Tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động, nhất là lao động nữ: Nên hay không nên?
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Tuổi nghỉ hưu không nên tăng ồ ạt, dàn đều
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nếu nâng tuổi nghỉ hưu một cách ồ ạt sẽ dẫn đến chuyện phá vỡ cơ cấu, quy hoạch đội ngũ cán bộ tương lai.
Thực tế, khi Bộ luật Lao động chưa ban hành, chưa sửa đổi thì chúng ta đã thực hiện việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cho nhóm lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tối đa là 5 năm. Nhưng nhóm đối tượng áp dụng chỉ gồm thứ trưởng và phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; nhóm kỹ sư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Các đối tượng này được giữ lại với hai điều kiện: không tham gia quản lý và phải do nhu cầu sử dụng lao động, người lao động có nhu cầu và đủ điều kiện tiếp tục làm việc.
Trong luật sửa đổi lần này, chúng ta chỉ nói là có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và quản lý thì được nâng tuổi nghỉ hưu tối đa không quá 5 năm. Việc nâng tuổi nghỉ hưu như vậy giải quyết hai vấn đề: phát huy năng lực, trí tuệ, tài năng của nhóm lao động này để góp phần cho quá trình phát triển đất nước; thứ hai, góp phần bảo đảm cân bằng quỹ hưu trí tương lai. Cũng có ý kiến nói rằng, việc nâng tuổi liên quan đến “lợi ích nhóm”. Nếu cách làm của chúng ta không tốt thì chuyện đó có thể xảy ra.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, chúng ta phải nghiên cứu, tính toán thêm tình hình thực tiễn đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng (bắt đầu từ năm 2007) và có thể kéo dài trong 20 - 30 năm. Số lượng học sinh, thanh niên được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật… ngày càng nhiều. Nếu họ không có vị trí công việc thì đây cũng là một sự lãng phí xã hội. Nhưng nếu vì chuyện tuổi tác mà chúng ta lại đưa ra một nhóm đối tượng quản lý có chuyên môn, kỹ thuật cao thì cũng là bài toán về lãng phí chất xám. Quy định của pháp luật là vậy nhưng chúng ta phải tính toán cụ thể.
Nếu nâng tuổi nghỉ hưu một cách ồ ạt thì cũng có chuyện giữ lại các vị trí lãnh đạo chủ chốt dẫn đến chuyện phá vỡ cơ cấu, quy hoạch đội ngũ cán bộ tương lai. Vì thế, phải tính toán lộ trình thích hợp. Lộ trình ưu tiên trước hết là phải giải quyết việc nghỉ hưu của nữ, vì nhiệm vụ cấp bách của chúng ta là giải quyết bình đẳng giới. Không nhất thiết phải nâng đồng bộ tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ. Vì nếu lại đặt ra vấn đề cả nam nữ phải theo lộ trình đồng bộ thì có thể bất bình đẳng giới lại xảy ra.
Tương lai, dù sớm hay muộn thời kỳ dân số vàng cũng qua đi, lúc đó tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ phải nâng lên. Trong Khoản 3 Điều 187 có nêu, tuổi kéo dài tối đa không quá 5 năm. Khi hướng dẫn phải linh hoạt làm sao để người nào đáp ứng được 2 năm thì đề nghị sử dụng 2 năm… bảo đảm cân bằng giữa sức khỏe và nguồn nhân lực.
Khoảng từ năm 2018 cần có lộ trình cứ 2 năm nâng 1 tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ và vài ba năm nâng tuổi cho nam. Để đến năm 2028 có thể tuổi nghỉ hưu của tất cả lao động là 60 tuổi.
Theo quan sát của mình, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng nhiều người có năng lực lại không muốn kéo dài thời gian làm việc, vì không trong quan hệ lao động nhà nước người ta vẫn có thể có việc làm, vẫn có thu nhập cao hơn. Còn trong số những người muốn kéo dài, cũng có nhiều người có năng lực thực sự nhưng có thể có một bộ phận không nhỏ có sức ỳ lớn, chưa muốn thoát ly khỏi Nhà nước. Những người đã có năng lực thì không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu trong cơ chế thị trường. Nhưng chúng ta cũng phải tính đến chuyện đóng góp phải phù hợp hưởng thụ.
Tuy nhiên, không cần giữ chức vụ lãnh đạo cho đối tượng kéo dài tuổi nghỉ hưu. Nếu bù đắp tốt thì người ta vẫn gắn bó với Nhà nước và phải có tiêu chí cụ thể đối với người được kéo dài chứ không phải cứ có vị trí thì được giữ lại.
Nhưng cũng không nên máy móc giữ lại là không giữ chức vụ, có thể giữ chức vụ nếu đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu. Nếu bỏ anh đi thì hệ thống bộ máy không tìm được người thay thế. Còn nếu tìm được người thay thế thì anh phải đứng ra làm chế độ chuyên gia. Nếu kéo dài 5 năm nữa thì người kế tiếp anh không còn tuổi quy hoạch, đề bạt nữa thì lại lãng phí.
Hướng dẫn của Chính phủ phải giúp chúng ta giữ được những người thực sự có tài, có nhu cầu làm việc, đáp ứng yêu cầu, cần thiết cho xã hội.
Còn với ý kiến cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp giải bài toán khó mà quỹ bảo hiểm hưu trí đang gặp phải, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng nguyên tắc của bảo hiểm hưu trí là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Vấn đề đặt ra là không phải là tuổi nghỉ hưu mà cả chính sách đóng, hưởng bảo hiểm. Hiện nay, mất cân bằng về quỹ bảo hiểm xã hội không phải do tuổi nghỉ hưu thấp mà do chúng ta đóng - hưởng không cân đối. Trong khi thực hiện chính sách tiền lương cho người làm công ăn lương thì lại điều chỉnh cả tiền lương cho người đã nghỉ hưu. Thực tế, người nghỉ hưu từ 1-1-1995 trở về trước hoàn toàn là do bao cấp ngân sách chứ không phải bằng tiền đóng bảo hiểm hưu trí như hiện nay. Nếu giải quyết được cả tuổi nghỉ hưu, mức đóng - hưởng thì mới giải quyết được vấn đề.
Ông Mai Đức Chính, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Cân nhắc nếu nâng tuổi nghỉ hưu với lao động nữ làm quản lý
Theo kết quả khảo sát ban đầu của Tổng Liên đoàn Lao động, hiện nay, đa số ý kiến vẫn cho rằng, nên giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu ở nam là 60 tuổi và nữ 55 tuổi. Đặc biệt, nhiều lao động nữ làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại như công nhân các ngành than, khoáng sản, công nhân cao su, dệt may, da giày muốn giảm tuổi nghỉ hưu xuống 50 tuổi. Theo ông Chính, chỉ vì nguy cơ vỡ quỹ BHXH mà tăng tuổi nghỉ hưu cho cả lao động nam và lao động nữ là không hợp lý.
Nghị định 71/2000/NĐ - CP đã cho phép những người có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ khoa học kéo dài thời gian công tác trong trường hợp họ không làm quản lý, chỉ làm công tác chuyên môn. Như vậy, trong việc xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn lần này, chúng ta tiếp tục vận dụng tinh thần Nghị định 71. Theo đó, người lao động làm công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các chuyên gia có trình độ từ tiến sỹ trở lên thì có thể được kéo dài thêm tối đa 5 năm làm việc; còn với cán bộ làm công tác quản lý, theo tôi cần phải cân nhắc rất kỹ. Nếu có kéo dài thời gian làm việc với nhóm đối tượng này thì chỉ nên kéo dài ở cấp vụ trưởng hoặc tương đương trở lên. Đó là tiêu chuẩn đầu tiên, ngoài ra còn phải có những điều kiện ràng buộc như: cơ quan có nhu cầu, bản thân người lao động có nguyện vọng và phải bảo đảm đủ sức khỏe.
Về ý kiến lo ngại, sẽ dễ xảy ra tình trạng “lợi ích nhóm” khi kéo dài thời gian làm việc cho những lao động đảm nhiệm chức vụ quản lý trong cơ quan nhà nước, ông Mai Đức Chính cho rằng chúng ta phải chấp nhận một thực tế là nếu nâng tuổi nghỉ hưu cho những người này sẽ làm “chùn” sự nỗ lực, phấn đấu của những người trẻ. Ví dụ, trong một cơ quan hành chính sự nghiệp có biên chế cố định, khi người lãnh đạo nghỉ hưu thì sẽ có một người mới người thay vào vị trí của họ. Nếu họ ở lại thêm 5 năm nữa trên cương vị lãnh đạo, lớp trẻ sẽ không có nhiều cơ hội thăng tiến.
Do đó, nếu có kéo dài thời gian làm việc thì chỉ nên để họ làm công tác chuyên môn chứ không làm công tác quản lý. Có như vậy thì mới tránh được nguy cơ tồn tại của “lợi ích nhóm”.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền: Đây là vấn đề mà thời gian qua được báo chí phản ánh theo nhiều chiều
Trong tháng 6-2012, Bộ luật Lao động được ban hành, Điều 187 quy định nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi nghỉ hưu, những trường hợp đặc thù có thể nghỉ trước theo quy định tại Khoản 2. Khoản 3 quy định người lao động có trình độ chuyên môn cao, người lao động làm quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu quá tuổi nhưng không quá 5 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Đây là vấn đề nhạy cảm và khó. Chúng tôi được Chính phủ giao chuẩn bị Nghị định này, chúng tôi rất thận trọng, mở rộng thông tin xin ý kiến hai chiều.
Có ý kiến cho rằng những người có kinh nghiệm, nhất là nữ nên kéo dài thời gian nghỉ hưu để phát huy năng lực và cũng là thực hiện bình đẳng giới. Nhưng theo luồng ý kiến khác, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu thì nghĩ gì đến thế hệ trẻ, những người được đào tạo cơ bản mà hiện nay không có việc làm. Có những địa phương 25 nghìn, 15 nghìn người đã được đào tạo chưa có việc làm, vậy chúng ta nghĩ gì về những trường hợp này?
Chúng tôi đang rất cân nhắc và tranh thủ ý kiến một cách thận trọng hơn để tới đây trình Chính phủ phương án theo đúng các quy định của luật nhưng đồng thời xử lý được vấn đề mà 2 luồng ý kiến trên đặt ra. Và phải có lộ trình từng bước để những người có khả năng được tiếp tục trọng dụng và phát huy, và các bạn trẻ có cơ hội việc làm. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xin ý kiến và tới đây hoàn thiện phương án để có được sự đồng thuận cao./.
Phú Yên cần tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển  (07/04/2013)
Tiếp tục xây dựng Không quân nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại  (07/04/2013)
Khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2013  (07/04/2013)
Việt Nam tham dự Hội nghị SOM kinh tế ASEAN tại Bru-nây  (07/04/2013)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 17 từ ngày 9 đến ngày 18-4-2013  (07/04/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên