nước phát triển tiến lên.

6. Trung Quốc và Nhật Bản đạt được thỏa thuận về việc hợp tác thăm dò và khai thác khí đốt ở biển Hoa Đông

Ngày 18-6-2008, Nhật Bản và Trung Quốc chính thức tuyên bố hai bên đạt thỏa thuận về việc hợp tác thăm dò và khai thác khí đốt ở mỏ Xuân Hiểu (tên tiếng Nhật là Shirakaba) nằm trên vùng biển Hoa Đông đang tranh chấp giữa hai nước. Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Ma-sa-hi-cô Cô-mu-ra (Masahiko Komura), nhận xét, thỏa thuận này là một bước đi cụ thể trong tiến trình hòa giải giữa hai nước và là một thí dụ điển hình chứng tỏ hai bên có thể giải quyết các vấn đề phức tạp thông qua đối thoại. Còn Bộ ngoại giao Trung Quốc ra thông báo coi đây là bước phát triển bền vững trong quan hệ Trung - Nhật. Tuy nhiên, hai bên còn tiếp tục đàm phán về các mỏ khí đốt đang còn tranh chấp khác trong biển Hoa Đông. Theo một số chuyên gia tại Bắc Kinh, mặc dù giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều tranh chấp về chủ quyền như đảo Điếu Ngư, phân định Đông Hải ... Tuy nhiên, lãnh đạo hai nước đang nỗ lực nhằm đạt được thoả thuận về khai thác chung tại Đông Hải, nhằm tiến tới loại bỏ được một vật cản quan trọng trong việc phát triển quan hệ Trung - Nhật.

7. EU tuyên bố bãi bỏ trừng phạt đối với Cu-ba

Ngày 19-6-2008, các Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước thành viên EU đang nhóm họp tại Brúc-xen (Bỉ) nhất trí trên nguyên tắc sẽ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Cu-ba từng được áp đặt năm 2003. Theo bà Bê-ni-ta Phê-rê-rô Van-nơ, Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, văn kiện về quyết định này sẽ trình các nhà lãnh đạo cấp cao EU thông qua vào tuần tới. Các Bộ trưởng Ngoại giao EU cũng đồng ý trong vòng một năm tới sẽ có quyết định về việc nối lại đối thoại chính trị với Cu-ba. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, quyết định này của EU chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng bởi từ năm 2005, một số nước EU đã không tuân thủ các biện pháp trừng phạt đối với Cu-ba. Năm 2007, Tây Ban Nha đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Cu-ba. Phó Bí thư báo chí Nhà Trắng tuyên bố, Mỹ thất vọng về quyết định của EU bãi bỏ trừng phạt đối với Cu-ba. Trước đó, Ngày 17-6-2008, trong bộ quần áo thể thao quen thuộc, Lãnh tụ cách mạng Cu-ba Phi-đen Ca-xtrô với dáng hơi gầy, bộ râu đã bạc nhiều, nhưng vẫn khoẻ mạnh và nhanh nhẹn xuất hiện trở lại trong buổi tiếp Tổng thống Vê-nê-du-ê-la, ông Hu-gô Cha-vet đang ở thăm La Ha-ba-na. Hai bên đã bàn luận vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay trên thế giới và những biện pháp đối phó như tăng cường sản xuất nông nghiệp; các vấn đề liên quan tới cuộc chạy đua vũ trang; cuộc bầu cử ở Mỹ; tình hình liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới. Đây là lần đầu tiên sau gần nửa năm, Lãnh tụ cách mạng Cu-ba Phi-đen Ca-xtrô xuất hiện trở lại trên truyền hình.

8. Hy vọng hoà bình mong manh trên Dải Ga-da

Theo thông báo của ông Ma-hơ-mút An-da-hơ (Mahmoud al-Zahar), Thủ lĩnh Phong trào Ha-mat, người được Ai Cập chọn làm trung gian hòa giải, I-xra-en và các phe phái ở Pa-let-xtin nhất trí thỏa thuận ngừng bắn song phương giữa I-xra-en và Pa-let-xtin. Thoả thuận này sẽ có hiệu lực kể từ 3 giờ (giờ GMT) ngày 19-6-2008. Theo thỏa thuận mới này, I-xra-en sẽ nới lỏng phong tỏa trong vòng 1 năm đối với hoạt động cung cấp nhiên liệu, lương thực và thuốc men cho Pa-let-xtin và ngừng các chiến dịch quân sự kéo dài lâu nay với mục đích ngăn chặn các cuộc phóng tên lửa từ Dải Ga-da sang lãnh thổ I-xra-en. Phong trào Ha-mát hiện đang kiểm soát Ga-da khẳng định rằng, các tay súng của họ sẽ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. Phía bên kia, người phát ngôn chính phủ I-xra-en hy vọng, thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực sẽ góp phần chấm dứt các cuộc tấn công sang miền nam I-xra-en. Cũng theo thỏa thuận ngừng bắn này, Ai Cập cam kết sẽ ngăn chặn nạn buôn lậu vũ khí từ lãnh thổ của họ vào dải Ga-da. Thoả thuận này nhen lại niềm hy vọng hoà bình mong manh trên Dải Ga-da, bởi đây không phải là lệnh ngừng bắn đầu tiên trên dải đất đầy xung đột này. Hai tuần sau, các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan gồm I-xra-en, Ha-mat, chính quyền Pa-let-xtin và EU sẽ được tổ chức để bàn về việc mở lại cửa khẩu biên giới Ra-pha sang Ai Cập.

9. Hội nghị đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ 5 cam kết hợp tác giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu

Hội nghị đối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP) lần thứ 5 bế mạc tại Bắc Kinh chiều 20-6-2008 với một cam kết đẩy mạnh hợp tác hướng tới giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu. Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 20-6-2008, các nghị sĩ ASEP đề nghị các nước, đặc biệt là các nước phát triển, cần có biện pháp tăng viện trợ ngắn hạn, khuyến khích phát triển bền vững những mặt hàng nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất nông nghiệp để tăng khả năng tự cung cấp lương thực và đảm bảo an ninh lương thực. Các nghị sĩ đã bày tỏ lo ngại về tiến triển chậm chạp trong các cuộc đàm phán thương mại đa phương, về sự biến động liên tục của các thị trường tài chính quốc tế và vấn đề thay đổi khí hậu. Đồng thời, yêu cầu các chính phủ thúc đẩy Vòng đàm phán Đô-ha để sớm ký kết một hiệp định tổng thể và công bằng trong năm nay nếu có thể. Các nghị sĩ kêu gọi các đối tác tham gia Hội nghị Á - Âu (ASEM) tăng cường đối thoại và hợp tác trong các chính sách tài chính để cùng đảm bảo sự ổn định cho thị trường tài chính khu vực; tuân thủ Hiệp ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc và nỗ lực tạo điều kiện thực thi hiệp ước một cách đầy đủ, có hiệu quả và bền vững thông qua sự hợp tác lâu dài. Các nghị sĩ nhất trí cho rằng, các nước phát triển cần thực hiện càng sớm càng tốt cam kết tăng ODA lên 0,7% tổng thu nhập quốc gia (GNI) để giảm đói nghèo và hỗ trợ các kế hoạch phát triển của các nước đang phát triển./.