Sáng 7-8, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2013 - 2018 với sự tham dự của hơn 260 đại biểu đại diện cho trên 5.000 doanh nhân cựu chiến binh, cựu quân nhân cả nước.

Tham dự Đại hội có: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Được; đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành đoàn thể; các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Việt Nam qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; đại diện các doanh nhân cựu chiến binh, cựu quân nhân...

Phát biểu khai mạc Đại hội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam Lê Thành Tâm nêu rõ: Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của các cựu chiến binh, cựu quân nhân là doanh nhân đang sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Hiệp hội hoạt động với tôn chỉ vì sự phát triển sản xuất, kinh doanh nói chung; phát triển, bảo vệ và hỗ trợ các hội viên hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; là chỗ dựa vững chắc về tổ chức, pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các hội viên doanh nhân cựu chiến binh, cựu quân nhân.

Với mục đích tập hợp và đoàn kết các doanh nhân cựu chiến binh, cựu quân nhân, Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam sẽ làm tốt công tác chăm lo, giúp đỡ hội viên; giúp đỡ nhau đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, làm giàu hợp pháp; tạo điều kiện giúp đỡ các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; mở rộng giao lưu giữa các hội viên với các doanh nhân trong và ngoài nước phương châm "Đoàn kết, nghĩa tình, hợp tác cùng phát triển".

Trong 5 năm tới, Hiệp hội doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam phát huy truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, làm giàu chính đáng, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh còn gặp khó khăn từng bước vươn lên trong cuộc sống; quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách, tăng cường các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa và xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động phục vụ lợi ích của hội viên, tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau để hỗ trợ, hợp tác giúp nhau trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Hằng năm, Hiệp hội sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho các doanh nhân và cán bộ doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả như tham quan, hội thảo, hội chợ, học tập kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu... cho hội viên ở trong và ngoài nước.

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phong trào cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, làm giàu hợp pháp đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương và đất nước. Từ phong trào, nhiều cựu chiến binh đã vượt qua khó khăn, năng động, sáng tạo, tìm ra những mô hình làm kinh tế phù hợp, hiệu quả, trở thành những doanh nhân thành đạt. Với sự phát triển, trưởng thành, đội ngũ doanh nhân cựu chiến binh ngày càng đông đảo, việc ra đời Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam là điều tất yếu. Đây là mốc đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cựu chiến binh trên mặt trận kinh tế, là niềm vui của các doanh nhân cựu chiến binh nói riêng, của Hội Cựu chiến binh Việt Nam nói chung.

Nêu rõ việc thành lập Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam thể hiện sự quan tâm và tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng cựu chiến binh trên mặt trận kinh tế, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tập hợp, đoàn kết các cựu chiến binh; bảo vệ và hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả; hỗ trợ hội viên nâng cao trình độ, kiến thức quản trị kinh doanh, tổ chức nghiên cứu, khảo sát thị trường, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ đăng ký thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm và đào tạo nghề, tạo điều kiện cho hội viên tham gia hội thảo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các doanh nhân trong và ngoài nước.

Đồng thời, quan tâm, chăm lo giúp đỡ nhau trong cuộc sống, gắn bó tình bạn chiến đấu, tình đồng chí, đồng nghiệp và tạo điều kiện giúp các thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Hiệp hội cần làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước trong sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cựu chiến binh phải là những doanh nghiệp, doanh nhân mẫu mực trong việc chấp hành đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa trong doanh nghiệp; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người lao động; thực sự là những “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế.

Hiệp hội cần chú trọng xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, gắn nghĩa vụ và quyền lợi, kết hợp hài hòa lợi ích của tập thể với lợi ích thiết thực của từng hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; thường xuyên quan hệ chặt chẽ với Hội Cựu chiến binh các cấp; giải quyết tốt mối quan hệ với các cơ quan có liên quan đến phạm vi và lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tin tưởng các doanh nhân cựu chiến binh tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, trở thành những doanh nhân kiểu mẫu, đạt được những thành công mới trên mặt trận kinh tế./.