TCCSĐT - Ngày 14-3-2013, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 (năm thứ 8). Đây là chỉ số đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Mỹ phối hợp thực hiện.

Chỉ số PCI năm 2012 là điều tra thường niên toàn diện nhất về môi trường kinh doanh cấp tỉnh ở Việt Nam. Chỉ số phản ánh ý kiến của hơn 8.000 doanh nghiệp dân doanh trên khắp 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc về chất lượng điều hành kinh tế nơi họ đang hoạt động. Kết quả xếp hạng năm nay có không ít bất ngờ. Lần đầu tiên Đồng Tháp vươn lên dẫn đầu, các vị trí tiếp theo là An Giang và Lào Cai. Hai tỉnh còn lại trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu là Long An và Bắc Ninh, tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất ở Việt Nam.

Báo cáo điều tra PCI năm 2012 nêu ra một số điểm đáng lo ngại. Theo ý kiến của các doanh nghiệp tham gia điều tra, chất lượng điều hành kinh tế các địa phương năm qua thực sự sụt giảm. Điểm số của tỉnh có vị trí trung bình hiện giảm từ 59,15 điểm trong năm 2011 xuống còn 56,2 điểm, mức thấp nhất kể từ khi chỉ số PCI được hiệu chuẩn lại vào năm 2009. Hơn nữa, lần đầu tiên, không một tỉnh nào đạt ngưỡng 65 điểm của nhóm tỉnh có chất lượng điều hành Xuất sắc.

Sự sụt giảm này một phần xuất phát từ tâm lý bi quan về triển vọng kinh doanh. Do đang phải chật vật để tồn tại nên nhiều doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân gây ra tình trạng khó khăn này là do chính sách nhà nước. Dữ liệu năm nay cũng cho thấy chính quyền nhiều địa phương đã nỗ lực thực hiện cải cách hành chính như cắt giảm thời gian chờ cấp giấy đăng ký kinh doanh và giảm số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở các lĩnh vực khác liên quan đến kinh doanh như giảm thiểu tham nhũng hay bảo vệ quyền tài sản và xây dựng các thiết chế pháp lý thì công tác cải cách không hề dễ dàng. Do đó, các tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng những năm trước như Bình Dương, Đà Nẵng, ban đầu vượt trội trong một số lĩnh vực cải cách, nhưng sau đó không có bước tiến nào lớn, trong khi các tỉnh xếp hạng thấp đang dần vươn lên bắt kịp.

Kết quả điều tra PCI năm 2012 cho thấy, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều cảm nhận kém lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh so với các năm trước. Sự lạc quan của các doanh nghiệp giảm đáng kể trong những năm gần đây, từ 76% trước thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xuống mức thấp kỷ lục 33% vào năm 2012. Cũng theo kết quả điều tra, các doanh nghiệp cho rằng giá đền bù đất đai chưa phù hợp với thực tế. Doanh nghiệp cũng giảm niềm tin và ít sử dụng các thiết chế pháp lý địa phương để giải quyết tranh chấp, ít sử dụng và chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, càng ngày càng có nhiều tỉnh, thành phố tham khảo dữ liệu chỉ số PCI để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế xã hội tại địa phương, đặc biệt giúp xây dựng chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân./.