Về quyền của người cao tuổi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Trên thế giới, quyền của người cao tuổi được chế định trong Nghị quyết 46/91 năm 1991 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nguyên tắc của Liên hợp quốc về người cao tuổi. Quyền của người cao tuổi nói chung bao gồm:
a/ Quyền: được sống và phát triển, có họ tên và quốc tịch,...
b/ Tự do (hay quyền cơ bản): tự do tiếp nhận thông tin, tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo,...
c/ Trách nhiệm của xã hội: thực hiện các quyền của người cao tuổi, có quyền và nghĩa vụ định hướng và đưa ra những chỉ dẫn phù hợp,...
Nội dung quyền của người cao tuổi được phân thành 4 nhóm: a/ Nhóm quyền được sống hay được tồn tại; b/ Nhóm quyền được bảo vệ; c/ Nhóm quyền được phát triển; d/ Nhóm quyền được tham gia. Các nội dung này đều nhằm thực hiện các nguyên tắc của Liên hợp quốc về người cao tuổi, gồm: nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tham gia, nguyên tắc chăm sóc và nguyên tắc hoàn thiện (1).
Ở Việt Nam, quyền của người cao tuổi được chế định trong các bản Hiến pháp trước đây. Trong Hiến pháp năm 1992, quyền của người cao tuổi được chế định trực tiếp trong Điều 67 và được hàm chứa trong một số điều khác. Quyền của người cao tuổi được thể chế hóa trong nhiều bộ luật và luật, mà tập trung là Luật về người cao tuổi (năm 2009). Người cao tuổi được quy định trong luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Theo Luật này thì người cao tuổi Việt Nam có các quyền sau:
- Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ;
- Quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn;
- Được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi;
- Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khoẻ, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi;
- Được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp;
- Được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác;
- Được tham gia Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Và người cao tuổi có các nghĩa vụ sau:
- Nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực; giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, cộng đồng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
- Truyền đạt kinh nghiệm quý cho thế hệ sau;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là những tiền đề quan trọng để sửa đổi, bổ sung và phát triển quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Việc chế định quyền của người cao tuổi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Thứ nhất, quyền gián tiếp hay quyền thụ động
Điều 63 (sửa đổi, bổ sung Điều 67)
1. Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững, trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ hai, quyền được hàm chứa trong việc chế định các quyền con người, quyền công dân
Điều 16 (mới): 1. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Điều 17 (sửa đổi, bổ sung Điều 52): 1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Điều 21 (mới): Mọi người có quyền sống.
Điều 22 (sửa đổi, bổ sung Điều 71): 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. 2. Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người. 3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý.
Điều 23 (sửa đổi, bổ sung Điều 73): 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý. 2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định.
Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 70): 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo,...
Điều 31 (sửa đổi, bổ sung Điều 74): 1. Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. 3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.
Điều 32 (sửa đổi, bổ sung Điều 72): 1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. 2. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm. 3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa. 4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.
Điều 33 (sửa đổi, bổ sung Điều 58): 1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 57 và Điều 58. 2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.
Điều 34 (sửa đổi, bổ sung Điều 57): 1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh. 2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh.
Điều 43 (sửa đổi, bổ sung Điều 60): 1. Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật.
Điều 44 (mới): Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa.
Điều 46 (mới): 1. Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành. 2. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Nhận xét về ưu, nhược điểm trong việc chế định quyền của người cao tuổi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
- Ưu điểm:
+ Đối với người cao tuổi, cần thiết phải xác định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người cao tuổi. Còn ở những quyền hàm chứa trong các quyền con người, quyền công dân, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã cơ bản khắc phục được sự nhầm lẫn giữa quyền con người với quyền công dân cũng như chuyển được cách thức thiết lập quyền từ chỗ quy định dưới dạng Nhà nước “quyết định” quyền cho công dân và mọi người, sang việc công dân và mọi người được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên và Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của người cao tuổi.
+ Dành cho quyền của người cao tuổi một khuôn khổ khá rộng lớn các quyền hàm chứa trong các quyền con người, quyền công dân mà pháp luật nhân quyền quốc tế và nhiều hiến pháp của các nước trên thế giới đã ghi nhận; trong đó có một số quyền mới (quyền sống, quyền nghiên cứu khoa học, và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật; quyền được sống trong môi trường trong lành;...).
- Nhược điểm: Thiếu hình thức chế định quyền trực tiếp của người cao tuổi. Điều 63 (sửa đổi, bổ sung Điều 67) thực chất là chế định quyền gián tiếp hay quyền thụ động của người cao tuổi, vì để được thụ hưởng quyền này, người cao tuổi phải dựa vào việc “Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững”. Cách thức chế định này không phù hợp với Luật về người cao tuổi (năm 2009), trong đó xác định người cao tuổi có 8 quyền và các quyền khác theo luật định.
Kiến nghị
- Nên có một khoản trong Điều 63, chế định riêng về quyền của người cao tuổi.
- Để bảo đảm sự bình đẳng giữa các quyền hiến định và luật định, nên có một khoản, tốt nhất là một điều ở Chương 2, quy định về sự bình đẳng giữa các quyền hiến định và luật định, trong đó có quyền của người cao tuổi.
- Nhiều điều trong Dự thảo ràng buộc các quyền hiến định “theo” và do đó, thấp hơn “quy định của pháp luật”. Vì thế nên thay chữ “theo” bằng chữ “do” hay chữ “bằng”./.
--------------------------------------------------------------
(1) Giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb. Lao động Xã hội, H. 2011, tr, 613-614.
BFA 2013 - “Hợp tác cùng phát triển”  (23/04/2013)
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng góp phần phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đạt hiệu quả.  (23/04/2013)
Bắc Ninh: Tập trung nguồn lực cho chính sách an sinh xã hội  (23/04/2013)
Thủ tướng dự khánh thành Nhà máy sữa hiện đại nhất châu Á  (22/04/2013)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên