TCCSĐT - Ngày 18-7-2012, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Cánh đồng mẫu lớn” nằm trong Chương trình “Cánh đồng vàng” nhằm tuyên truyền một số vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình cánh đồng mẫu lớn; giới thiệu một số mô hình cánh đồng mẫu lớn với cách làm sáng tạo và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Mô hình này đang nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học và các hộ nông dân trong việc tìm kiếm mô hình, giải pháp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoach và Đầu tư, Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Lê Huy Ngọ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, GS.Võ Tòng Xuân, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp...; các đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc các ban, ngành trung ương và hơn 100 đại biểu tiêu biểu đại diện cho các hộ nông dân, hợp tác xã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cả nước. Đây là dịp để các nhà nông, nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm tốt, những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết trong quá trình triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn; biểu dương các tấm gương bà con nông dân, các hợp tác xã đã có đóng góp quan trọng từ sáng kiến đến thực tiễn triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cả nước thời gian qua. 

Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” là cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng tại Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, ngày 24-6-2002, và Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg, về xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ. Xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” cũng là một giải pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được nêu trong Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26-11-2011 của Quốc hội. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương mở rộng phong trào xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước, không chỉ trên cây lúa mà các cây trồng khác. 

Trong suốt quá trình đổi mới toàn diện đất nước, nông nghiệp, nông thôn chính là nơi đã sinh ra nhiều sáng kiến mang tính đột phá; từ khoán hộ ở Vĩnh Phúc đến Khoán 100, Khoán 10, dồn điền – đổi thửa..., cánh đồng mẫu lớn... là những khái niệm gắn liền với những cách làm sáng tạo, từ đó tạo ra phong trào lớn đổi mới cơ chế quản lý và phương thức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Điều đó đã làm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có nhiều khởi sắc. 

Ngày nay, tuy nước ta đang có lợi thế về sản suất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa, hằng năm xuất khẩu khoảng 6-7 triệu tấn gạo trị giá xuất khẩu ước đạt trên 3 tỉ USD, nhưng ruộng đất còn rất manh mún, chi phí sản xuất còn quá cao, năng suất cây trồng, vật nuôi chưa cao, năng lực cạnh tranh trên thị trường còn yếu kể cả thị trường trong nước và thế giới, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều. Do vậy, trong sản xuất nông nghiệp đang rất cần những cách làm, những mô hình có nhiều đặc điểm nổi trội để khắc phục những yếu điểm của tình trạng sản xuất như hiện nay. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương mở rộng phong trào xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước, không chỉ trên cây lúa mà các cây trồng khác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trương khuyến khích chuyển dịch đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn nhằm không ngừng tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn cho các sản phẩm nông sản và thực phẩm của Việt Nam. 

Trong quá trình thực hiện xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” các bên tham gia đều thụ hưởng các lợi ích một cách cao nhất, trong đó nông dân được hưởng lợi từ các dịch vụ phục vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp và các giá trị tăng thêm cho lúa từ các hoạt động dịch vụ nhiều nhất. “Cánh đồng mẫu lớn” sẽ được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến trong sản xuất, từng bước được dịch vụ hóa tất cả các khâu trong sản xuất từ giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ, …các hoạt động dịch vụ này sẽ góp phần gia tăng năng suất, chất lượng và giá trị hạt gạo, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận.

Mục tiêu xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đối với sản xuất lúa gạo nhằm thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng, gia tăng chất lượng lúa, gạo và làm nền tảng cho việc sản xuất lúa hợp chuẩn thế giới, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trong nước và xuất khẩu. 

Tuy nhiên, từ thực tiễn cũng đang xuất hiện nhiều vấn đề cần tiếp tục tổng kết, rút ra những bài học cần thiết để mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tiến tới gắn chặt hơn với việc xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc tăng cường liên kết bốn nhà, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, chủ động trong sản xuất, điều tiết và tiêu thụ lúa gạo ở những vùng sản xuất lúa trọng điểm, đồng thời làm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân.
 
Với phương châm “Nông dân nhỏ nhưng cánh đồng mẫu lớn” sẽ hình thành những vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Sản xuất lúa theo hướng VietGAP nhằm tiến tới việc nâng cao giá trị và chất lượng của hạt gạo Việt Nam đối với thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới.

Mô hình mang ý nghĩa “Cánh đồng lớn nhưng trong đó có nhiều nông dân nhỏ” hay nói cách khác là một hình thức mới để tập hợp nông dân trong điều kiện thâm canh sản xuất lúa hiện nay. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới là đổi mới tổ chức sản xuất sản xuất nông nghiệp để phát huy tốt nhất, tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân. Đồng thời tạo ra sản phẩm nông sản hàng hoá tập trung, có sức cạnh tranh trên thị trường. Cánh đồng mẫu lớn là hình thức tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tập hợp những nông dân nhỏ lẻ tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới và giải quyết đầu ra ổn định và có lợi cho nông dân. Vì vậy, đây là một hướng tổ chức sản xuất phù hợp trong xây dựng nông thôn mới.

Thực tiễn phát triển cánh đồng mẫu lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ, Trà Vinh, Kiên Giang...), sau mở rộng ra một số tỉnh miền Bắc trong thời gian vừa qua (Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội...) cũng là cơ sở bước đầu cho chúng ta nhìn nhận, đánh giá về hình thức tổ chức sản xuất này. Mô hình cánh đồng mẫu lớn với bước khởi đầu còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng thuận cao nhất của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân và nông dân nên bước đầu đã cho thấy xu thế tất yếu của sự liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, là giải pháp thiết thực nhất cho sản xuất trồng trọt nói chung và cho sản xuất lúa nói riêng hiện nay và tương lai./.