Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

PV/TTXVN
10:15, ngày 22-02-2013
TCCSĐT - Bằng trí tuệ và tâm huyết, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

* Ngày 21-2, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5 góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến đánh giá quyền của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được luật hóa trên nhiều phương diện, tạo điều kiện cho đồng bào có cơ hội thuận lợi phát triển về mọi mặt; khẳng định tính nhất quán chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ là bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau để cùng phát triển.

Cùng với sự hoàn thiện từng bước hệ thống pháp luật của đất nước, quyền bình đẳng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được luật hóa, công dân là người các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực đời sống: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh…

Góp ý vào nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, có đại biểu đề xuất cần mở rộng cách thức dân chủ trực tiếp: “Việc gì dân trực tiếp được cứ để dân làm, càng dân chủ trực tiếp càng tốt”. Đại biểu đề nghị cần nâng cao trách nhiệm dân chủ đại diện và đề xuất việc gì dân không trực tiếp được mới thông qua gián tiếp, ngoài thông qua Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và các cơ quan khác của nhà nước, cần phải thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì Mặt trận còn là nơi để nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình, đó vừa là dân chủ trực tiếp, vừa là dân chủ gián tiếp.

Theo đại biểu cách thức này đòi hỏi các cơ quan quyền lực, các đại biểu dân bầu, các công chức nhà nước phải làm tốt trách nhiệm đại diện của dân, không được lạm dụng quyền lực nhà nước của dân; trước khi bàn định công việc phải hỏi ý kiến nhân dân, phải tôn trọng và biết nghe dân nói, sự giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nếu cơ quan quyền lực và công chức nhà nước, đại biểu dân bầu làm không tốt trách nhiệm đại diện của dân thì dân có quyền miễn nhiệm…

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Tráng A Pao cho rằng sửa đổi Hiến pháp phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, đồng thời phải đảm bảo tính kế thừa các Hiến pháp trước đây và trên cơ sở tổng kết 21 năm thi hành Hiến pháp năm 1992; đề nghị giữ nguyên quy định như Hiến pháp hiện hành về Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Theo đại biểu quy định bầu các chức danh Phó Chủ tịch của Hội đồng Dân tộc và Phó Chủ nhiệm của các Ủy ban cùng các Ủy viên của Hội đồng và các Ủy ban để tăng tính dân chủ của đại biểu.

Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nhất trí cao với yêu cầu, quan điểm của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 9 nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đại biểu đánh giá Dự thảo được kết cấu chặt chẽ, khoa học, ngắn gọn và cụ thể, thấm nhuần tư tưởng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Theo đại biểu tại Khoản 2, Điều 8 cần thiết kế lại theo tinh thần quán triệt sâu sắc và thường xuyên thực hiện phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Theo đó nội dung mới được bổ sung của Khoản 2, Điều 8 sẽ là “Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm chống lãng phí.”

Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Sơn Nhin nhất trí với quy định của Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” vào cuối Khoản 1 như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến nhiều nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về lời nói đầu, về chế độ chính trị, về quyền con người, nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, môi trường; về bảo vệ Tổ quốc….

Trong đó các ý kiến tập trung đóng góp về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; đánh giá vấn đề dân tộc và công tác dân tộc trong Hiến pháp sửa đổi đã thể chế hóa tinh thần các Nghị quyết Đại hội X, Đại hội XI cũng như tổng kết thực tiễn về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về các quy định về quyền xác định dân tộc; về quyền bảo tồn phát huy và phát triển văn hóa, giáo dục của đồng bào dân tộc thiểu số; quyền quyết định chính sách dân tộc của Quốc hội và những quy định bổ sung, sửa đổi về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng Dân tộc…

* Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức kỳ họp thứ 6, lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo nguyên tắc tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Góp ý đối với Chương I, các đại biểu khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu, quyết định thắng lợi trong xây dựng và bảo vệ đất nước.

Góp ý vào Chương IX các Điều 115, 116 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp,  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thế Tuy cho rằng nên quy định rõ hệ thống hành chính quốc gia là do Hiến pháp quy định và xem xét việc đổi tên Ủy ban Nhân dân các cấp ở địa phương thành Ủy ban hành chính tại địa phương đó.

