Cần Thơ phát triển nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Nguyễn Tiến Dũng ThS. Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực IV
21:58, ngày 04-10-2012
TCCSĐT - Trong những năm qua, dù phải tập trung nhiều nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ nhưng thành phố Cần Thơ vẫn quan tâm đầu tư có hệ thống, hướng đến mục tiêu “chất lượng và hiệu quả” trong chiến lược xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh chịu nhiều tác động bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ngành nông nghiệp Cần Thơ đã và đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển theo hướng bền vững.
Phát triển trong thế bấp bênh

Trong giai đoạn 2005 - 2010, nông nghiệp - thủy sản Cần Thơ phát triển theo hướng sản xuất tập trung, chủ động và từng bước ứng dụng công nghệ - kỹ thuật cao và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, có chất lượng, hiệu quả cao với mô hình đa canh bền vững; gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Mặc dù tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp giảm, song giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 5,3%/năm. Sản xuất lúa hiện nay vẫn là một ngành sản xuất hàng hóa chính của thành phố, diện tích đất trồng lúa ổn định trong khoảng 90.000 ha. Với mức quay vòng 2,3 – 2,6 lần/năm, hằng năm thành phố canh tác trên 200.000 ha lúa, năng suất bình quân đạt 14 tấn/ha/năm; sản lượng lúa ổn định ở mức 1,1 - 1,2 triệu tấn/năm, trong đó lúa chất lượng cao chiếm trên 80%. Diện tích trồng rau - màu tập trung ở khu vực ven sông Hậu, khoảng 8.000 ha, sản lượng 96.000 tấn; cây công nghiệp ngắn ngày diện tích khoảng 5.000 ha, sản lượng 5.500 tấn;  vườn cây ăn trái khoảng 15.000 ha, sản lượng 100.000 - 110.000 tấn/năm .

Ngành thủy sản được quy hoạch và đầu tư phát triển gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn SQF 1000CM, theo hướng GAP, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ phát triển mạnh mô hình nuôi công nghiệp, bán công nghiệp (khoảng 30 - 35% diện tích) và nuôi luân canh trong ruộng lúa, diện tích nuôi thủy sản đạt 12.550 ha năm 2010, tăng bình quân 0,2%/năm; sản lượng thủy sản tăng từ 83.783 tấn năm 2005 lên 162.380 tấn năm 2010, tăng bình quân 14,2%/năm.  

Tuy đạt được một số kết quả nhưng sản xuất nông nghiệp ở thành phố Cần Thơ vẫn đang phát triển trong thế thiếu tính ổn định, kém bền vững, còn mang tính tự phát, chưa bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi thị trường có biến động. Giá trị sản xuất ngày càng tăng, nhưng chất lượng nhiều loại sản phẩm nông sản chưa cạnh tranh được với các nước trong khu vực; sản phẩm thủy sản nuôi trồng có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế chỉ mới chiếm 16% tổng sản lượng nuôi; nhiều loại nông sản hàng hóa giá thành sản xuất còn cao, chất lượng thấp, sức cạnh tranh kém...

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất trên diện rộng còn hạn chế. Ứng dụng công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch tuy có nhiều nỗ lực nhưng còn chậm; khâu tưới tiêu cho phần lớn diện tích chủ yếu sử dụng máy bơm dầu, chi phí tăng cao trong điều kiện giá nhiên liệu ngày càng tăng; trên 50% sản lượng lúa được phơi sấy bằng lao động thủ công. Các đề tài nghiên cứu khoa học chưa thực sự gắn với thực tiễn sản xuất và thị trường.

Thiên tai, dịch bệnh ngày càng gia tăng ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; giá nhiều vật tư nông nghiệp tăng cao, giá bán hàng hóa nông sản bấp bênh, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn, tác động đến chuyển đổi cơ cấu và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Môi trường nước mặt, chất lượng nước ngầm có xu hướng ô nhiễm ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân như nước thải công nghiệp, nông nghiệp, nuôi thuỷ sản không áp dụng đúng quy trình xử lý chất thải, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...  Hệ thống kiểm tra, giám sát các hoạt động về tài nguyên, môi trường chưa được thực hiện một cách đồng bộ. Chưa có chế tài và xử lý chưa nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động tài nguyên, môi trường…

Thách thức từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng

Một trong những thách thức to lớn đang đặt ra trong sự phát triển nền nông nghiệp bền vững của Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, trong đó có thành phố Cần Thơ là những tác động bất lợi do tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng.

Theo kết quả khảo sát và tính toán vừa được Trung tâm Môi trường Đô thị và công nghiệp, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường công bố ngày 13-9-2012, biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi chế độ thủy văn, làm gia tăng tình trạng ngập lụt ở thành phố Cần Thơ trong thời gian tới. Cụ thể, khi mực nước biển dâng lên 15cm, diện tích ngập có độ sâu trên 0,5m là 1.005km2, ngập 1m là 431km2; vào giữa thế kỷ này, diện tích ngập có độ sâu trên 0,5m từ 1.021 -1.082km2, ngập trên 1m là 537 - 598km2; đến cuối thế kỷ, diện tích ngập có độ sâu trên 0,5m từ 1.266 - 1.336km2, ngập trên 1m là 934 – 1.224km2. Song, điều đáng lo ngại hơn là khi gặp phải lũ rất lớn từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về (tương tự như lũ năm 2000) kết hợp với nước biển dâng thì đến cuối thế kỷ này những vùng ngập sâu trên 0,5m có thể bao trùm 90 - 96% diện tích thành phố Cần Thơ. Trong tình thế đó, nông nghiệp và thủy sản là một trong những lĩnh vực bị tổn thương nặng nề. Thiệt hại nông nghiệp và thủy sản trong giai đoạn 2020 - 2050 sẽ tập trung ở các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, kế đến là các quận: Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Phong Điền.

Chủ động phát triển nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng chất lượng và bền vững, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thành phố Cần Thơ cần quan tâm thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, bảo vệ môi trường; giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay.

Hai là, nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn, thực hiện có hiệu quả, bền vững công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ giác ngộ và vị thế chính trị của giai cấp nông dân, phát huy vai trò tổ chức Hội Nông dân và phong trào nông dân tham gia đóng góp vào sự nghiệp phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới.

Ba là, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai, bão lũ; chủ động triển khai một bước các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Tích cực ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất và đời sống nông thôn.

Bốn là, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao của thành phố, ngành nông nghiệp cần quan tâm xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp linh hoạt, ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững, theo một số hướng cơ bản sau đây:

- Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng nông sản chất lượng và hiệu quả cao với mô hình đa canh bền vững. Nghiên cứu hoàn chỉnh và khuyến cáo những mô hình sản xuất có hiệu quả để người dân áp dụng;

- Gắn công nghiệp hoá, hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp với phong trào kinh tế tập thể để xây dựng vùng sản xuất tập trung, ứng dụng hoàn chỉnh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, quy trình hóa sản xuất tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện sản xuất và có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng;

- Tiếp tục xây dựng mạng lưới thú y cơ sở vững mạnh, đủ khả năng triển khai các công tác chuyên ngành thú y, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh thú y, chẩn đoán và phát hiện sớm dịch bệnh, khoanh vùng dập dịch không để lây lan diện rộng; 

- Xây dựng các chương trình, dự án cụ thể hóa quy hoạch thủy sản; xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn SQF 1000CM,  theo hướng GAP, theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tăng cường thực hiện kế hoạch sản xuất theo nhóm nông dân, theo từng địa bàn, tạo điều kiện quản lý tài nguyên nước, môi trường trong vùng nuôi thủy sản theo các quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm, hóa phẩm và các vật tư khác.

- Phát động nhân dân trồng cây phân tán trên các trục lộ giao thông, tuyến đê bao, kênh mương, cụm, tuyến dân cư, công sở, trường học, nông trường, trạm, trại, các điểm tham quan du lịch,… nhằm tạo cảnh quan môi trường, bóng mát, chắn sóng, cản lũ, bảo vệ công trình xây dựng và đê bao.

Năm  là, ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật như: tưới tiêu hợp lý; xây dựng hệ thống bảo vệ cây trồng; tận dụng nguồn nước mưa; chăm sóc nguồn đất chất lượng; giảm bớt quá trình làm đất thông thường; luân canh xen vụ cây trồng; sử dụng phương án chắn gió tại những vùng khô hanh, gió mạnh; phương án trồng cây kết hợp giữa nông nghiệp với lâm nghiệp; hạn chế sử dụng hóa chất; giảm thiểu phát tán khí methan trong chăn nuôi.

Sáu  là, nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi chịu ngập, chịu hạn để thích ứng với các vùng chịu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nghiên cứu và quy hoạch các vùng sản xuất cây lương thực, rau, màu, cây công nghiệp, các vùng nuôi trồng thủy hải sản thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Bảy là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường nuôi trồng và tài nguyên nông nghiệp, tài nguyên thủy hải sản. Song song đó, cần xây dựng các chính sách xã hội hỗ trợ cho người làm nông nghiệp trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng mới, giảm chi phí, an toàn, hiệu quả cao; hỗ trợ tài chính cho các nông hộ sản xuất gặp rủi ro do biến đổi khí hậu, thiên tai…).

Thực hiện tốt những giải pháp nêu trên, nông nghiệp Cần Thơ sẽ vững bước hướng tới nền nông nghiệp xanh, dựa vào cơ cấu xanh và công nghệ xanh, đạt mục tiêu sản xuất nông thực phẩm an toàn, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh tài nguyên, nâng cao hiệu ích kinh tế - xã hội tổng hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng lực cạnh tranh cao, xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; tạo ra sự hài hòa giữa nông thôn và đô thị, mang đặc trưng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long; góp phần xây dựng thành phố Cần Thơ hiện đại, văn minh, xứng đáng là trung tâm động lực phát triển của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.