Năm 2012 đã trở thành điểm mốc không thể quên, đánh dấu một năm được xem là tồi tệ nhất đối với cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp. Thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) này chưa bao giờ phải chứng kiến nguy cơ phá sản và bị “trục xuất” khỏi Eurozone cận kề và liên tiếp đến như vậy.

Đây là nhận định của giáo sư kinh tế thuộc trường Đại học Tổng hợp Athens, ông Panagiotis Petrakis trong bài trả lời phỏng vấn với Truyền hình Trung ương Trung Quốc về diễn biến cuộc khủng hoảng nợ châu Âu mà tâm điểm là Hy Lạp.

 

Điểm lại một năm đầy những biến động chính trị và khó khăn kinh tế, không thể không nhắc đến những sự kiện từng được xem là tác nhân đẩy Hy Lạp tới bờ vực phá sản.

 

Tháng 2-2012, các cuộc biểu tình bạo động nổ ra liên tiếp khi Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật liên quan thỏa thuận cứu trợ quốc tế thứ hai trị giá 130 tỷ euro, với những điều kiện “thắt lưng buộc bụng” khắc khe hơn.

 

Tháng 5-2012, Hy Lạp tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn trong bối cảnh tình hình chính trị hết sức phức tạp, khi dự trữ vốn cạn kiệt, những bất ổn xã hội không thể kiểm soát đã làm chệch hướng chương trình cứu trợ dành cho nước này.

 

Bất đồng gay gắt giữa các đảng phái xung quanh những điều kiện khắc nghiệt mà Athens phải thực hiện để nhận được gói cứu trợ tài chính thứ hai (như cắt giảm mạnh lương, lương hưu và nhiều khoản chi tiêu khác, sa thải bớt số công nhân viên hưởng lương ngân sách), khiến mọi nỗ lực đàm phán nhằm thành lập chính phủ mới ở Hy Lạp sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tháng 5-2012, đều thất bại.

 

Hệ lụy là tới tháng Sáu, Hy Lạp phải tổ chức lại cuộc bầu cử, với việc lãnh đạo đảng bảo thủ Dân chủ mới Antonis Samaras giành thắng lợi và trở thành Thủ tướng quốc gia có số nợ công lên tới 160% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

 

Một chính phủ liên minh ngay lập tức được thành lập, và Hy Lạp phải dồn sức để đưa chương trình cứu trợ trở lại quỹ đạo. Bị các đối tác châu Âu cô lập trong nhiều tháng do không thể thực hiện những cam kết cải cách, Athens lại bắt đầu vòng đàm phán mới với các chủ nợ quốc tế.

 

Và để nhận được cứu trợ, thành viên Eurozone này tiếp tục phải đưa ra những cam kết cải cách, tiếp tục cắt giảm chi tiêu, trợ cấp xã hội và tăng thuế, những yếu tố càng kích động làn sóng biểu tình, bãi công trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết.

 

Cuối tháng Chín vừa qua, hàng chục nghìn người Hy Lạp đã đổ xuống các đường phố ở các thành phố chính phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng.” Thậm chí, căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm khi Thủ tướng Đức, quốc gia đề xuất các biện pháp thắt chặt chi tiêu để đổi lấy cứu trợ, bà Angela Merkel, tới thăm Hy Lạp.

 

Bất chấp làn sóng biểu tình lan rộng, tháng 11-2012, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua dự luật liên quan gói biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới, điều kiện để nước này nhận được khoản giải ngân tối cần thiết trong gói cứu trợ chung của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công cận kề.

 

Theo giáo sư Panagiotis Petrakis, Hy Lạp đã “ghi điểm” với châu Âu cũng như cộng đồng quốc tế khi ngày 13-12, “xứ sở thần thoại” nhận được sự ủng hộ của EU, được giải ngân 34 tỷ euro đầu tiên trong phần cứu trợ tối cần thiết trị giá 43,7 tỷ euro phối hợp giữa EU và IMF.

 

Ông Petrakis cho rằng, nếu xét về khía cạnh kinh tế, giai đoạn tồi tệ nhất đã đi qua, song những diễn biến chính trị khó lường vẫn đang ở phía trước. Khả năng chương trình cứu trợ bị gián đoạn do bất ổn trong thời kỳ chuyển giao chính trị là không thể loại trừ, và quan hệ giữa Hy Lạp với Eurozone sẽ vẫn là chủ đề quan tâm trong các diễn đàn khác nhau của châu Âu.

 

Giáo sư Petrakis cũng cho rằng, năm 2013 sẽ “sáng sủa hơn” đối với Hy Lạp so với năm 2012, song Athens vẫn còn nhiều việc phải làm, khi mà tỷ lệ thất nghiệp được dự báo vẫn ở mức kỷ lục - hơn 26%, và nước này sẽ bước vào năm thứ sáu liên tiếp suy thoái kinh tế./.