Kinh nghiệm thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia Thụy Điển
Đến nay, Cơ chế một cửa quốc gia Thụy Điển đã thu được những kết quả rất tốt đẹp. Hằng năm, 94% tờ khai hải quan được gửi bằng phương pháp điện tử. Hệ thống thông tin của Hải quan Thụy Điển hiện nay quản lý hơn 100.000 thông điệp điện tử/ngày.
Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp có thể tiến hành nộp tờ khai hải quan điện tử; nộp đơn xin giấy phép xuất nhập khẩu và giấy phép đối với các mặt hàng chiến lược. Tờ khai xuất nhập khẩu có thể được gửi qua internet hoặc qua hệ thống EDIFACT của doanh nghiệp. Hiện nay, Cơ chế một cửa quốc gia Thụy Điển có sự tham gia của Cơ quan Hải quan, Nông nghiệp, Thương mại, Ủy ban quốc gia về giám sát hàng hóa chiến lược và Cảnh sát. Trong đó, Hải quan là cơ quan đầu mối quốc gia về Cơ chế một cửa.
Cơ chế một cửa quốc gia Thụy Điển đưa ra các quy định liên quan đến hoạt động thương mại và cho phép doanh nghiệp tự động cập nhật những thay đổi về các quy định pháp lý qua mạng internet.
Việc xây dựng Cơ chế một cửa quốc gia Thụy Điển nhằm giải quyết tình trạng chồng chéo về thủ tục hành chính giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Thông qua việc áp dụng giải pháp tích hợp trong Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp chỉ cần gửi thông tin một lần.
Hải quan Thụy Điển vốn là cơ quan hành chính duy nhất có truyền thống lâu dài hoạt động tại biên giới và thực hiện một số nhiệm vụ khác của các cơ quan quản lý biên giới như Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp. Vì vậy, tất cả các hoạt động quản lý biên giới trong Cơ chế một cửa quốc gia đều phải phối hợp với Hải quan. Việc này được thực hiện thông qua chia sẻ thông tin hồ sơ điện tử giữa các cơ quan liên quan.
Lợi ích của Cơ chế một cửa quốc gia
Đối với doanh nghiệp Thụy Điển, Cơ chế một cửa quốc gia giúp giảm thời gian và kinh phí gửi thông tin đến các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng tiếp cận thông tin hơn. Việc cải thiện trong quá trình gửi thông tin đem đến những lợi ích rất rõ ràng cho doanh nghiệp như giảm ách tắc, tăng độ chắc chắn và giảm rào cản thương mại.
Đối với cơ quan Chính phủ, Cơ chế một cửa quốc gia giúp giảm thời gian xử lý công việc hành chính. Bên cạnh đó, nguồn lực sẽ được sử dụng hiệu quả hơn nhờ tập trung vào những vị trí phức tạp và không thể vi tính hóa được. Nhờ Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ quan Hải quan và các cơ quan khác của Chính phủ có thể cải thiện hiệu quả hoạt động quản lý của mình, đồng thời cải thiện dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp.
Quá trình xây dựng Cơ chế một cửa quốc gia
Quá trình xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia được Thụy Điển thực hiện một cách tuần tự và có lộ trình, trong đó bắt đầu với việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, sau đó đến hàng hóa quá cảnh và cuối cùng là hàng hóa nhập khẩu. Việc thu thuế và phát triển hệ thống hỗ trợ như biểu thuế hải quan đã được đưa vào thực hiện phù hợp với yêu cầu triển khai và thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Quá trình phát triển cấu phần đầu tiên của hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia đối với hàng hóa xuất khẩu được bắt đầu thực hiện từ năm 1988 và đi hoạt động từ cuối năm 1989.
Để phục vụ cho việc vận hành hệ thống này, cán bộ Hải quan đã được đào tạo với thời gian từ 16 đến 32 giờ tùy theo vị trí làm việc của họ. Hải quan Thụy Điển đã áp dụng phương pháp “đào tạo các nhà đào tạo”. Trước hết, họ tiến hành đào tạo tập trung các giáo viên và chuyên gia đầu ngành. Sau khi được đào tạo xong, các giáo viên này sẽ thực hiện đào tạo lại cho cán bộ nghiệp vụ của hải quan địa phương.
Những dịch vụ được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Bên cạnh những dịch vụ thông thường về thủ tục hải quan, Cơ chế một cửa quốc gia Thụy Điển còn mang đến những dịch vụ sau:
- Cấp giấy phép nhập khẩu: Dịch vụ này được thực hiện nhờ kết nối giữa hệ thống của Hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước về cấp phép nhập khẩu như Nông nghiệp, Thương mại và Cơ quan quốc gia giám sát hàng hóa chiến lược.
- Thống kê ngoại thương: Thông tin thống kê được lấy từ thông tin tờ khai hải quan. Trên cơ sở đó, Cơ quan Hải quan gửi số liệu thống kê điện tử đến Tổng cục thống kê.
- Thu thuế VAT nhập khẩu (Thuế giá trị gia tăng): Các khoản thuế này được Cơ quan Hải quan thu, sau đó chuyển lại cho Tổng cục Thuế.
- Thuế Hải quan: Việc chuyển các khoản thuế hải quan được thực hiện một cách tự động giữa Cơ quan quản lý nợ quốc gia, Cơ quan Hải quan và Ủy ban châu Âu.
- Vật nuôi: có thể được khai báo điện tử qua internet tới Cơ quan Hải quan và theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp.
- Khai báo súng và vũ khí theo yêu cầu của cảnh sát đối với những người săn bắn.
Cách thức vận hành Cơ chế một cửa quốc gia
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đại lý hải quan là những đối tượng chủ yếu tham gia Cơ chế một cửa quốc gia. Cách thức hoạt động của Cơ chế một cửa quốc gia được thực hiện như sau:
Tờ khai hải quan điện tử được gửi đến hệ thống một cửa quốc gia. Sau đó thông tin liên quan đến bộ, ngành nào thì được chiết xuất gửi đến bộ, ngành đó để xử lý, ví dụ thông tin có tính chất thống kê thì được gửi cho Tổng cục thống kê hoặc doanh nghiệp muốn xin giấy phép thì yêu cầu đó sẽ được gửi đến cơ quan quản lý cấp phép liên quan.
Dữ liệu điện tử được gửi thông qua XML hoặc EDIFACT (tùy theo lựa chọn của doanh nghiệp). Thông thường những doanh nghiệp có nhiều tờ khai hải quan thường sử dụng EDIFACT. Tờ khai giấy cũng có thể được gửi và sau đó được cán bộ hải quan nhập vào hệ thống thông tin hải quan. Tất cả tờ khai (dù điện tử hay giấy) đều được lưu tại kho dữ liệu và sử dụng cho hoạt động kiểm tra sau thông quan.
Việc sử dụng và phát triển các dịch vụ
Trong thời kỳ đầu, việc phát triển hệ thống thông tin Hải quan và Cơ chế một cửa được lấy từ nguồn kinh phí của Chính phủ. Hiện nay, kinh phí phục vụ cho hoạt động Cơ chế một cửa quốc gia được lấy từ nguồn ngân sách và có phân bổ cho từng cơ quan quản lý tham gia vào Cơ chế một cửa quốc gia.
Các dịch vụ doanh nghiệp được hưởng qua Cơ chế một cửa được cung cấp miễn phí. Tuy nhiên, để có thể sử dụng các dịch vụ tiên tiến của Cơ chế một cửa quốc gia như nộp tờ khai hải quan điện tử qua EDIFACT, doanh nghiệp phải thực hiện đầu tư thêm.
Liên hệ và phối hợp
Tại cấp độ chiến lược và chiến thuật, Cơ quan Hải quan sẽ đề xuất các Ban hoạt động chung gồm có đại diện các nhóm doanh nghiệp và các cơ quan khác nhau. Tại cấp độ chiến thuật, hiện nay Thụy Điển đã thành lập Nhóm làm việc chung. Nhóm làm việc thứ nhất giải quyết các vấn đề về thủ tục hải quan. Nhóm làm việc thứ hai giải quyết các vấn đề về nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin và viễn thông. Nhờ sự hỗ trợ của hai nhóm làm việc này, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ Cơ chế một cửa quốc gia có thể tham gia một cách tích cực vào Cơ chế một cửa quốc gia.
Để vận hành cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp cũng được tạo cơ hội tham gia vào khóa đào tạo do Hải quan phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khác tổ chức.
Một số điều chỉnh về mặt pháp lý để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia
Việc tham gia và thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia là hoàn toàn tự nguyện đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục khai báo điện tử đối với hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh thì bắt buộc phải khai báo qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Để thực hiện được Cơ chế một cửa quốc gia, Thụy Điển đã thực hiện sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành. Nội dung sửa đổi, bổ sung đó cho phép sử dụng chứng từ điện tử, chữ ký số, dán tem, v.v... Thẩm quyền chia sẻ thông tin giữa Cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý khác cũng được quy định trong nội dung sửa đổi, bổ sung của pháp luật.
Đối tượng tham gia và thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia sẽ được thông báo về thông tin mà Cơ quan Hải quan gửi cho các cơ quan quản lý khác. Nhờ việc làm minh bạch này, người gửi thông tin được đảm bảo rằng chỉ những thông tin cần thiết phục vụ cho những nhiệm vụ quản lý riêng biệt của từng cơ quan quản lý mới được chia sẻ. Khi thông tin được gửi đi, mỗi cơ quan quản lý sẽ chịu trách nhiệm bảo mật thông tin đó theo quy định pháp luật bảo mật của Thụy Điển./.
Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam: Tạo khung chính sách về phát triển gia đình  (21/02/2013)
Chủ tịch nước chúc Tết cộng đồng dân tộc Việt Nam  (20/02/2013)
Đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  (20/02/2013)
“Việt Nam sẽ nỗ lực tổ chức Đại hội đồng IPU 2015”  (20/02/2013)
Đoàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng thăm Campuchia  (20/02/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên