TCCSĐT - Trong khuôn khổ Diễn đàn Việt Nam - Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (5-7-2012) đã diễn ra Hội thảo tổng quan “Môi trường kinh doanh và đầu tư Việt Nam - Mỹ Latinh” nhằm thảo luận tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh doanh, thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn nữa giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, vì sự phát triển và thịnh vượng chung.

Việt Nam: những ưu thế và tiềm năng tăng cường hợp tác với Mỹ Latinh

Nhận định về tiềm năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam, trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Đặng Huy Đông cho biết, năm 2012 là năm kỷ niệm 25 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế. Việt Nam đã tham gia và đóng vai trò tích cực tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM…

Việt Nam đang là điểm đến thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo khảo sát về triển vọng đầu tư thế giới của UNCTAD, trong năm 2012, Việt Nam đứng thứ 11 trong nhóm nước thu hút FDI giai đoạn 2010 - 2012. Tính đến hết tháng 6-2012, với những ưu thế và tiềm năng của mình, Việt Nam đã có 13.893 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với hơn 204 tỉ USD vốn đăng ký từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bước vào thế kỷ XXI, Việt Nam và các nước trong khu vực Mỹ - Latinh đã và đang tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và đạt được một số thành quả đáng ghi nhận, như tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại tăng gần 30%/năm, đạt khoảng 5 tỉ USD vào năm 2011.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, Việt Nam và các nước Mỹ Latinh chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của mình trong lĩnh vực đầu tư. Tính đến hết quý II/2012, mới có 12/33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Mỹ Latinh có hoạt động đầu tư tại thị trường Việt Nam, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng với 29 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 213 triệu USD. Belize, Barbados, Panama, Costa Rica, Saint Vicent, Dominica là những nước có nhiều hoạt động đầu tư tại Việt Nam với 84% số dự án và 94% tổng vốn đăng ký đầu tư trong khi Brazil, Mexico, Argentina - những nền kinh tế lớn trong khu vực, vẫn ở vị trí khiêm tốn với 3 dự án có tổng vốn đầu tư chưa đến 3 triệu USD. Tương tự, Việt Nam mới chỉ ký kết 5 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các nước Venezuela, Argentina, Chile, Cuba và Uruguay và 2 hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Cuba và Venezuela.

Phân tích về những trở ngại trong buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng nhận xét, do khoảng cách về địa lý, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, dẫn tới thời gian vận tải và đi lại dài, chi phí cao. Bên cạnh đó là sự khác biệt về ngôn ngữ, cả hai phía còn ít thông tin về đất nước, con người, môi trường và cơ hội kinh doanh của nhau. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến một số trở ngại khác, như xu hướng bảo hộ mậu dịch đang xuất hiện trở lại, thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, hệ thống rào cản kỹ thuật, thay đổi cách tính thuế nhập khẩu, dẫn đến mức thuế phải nộp tăng cao, quy định thêm thủ tục hành chính, kéo dài thời gian cấp phát nhập khẩu, yêu cầu chứng nhận lãnh sự, xiết chặt tiêu chí xuất xứ hàng hóa và tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở một số nước...

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ, Việt Nam mong muốn nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 12 tỉ USD vào năm 2015 và 25 - 26 tỉ USD vào năm 2020. Để đạt mục tiêu này, một số giải pháp được đưa ra là: hoàn thiện môi trường chính sách và thể chế ở mỗi bên theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và rào cản thương mại không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển và mở rộng quan hệ buôn bán và hợp tác đầu tư với nhau; nghiên cứu và triển khai đàm phán thêm các hiệp định ưu đãi thương mại; phát huy vai trò các Ủy ban liên Chính phủ và Ủy ban hỗn hợp nhằm xác định cơ hội, xây dựng chương trình, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Hai bên tăng cường cung cấp thông tin và quảng bá về môi trường và cơ hội kinh doanh, du lịch tại Việt Nam đến các doanh nghiệp và người dân Mỹ Latinh, nhất là bằng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và tiếng Việt. Việt Nam và các nước Mỹ Latinh có thể hợp tác xuất bản và tăng thời lượng giới thiệu về nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng của mình. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt môi trường và cơ hội kinh doanh của nhau, xác định và tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác và các mặt hàng có thể trao đổi, tận dụng triệt để những ưu đãi thương mại đã được ký kết, kịp thời phản ánh những khó khăn trở ngại để Chính phủ tìm cách tháo gỡ.

Cũng nhân dịp này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã công bố đóng góp của Việt Nam trong việc đưa ra sáng kiến thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ Latinh với mục tiêu quy tụ các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến việc thúc đẩy, mở rộng thị trường Mỹ Latinh. Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ Latinh vừa với tư cách là một cơ chế đối thoại chính sách giữa doanh nghiệp với các cơ quan chính phủ, vừa với tư cách một tổ chức liên kết doanh nghiệp, xúc tiến thương mại đầu tư, đánh dấu mốc phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa hai cộng đồng doanh nghiệp và quan hệ đối tác (PPP) Việt Nam - Mỹ Latinh. Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, đề án thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ Latinh đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các bộ, ngành của Việt Nam và sẽ sớm được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Mỹ Latinh: những cơ hội tăng cường hợp tác và đầu tư

Đóng góp ý kiến vào hội thảo, một số diễn giả quốc tế đã đề cập tới tình hình phát triển kinh tế, chính trị của đất nước cũng như tiềm năng hợp tác với Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác và Xúc tiến kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao Mexico, ông Nathan Wolf Lustbader giới thiệu về môi trường, kinh doanh của Mexico. Ông cho biết, Chính phủ Mexico coi tự do hóa thương mại là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp nước này vượt qua những khó khăn về kinh tế. Do đó, sự đa dạng hóa thị trường, xác định các cơ hội thương mại và tăng cường các hoạt động hợp tác song phương đóng một vai trò hết sức quan trọng. Với vai trò Chủ tịch nhóm G20, Mexico vừa qua đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại Los Cabos (tháng 6-2012), Hội nghị Thượng đỉnh về Thương mại G20 (tháng 6-2012). Mexico đang ngày càng thể hiện rõ vai trò năng động và mang tính xây dựng của mình trên trường quốc tế. Mexico cũng vừa tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội, theo đó, tất cả các đảng phái chính trị nước này đều nhấn mạnh trong các cương lĩnh về chính sách đối ngoại tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường các mối quan hệ hợp tác với châu Á. Vì vậy, mối quan hệ song phương với Việt Nam vẫn sẽ là một ưu tiên đối với Mexico. Đây chính là những cơ hội mở ra cánh cửa quan trọng để Việt Nam tận dụng môi trường đầu tư và thương mại hấp dẫn của Mexico, nhất là khi cả hai nước đều là thành viên đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một động lực mới cho mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa các nước.

Khẳng định vị trí là một đất nước của những cơ hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Đầu tư nước ngoài Chile Mori Arllano Matías đã đưa ra những con số hết sức ấn tượng của nền kinh tế nước này: tỷ lệ thất nghiệp dưới 7%, tốc độ tăng GDP bình quân trong giai đoạn 2004-2011 là 4,8%. Chile hiện đang xích lại gần nhóm các nước phát triển, và từ năm 2010, là nước Nam Mỹ thành viên duy nhất của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Chile được xếp thứ 7 thế giới và đứng đầu khu vực Mỹ Latinh trong bảng xếp hạng về Tự do kinh tế năm 2012 do Quỹ Heritage và The Wall Street Journal công bố. Sở hữu kết cấu hạ tầng đẳng cấp quốc tế, với hệ thống đường bộ và cầu cảng hiện đại, sự phát triển nổi bật về mạng lưới internet và công nghệ di động… cùng sự phát triển tích cực, an toàn của môi trường xã hội, Chile trở thành một trong những nước quan trọng nhất trong khu vực đối với FDI. Trong năm 2011, FDI vào Chile đạt mức kỷ lục là 17.299 tỉ USD, tăng 12,5% so với năm 2010. Chính phủ Chile đã đặt mục tiêu cải thiện hơn nữa chính sách thu hút đầu tư trở nên hiệu quả hơn và giảm thiểu các chi phí cho kinh doanh ở Chile. Những thông tin này thực sự quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, xây dựng chiến lược hợp tác đầu tư với nước bạn.

Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba, Antonio Caricarrte đã phát biểu bày tỏ sự cảm kích của Chính phủ Cuba đối với sự ủng hộ của Việt Nam trong các vấn đề ưu tiên trên bình diện đa phương. Thứ trưởng A.Caricarrte nhận định, đất nước Cuba trong thời gian gần đây đã có nhiều biến chuyển quan trọng với một loạt các biện pháp được triển khai trong khuôn khổ quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế Cuba. Tháng 4-2011, Cuba đã tổ chức thành công Đại hội VI Đảng Cộng sản Cuba - một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển kinh tế của Cuba trong thời gian tới. Đối với Cuba, trao đổi thương mại với châu Á và châu Đại dương chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của Cuba với các nước trên thế giới. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại chủ chốt của Cuba trong khu vực châu Á và châu Đại Dương. Từ năm 1999 Việt Nam đã trở thành nước cung cấp gạo chính cho Cuba. Chia sẻ những thông tin về tiềm năng đầu tư tại Cuba, Thứ trưởng Antonio Caricarrte cho rằng, trong những năm gần đây, Cuba đã có những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ gen, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao đã tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện nhiều sản phẩm công nghệ sinh học của Cuba được đăng ký và lưu hành tại Việt Nam. Cuba và Việt Nam đang triển khai dự án hợp tác quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và lương thực. Trong lĩnh vực đầu tư, ông A.Caricarrte nêu bật sự hiện diện của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PETROVIETNAM) trong thăm dò tìm kiếm dầu khí trong khu vực đặc quyền kinh tế của Cuba tại Vịnh Mexico. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư vào lĩnh vực du lịch, xây dựng khách sạn, bất động sản đi kèm với sân golf. Ngoài ra Cuba cũng sẵn sàng mời gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào một số lĩnh vực, như khai khoáng, năng lượng tái tạo, dầu khí… Thứ trưởng A.Caricarrte cũng đã gửi tới các doanh nghiệp Việt Nam và các nước Mỹ Latinh lời mời tham dự Hội chợ Thương mại quốc tế La Habana lần thứ 30, dự kiến tổ chức từ ngày 4 đến 11-11-2012. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ Latinh có được các thông tin thương mại về Cuba, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh và trao đổi với các đối tác Cuba và đối tác đến từ nhiều nước khác.

Tại Hội thảo, các diễn giả đến từ các nước Mỹ Latinh như Bộ trưởng Ngoại giao Nicaragua, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách về hợp tác, văn hóa và xúc tiến thương mại Brazil, Thứ trưởng Ngoại giao, Thương mại và hội nhập Ecuador, Đại sứ Panama, Đại sứ Venezuela… đã có những phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ hội để Việt Nam và Mỹ Latinh đẩy mạnh kinh doanh và đầu tư vì lợi ích và sự thịnh vượng của cả hai bên./.