TCCSĐT - Ngày 4-12 vừa qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ra thông báo: Hàn Quốc và Trung Quốc đã ký thoả thuận “trao đổi tiền tệ” giữa đồng uôn của Hàn Quốc và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở mức độ 45 tỷ ơ-rô.

Cùng với Pa-ki-xtan, Ác-hen-ti-na, In-đô-nê-xi-a, Niu Di-lân, Ma-lai-xi-a, Bê-la-rút, Hồng Công, Nhật Bản, U-dơ-bê-ki-xtan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Xin-ga-po và Ca-dắc-xtan, Hàn Quốc hiện là đối tác thứ 14 trên thế giới có thỏa thuận như vậy với Trung Quốc.

Mức độ trao đổi tiền tệ giữa Trung Quốc và các đối tác có khác nhau, nhưng lại có chung mục đích là thúc đẩy trao đổi thương mại song phương, giảm dần sự lệ thuộc vào đồng USD trong thanh toán cũng như hạn chế tác động do sự biến động tỷ giá của đồng USD. Những thỏa thuận hợp tác như vậy đều được coi là hình thức và cấp độ liên minh giữa Trung Quốc với các đối tác nhằm giảm vai trò của đồng USD trên thị trường thế giới, đề cao vai trò của đồng nhân dân tệ, từng bước chuẩn bị cho đồng bản tệ của Trung Quốc đảm nhận vai trò lớn hơn trong các mối quan hệ kinh tế và thương mại trên thế giới.

Việc các đối tác tăng cường sử dụng đồng bản tệ trong quan hệ kinh tế đối ngoại đã trở thành một trào lưu phát triển từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008 - 2009. Cuộc khủng hoảng này và những vấn đề khó khăn về tài chính hiện tại của nước Mỹ càng làm tăng thêm tính cấp thiết của việc giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD và hạn chế tác động tiêu cực từ đồng USD, từ chính sách tài chính và tiền tệ của Mỹ tới kinh tế và thương mại của các nước khác.

Thoả thuận về trao đổi tiền tệ nói trên được Trung Quốc và Hàn Quốc đặc biệt quan tâm và coi trọng vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời, là nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới, còn Hàn Quốc đứng thứ 7 thế giới về khối lượng xuất khẩu. Khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm một phần tư tổng khối lượng xuất khẩu của Hàn Quốc. Trong khi đó, chỉ có 3% kim ngạch thương mại song phương hằng năm được thanh toán bằng đồng uôn và nhân dân tệ. Đồng nhân dân tệ hiện đứng thứ 16 trong danh sách những đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.

Thanh toán trực tiếp bằng đồng bản tệ giúp giảm chi phí chuyển đổi qua những đồng tiền trung gian - thường là những đồng ngoại tệ mạnh và nhiều nhất là đồng USD - và loại bỏ được những rủi ro về tiền tệ do biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền trung gian gây ra. Việc đề cao vai trò các đồng bản tệ cũng có nghĩa là giảm sự phụ thuộc và vai trò của các đồng ngoại tệ được sử dụng làm công cụ thanh toán trung gian.

Cùng với những tiện ích và lợi ích về phương diện kinh tế, thanh toán trực tiếp bằng đồng bản tệ còn có ý nghĩa chính trị to lớn đối với Trung Quốc, đặc biệt trong quan hệ với Mỹ nói chung. Từ khá lâu, giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tồn tại bất đồng quan điểm sâu sắc về tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Mỹ cho rằng Trung Quốc chủ ý duy trì tỷ giá hối đoái này thấp hơn so với thực tế để tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và sản phẩm của Trung Quốc. Cho tới nay, Trung Quốc cũng đã từng bước điều chỉnh tỷ giá này, nhưng vẫn chưa đáp ứng được mức độ đòi hỏi của Mỹ. Về lâu dài, Trung Quốc sẽ không thể không để đồng nhân dân tệ tự do chuyển đổi. Vấn đề chỉ là thời điểm và lộ trình cụ thể. Vì thế, thỏa thuận trao đổi tiền tệ mà Trung Quốc đã ký kết với 14 đối tác còn nhằm mục đích từng bước chuẩn bị cho đồng nhân dân tệ được tự do chuyển đổi, được từng bước quốc tế hóa sao cho có lợi nhất cho Trung Quốc./.