TCCSĐT - Ngày 16-12, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức sơ kết công tác quản lý an toàn thực phẩm, công bố tình hình ngộ độc thực phẩm năm 2012 và định hướng công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới.

Tại buổi sơ kết, TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong tháng 11, Cục An toàn thực phẩm đã tổ chức lấy mẫu gà nhập lậu từ Trung Quốc qua biên giới Lạng Sơn để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, 100% số mẫu nhiễm tồn lưu kháng sinh nhóm chloramphenicol. Đây là loại kháng sinh bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Sau một thời gian triển khai quyết liệt Đề án về kiểm soát gà nhập lậu, tình hình nhập lậu gia cầm, nhất là gà thải loại từ Trung Quốc vào Việt Nam đã giảm đáng kể, tới 90%. Song, ông Trần Quang Trung cũng nhận định: từ nay đến Tết Nguyên đán năm 1013, nhu cầu sử dụng gia cầm tăng cao. Với nguồn lợi lớn như hiện nay, các đầu nậu sẽ tiếp tục đưa gà lậu vào tiêu thụ bằng nhiều cách thức khác nhau. Vì vậy, cần phải có những biện pháp quyết liệt giải quyết triệt để vấn nạn này, bởi việc bảo đảm an toàn thực phẩm không chỉ diễn ra trong dịp tết mà còn cả sau tết. Ông Trung cũng cho biết, trước tình hình nhu cầu thực phẩm tăng cao, các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phụ gia thực phẩm cũng gia tăng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường Tết Dương lịch và tết Nguyên đán, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát tình hình an toàn thực phẩm trên toàn quốc.

Báo cáo tại buổi tổng kết, ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - cho biết: tính đến hết tháng 11-2012, tổng khối lượng hàng nhập khẩu là 19.209 lô (tương đương 462.618 tấn), trong đó tổng khối lượng hàng nhập khẩu không đạt yêu cầu nhập khẩu là 54 lô (60 tấn). Trong quý IV-2012, toàn quốc ghi nhận có 22 vụ ngộ độc thực phẩm với 817 người mắc, 623 người đi viện và 5 người chết; số vụ ngộ độc thực phẩm lớn (từ 30 người trở lên) là 6 vụ. So với cùng kỳ năm 2011, số vụ ngộ độc thực phẩm lớn tăng 2 vụ, số mắc tăng 135 người, số đi viện tăng 24 người và không ghi nhận tử vong. Đáng lưu ý, số vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn giảm rõ rệt với 2 vụ, số mắc và số đi viện giảm 267 người và không có tử vong.

Tuy nhiên, tình hình ngộ độc thực phẩm 11 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2011 lại có chiều hướng tăng về số vụ, số người mắc, số người đi viện và số trường hợp tử vong. Tính đến ngày 30-11-2012, toàn quốc ghi nhận có 164 vụ ngộ độc thực phẩm làm 5.339 người mắc, 4.295 người đi viện và 33 người tử vong. Theo đó, số vụ ngộ độc tăng 23 vụ (16,3%), số người mắc tăng 953 người (21,7%), số người đi viện tăng 878 người (25,7%), số người bị tử vong tăng 7 trường hợp (26,7%).

Qua phân tích diễn biến, các yếu tố nguyên nhân và đánh giá các giải pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm trong năm 2012, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra các giải pháp ưu tiên trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới như sau:

- Tập trung triển khai công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vào đối tượng bếp ăn gia đình, bếp ăn tập thể và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, hướng dẫn chuyên môn, chỉ đạo các tuyến tập trung các biện pháp kiểm soát ngộ độc thực phẩm theo kết luận của các hội thảo đã triển khai.

- Thực hiện có hiệu quả hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phòng chống ngộ độc thực phẩm đến gia đình, cơ sở dịch vụ ăn uống và cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền về ngộ độc do sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm, do sử dụng nấm độc và bánh trôi ngô.

- Thực hiện giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời cho cộng đồng và các cơ quan chức năng.

- Giám sát ngộ độc thực phẩm, phát hiện sớm các vụ ngộ độc thực phẩm để cấp cứu và điều trị kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng.

- Tăng cường đào tạo, hướng dẫn chuyên môn, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống cán bộ chuyên ngành an toàn thực phẩm, chú trọng năng lực phát hiện, chẩn đoán, xử lý, khắc phục và tổng hợp báo cáo ghi nhận ngộ độc thực phẩm theo quy định./.