Đại biểu Trương Hùng Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh cho rằng Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã quy định rất rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội thông qua Cương lĩnh, Nghị quyết, công tác cán bộ. Tuy nhiên, cần thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp sửa đổi.

Đối với Điều 107 và 112 tại Chương VIII cần quy định rõ hơn nhiệm vụ của Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân.

Đối với Khoản 3, Khoản 4 Điều 108, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Thị Lan Anh cho rằng nên bỏ cụm từ “trừ trường hợp do luật định”. Đối với Điều 120 về thành lập Hội đồng Hiến pháp, các đại biểu góp ý đây là thiết chế mới, Hội đồng Hiến pháp cần được tổ chức theo cơ cấu gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả.

Đối với Chương IX về Chính quyền địa phương, các đại biểu góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần bổ sung điều khoản khẳng định về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Kỳ họp của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã nhận được 175 ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (trong đó có 55 ý kiến góp ý trực tiếp và 120 ý kiến góp ý bằng văn bản).
 
* Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hội nghị gồm đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, cơ quan tư pháp, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư... và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đa số đại biểu đồng tình qua 20 năm thực hiện, Hiến pháp năm 1992 đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việc sửa đổi Hiến pháp là để phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Các đại biểu đã góp ý thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm với Dự thảo về những vấn đề cần làm rõ, đầy đủ, sâu sắc hơn, nhất là các vấn đề về quyền con người, quyền công dân, vấn đề về bảo vệ Tổ quốc...

Chủ tịch Hội Luật Gia tỉnh Bình Thuận Trần Ngọc An cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được sắp xếp khoa học, hợp lý. Lời nói đầu ngắn gọn, thể hiện được quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc, khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã quy định thành một chương riêng, ghi nhận và đảm bảo các quyền con người được tôn trọng và thực hiện.

Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 54, Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường để cho rõ hơn, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “đúng quy định” trước cụm từ “pháp luật”; Điều 57 sửa đổi không cần phải có điều kiện nhà nước có đầu tư, quản lý mới là tài sản công, là sở hữu của toàn dân. Do vậy, cần sửa là “đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời là tài sản toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”.

Tại Khoản 3 Điều 58, các đại biểu đề nghị tách ra làm 2 nhóm gồm: nhóm 1 là thu hồi đất để phục vụ quốc phòng, an ninh; nhóm 2 là thu hồi đất để phục vụ lợi ích phát triển kinh tế - xã hội... Có như vậy người bị thu hồi đất dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh nhầm lẫn dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài và không đúng pháp luật.

Điều 21, Chương II, nhiều đại biểu có ý kiến nên bổ sung cho đầy đủ vì theo Dự thảo “Mọi người có quyền sống” là chưa đủ, vì khi người phạm tội nghiêm trọng, bị án tử hình thì có thực hiện được quyền sống này hay không.

Đại biểu đề nghị bổ sung Khoản 1 Điều 15 “Nhà nước bảo vệ và giúp đỡ những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội” vì hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách xã hội đối với nhóm người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ em, phụ nữ và người nhiễm chất độc da cam, HIV...

Khoản 1 Điều 16, các đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “có nghĩa vụ” thay bằng từ “phải” và thêm từ “hợp pháp”, do đó Dự thảo nên quy định là “Mọi người phải tôn trọng quyền hợp pháp của người khác”.

Cùng với đó, nhiều đại biểu có ý kiến bổ sung Khoản 2 Điều 38 Dự thảo sửa đổi như sau: "Cấm các hành vi không thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động; sử dụng lao động không đúng mục đích..." Chương IV về bảo vệ Tổ quốc, đa số đại biểu đồng tình bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là trách nhiệm của toàn dân, do đó nên thay cụm từ “sự nghiệp” là “trách nhiệm”...

* Cũng trong ngày 21-2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các đồng chí Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, đại diện Ban thường trực các huyện, thành, thị; lãnh đạo các tổ chức thành viên; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc qua các thời kỳ; các chức sắc tôn giáo; đại diện tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số; các nhân sỹ, trí thức về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các ý kiến thảo luận, đóng góp đã tập trung phân tích và làm rõ các nội dung như lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Đại biểu Nguyễn Như Ý, Phó Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Phú Thọ cho rằng: tại Điều "Đảng Cộng sản đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam"... Nên bỏ từ "đồng thời", được sửa là "Đảng Cộng sản Việt Nam đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam." Như vậy vừa ngắn gọn, vừa đủ ý hơn. Tại Điều 107, Khoản 1 "Tòa án nhân dân tối cao và các tòa án khác do luật định", viết như vậy chưa đầy đủ, làm cho người khác khó hiểu, buộc người khác hiểu nhầm là các tòa án khác là các tòa án địa phương, tòa án quân sự.

Cụm từ "các tòa án khác do luật định" chỉ nên dùng cho cơ chế mở, nghĩa là sau này sẽ thành lập tòa án khu vực theo hướng cải cách tư pháp hiện nay hoặc khi cần phải thành lập tòa án đặc biệt.

Hiện nay hệ thống tòa án nhân dân gồm cả các tòa án nhân dân địa phương, các tòa án quân sự được tổ chức trong quân đội như Tòa án quân sự Trung ương, Tòa án quân sự cấp Quân khu, tòa án quân sự khu vực trực thuộc.

Hiến pháp phải ghi nhận đầy đủ, rõ ràng, không thể nói chung chung. Vì vậy phải bổ sung vào Điều 107 như sau: "Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân địa phương, các tòa án quân sự và các tòa án khác theo luật định."

Tại Điều 23, Khoản 1, phải bổ sung thêm hai từ “hợp pháp” vào sau từ thông tin, cụ thể là: “Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin hợp pháp về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý”.

Về quyền con người quy định trong Hiến pháp năm 1992, Đại đức Thích Minh Nghiêm – Trưởng ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh Phú Thọ đề nghị nên gộp Điều 18 (sửa đổi bổ sung Điều 49 cũ) với Điều 19 (sửa đổi bổ sung Điều 75 cũ), và viết lại như sau: "Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam, Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ và giao nộp cho nhà nước khác; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời cộng đồng dân tộc Việt Nam; nhà nước bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương...."

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh.

* Trước đó, ngày 20-2, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa VIII tổ chức kỳ họp thứ 7 chuyên đề đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; trong đó các đại biểu tập trung góp nhiều ý kiến cho các Chương I (Chế độ chính trị), Chương II (Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) và Chương IX (Chính quyền địa phương).

Đối với Chương I, các đại biểu khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu, quyết định thắng lợi trong xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đại biểu Nguyễn Văn Sao, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân tỉnh đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần quy định rõ thêm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội thông qua Cương lĩnh, Nghị quyết, công tác cán bộ, cần thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp sửa đổi, Đảng cần nâng cao năng lực tổ chức để đào tạo đội ngũ cán bộ Nhà nước thật sự là công bộc của dân, chăm lo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Điều 4, Khoản 3 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” là chưa cụ thể, cần bổ sung quy định cán bộ, đảng viên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Đối với Điều 120 về thành lập Hội đồng Hiến pháp, các đại biểu góp ý đây là thiết chế mới, Hội đồng hiến pháp cần được tổ chức theo cơ cấu gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả.

Đại biểu Lê Thành Lượng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long đóng góp: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chỉ quy định “Hội đồng Hiến pháp có chức năng kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp” mà chưa quy định Hội đồng hiến pháp cần có biện pháp chế tài, do đó cần bổ sung “Hội đồng hiến pháp được quyền sửa đổi, hủy bỏ đối với các văn bản quy phạm pháp luật.”

Là đại biểu dân cử, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Long tâm đắc khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quan tâm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân.

Các đại biểu góp ý, Điều 38 Khoản 2 “Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật,” Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần bổ sung “nghiêm cấm các hành vi không thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…, nghiêm cấm hành vi sử dụng lao động không đúng mục đích lao động.”

Đối với Chương IX về Chính quyền địa phương, các đại biểu góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần bổ sung điều khoản khẳng định về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội./.