Sáng 20-2-2012, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-2-1947 - 20-2-2012), phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới,” xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.

Tại buổi lễ, ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ôn lại truyền thống cách mạng, khái quát tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm qua, kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, phong trào xây dựng nông thôn mới, nêu rõ những nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa phải làm để tiếp tục thực hiện mong ước của Bác đối với tỉnh.

Cuối năm 1946, Thanh Hóa là vùng tự do, hậu phương rộng lớn, quan trọng của cuộc kháng chiến. Ngay những ngày đầu của cuộc kháng chiến, dù bận trăm công ngàn việc, ngày 20-2-1947, Bác Hồ đã về thăm tỉnh Thanh Hóa. Trong buổi nói chuyện với lãnh đạo tỉnh, các đại biểu nhân sỹ, trí thức cùng đông đảo nhân dân, Bác Hồ đã nói: “Trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, xứ Thanh là một trong những tỉnh có vị trí cực kỳ quan trọng, có truyền thống văn hóa lâu đời, là một trong những cái nôi của người xưa, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt,” là tỉnh “đất rộng, người đông, nhân dân có truyền thống đấu tranh anh dũng và cần cù lao động,” Thanh Hóa sẽ là hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến. Bác căn dặn “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu,” kiểu mẫu về mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự. Bác khẳng định “Tỉnh Thanh Hóa, theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được.”

Sau này, cùng với hàng trăm thư, điện gửi cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, Bác Hồ còn nhiều lần về thăm Thanh Hóa, giành cho Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa những tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc. Bác đã biểu dương những việc làm tốt, chỉ bảo ân cần những thiếu sót, khuyết điểm; dặn dò cụ thể những việc cần làm và những điều phải tránh.

Lần đầu tiên Bác về thăm đã trở thành mốc son quan trọng trong lịch sử Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa. Khắc ghi lời dạy của Bác, 65 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, lập nên những chiến công to lớn, đóng góp quan trọng vào những thắng lợi vĩ đại của nhân dân cả nước. Xét riêng từng mặt, từng lĩnh vực, từng địa phương, Thanh Hóa có thể đạt được danh hiệu kiểu mẫu. Tuy nhiên với tinh thần cầu thị khách quan, tại lễ kỷ niệm các đại biểu đã nghiêm túc nhìn nhận Thanh Hóa chưa thể trở thành tỉnh “kiểu mẫu” toàn diện: kinh tế tỉnh tuy tăng trưởng khá nhưng chất lượng hiệu quả chưa cao, kết cấu hạ tầng còn yếu kém, môi trường đầu tư chưa thật sự thông thoáng, một bộ phận đồng bào các dân tộc đời sống còn khó khăn.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chúc mừng và biểu dương những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã đạt được trong 65 năm làm theo lời Bác dạy. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định: Để thực hiện được lời dạy của Bác “Thanh Hóa phải trở thành một tỉnh kiểu mẫu… làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu” thì Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa cần phải nỗ lực phấn đấu cao hơn, nhiều hơn trong những năm tới, khi Thanh Hóa cùng với cả nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thuận lợi, thời cơ và cả những khó khăn, thách thức to lớn do những diễn biến phức tạp trong tình hình thế giới và những hạn chế, yếu kém trên nhiều mặt của đất nước.

Chủ tịch nước cho rằng, Thanh Hóa đất rộng, có rừng, có biển, tài nguyên thiên nhiên phong phú; người đông, nhân dân có truyền thống bất khuất, kiên cường, cần cù, thông minh, sáng tạo; nằm trên trục giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển Bắc-Nam. Đây là những tiềm năng, lợi thế to lớn mà Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa cần phải khai thác, phát huy cao nhất, có hiệu quả nhất theo hướng phát triển theo chiều sâu, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chủ tịch nước lưu ý, tỉnh cần quan tâm đầu tư phát triển theo hướng hình thành các vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao, có năng suất, hiệu quả cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến và thực hiện tốt chương trình Xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) với cách làm phù hợp, sáng tạo. Cùng với phát triển kinh tế, Thanh Hóa cần tiếp tục quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội; đẩy mạnh hoạt động xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo động lực cho phát triển kinh tế; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Là địa bàn chiến lược quan trọng, Thanh Hóa cần thường xuyên quan tâm làm tốt nhiệm vụ tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với các địa phương của nước bạn Lào, xây dựng biên giới Việt-Lào thật sự là biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa then chốt là Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa phải tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo Nghị quyết Đại hội XI; trong đó tập trung cao vào nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), quyết tâm tạo được sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quan trọng này đáp ứng sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân...

Cùng ngày, Chủ tịch nước đã đến thăm các cán bộ hưu trí Thanh Hóa tại Câu lạc bộ Hàm Rồng./.