Giải pháp nào cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc?
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam (VFA), từ đầu năm đến nay, đã có 67 trên tổng số 271 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, nhiều nhà máy khác đang cầm cự và nguy cơ đóng cửa nhãn tiền. Nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên liệu tăng phi mã, ngân hàng thắt chặt vốn vay, thủ tục nhập khẩu phức tạp... Giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên là câu hỏi đang làm đau đầu các nhà quản lý mà trực tiếp là các nhà sản xuất.
Các nhà sản xuất nói gì?
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam (VFA) nhận định: cả 271 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc đang đứng trước 3 vấn đề nan giải; đó là giá cả nguyên liệu liên tục tăng, vay vốn ngân hàng khó khăn và thủ tục nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất có nhiều phức tạp. Việc nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất đang bị đình trệ là do doanh nghiệp khó khăn trong vay ngoại tệ, do các bộ, ngành đang thắt chặt cho vay nhập khẩu nhằm kìm hãm nhập siêu. Cũng theo ông Lịch, trên thực tế, nhiều nhà máy đang hoạt động cũng đang gặp không ít khó khăn do nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng (chỉ đáp ứng được 10 - 20% nhu cầu) như bắp, đậu nành, bột xương thịt, chất phụ gia bổ sung… Theo đó, muốn đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất phải có một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu, mà để vay vốn bằng đồng đô - la Mỹ với số lượng lớn, việc mở tín dụng thư (L/C) không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng làm được.
Ông Nguyễn Văn Mười, tổng giám đốc công ty Thức ăn chăn nuôi Lái Thiêu cho biết: so với năm 2007, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng vọt; trong đó khô dầu đậu tương tăng tới hơn 133%, giá các loại thức ăn cho gà, heo cũng tăng trên 50%, điển hình là bắp, mì, đậu, cám… đều tăng từ 60% -110% nhưng vẫn thiếu trầm trọng; trong khi nếu nhập khẩu nguyên liệu với giá cao sẽ không có lãi. Ông Nguyễn Văn Phước, phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân Chế biến thức ăn chăn nuôi Thành Lợi (tỉnh Bình Dương) bức xúc: Bên cạnh giá thức ăn tăng cao, còn có hàng loạt chi phí phát sinh như phí vận tải tăng giá, các loại chi phí như lưu kho bãi, bốc xếp hàng hóa, kiểm định… đều có sự gia tăng đáng kể. Mặt khác, với tình trạng cúp điện liên tục như hiện nay, khiến công ty phải thường xuyên chạy máy phát điện, càng phát sinh chi phí sản xuất.
Từ góc độ nhà quản lý
Bà Bùi Thị Oanh, Trưởng phòng Chăn nuôi, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay: Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2008, ước có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tạm dừng hoạt động do giá thành sản xuất cao và thiếu vốn. Trong số doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có 32 doanh nghiệp lớn, sản xuất ra 18,9% lượng thức ăn, còn lại hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ. Lý giải hiện tượng này, bà Oanh cho rằng: đó là hệ quả của việc giá nguyên liệu nhập khẩu tăng vọt: ngô tăng 68%, cám mỳ tăng 113% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở trong nước, giá ngô cũng tăng 15%, khô dầu đậu tương tăng 133%; giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng từ 54 - 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, những khó khăn về thủ tục nhập khẩu và chính sách tiền tệ cũng đang dồn các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Đơn cử, các lô hàng khô dầu (bã) dù đã nằm trong danh mục được phép nhập khẩu nhưng vẫn bị lưu lại tại cửa khẩu để kiểm tra chất lượng. Hoặc do tỷ giá hối đoái và phí giao dịch mua ngoại tệ cao (2.000 đồng/USD), số lượng tiền ký quỹ thanh toán hợp đồng với nước ngoài quá lớn, cùng với lãi suất ngân hàng tăng đến 21%/năm, rất khó khăn trong việc chuyển đổi ngoại tệ, khiến các doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng để nhập khẩu nguyên liệu.
Thông thường, để phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp phải dự trữ nguyên liệu trước từ 4 đến 6 tháng. Tuy nhiên, năm nay, do khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng cạn kiệt nguồn nguyên liệu dự trữ và buộc phải đóng cửa do không thể nhập khẩu thêm nguyên liệu để sản xuất.
Không chỉ có nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng phải nhập khẩu. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, nhu cầu về thức ăn chăn nuôi đã vượt quá khả năng cung cấp trong nước. Chỉ tính riêng năm 2008, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi của cả nước là 17,9 triệu tấn, trong khi sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 78,8%. 6 tháng đầu năm 2008, nước ta đã phải nhập khẩu gần 3,5 triệu tấn, trị giá hơn 1,5 tỉ USD. Ước tính cả năm 2008, cả nước phải nhập 3,2 tỉ USD tiền thức ăn chăn nuôi (năm 2007 nhập gần 1,2 tỉ USD).
Mỗi năm, để sản xuất khoảng 7 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, nước ta phải nhập khẩu xấp xỉ 3 triệu tấn nguyên liệu. Sự phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu đang đe dọa sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định: Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới sẽ tiếp tục tăng khoảng 20-30% trong thời gian tới. Điều đáng lo ngại là phần lớn các doanh nghiệp của ta không có tiền mua nguyên liệu dự trữ; trong khi giá nguyên liệu trong nước đang thấp hơn giá nhập khẩu nhưng không thể nào đáp ứng được. Thêm vào đó, hàng loạt các chi phí khác như giá nhân công, vận tải quốc tế, lãi suất vốn vay ngân hàng v.v... đều tăng. Nếu tình trạng này tiếp diễn, có lẽ danh sách doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phải đóng cửa sắp tới đây còn dài thêm.
Các chuyên gia cho rằng, tình trạng một loạt các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi nhỏ phải đóng cửa, nhường thị phần cho các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài, đang tiềm ẩn nguy cơ thị trường trong nước bị lũng đoạn, bị làm giá. Bên cạnh đó, hiện tượng đầu cơ của nhiều công ty kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thời gian gần đây cũng góp phần làm “méo mó” thị trường. Cũng theo các chuyên gia, từ nay đến năm 2020, nhu cầu về các sản phẩm phục vụ cho chăn nuôi của nước ta tăng trên 8%/năm. Thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng đột biến. Trong khi đó, nếu sản xuất trong nước bị thu hẹp, sản phẩm ngoại nhập tràn vào ngày càng nhiều sẽ làm nảy sinh thêm những vấn đề phức tạp. Điều này trái với chủ trương của Chính phủ là bằng mọi cách kiềm chế giá cả mặt hàng trọng yếu này.
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản đề nghị Chính phủ kịp thời có chính sách ưu tiên cho sản xuất và nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, đồng thời giảm thuế suất nhập khẩu xuống 0% đối với các mặt hàng nguyên liệu thuộc nhóm này. Bộ cũng đang chỉ đạo các cơ quan có liên quan tích cực hướng dẫn người dân cách sử dụng thức ăn chăn nuôi theo hướng tiết kiệm và hợp lý. Cục Chăn nuôi và nhiều doanh nghiệp cũng đã kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng bổ sung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vào danh mục các mặt hàng thiết yếu. Đây sẽ là cơ sở để giúp các doanh nghiệp hạn chế một phần khó khăn trong tình hình hiện nay và gián tiếp góp phần bình ổn giá thực phẩm. Trong sự nỗ lực tự “chèo chống”, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên cả nước đang mong đợi Chính phủ có các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định sản xuất./.
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp khai giảng năm học mới  (17/09/2008)
Mục lục Tạp chí Cộng sản số 790 (8-2008)  (17/09/2008)
Khai mạc những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga  (16/09/2008)
Cả nước đã trồng mới trên 100.000 ha rừng  (16/09/2008)
Xác định gần 4.500 loài sinh vật ở Vịnh Bắc Bộ  (16/09/2008)
Vốn FDI năm nay có thể đạt 50 tỉ USD  (16/09/2008)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên