Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11-02 đến 17-02-2013)
1. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Ngày 12-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện số 231/CĐ-TTg về đảm bảo trật tự an toàn giao thông những ngày nghỉ còn lại dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ và mùa lễ hội xuân 2013.
Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng đã cố gắng thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nên tai nạn giao thông có giảm so với Tết năm 2012. Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp (4 ngày Tết vừa qua, trên toàn quốc đã xảy ra 170 vụ tai nạn giao thông, làm chết 144 người, bị thương 147 người, đặc biệt ngày hôm nay, mùng 3 Tết xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, làm chết 53 người, bị thương 63 người).
Để giảm tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe nhân dân trong những ngày nghỉ Tết còn lại và dịp lễ hội xuân năm 2013, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, chỉ đạo thực hiện kiên quyết, nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự xã hội nói chung và an toàn giao thông nói riêng đã nêu trong các Công điện trước Tết; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Kiên quyết giảm cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương.
2. Khai hội chùa Phật Tích, Bắc Ninh
Ngày 13-2 (Mồng 4 Tết Quý Tỵ) tại Chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Lễ hội Khán hoa mẫu đơn – Chùa Phật Tích đã khai hội thu hút hàng nghìn du khách thập phương nô nức về trẩy hội.
Lễ hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích là lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, khai hội sớm nhất trong các lễ hội diễn ra trong năm của tỉnh. Đây là lễ hội có từ lâu đời gắn liền với chùa Phật Tích, nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam . Mặc dù khai hội vào ngày mồng 4 Tết, nhưng ngay từ mồng 1 Tết, đông đảo du khách đã đến chùa dâng hương, cầu phúc.
Lễ hội năm nay diễn ra trong 5 ngày, từ 13 đến 17-2 (Mồng 4-1 đến 8-1 Âm lịch) với nhiều chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống, nơi gặp gỡ của các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận như: Dân ca Quan họ, Ca trù, Chầu văn, hát Chèo và nghệ thuật hát Xẩm tại ngôi chùa có bề dày lịch sử. Tối 14-2 (Mồng 5 Tết), Đại lễ khai Xuân cầu quốc thái, dân an được cử hành tại quảng trường Đại Phật Tượng trên núi Phật Tích. Bên cạnh đó, những ngày diễn ra lễ hội còn có các trò chơi dân gian, hát quan họ trên thuyền…phục vụ du khách thập phương trẩy hội.
3. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Tết trồng cây; chúc Tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Thạch Thất, Hà Nội
Ngày 14-2 (tức mùng 5 Tết), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Thạch Thất. Cùng tham dự có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ân cần thăm hỏi tình hình đón Tết vui Xuân của bà con trong huyện; chúc toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, các lực lượng vũ trang của huyện Thạch Thất, Hà Nội, bước sang năm mới, khí thế mới, dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Tổng Bí thư hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Thạch Thất đã tích cực triển khai các nghị quyết của Trung ương, nhất là về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc dồn điền đổi thửa; 100% số xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, riêng xã Đại Đồng làm điểm của huyện đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng được triển khai đến cấp xã, tập trung vào những việc cần làm ngay sau khi tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đồng thời thành lập các tổ công tác đôn đốc việc thực hiện.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham gia Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ tại huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nêu bật những lợi ích to lớn của việc trồng cây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, cùng với việc trồng cây, cần chăm sóc cho cây phát triển tốt, góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái luôn xanh - sạch - đẹp, như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.
4. Nhiều địa phương đồng loạt phát động Tết trồng cây Xuân Qúy Tỵ 2013
* Hải Phòng: Lễ phát động Tết trồng cây xuân Qúy Tỵ 2013 được thành phố Hải Phòng đồng loạt tổ chức tại các địa phương vào sáng 18-2 ( tức mồng 9 Tết Quý Tỵ). Sau lễ phát động Tết trồng cây xuân Quý Tỵ 2013, các địa phương tiếp tục thực hiện kế hoạch trồng cây phân tán năm 2013 theo Đề án phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2012 – 2020 đã được UBND thành phố phê duyệt.
* Hà Nam: Ngày 15-2, tất cả 6/6 huyện, thành phố của tỉnh Hà Nam đã đồng loạt phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, mừng Đảng, mừng xuân Quý Tỵ 2013 với mục tiêu trồng hơn 300.000 cây các loại, bao gồm: cây bóng mát được trồng trên các đường phố, trường học, bệnh viện, công sở; cây ăn quả trồng tại vườn của các hộ gia đình, khu chuyển dịch kinh tế. Những năm qua, phong trào trồng cây vào dịp đầu xuân đã được phát động mạnh mẽ ở tất cả các địa phương và được nhân dân nhiệt tình tham gia. Việc trồng cây ở các khu công nghiệp, các khu đô thị, các công sở được các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc, ý thức bảo vệ và chăm sóc cây cũng được nâng lên.
* Lào Cai: Bắt đầu từ ngày 16 và 17 tháng 2 (tức ngày 7 và 8 tháng Giêng), các địa phương trong tỉnh Lào Cai như huyện Bảo Thắng, Bắc Hà đã phát động Tết trồng cây. Ngay sau ngày phát động 2 địa phương này đã trồng trên 400 hécta cây các loại.
5. Khai hội chùa Bái Đính
Ngày 15-2, tức mồng 6 Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, đông đảo tăng ni, phật tử, khách thập phương ở trong và ngoài nước đã về dự khai hội chùa Bái Đính tỉnh Ninh Bình. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh trống khai hội và cùng với nhân dân, du khách tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mọi người có cuộc sống an lành, hạnh phúc.
Chùa Bái Đính nằm trên ngọn núi Đính ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngôi chùa có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi này đã từng là nơi Đinh Tiên Hoàng đế lập đàn tế trời cầu cho mưa thuận, gió hòa; vua Quang Trung cũng đã chọn nơi đây để thực hiện nghi lễ tế cờ, động viên quân sĩ trước khi tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh xâm lược.
Ngay trong ngày khai hội ước tính đã có hàng vạn du khách thập phương về dâng hương, chiêm bái cảnh quan ngôi chùa lớn nhất khu vực Đông Nam Á, hiện đang lưu giữ nhiều kỷ lục Việt Nam như: chuông đồng lớn nhất, nặng 30 tấn; pho tượng Phật Thích ca Mâu ni bằng đồng nặng 150 tấn; bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất, mỗi pho nặng 50 tấn; có hành lang La Hán dài nhất với 500 vị… Lễ hội chùa Bái Đính kéo dài đến hết mùa Xuân. Năm nay, để tránh xảy ra tình trạng lộn xộn tại khu vực chùa, tỉnh Ninh Bình đã tăng cường các đội kiểm tra liên ngành nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, đưa việc kinh doanh dịch vụ du lịch đi vào nề nếp; ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi trường hợp chèo kéo, ép khách mua hàng, chụp ảnh, xe ôm, trông giữ xe trái phép.
6. Khai mạc lễ Hội sông Hồng năm 2013
Ngày 17-2 tại Đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã tổ chức khai mạc Lễ hội Sông Hồng năm 2013, nhằm khai thác nền văn hóa sông Hồng rực rỡ ngàn năm, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch Yên Bái và các tỉnh trong khu vực.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày ( từ ngày 17-2 đến 19-2-2013) với các hoạt động như: liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc; hội chợ thương mại - chợ quê - ẩm thực; thi đấu các môn thể thao; triển lãm với chủ đề “Sông Hồng xưa và nay”; hoạt động chiếu phim, thư viện, phát hành sách và lễ khao quân thời Trần; hội đua thuyền; trình diễn qui trình làm giấy dó truyền thống; trình diễn lễ Cấp sắc dân tộc Dao Họ xã Đông An, huyện Văn Yên. Một số tour du lịch dọc tuyến sông Hồng Yên Bái - Lào Cai, Yên Bái - Phú Thọ cũng được tổ chức trong dịp này. Lễ hội sông Hồng được tổ chức cùng với dịp khai mạc Lễ hội đền Đông Cuông năm 2013, nên đã thu hút rất đông du khách thập phương đến hành hương./.
Danh thắng Yên Tử đón Bằng Di tích quốc gia đặc biệt  (19/02/2013)
Thủ tướng chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh  (19/02/2013)
Đưa kim ngạch Việt-Nga lên bảy tỷ USD năm nay  (19/02/2013)
Hà Nội: Ra quân khởi công 70 công trình lưới điện  (19/02/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên