TCCSĐT - Ngày 17-10, những người dân Hy Lạp, vốn tức giận với kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" mới của chính phủ nước này, bắt đầu vòng bãi công và biểu tình mới kéo dài 2 ngày nhằm gây áp lực với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khu vực, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này. Đây là cuộc tổng bãi công thứ tư trong năm nay ở Hy Lạp để phản đối các chính sách kinh tế từng dẫn đến tình trạng thấp nghiệp cao kỷ lục và tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất ở xứ sở "Thần thoại".

Trong khi cuộc gặp giữa Thủ tướng Hy Lạp An-tô-nít Xa-ma-rát (Antonis Samaras) và lãnh đạo hai đảng trong chính phủ liên minh, thảo luận việc thực hiện các biện pháp khắc khổ mới để A-ten nhận được khoản giải ngân tiếp theo trị giá 31,5 tỷ ơ-rô (41,1 tỷ USD) trong gói cứu trợ thứ hai của quốc tế đã kết thúc ngày 16-10 mà không đạt kết quả và cuộc đàm phán giữa Chính phủ Hy Lạp với đại diện nhóm "bộ ba" chủ nợ (gồm Liên minh châu Âu - EU, Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB), kéo dài hơn một tháng qua cũng lâm vào bế tắc, thì Thủ tướng Xa-ma-rát và các đối tác trong liên minh cầm quyền đều nhấn mạnh sự cần thiết cân bằng phải các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Lãnh đạo Đảng Dân chủ cánh tả, một đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền, ông Pho-tít Cu-ve-lít (Fotis Kouvelis) tuyên bố Đảng này phản đối các biện pháp có thể hủy bỏ các quyền lao động như nhóm chủ nợ yêu cầu, bởi nếu thực thi, những biện pháp này sẽ càng đẩy suy thoái kinh tế của Hy Lạp vào tình trạng trầm trọng hơn và tỷ lệ thất nghiệp cũng tiếp tục tăng. Chủ tịch đảng PASOK theo đường lối xã hội Ê-van-giê-lốt Vê-ni-dê-lốt (Evangelos Venizelos) cũng nói rằng ông không ủng hộ những cải cách tàn nhẫn trên thị trường lao động.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Y-a-nít Xtu-na-rát (Yannis Stournaras) cho biết, Hy Lạp cần được giải ngân khoản vay cứu trợ ngay lập tức. Giới phân tích cảnh báo nếu không nhận được khoản giải ngân 31,5 tỷ ơ-rô nói trên, Hy Lạp khó có thể thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ và buộc phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào tháng 1-2013. Hiện Hy Lạp đang phải thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và chương trình cải cách cơ cấu nhằm đổi lấy gói cứu trợ trị giá 80 tỷ ơ-rô từ năm 2010 và gói cứu trợ thứ hai 130 tỷ ơ-rô từ năm ngoái, song các định chế tài chính quốc tế đã nhiều lần nhắc lại rằng Hy Lạp đã không đáp ứng mức thâm hụt ngân sách cả về chỉ tiêu và thời gian.

Phản đối kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" này, các luật sư, công chứng viên, dược sĩ và bác sĩ đã bắt đầu nghỉ việc trước khi diễn ra cuộc tổng bãi công vào ngày 18-10 do các nghiệp đoàn lớn phát động. Nghiệp đoàn GSEE, đại diện cho hàng trăm nghìn người làm công thuộc khu vực tư nhân cho rằng, những người nhận lương và lương hưu đã phải chịu đựng quá mức gánh nặng khủng hoảng kinh tế, trong khi những kẻ trốn thuế từng gây ra tình trạng này lại không hề hấn gì. Viên chức cũng hưởng ứng lời kêu gọi của GSEE, trong khi hiệp hội các thương gia kêu gọi tổng bãi công trong ngày với lý do doanh thu giảm, thuế cao và nhu cầu giảm mạnh đang hủy hoại các doanh nghiệp và việc làm.

Sau các cuộc biểu tình tương tự ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp trong những ngày gần đây, người biểu tình Hy Lạp muốn gửi tới EU thông điệp rằng các tầng lớp xã hội, vốn đang phải đối mặt với một loạt kế hoạch khắc khổ liên tiếp nhằm đáp ứng mục tiêu tài chính, đã chịu đựng "tới hạn".

Dự kiến các cuộc thảo luận mới giữa giới chức Hy Lạp và nhóm "bộ ba" chủ nợ sẽ được nối lại sau Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Brúc-xen (Bỉ) vào ngày 18-10./.