Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tín dụng làm Phố Uôn (Wall) chao đảo, ngày 16-9, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định bơm 50 tỉ USD tiền mặt để ứng cứu thị trường tài chính đang căng thẳng.

Động thái này nằm ngoài kế hoạch ban đầu của FED và chỉ được đưa ra sau khi các ngân hàng hàng đầu thế giới thành lập quỹ hỗ trợ 70 tỉ USD nhằm nới lỏng tín dụng, trước nguy cơ phá sản của nhiều tập đoàn tài chính Mỹ.

Quyết định trên được công bố một ngày sau khi Ngân hàng đầu tư doanh nghiệp Lehman Brothers nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Thông báo cho biết, FED sẵn sàng có thêm những động thái mở kho bạc tương tự vào cuối ngày nếu cần thiết.

Trước đó, nhiều ngân hàng trung ương nước ngoài cũng xúc tiến kế hoạch bơm tiền mặt vào hệ thống ngân hàng nhằm xoa dịu mối lo ngại khi một loạt thiết chế tài chính khổng lồ của Mỹ, từ Lehman Brothers đến Merrill Lynch và cả tập đoàn bảo hiểm hàng đầu AIG bị lung lay dữ dội.

Ngày 15-9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Anh, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã rót hàng tỉ USD vào thị trường nhằm cố gắng ngăn chặn tác động từ sự sụp đổ của Lehman Brothers. Vụ Lehman Brothers là trường hợp phá sản lớn nhất của Phố Uôn kể từ 18 năm qua, đe dọa gây ra hiệu ứng đô-mi-nô nhấn chìm các nền kinh tế lớn.

Nhiều nhà phân tích dự báo trong cuộc họp của hội đồng hoạch định chính sách dự kiến diễn ra vào cuối ngày 16-9, FED sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong một nỗ lực nhằm duy trì hoạt động tín dụng trong hệ thống tài chính Mỹ. Hiện lãi suất liên ngân hàng của Mỹ là 2%, cao gấp 3 lần so với chỉ tiêu của FED./.