Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các chính sách đặc thù cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm 2012 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) toàn vùng ĐBSCL đạt 9,98%, trong đó, các địa phương có tốc độ tăng GDP khá là Hậu Giang 14,13%, Bạc Liêu 12,6%, Kiên Giang 11,81%, Cần Thơ 11,55%, Long An 10,5%, Trà Vinh 10,43%; thu nhập bình quân đầu người đạt 32,33 triệu, tăng hơn 5,3 triệu đồng so với năm 2011.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản xuất năm 2012 tăng 5,04% so với năm 2011; tổng sản lượng lúa đạt 24,3 triệu tấn (chiếm 55,62% sản lượng lúa cả nước), tăng 1,55 triệu tấn so với năm 2011; sản lượng thủy sản năm 2012 đạt 3,36 triệu tấn (chiếm 58,6% sản lượng thủy sản cả nước), tăng 3,7%. Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất tăng 15,13% so với năm 2011. Đến nay, toàn vùng có khoảng 78.931 cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực công thương, tăng 204 cơ sở so với năm 2011; đã hình thành 51 khu công nghiệp và khu chế xuất, thu hút 366 doanh nghiệp, tạo việc làm khoảng 61.000 lao động. Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2012 đạt 428.877 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2011 (cả nước 16%); kim ngạch xuất khẩu đạt 10,07 tỷ USD, tăng 10,08%. Năm 2012, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng ĐBSCL đạt 194.229 tỷ đồng (tăng 7%), trong đó chủ yếu là đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi. Nhiều đô thị được đầu tư nâng cấp, cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, toàn vùng đã hình thành và phát triển nhanh mạng lưới các cơ sở đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp đến đại học, cơ bản đáp ứng quy mô, nhu cầu nhân lực tại chỗ cho vùng. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực với tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của vùng hiện nay đạt 28%. Trong năm đã giải quyết việc làm cho 394.178 người; giảm 1,29% hộ nghèo so với năm 2011 (toàn vùng hiện còn 412.023 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10% và 286.780 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 7,04%). Trong lĩnh vực y tế, các địa phương đã triển khai thực hiện 13 dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, tổ chức cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được các địa phương duy trì bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, thiết thực, tạo điều kiện giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Công tác giáo dục - đào tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc được các cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt.
Năm 2012, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tích cực thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước; góp ý các biện pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc trong phát triển kinh tế, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, địa phương tổ chức thành công “Triển lãm hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL”; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù đối với các mặt hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL; hoàn chỉnh Đề án liên kết vùng ĐBSCL về phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm lúa gạo, trái cây, thủy sản; phối hợp với các cơ quan chức năng góp ý phản biện dự thảo kế hoạch châu thổ sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2100; triển khai Quyết định số 1397/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chủ trì phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL 2012 tại Tiền Giang; đôn đốc, tạo điều kiện thực hiện các đề án liên kết đào tạo nhân lực cho các địa phương; chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị có liên quan thực hiện chính sách an sinh xã hội năm 2012,…
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong năm 2012, theo nhận định của nhiều đại biểu tại hội nghị, tình hình kinh tế - xã hội ở vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là:
Kinh tế tuy có phát triển nhưng chưa bền vững; tăng trưởng kinh tế của một số tỉnh, thành trên một số lĩnh vực chưa đạt chỉ tiêu đề ra, khu vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng thấp so với những năm gần đây.
Cơ cấu cây trồng chuyển đổi chậm; chất lượng một số loại nông sản xuất khẩu còn yếu kém. Liên kết giữa những người sản xuất cùng ngành hàng chưa cao, năng lực liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất còn lỏng lẻo.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu đề ra, mới có 67% số xã (870/1.306 xã) hoàn thành việc lập quy hoạch xã nông thôn mới, nguồn lực xây dựng nông thôn mới còn hạn chế nên việc thực hiện các nội dung, tiêu chí của chương trình chậm.
Chậm ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất - kinh doanh. Hoạt động doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản không ổn định; nhiều doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi.
Cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục - đào tạo và dạy nghề tuy được đầu tư nhưng vẫn còn yếu kém so một số vùng, miền trong cả nước; tiến độ triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm chậm; huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế còn khó khăn, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển.
Lực lượng lao động tuy đông nhưng ý thức kỷ luật lao động chưa cao, trình độ tay nghề thấp, làm hạn chế khả năng thu hút đầu tư; hiệu quả dạy nghề còn thấp, công tác giảm nghèo thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành đã tập trung trao đổi các vấn đề: Cơ chế, chính sách đối với 3 sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL là lúa gạo, trái cây, thủy sản; hoạt động điều phối thu mua tạm trữ và xuất khẩu gạo năm 2013; thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn; hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp; triển khai các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL; phát triển hạ tầng giao thông; hoạt động tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và kế hoạch tài trợ an sinh xã hội cho vùng ĐBSCL năm 2013,…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Vũ Văn Ninh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, biểu dương những nỗ lực của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cả vùng trong năm 2012, góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đề cập những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong năm 2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị:
Các địa phương trong vùng cần tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và nâng cao đời sống người dân, nhất là nông dân. Tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cho nông dân. Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và lãnh đạo các địa phương cần tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện tốt các đề án về đổi mới giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đề án ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của vùng. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với nước, người nghèo, cận nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số,… Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường liên kết vùng để tạo điều kiện huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển. Nghiên cứu, đề xuất cải tiến cơ chế, chính sách phù hợp để lồng ghép việc thực hiện các chương trình mục tiêu ở các địa phương theo hướng giảm lãng phí, tập trung cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn,…
Hội nghị xác định mục tiêu chung của vùng ĐBSCL năm 2013 là: Phối hợp thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; chú trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc. Tăng cường đầu tư phát triển mạnh nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của vùng trong những năm tiếp theo. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đối với các sản phẩm chủ lực của vùng (lúa gạo, trái cây, thủy sản); tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu - nước biển dâng; chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế và an sinh xã hội.
Để đạt mục tiêu này, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng các bộ ngành Trung ương và các địa phương thống nhất tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
- Nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù cho vùng; tăng cường liên kết vùng ĐBSCL thông qua việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án liên kết vùng về phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thủy sản (nhất là sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra), đào tạo nghề cho nông dân.
- Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc và đề án phát triển huyện đảo Phú Quốc trở thành thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Đôn đốc các địa phương tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể.
- Tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2013 tại tỉnh Vĩnh Long với chủ đề “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh”; đôn đốc việc thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, bức xúc về giao thông, thủy lợi gắn với ứng phó biến đổi khí hậu - nước biển dâng,…
- Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tăng cường kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc thực hiện Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách với người có công, trợ giúp các đối tượng xã hội, hộ nghèo, cận nghèo; phối hợp tổ chức cuộc vận động lớn để gây quỹ giúp đỡ hộ nghèo về nhà ở và hỗ trợ các địa phương xây dựng trường, lớp mẫu giáo.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.../.
9 nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng  (05/02/2013)
Báo cáo thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới ngành Giáo dục  (05/02/2013)
Bồi dưỡng và phát huy chủ nghĩa yêu nước chân chính, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam  (05/02/2013)
Kinh tế Việt Nam năm 2012 - 2013: tái cơ cấu doanh nghiệp và cân đối kinh tế vĩ mô  (05/02/2013)
Kinh tế thế giới sẽ “ấm” dần trong năm 2013  (05/02/2013)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên