Nói với chúng tôi cảm nghĩ của mình về nghề dạy học, GS, NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng ở đây “chữ Nghiệp” cao hơn “chữ Nghề” rất nhiều. Ông tâm niệm, người thầy là kỹ sư tâm hồn, người chở đò lý tưởng, những người để lại mãi mãi dấu ấn trong tâm hồn các thế hệ học sinh của mình.

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, ông quan niệm về vai trò của người thầy nói chung và người thầy trong giai đoạn hiện nay như thế nào?

 

GS, NGND. Nguyễn Lân Dũng: Về điều này, cha ông ta đã nói “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Thầy giáo đóng vai trò hết sức quan trọng đối với cuộc đời mỗi thành viên tương lai trong xã hội. Tôi nghĩ rằng, mình có thể trưởng thành được là nhờ có các thầy đã hướng dẫn, dạy dỗ không chỉ bằng kiến thức mà còn chính bằng tấm gương của các thầy.

 

Tôi là học sinh lớp 7 từ cách đây trên 60 năm. Các bạn lớp 7E của tôi hầu hết đều thành đạt và vẫn thường xuyên gặp gỡ nhau rất thân tình. Nhưng được như vậy là vì ngay từ lớp 7, chúng tôi đã được học các thầy vừa giỏi giang, vừa gương mẫu dìu dắt. Đó là các thầy Trần Văn Khang, Hoàng Như Mai, Hoàng Tụy, Lê Bá Thảo, Trần Văn Giáp... ngoài ra còn có thầy Nguyễn Hữu Hiều dạy nhạc, thầy Nguyễn Khang dạy vẽ... Sau này, các thầy đều là các trí thức đầu ngành của đất nước.

 

Lên đại học, tôi lại được học tiếp các nhà Sinh học đầu đàn như các thầy Đào Văn Tiến, Dương Hữu Thời, Lê Khả Kế, Nguyễn Văn Chiển, Lê Quang Long... Các thầy là những tấm gương sáng và không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn biết cách thổi vào tâm hồn trẻ trung của mỗi chúng tôi lòng yêu khoa học, ý thức tự học, ham thích nghiên cứu khoa học để phục vụ đất nước.

 

Trước đây giáo dục thường chỉ dành cho số ít người nên chúng tôi may mắn được học với các thầy giáo giỏi dạy từ cấp II đến đại học. Bây giờ có khác, giáo dục là dành cho số đông người học và chúng ta có trên 1 triệu thầy cô giáo. Chính vì vậy, mỗi thầy cô giáo hiện nay phải thấy rõ trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang của mình để ra sức phấn đấu, rèn luyện. Không chỉ trở thành những thầy cô giáo giỏi giang mà còn phải là những tấm gương sáng về đạo đức, về lối sống cho tất cả các thế hệ học sinh.

 

Người thầy bất cứ ở cấp học nào phải hơn hẳn trò một cái đầu. Có lúc thiếu giáo viên quá ta đã chấp nhận tình trạng “cơm chấm cơm”. Nhưng bây giờ có điều kiện hơn, cho nên các thầy cô giáo phải phấn đấu để 100% đạt chuẩn quốc gia.

 

Tôi cho rằng, nghề thầy không chỉ là nghề mà còn là một nghiệp. Chữ “Nghiệp” cao hơn chữ “Nghề” rất nhiều. Người thầy là những kỹ sư tâm hồn, những người chở đò lý tưởng, những người để lại mãi mãi dấu ấn cho các thế hệ học sinh của mình. Căn cứ vào Luật Giáo dục và Luật Đại học, ta có thể thấy nhiệm vụ của các thầy, cô giáo nặng nề biết bao. Mục tiêu đào tạo ra những trí thức vừa có tài vừa có đức đòi hỏi một sự nỗ lực quên mình vì “sự nghiệp trồng người” như cách gọi của Bác Hồ.

 

PV: Theo Giáo sư, vậy cần phải hiểu như thế nào về câu nói “Tôn sư trọng đạo”  trong bối cảnh xã hội hiện nay?

 

GS, NGND. Nguyễn Lân Dũng: Thầy ra thầy, trò ra trò là mong ước chính đáng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thầy giỏi giang, thầy gương mẫu thì tự nhiên học trò sẽ tự thấy phải tôn trọng người thầy.

 

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Phải biết gìn giữ và tránh các ảnh hưởng của kinh tế thị trường, biến thầy cô giáo thành những người làm việc vì những đồng tiền đóng góp của gia đình học sinh.

 

Ở các nước phát triển, các trường tư - những trường phải đóng học phí nhiều khi rất cao - lại chính là những trường danh tiếng, nhiều khi là danh tiếng nhất thế giới. Ai có điều kiện kinh tế và học sinh nào giỏi giang mới vào học được tại các trường này. Còn với chuyện phổ cập giáo dục hiện nay ở nước ta và sự phát triển nhanh chóng các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề... thì cũng không thể coi thầy cô giáo là những người “làm thuê”, những người phải có trách nhiệm đáp ứng cho xứng với đồng tiền đóng góp của các gia đình học sinh, mặc dầu sự đóng góp ở một số trường phổ thông tư thục hoặc đại học, cao đẳng hiện vẫn là cần thiết.

 

Tất nhiên, muốn “thầy ra thầy” thì các thầy cô giáo cũng phải ra sức tự nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ, thực sự yêu nghề, mến trẻ và giữ gìn nghiêm khắc đạo đức, tư cách của bản thân và của gia đình mình.

 

Liên quan đến chuyện dạy thêm hiện nay cũng có nhiều điều đáng nói. Theo tôi, dạy thêm là chuyện không sai, nếu như đó là chuyện của những thầy cô thực sự giỏi giang và người xin học thêm là những em mất kiến thức cơ bản, cần được bổ túc kiến thức thì mới tiếp tục tiếp thu được bài mới. Hoặc đó là những học sinh giỏi muốn mở rộng kiến thức để có thể thi vào các trường có yêu cầu điểm cao khi thi tuyển.

 

Nhưng nếu dạy thêm tràn lan, ngoài nguyện vọng thật sự của học sinh và phụ huynh học sinh thì cần phải xem xét lại. Việc làm đơn xin học thêm một cách không tự giác của cả lớp là điều không lành mạnh, chỉ cốt để đối phó với sự chỉ đạo của ngành Giáo dục - đào tạo về dạy thêm, học thêm. Càng thiếu đạo đức khi có thầy cô giáo dành phần khó để chỉ dạy trong giờ dạy thêm. Cũng không thể chấp nhận được khi thầy cô có thái độ phân biệt đối xử với các học sinh không ghi tên học thêm. Việc nhận tiền dạy thêm tràn lan làm giảm rất nhiều uy tín và vị thế của người thầy trong con mắt học sinh và phụ huynh học sinh.

 

Tôi cho rằng, cần chống lại việc dạy thêm tràn lan, việc đóng góp quá mức cần thiết, việc lợi dụng các Hội phụ huynh học sinh để làm việc thu tiền bồi dưỡng thầy cô giáo. Tuy nhiên, gần đây việc kiểm tra thầy giáo “dạy thêm” như “săn bắt tội phạm”,  hay việc cho học sinh “bỏ phiếu” đánh giá thầy cô giáo là những việc làm xúc phạm đến uy tín của giáo viên và cần phải chấm dứt ngay.

 

Chủ trương không được tổ chức dạy thêm tràn lan là đúng, nhưng việc rình bắt và lập biên bản thầy giáo trước mặt học sinh là điều rất phản cảm, làm nhục thầy cô giáo. Vì vậy, nên động viên ý thức tự trọng của từng thầy cô giáo và mặt khác tìm mọi cách chính đáng để nâng cao mức sống cho các thầy cô giáo, nhất là ở những địa bàn đặc biệt khó khăn (vùng sâu, vùng cao, vùng xa, vùng nghèo). Quan trọng hơn là cần sớm thay đổi nội dung chương trình và sách giáo khoa để giảm tải cho cả học sinh và thầy giáo.

 

PV: Thưa Giáo sư, dư luận xã hội hiện vẫn có nhiều ý kiến bàn về vai trò của nhà trường nói riêng và giáo dục nói chung đối với tương lai của đất nước. Xin Giáo sư cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

 

GS, NGND. Nguyễn Lân Dũng: Về điều này, tôi thấy đánh giá của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ trong dịp đầu năm học vừa qua là chính xác nhất.

 

Năm học 2011 - 2012 vừa qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quản lý giáo dục có những đổi mới theo hướng tăng cường phân công, phân cấp, tăng quyền tự chủ gắn với nâng cao trách nhiệm và kiểm tra, giám sát trong quản lý giáo dục các cấp. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục vùng khó khăn có mặt được nâng lên. Công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục thu được kết quả tích cực. Nhiều học sinh, sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế.

 

Ngành Giáo dục, nhất là đội ngũ các thầy giáo, cô giáo tâm huyết đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”, các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã vượt khó vươn lên trong học tập. Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo nước ta vẫn còn những bất cập, yếu kém, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thực sự gắn với nhu cầu của xã hội. Giáo dục kiến thức về xã hội, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng thực hành còn kém, chưa phát huy khả năng tự học, tính chủ động, sáng tạo của người học; việc tham gia vào các hoạt động xã hội của học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế…

 

Mới đây, vào ngày 17-8-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

 

Tại buổi làm việc này, Tổng Bí thư đề nghị, trước mắt cần tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ trong một số lĩnh vực, quan tâm hơn nữa việc dạy đạo đức làm người, bồi dưỡng rèn luyện nhân cách con người, như Bác Hồ từng dạy: Học là để làm người, rồi mới làm cán bộ để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý; phân cấp quản lý là đúng, nhưng không được buông lỏng kiểm tra, giám sát, đồng thời phải quan tâm giải quyết tốt những vấn đề bức xúc trong giáo dục, đào tạo…

 

Tổng Bí thư cho rằng, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, là trách nhiệm chung, trước hết là nhà trường, gia đình và xã hội, các đoàn thể. Ai cũng phải giáo dục, tự mình giáo dục mình, rèn luyện mình, người đi giáo dục cũng phải được giáo dục...

 

Tổng Bí thư mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất, đôn đốc, phối hợp... nỗ lực hoàn thành tốt sứ mệnh thiêng liêng cao cả mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó - chăm lo sự nghiệp trồng người.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!