Bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động về nhiều mặt
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
Bộ Luật Lao động là Bộ Luật có phạm vi, đối tượng điều chỉnh rộng lớn, tác động ảnh hưởng đến đời sống, xã hội, đến người lao động, đến người sử dụng lao động, đến các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Do đó, Bộ Luật đã được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII đã có 156 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và 27 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trường. Tại phiên thảo luận hôm nay có 26 vị đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường, tập trung vào các vấn đề:
Về tiền lương, xác định vai trò của Nhà nước đối với vấn đề tiền lương chính là thông qua việc sử dụng công cụ “mức tiền lương tối thiểu” để quản lý và điều tiết tiền lương phù hợp với thị trường lao động. Hiện nay, mức tiền lương tối thiểu đang được xác định theo 4 vùng kinh tế - địa lý và đã có sự thống nhất một mức chung giữa các loại hình doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân từ năm 2011 (Mức lương tối thiểu theo tháng xác lập theo 4 vùng áp dụng từ 1-10-2011 đến 31-12-2012 bao gồm: Vùng 1: 2 triệu đồng; Vùng 2: 1,78 triệu đồng; Vùng 3: 1,55 triệu đồng và Vùng 4: 1,4 triệu đồng). Mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức từ 1-5-2011: 830.000 đ, từ 1-5-2012: 1.050.000 đ/tháng). Về nguyên tắc, tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước và mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Chính phủ phải điều chỉnh mức lương tối thiểu khi chỉ số giá sinh hoạt tăng cao làm cơ sở cho các doanh nghiệp điều chỉnh tiền lương kịp thời nhằm bảo vệ người lao động, hài hòa được lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động. Từ quan điểm trên, dự thảo quy định việc thay đổi mức lương tối thiểu do Chính phủ quyết định, dựa trên khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, một cơ quan mới sẽ được thành lập gồm các đại diện là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương. Dự thảo cũng quy định: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”. Đây là những điểm được nhiều đại biểu đánh giá là rất tiến bộ làm cho người lao động có niềm tin về vấn đề tiền lương trong tương lai. Đồng tình với quy định này của dự thảo, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng: mức lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Việc đưa ra mức lương tối thiểu sát với thực tế sẽ giảm xung đột trong quan hệ lao động, đình công, tranh chấp lao động…
Theo dự thảo Bộ Luật, các nguyên tắc đối với tiền lương tối thiểu theo tháng, tuần, ngày, giờ, được xác lập theo vùng, theo ngành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thị trường lao động, tình hình thực tiễn của từng ngành, nghề, loại công việc trong từng thời kỳ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý tại Điều 99 của dự thảo Bộ Luật về tăng mức lương làm thêm giờ ban đêm lên gấp đôi so với mức lương làm việc ban ngày.
Về loại hợp đồng lao động, nhiều ý kiến ủng hộ phương án hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, cả hai phương án đều có khung tối đa là 72 tháng. Tuy nhiên, phương án thứ hai thực chất là kế thừa phương án một nhưng mềm dẻo hơn vì cho phép người sử dụng lao động và người lao động ký kết hợp đồng xác định thời hạn với thời gian linh hoạt hơn, phù hợp với thời gian thực hiện khác nhau của các công trình, dự án trên thực tế. Đồng thời, quy định này cũng không cản trở quyền quyết định của hai bên trong việc xác định thời gian cụ thể khi giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Phát biểu ý kiến, các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu), Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng), Nguyễn Trung Thu (Long An) đều cho rằng, hợp đồng xác định thời hạn như trên là phù hợp, tạo thuận lợi cho người lao động trong quá trình thỏa thuận. Nếu kéo dài lên 72 tháng, sẽ khó bảo vệ được quyền lợi của người lao động.
Về thời giờ làm thêm, có hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ nguyên quy định của Bộ Luật Lao động hiện hành, làm thêm giờ nhưng không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định thời giờ làm thêm là 200 giờ trong một năm, đối với một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ được làm thêm nhưng tối đa không quá 360 giờ trong một năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án 1 vì các lý do sau đây: Quy định này phù hợp với điều kiện và thể chất của người lao động Việt Nam, tạo cơ hội việc làm cho nhiều người lao động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và năng lực quản trị doanh nghiệp. Việc kéo dài thời giờ làm thêm là chưa phù hợp với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề của người lao động và giá trị sản phẩm tăng lên thì thời giờ làm việc phải giảm dần nhằm bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Trong các ý kiến phát biểu tại hội trường sáng nay, các đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng), Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng, quy định trên hạn chế người lao động bị khai thác tối đa sức lao động. Đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) ủng hộ phương án trên nhưng đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng lao động, bảo đảm thực hiện chi trả cho thời gian làm thêm đúng theo luật định.
Về chính sách đối với lao động nữ, đa số các ý kiến đại biểu đồng tình với quy định lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Ngoài ra, khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động. Hoặc trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng. Hiện, đa số các quốc gia (118/156 quốc gia, chiếm 75.6%) có quy định về thời gian nghỉ từ 10-20 tuần (Thái Lan, Lào, Nam Phi, Congo...) và hầu hết là các nước đang phát triển; Có 19/156 quốc gia (chiếm 12.2%) quy định thời gian nghỉ trên 20 tuần: Thuỵ Điển (480 ngày tương đương 69 tuần); Nga (98 tuần); Na Uy (56 tuần), Albania (52 tuần) v.v.. chủ yếu là các gia phát triển thuộc khu vực châu Âu và có hệ thống phúc lợi xã hội tốt; Có 04 quốc gia (Mỹ, Swaziland Liberia và Papa New Guinea) không có quy định cụ thể nào về thời gian nghỉ phép cho cha/mẹ trong thời kỳ trước sinh và sau khi sinh con. Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) bày tỏ nhất trí ý kiến về quy định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, đại biểu cho là phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau khi sinh, thể hiện tính ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong khi điều kiện kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn.
Về tuổi nghỉ hưu, có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60, nữ là 55, có thể điều chỉnh đối với nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo do bị suy giảm sức lao động được nghỉ hưu trước thời gian quy định và quy định cụ thể thời gian tăng tuổi nghỉ hưu, đối với nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; nhóm lao động làm công tác quản lý (nhưng không quá 5 năm) nếu tự nguyện, có sức khỏe và nhu cầu lao động để tùy theo điều kiện trong từng giai đoạn, Chính phủ có thể xem xét quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của các nhóm lao động này, tạo điều kiện thực tiễn để xem xét tổng thể tuổi nghỉ hưu trong tương lai. Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nhất trí về quy định tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên để phù hợp thì phải sửa đổi một số quy định hiện hành tránh gây bất bình đẳng đối với chị em phụ nữ.
Đại biểu dẫn chứng hiện nay thực tế có những cơ quan khi tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch cán bộ (trong đó có cả những văn bản của Đảng, Nhà nước, Quốc hội) còn thể hiện nữ kém nam 5 tuổi, trong khi cả nam và nữ cùng tốt nghiệp đại học như nhau, nữ thì còn hơn 10 năm thực hiện thiên chức của phụ nữ là chăm sóc và nuôi con nhỏ, nhưng quy định về tuyển dụng, chuyển đổi, về đào tạo quy hoạch thì quy định là nam không quá 45 và nữ không quá 40, như vậy là mất cơ hội của chị em phụ nữ. Thứ hai là về hệ số lương, quy định 3 năm tăng một bậc lương thì chị em phụ nữ cơ bản không được hưởng 2, 3 bậc cuối khi nữ về hưu trước 5 tuổi. Vậy nên chăng có quy định để nam 3 năm lên một bậc lương và nữ 2,5 năm tăng một bậc lương, như vậy để đến khi cùng về hưu là nữ 55 và nam 60 thì có thể bảo đảm được.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu của cả lao động nam và lao động nữ đều là 60 để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, bảo đảm an toàn lâu dài đối với quỹ bảo hiểm xã hội và thích ứng với xu hướng già hóa dân số. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì đề nghị, nên quy định độ tuổi được nghỉ hưu và độ tuổi phải nghỉ hưu.
Về xây dựng thang lương, hiện việc xây dựng thang lương, bảng lương do doanh nghiệp thỏa thuận với công đoàn cơ sở thực hiện và đăng ký với Phòng Lao động, Thương binh và xã hội địa phương. Dẫn chứng thực tế từ đầu năm 2012 đến nay trên địa bàn thành phố đã xảy ra 43 vụ đình công, tuy không đúng trình tự pháp luật nhưng đều bắt nguồn từ việc đa số doanh nghiệp chưa xây dựng thang, bảng lương đúng quy định, hoặc có xây dựng thang bảng lương nhưng lại không thực hiện đúng như khi đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước, đại biểu Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị “cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm tra việc xây dựng thang lương, bảng lương của doanh nghiệp cho phù hợp với luật pháp, đặc biệt là các định mức lao động” tránh thiệt thòi cho người lao động, đồng thời quy định vai trò của công đoàn cấp trên hỗ trợ công đoàn cơ sở xây dựng thang lương, bảng lương quy định mức lao động, quy chế trả lương, trả thưởng.
Về xác định mức trần thời gian hợp đồng xác định thời hạn, không đồng tình với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng mức trần thời gian hợp đồng xác định thời hạn là 72 tháng, đa số các đại biểu đều cho rằng chỉ nên là 36 tháng và chỉ ký 2 lần loại hợp đồng này. Sau đó nếu tiếp tục làm việc tiếp thì sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) và đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) cho rằng, khi thiết lập quan hệ hợp đồng lao động thì người lao động phải chấp nhận những cam kết mà họ không mong muốn. Vì vậy, nếu thiết lập quan hệ quá dài sẽ dẫn đến bất lợi cho người lao động, thời hạn hợp đồng lao động vừa phải sẽ tạo điều kiện cho người lao động khi thiết lập lại quan hệ sẽ có cơ hội thỏa thuận cao hơn. Đặc biệt hiện nay chúng ta biết thị trường và lao động còn rất nhiều biến động như là giá cả, tiền lương. Khi thiết lập quan hệ lao động thời hạn, hợp đồng lao động vừa phải thì sẽ giúp cho người lao động hết thời hạn hợp đồng lao động có thể thỏa thuận mới với những quyền lợi cao hơn.
Về giải quyết tranh chấp lao động, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi các quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động và đình công trong dự thảo Bộ Luật chỉ mới đáp ứng một phần yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Trong giải quyết tranh chấp lao động và đình công, công đoàn và hòa giải viên lao động đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, chưa ký kết thỏa ước lao động tập thể ngoài việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động theo pháp luật, dự thảo Bộ Luật đã bổ sung quy định khuyến khích các doanh nghiệp này lựa chọn một trong thỏa ước lao động tập thể tiến bộ có sẵn hoặc thỏa ước lao động tập thể ngành để thực hiện (Điều 89) và công đoàn cấp trên có vai trò hỗ trợ cho tập thể người lao động trong giải quyết tranh chấp lao động. Hướng đi này nhằm góp phần thúc đẩy nhu cầu thành lập tổ chức công đoàn của chính người lao động tại các doanh nghiệp để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho mình. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn sau khi Bộ Luật được Quốc hội thông qua, Chính phủ và các cơ quan có liên quan, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải tập trung đầu tư nguồn lực nhằm đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh tra lao động, hòa giải viên, trọng tài viên, cán bộ công đoàn các cấp nhất là cán bộ công đoàn cơ sở; thúc đẩy cơ chế đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp, hỗ trợ để cơ chế này vận hành thường xuyên tại cấp doanh nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế như việc thực thi Bộ Luật Lao động hiện hành.
Về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cho rằng dự thảo chỉ quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động theo kiểu cào bằng chứ không phân hóa mức độ của việc đơn phương chấm dứt trái pháp luật. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng các trường hợp luật định theo quy định tại Điều 38 của dự thảo thì tính chất và mức độ phải là nghiêm trọng hơn so với trường hợp trái luật do vi phạm về thời gian báo trước. Do đó, quy định trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng phải tùy theo tính chất của hành vi trái pháp luật.
Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18-6 tới./.
Tổng thống Cộng hòa Áo sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam  (23/05/2012)
Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp thu ý kiến đóng góp, chuẩn bị kiểm điểm và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)  (23/05/2012)
Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp thu ý kiến đóng góp, chuẩn bị kiểm điểm và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)  (23/05/2012)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển