Lào Cai chăm lo xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng lớn mạnh

Hồng Minh Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại & Du lịch tỉnh Lào Cai
09:43, ngày 21-05-2013
TCCSĐT - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, vai trò, vị trí của giai cấp công nhân được nâng lên rõ rệt; đội ngũ công nhân đã đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

 

Ngay sau khi Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành kế hoạch và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; đồng thời tổ chức hội nghị học tập, quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Do đó, việc nghiên cứu học tập và thực hiện Nghị quyết số 20 gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng phong phú, phù hợp với từng ngành nghề, từng đơn vị cơ sở. Từ năm 2008 đến nay đã tổ chức được 2.330 buổi tuyên truyền cho gần 210 nghìn lượt đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Qua đó, đã góp phần đẩy mạnh việc giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức lối sống cho công nhân, viên chức, lao động; khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống.

 

Đồng chí Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai Tạ Thị Thu Huyền cho biết, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo đưa nội dung Nghị quyết vào chương trình hành động của công đoàn các cấp; do đó việc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết ở các cấp công đoàn trong tỉnh được thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Đến nay, việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức và người lao động về vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ công nhân, viên chức, lao động tỉnh Lào Cai nói riêng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; việc nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

 

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động có sự phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần trên 77.700 công nhân, viên chức, lao động. Trong đó, khối sản xuất - kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế có gần 46.000 người. Cơ cấu đội ngũ công nhân, viên chức, lao động có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ lao động trẻ trong các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, du lịch và trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Chất lượng đội ngũ này đã có sự chuyển biến tích cực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, trình độ lý luận chính trị đươc nâng lên. Hiện nay, công nhân, viên chức, lao động có trình độ từ cao đẳng đến sau đại học chiếm tỷ lệ gần 40,7%, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ trên 37%.

 

Để nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp cho công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn, Tỉnh ủy Lào Cai đã phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho người lao động tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, đã đào tạo cho gần 16.200 người; gồm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng... Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho 11.330 người lao động; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo gần 30%, trong đó ở những đơn vị có tổ chức công đoàn tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%.

 

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng giai cấp công nhân, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 23-2-1010 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Phạm Ngọc Lương cho biết: Đến nay, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của 79 doanh nghiệp (tăng 40% so năm 2008) với gần 12.200 công nhân, viên chức, lao động. Có 70 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (tăng 20% so năm 2008) với tổng số 2.617 đảng viên; có nhiều loại hình tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Do đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho các cấp ỷ Đảng, các đoàn thể trong Khối về xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặc biệt được coi trọng.

 

Đi đôi với tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, việc xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh luôn được quan tâm thực hiện. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới được 188 công đoàn cơ sở và phát triển được thêm gần 7.800 đoàn viên công đoàn. Công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của công đoàn tập trung vào việc tổ chức cho đoàn viên công nhân, viên chức, lao động tham gia ý kiến xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Vận động công nhân, viên chức, lao động tích cực tham gia đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng; giới thiệu đoàn viên ưu tú tham gia vào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp được triển khai tích cực. Trong 5 năm qua, đã có 9.767 công nhân, viên chức, lao động là những đoàn viên ưu tú được giới thiệu cho Đảng, trong đó có 7.039 đoàn viên được kết nạp Đảng.

 

Để chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động, các cấp công đoàn đã chủ động, phối hợp tham gia với cơ quan chức năng ở địa phương, chủ các doanh nghiệp nắm bắt tình hình về sản xuất - kinh doanh, tham gia giải quyết có hiệu quả những kiến nghị của công nhân về việc làm, tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các thiết chế văn hóa… Kết quả cho thấy, nhiều công đoàn cơ sở doanh nghiệp đã chủ động tham gia với người sử dụng lao động xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, vận động công nhân mua cổ phần trong các doanh nghiệp cổ phần hóa; phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đại hội công nhân viên chức (năm 2012, đại hội công nhân viên chức đạt 100%, tăng 28% so 2008; hội nghị người lao động đạt 79%, tăng 2,3% so năm 2008). Công đoàn các cấp còn chủ động tham gia với lãnh đạo chuyên môn quan tâm chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt cho công nhân lao động. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho công nhân; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, nghỉ dưỡng sức cho người lao động.

 

Phát huy sức mạnh của giai cấp công nhân, các cấp công đoàn tỉnh Lào Cai đã phối hợp với lãnh đạo ở các đơn vị cơ sở vận động đông đảo người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đó là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Thi đua học tập nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp cho công nhân, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”;... Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã có 6.039 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất với giá trị làm lợi đạt 64,7 tỷ đồng. Tiêu biểu là Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam có 152 sáng kiến, giải pháp mang lại giá trị làm lợi 38 tỷ đồng; Công ty Luyện đồng Lào Cai có 38 sáng kiến làm lợi 14,7 tỷ đồng và hàng nghìn sáng kiến kinh nghiệm của các ngành trên nhiều lĩnh vực được áp dụng hiệu quả. Đây thực sự là kết quả phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động, khắc phục khó khăn của công nhân, viên chức, lao động.

 

Thách thức không nhỏ

 

Thực tế sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X cho thấy vẫn còn những thách thức, khó khăn mà địa phương cần phải có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Đó là, việc triển khai, quán triệt, thực hiện Nghị quyết ở một số cấp ủy đảng cơ sở chưa thực sự quyết liệt, chưa quan tâm phổ biến rộng rãi đến đông đảo công nhân lao động. Đến nay, nhận thức của một bộ phận công nhân lao động về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân, sự am hiểu về chính sách pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của công nhân nhất là ở khu vực ngoài Nhà nước còn nhiều hạn chế.

 

Vấn đề việc làm, tiền lương, thu nhập, đời sống của công nhân lao động, nhất là công nhân trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn (tính riêng năm 2012 có 177 doanh  nghiệp giải thể, 158 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 439 công nhân lao động mất việc làm). Các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động chưa được đầu tư thỏa đáng. Công tác bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động tuy có tiến bộ nhưng tai nạn lao động vẫn còn xảy ra và bệnh nghề nghiệp vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

 

Một số vấn đề bức xúc, cấp bách của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động như: nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cơ sở nuôi dạy trẻ... chưa chuyển biến rõ nét. Vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động chưa có kế hoạch cục thể và chưa tạo điều kiện về kinh phí, thời gian để nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho công nhân, viên chức, lao động trong đơn vị.

 

Đặc biệt, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp về xây dựng phát triển đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trong thời kỳ đổi mới còn chưa đầy đủ, chưa chú trọng đúng mức. Do đó, tỷ lệ doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên và tổ chức cơ sở Đảng chưa đạt yêu cầu đề ra.

 

Bên cạnh đó, năng lực, trình độ hiểu biết pháp luật của một số cán bộ công đoàn cơ sở còn hạn chế, e ngại không dám đấu tranh; một bộ phận công nhân lao động chưa có ý thức trong học tập, rèn luyện về trình độ chuyên môn, nhận thức chính trị và tác phong công nghiệp trong lao động...

 

Vượt khó đi lên

 

Thực tiễn 5 năm qua đã cho thấy việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X là yêu cầu cần thiết nhằm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam tương xứng với vai trò và trọng trách trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế về phát triển kinh tế cửa khẩu, phát triển công nghiệp khai khoáng, nông - lâm nghiệp; do đó, việc xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn ngày càng lớn về số lượng, mạnh về chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ sau:

 

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công nhân, lao động và toàn xã hội về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và trách nhiệm của các hệ thống chính trị đối với việc xây dựng đội ngũ công nhân trong thời kỳ mới.

 

Thứ hai, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động theo hướng đang dạng hóa hình thức tuyên truyền; nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; thường xuyên nắm chắc tâm tư nguyện vọng, nhu cầu của đội ngũ cán bộ công nhân, viên chức, lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, ý thức giác ngộ giai cấp...

 

Thứ ba, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là công nhân trẻ, công nhân xuất thân từ nông thôn, công nhân là người dân tộc thiểu số, công nhân nữ nhằm phát triển về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý cơ cấu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, dạy nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo; giúp cho người học nghề lựa chọn được ngành nghề phù hợp với nguyên vọng, năng lực của bản thân, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Thứ tư, chú trọng việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội trong khối doanh nghiệp trên địa bàn phù hợp với từng thành phần kinh tế; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, tổ chức công đoàn và đoàn thể trong khối doanh nghiệp; chăm lo công tác bồi dưỡng giới thiệu đoàn viên công đoàn, công nhân ưu tú trong các doanh nghiệp để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng ở cơ sở.

 

Thứ năm, các cấp công đoàn trong tỉnh cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước trong đội ngũ cán bộ công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn; phát hiện và tham mưu đề xuất biện pháp giải quyết những bất cập của cơ chế chính sách hiện hành, nhất là chế độ chính sách về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh./.