Ngày 8-8, Hội nghị “Tổng kết hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003” đã được tổ chức tại TP. Đà Nẵng. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện một số vụ, ban của Quốc hội, đại diện Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo TP. Đà Nẵng…

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh: Giám sát là một trong ba chức năng của Quốc hội, đã được Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật quy định, trong đó, quan trọng nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện, cùng với những kết quả đã đạt được, trước những thay đổi và yêu cầu của thực tiễn, đã đến lúc tổng kết, đánh giá một cách toàn diện về việc thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003; trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm cho hoạt động giám sát của Quốc hội đạt hiệu lực, hiệu quả cao hơn, gắn kết hơn với cuộc sống và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong đổi mới hoạt động của Quốc hội, yêu cầu của thực tế cuộc sống và mong mỏi của nhân dân.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất nhận định, trên cơ sở quy định của Luật, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng được quan tâm đẩy mạnh; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp, hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã có những chuyển biến khá rõ nét. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc trong cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và đất nước. Cách thức giám sát của Quốc hội cũng ngày càng được cải tiến, hoàn thiện… Nhờ đó, hoạt động giám sát của Quốc hội đã mang lại nhiều kết quả thiết thực; góp phần giúp các cơ quan chịu sự giám sát và cả cơ quan giám sát thấy rõ hơn trách nhiệm liên quan, thúc đẩy các cơ quan nhà nước khắc phục những thiếu sót, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận hoan nghênh, đánh giá cao.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Phạm vi giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn rộng, chưa thật rõ; trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm sau giám sát của các chủ thể còn chung chung; có quy định còn chưa phù hợp, có quy định chưa được thực hiện trong thực tế; quy trình, thủ tục nhiều hoạt động còn thiếu, chưa rõ dẫn tới làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát; hiệu lực thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát còn hạn chế…

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận và có nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị về nội dung của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 như: Luật cần bổ sung chế tài đủ mạnh trong việc kết luận giám sát; quy định bổ sung thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh chương trình giám sát của Quốc hội; quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thành lập đoàn giám sát của các ban, hội đồng, các đại biểu Quốc hội; quy định thêm một số thủ tục về công tác chuẩn bị chất vấn…/.