Họp báo nhân kỷ niệm 19 năm Nam Phi Tự do và 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nam Phi - Việt Nam
TCCSĐT- Chiều ngày 24-4, tại Hà Nội, Đại sứ quán nước Cộng hòa Nam Phi đã tổ chức họp báo nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Nam Phi tự do (27-4-1994 - 27-4-2013) và 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa Nam Phi và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (22-12-1993 - 22-12-2013).
Quan hệ Nam Phi - Việt Nam và cơ hội đầu tư tại Nam Phi
Tại buổi họp báo, bà Gô-mốt-xô Rút Ma-gao (Kgomotso Ruth Magau), Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam cho biết, ngày 27-4-2013 là ngày nhân dân Nam Phi kỷ niệm 19 năm Ngày Nam Phi tự do. Năm nay cũng là năm hai nước Nam Phi và Việt Nam kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bà K. R. Ma-gao nhấn mạnh, việc Nam Phi và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngay trước khi Nam Phi tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào tháng 4-1994 là một quyết định đúng đắn khi cả hai dân tộc đang nỗ lực vươn lên xây dựng, tái thiết, phát triển đất nước. Hai mươi năm qua, mối quan hệ đó được vun đắp, củng cố để nhân dân hai nước có thể cùng nhau phát triển, trao đổi kinh nghiệm và cùng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm nay là cơ hội để Nam Phi và Việt Nam cùng suy nghĩ và xem xét những cơ hội hợp tác thiết thực để đưa đất nước tiến lên phía trước, xây dựng một xã hội thịnh vượng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo, người dân lao động, trong một môi trường hòa bình và ổn định.
Bà K. R. Ma-gao cũng cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Nam Phi và Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ to lớn, đã diễn ra những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, nhiều thỏa thuận song phương và biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực chiến lược mà hai bên cùng quan tâm đã được ký kết. Hiện nay, Nam Phi là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Phi, với kim ngạch thương mại song phương tăng từ 192 triệu USD (năm 2007) lên 640 triệu USD (năm 2011); đồng thời là điểm đến đầu tư khả thi và sinh lợi đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Giới thiệu về đất nước Nam Phi và cơ hội đầu tư tại đây, Đại sứ Nam Phi cho biết, quốc gia này hiện là thành viên của nhóm các nước G-20, BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), Diễn đàn Đối thoại cấp cao giữa nhóm các nước gồm Ấn Độ, Bra-xin, Nam Phi (IBSA) và đang hoạt động tích cực trong một số diễn đàn kinh tế và diễn đàn đa phương, có vị trí quan trọng trong các thị trường đang phát triển và trong nền kinh tế toàn cầu. Nam Phi có kết cấu hạ tầng, dịch vụ tài chính và hệ thống ngân hàng đứng thứ 10 trên toàn cầu; liên kết với các phần còn lại của châu Phi, đặc biệt là với 14 quốc gia trong Khối Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC). Sự hình thành của SADC, Cộng đồng Đông Phi và Thị trường chung của Hiệp định Thương mại tự do miền Đông và miền Nam châu Phi với tổng dân số khoảng 600 triệu người còn tạo ra một thị trường khá lớn cho đầu tư và thương mại. Ngoài ra, Nam Phi cũng có một khuôn khổ pháp lý tốt và tòa án độc lập, bảo đảm tôn trọng các quyền và nghĩa vụ thương mại. Vì vậy, các nhà đầu tư Việt Nam và các đối tác thương mại của Nam Phi có thể yên tâm về những điều kiện thực thi bảo đảm cho thương mại và đầu tư.
“Huy động xã hội hướng tới sự hợp nhất dân chủ và tự do”
Đại sứ K. R. Ma-gao cho biết, mặc dù, Nam Phi đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong gần 20 năm qua, nhưng Nam Phi vẫn còn là một xã hội trong đó có nhiều người vẫn phải sống trong đói nghèo và thất nghiệp. Do đó, với chủ đề “Huy động xã hội hướng tới sự hợp nhất dân chủ và tự do của chúng ta”, lễ kỷ niệm 19 năm Ngày Nam Phi tự do còn là một lời kêu gọi cấp thiết gửi đến toàn thể nhân dân Nam Phi với mong muốn mọi người dân cùng chung sức xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, cũng như sát cánh bên nhau vượt qua những thách thức trước mắt. Thông qua Kế hoạch Phát triển quốc gia (NDP), Nam Phi đang phấn đấu để xây dựng một xã hội dân chủ thực sự, pháp quyền, thể hiện sự tôn trọng nhân quyền cơ bản của tất cả mọi người dân Nam Phi không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính như đã được đề ra trong Hiến pháp và Hiến chương Tự do của Nam Phi.
Tại buổi họp báo, thay mặt Chính phủ và nhân dân Nam Phi, Đại sứ K. R. Ma-gao, gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhân sự kiện Việt Nam kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2013, đồng thời nhấn mạnh Nam Phi luôn đặc biệt coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và xem Việt Nam là một người bạn đồng minh lâu đời, đã luôn ủng hộ Nam Phi trong suốt thời kỳ khó khăn. Đại sứ K. R. Ma-gao bày tỏ mong muốn quan hệ hai nước Nam Phi và Việt Nam sẽ ngày càng phát triển thông qua việc gia tăng các hoạt động trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và nhiều lĩnh vực khác./.
Góp ý trực tuyến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)  (24/04/2013)
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp Trưởng đoàn Giám sát kinh tế vĩ mô - Quỹ Tiền tệ Quốc tế  (24/04/2013)
Bản đồ Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam  (24/04/2013)
ASEAN 22: "Người dân của chúng ta - Tương lai của chúng ta"  (24/04/2013)
Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP)  (24/04/2013)
Nhật Bản và Trung Quốc tìm cách làm dịu căng thẳng  (24/04/2013)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên