Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 20-02 đến 26-02-2012)
TCCSĐT - Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi phải phát huy mạnh mẽ tính dân chủ của nhân dân; khẳng định bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi cũng cần thể hiện rõ nét hơn nữa mô hình Nhà nước ta là Nhà nước xã hội chủ nghĩa có sự thống nhất và phân công, phân nhiệm song song với cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp, hướng tới mục đích tối cao là nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.
1. Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-2-1947 – 20-2-2012)
Sáng 20-2, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-2-1947 – 20-2-2012), phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Ủy viên Bộ Chính trị- Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chúc mừng và biểu dương những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã đạt được trong 65 năm làm theo lời Bác dạy. Chủ tịch nước khẳng định: Để thực hiện được lời dạy của Bác “Thanh Hóa phải trở thành một tỉnh kiểu mẫu… làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu” thì Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa cần phải nỗ lực phấn đấu cao hơn, nhiều hơn trong những năm tới, khi Thanh Hóa cùng với cả nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thuận lợi, thời cơ và cả những khó khăn, thách thức to lớn do những diễn biến phức tạp trong tình hình thế giới và những hạn chế, yếu kém trên nhiều mặt của đất nước. Chủ tịch nước lưu ý, tỉnh cần quan tâm đầu tư phát triển theo hướng hình thành các vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao, có năng suất, hiệu quả cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến và thực hiện tốt chương trình Xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) với cách làm phù hợp, sáng tạo. Cùng với phát triển kinh tế, Thanh Hóa cần tiếp tục quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội; đẩy mạnh hoạt động xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo động lực cho phát triển kinh tế; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
2. Đua xích lô gây quỹ từ thiện nửa triệu đô la Mỹ
Chiều 20-2, Hội Từ thiện trẻ em Sài Gòn (SCC) đã tổ chức họp báo thông tin về cuộc đua xích lô từ thiện lần thứ 12 (năm 2012). Theo đó, cuộc đua sẽ diễn ra vào sáng 10-3 tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh). Đây được xem là sự kiện đua xích lô gây quỹ từ thiện duy nhất trên thế giới. Với mục đích gây quỹ giúp các trẻ em nghèo có cơ hội được đến trường thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ trẻ em Việt Nam, SCC đã 11 lần tổ chức đua xích lô từ thiện. Qua 11 lần tổ chức, chương trình đã thu được hơn nửa triệu đô la Mỹ gây quỹ từ thiện. Khoảng 90% khoản tiền từ thiện được dành trực tiếp cho các hoạt động hỗ trợ trẻ em nghèo và trẻ khuyết tật, thông qua việc xây dựng trường, trao học bổng, dạy nghề, nhằm tạo cho các em có nền tảng giáo dục cơ bản, trang bị những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này, để từ đó các em có thể thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn.
3. Phiên họp thứ hai Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Ngày 21-2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 diễn ra trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; đất nước đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, việc sửa đổi Hiến pháp phải đáp ứng yêu cầu phù hợp với diễn biến tình hình trong nước, dự báo xu hướng khu vực và thế giới; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI trên tinh thần sửa đổi, hoàn thiện đạo luật cơ bản, lâu dài, ổn định, phục vụ sự phát triển chung của đất nước, của dân tộc. Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi cũng phải phát huy mạnh mẽ tính dân chủ của nhân dân; khẳng định bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi cũng cần thể hiện rõ nét hơn nữa mô hình Nhà nước ta là Nhà nước xã hội chủ nghĩa có sự thống nhất và phân công, phân nhiệm song song với cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp, hướng tới mục đích tối cao là nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.
4. Tăng cường hệ thống giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch bệnh truyền nhiễm
Ngày 22-2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị thực hiện công điện 218/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống cúm A(H5N1) và triển khai kế hoạch phòng dịch năm 2012. Để công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đạt hiệu quả, năm 2012, ngành y tế tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời không để dịch bùng phát lan rộng; phấn đấu giảm 5-10% số mắc, chết do các bệnh truyền nhiễm lưu hành so với trung bình gian đoạn 2006 - 2010; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thực hiện tốt chỉ tiêu 3 công trình vệ sinh: nhà tắm, giếng nước và nhà tiêu tại các hộ gia đình; tổ chức 6 đơn vị tập huấn điều trị bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, Trung ương Huế, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ngành y tế sẽ thực hiện các giải pháp giảm tử vong như: tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, bệnh viện trung ương điều trị các trường hợp rất nặng, bệnh viện tỉnh điều trị các trường hợp nặng và bệnh viện huyện điều trị các trường hợp thông thường. Đồng thời, bổ sung phác đồ điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, phác đồ chống sốc, chống kháng thuốc; trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân; tổ chức các đội điều trị cấp cứu cơ động để hỗ trợ tuyến dưới.
5. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động, hủy bỏ các dự án xâm phạm chủ quyền của Việt Nam
Ngày 23-02, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước hoạt động của một số bộ, ngành của Trung Quốc ở Biển Đông từ đầu năm đến nay như: Bộ trưởng Giao thông Trung Quốc ra đảo Hoàng Sa thị sát tàu Hải Tuần; Cục trưởng Cục thể thao Trung Quốc đến thăm đảo Phú Lâm, Quần đảo Hoàng Sa khảo sát tình hình triển khai hoạt động thể dục thể thao; Viện nghiên cứu Môi trường và Khảo sát công trình hải dương “Nam Hải” thực hiện dự án đo đạc, giám sát, phân tích và đánh giá sự thay đổi của một số đảo điển hình ở quần đảo Hoàng Sa; Cục trưởng Cục ngư chính khu “Nam Hải” Trung Quốc cho biết Trung Quốc có kế hoạch về việc xây dựng căn cứ nghề cá ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa và xây dựng cầu tàu và căn cứ dịch vụ nghề cá ở Trường Sa. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định:
“Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm phức tạp và căng thẳng thêm tình hình trên Biển Đông, trái với Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động, hủy bỏ các dự án xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nêu trên, cùng các bên liên quan hợp tác giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông, thực hiện nghiêm túc DOC.”
6. Một số điều chỉnh, bổ sung kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012
Ngày 24-2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng; các Sở Giáo dục và Đào tạo về phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012. Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012 về cơ bản giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” như các năm trước. Một số điều chỉnh, bổ sung kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012 gồm: Tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông; Bổ sung khối thi A1 gồm các môn Toán, Lý, tiếng Anh; Bổ sung cụm thi Hải Phòng do Trường đại học Hàng Hải làm Trưởng cụm thi; Thí sinh dự thi tại cụm Vinh được đăng ký học các trường đại học đóng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Cấp Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh; Thí sinh dự thi đại học theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi (hoặc trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển), nhưng có kết quả thi bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường tổ chức thi cấp 2 Giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường; Thí sinh dự thi cao đẳng theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường cao đẳng đã dự thi, nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn mức điểm tối thiểu (điểm sàn theo đề thi cao đẳng) theo quy định đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường cao đẳng tổ chức thi cấp 2 Giấy chứng nhận kết quả thi cao đẳng, có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường. Thí sinh sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi hoặc bản sao có công chứng (theo quy định của từng trường) để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển của trường.
7. Hàng trăm đại biểu quốc tế tham gia chương trình "Du xuân hữu nghị Xuân Nhâm Thìn 2012" tại Ninh Bình
Ngày 25-2, hơn 200 đại biểu gồm Đại sứ, phu nhân cùng cán bộ ngoại giao của các Đại sứ quán, Tổ chức Quốc tế, Tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội; lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đã về thăm tỉnh Ninh Bình trong chương trình "Du xuân hữu nghị Xuân Nhâm Thìn 2012". Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nam đã phát biểu chào mừng Đoàn, đồng thời giới thiệu một số nét khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thời gian qua. Năm 2011, Ninh Bình đạt tốc độ tăng trưởng GDP 16,1%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó công nghiệp - xây dựng đạt 49%; nông lâm nghiệp, thủy sản ở mức 15%; dịch vụ chiếm 36%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 3.400 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Ninh Bình đang sở hữu nguồn tài nguyên độc đáo, đa dạng, tạo thế mạnh trong phát triển du lịch về với thiên nhiên. Nơi đây có Cố đô Hoa Lư lịch sử, nơi phát tích của 3 vương triều Đinh - Tiền Lê - Lý đầu thế kỷ thứ X với nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia, thực sự là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước. Thời gian tới, Ninh Bình mong muốn các vị đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là nhịp cầu vững chắc, giúp tỉnh mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt; đồng thời mời gọi, thu hút đầu tư để thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo.
8. Thanh niên 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng ký giao ước thi đua
Ngày 25-2, tại Hà Nội, Cụm Đoàn thanh niên các tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng đã tổ chức ký giao ước thi đua và giao ban công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2012. Đoàn thanh niên Cụm này bao gồm 8 tỉnh, thành: Thành Đoàn Hà Nội, Thành Đoàn Hải Phòng, Tỉnh Đoàn Hải Dương, Tỉnh Đoàn Hưng Yên, Tỉnh Đoàn Thái Bình, Tỉnh Đoàn Nam Định, Tỉnh Đoàn Hà Nam và Tỉnh Đoàn Ninh Bình. Trong bản giao ước thi đua năm 2012, Đoàn thanh niên 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng tập trung vào 3 nội dung cụ thể: Tập trung triển khai có hiệu quả các công trình thanh niên, cụ thể hóa công tác thanh niên một cách sáng tạo, khoa học, mang tính hành động cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương; tích cực thực hiện Chiến dịch Mùa hè thanh niên tình nguyện theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyên vọng của tuổi trẻ; triển khai kế hoạch tổ chức đại hội đoàn các cấp đáp ứng yêu cầu: đúng Điều lệ, đổi mới, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong tuổi trẻ, tạo được sự quan tâm rộng rãi của thanh thiếu nhi và toàn hệ thống chính trị…
Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng*  (27/02/2012)
Khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”  (27/02/2012)
Phát hành niên giám Quốc hội-Chính phủ khóa XIII  (27/02/2012)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay