TCCSĐT - Trong ngày đầu tiên làm việc tại hội trường (20-10), các đại biểu đã nghe: Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, phương hướng trong thời gian tới; Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013; Báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Báo cáo về công tác thi hành án; dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn...

Công tác phòng, chống tham nhũng có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động

Báo cáo cho biết công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Việc phát hiện, truy tố tội phạm tham nhũng năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các cơ quan thanh tra nhà nước đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản là 132,7 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm khởi tố mới 222 vụ, 469 bị can (tăng 80 vụ và 224 bị can so với cùng kỳ năm ngoái); đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 410 tỷ đồng. Cơ quan điều tra Quân đội đã khởi tố 16 vụ, 46 bị can về các tội danh tham nhũng; thu hồi 163 triệu đồng. Cục Điều tra thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố 18 vụ, 20 bị can về các tội danh tham nhũng, đóng góp 19 kiến nghị về xử lý và phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 244 vụ, 601 bị can về tham nhũng (tăng 50 vụ, 192 bị can so với cùng kỳ năm 2011). Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 44,1% (năm 2011 là 31,7% ); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 34,2% (năm 2011 là 39,2%).

Các cơ quan thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.948 tỷ đồng và 2.610 ha đất (đã thu hồi được 2.334 tỷ đồng); kiến nghị xử lý, kỷ luật hành chính đối với 520 tập thể, 899 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 25 vụ, 41 người. Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được 59.496/70.587 vụ khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ 84,3%. Qua đó đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 96,7 tỷ đồng, 84 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 215,5 tỷ đồng, 132,3 ha đất; minh oan cho 343 người; trả lại quyền lợi cho 2.960 người, kiến nghị xử lý hành chính 493 người, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 49 vụ việc, 56 người.

Kiểm toán Nhà nước đã công bố Báo cáo Kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010, phát hiện nhiều dạng sai phạm, đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 2.215,5 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 2.133,7 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện thêm 1.204,3 tỷ đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước 14.382,1 tỷ đồng, các khoản xử lý khác 772 tỷ đồng, kiến nghị các cấp, các ngành rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 69 văn bản không phù hợp.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra những yếu kém, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đó là, công tác này chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Cụ thể, việc minh bạch về tài sản, thu nhập hiệu quả thấp. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, sai phạm chưa nghiêm, không tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; việc chuyển đổi vị trí công tác còn hình thức, bất cập. Đối với một số vị trí công tác cần có kiến thức, kỹ năng chuyên môn chuyên sâu không có người phù hợp để chuyển đổi, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, ngân hàng, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, kết quả thanh tra đã phát hiện các dạng sai phạm nổi lên như làm trái quy trình, thủ tục, quy định của Nhà nước, đầu tư một số dự án vượt thẩm quyền, áp dụng sai chế độ, định mức; hạch toán sai kết quả sản xuất, kinh doanh; đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận thấp... Các vụ việc, vụ án tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường kéo dài; tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo tuy đã giảm so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao; việc thu hồi và bồi thường tài sản bị tham nhũng, thiệt hại do tham nhũng gây ra còn hạn chế…

Về phương hướng thời gian tới, Chính phủ nhấn mạnh việc tập trung chỉ đạo để sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng và các quy định về một số biện pháp phòng ngừa khác để nâng hiệu quả phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ tình trạng "xin, cho", trong đó chú trọng các lĩnh vực về đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng - ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công, tổ chức cán bộ, quản lý doanh nghiệp nhà nước... Cùng với đó, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương.

Một phương hướng khác là sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm thể chế hóa đầy đủ các giải pháp; nội luật hóa những quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện của Việt Nam; tăng cường tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị chức năng. Cụ thể, để làm tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2013, người đứng đầu ngành Thanh tra nêu ra 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể, là cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và các quy định về một số biện pháp phòng ngừa khác để nâng hiệu quả phòng ngừa tham nhũng; xóa bỏ tình trạng "xin, cho", trong đó chú trọng các lĩnh vực về đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng - ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công...; chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương.

Tiếp tục vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý

Báo cáo đánh giá thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày nêu rõ: với quyết tâm, nỗ lực ở mức cao nhất, Chính phủ đánh giá thu ngân sách nhà nước năm 2012 về tổng thể đạt dự toán. Số hụt thu nội địa và xuất nhập khẩu được bù đắp từ tăng thu dầu thô. Tuy nhiên, thu ngân sách thực tế thời gian gần đây có chiều hướng thấp hơn dự báo và có khả năng còn biến động, phụ thuộc vào tình hình phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các thị trường trong, ngoài nước những tháng còn lại của năm. Chính phủ đã và đang chỉ đạo triển khai các biện pháp  bảo đảm  số thu theo dự kiến.

Để hoàn thành dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, Chính phủ đưa ra các giải pháp cần tập trung thực hiện trong quý IV/2012 là: thực hiện quyết liệt các giải pháp tài khóa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, nợ đọng thuế; tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước,  bảo đảm   tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả;  bảo đảm   cân đối ngân sách nhà nước: bảo đảm  thu, chi ngân sách nhà nước và bội chi ngân sách nhà nước theo dự toán.

Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước, mục tiêu tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013 được Chính phủ xác định là: Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, bảo đảm an ninh tài chính, góp phần tích cực tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý;  bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại trong tình hình mới.

Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội

Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày khẳng định, trong năm 2012, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, lực lượng Công an đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các ngành, đoàn thể tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, liên tục mở nhiều đợt cao điểm vận động quần chúng, tấn công trấn áp tội phạm, tập trung vào các địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự.

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện các chủ trương, biện pháp chủ yếu trong năm 2013 như: các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới", Kết luận số 86-KL/TW ngày 5-11-2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 14-10-2006 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới" gắn với đẩy mạnh Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống buôn bán người giai đoạn 2012 - 2015. Chính phủ cũng chỉ đạo mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, ma túy. Tập trung đấu tranh mạnh với bọn tội phạm có hoạt động nổi lên trên các tuyến, địa bàn, các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm...

Trình bày dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn

Báo cáo về công tác thi hành án do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày nhấn mạnh: Thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương chủ động khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2012.

Công tác thi hành án hình sự sau hơn một năm triển khai Luật Thi hành án hình sự đã đạt được kết quả tích cực. Hoạt động thi hành án hình sự đã cơ bản đi vào nền nếp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự. Để duy trì bền vững kết quả đạt được, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án, Chính phủ đã đề ra những giải pháp chủ yếu với công tác thi hành án dân sự là: tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án; chỉ đạo, đôn đốc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thi hành bản án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành trong toàn ngành... Những giải pháp trong năm 2013 trong công tác thi hành án hình sự được Chính phủ đề ra là: đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án hình sự; chỉ đạo các địa phương thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát cùng cấp trong việc chuyển giao, tiếp nhận bản án, quyết định thi hành án hình sự; tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức cơ quan thi hành án hình sự các cấp...

Theo Chương trình, các đại biểu nghe các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn./.