Ngày 2-2-2012, thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Do thời gian nghỉ Tết khá dài nên hoạt động du lịch Tết Nhâm Thìn khá nhộn nhịp. Các đơn vị kinh doanh du lịch nói chung và các khách sạn nói riêng đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức các hoạt động, các sự kiện, giới thiệu các sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút và phục vụ khách.

Theo báo cáo của một số doanh nghiệp Lữ hành, giá tour nội địa trong dịp Tết năm nay tăng khoảng từ 10-15%. Về du lịch ra nước ngoài, giá tour cũng tăng so với trước Tết, điểm đến được lựa chọn nhiều là Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia. Nhiều khách du lịch quốc tế chọn Việt Nam làm điểm dừng chân để đón năm mới ở châu Á, đồng thời đông đảo Việt kiều về quê ăn Tết và tham dự các lễ hội. Do đó, thị trường khách quốc tế ở nước ta cũng khá sôi động, một số địa phương, doanh nghiệp đã đón, phục vụ những đoàn khách lớn. Chỉ trong ngày mồng 1 Tết tại Đà Nẵng đã đón gần 2000 khách; Quảng Ninh đón 1300 khách du lịch bằng tàu biển. Khách Trung Quốc đi theo tour dài ngày vào Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai đạt hơn 4.000 lượt, riêng ngày mồng 1 Tết là 1.400 khách. Tính đến ngày 3 Tết, Công ty Lữ hành Saigon Tourist đón 12.300 khách quốc tế, Công ty Du lịch Vietravel đón 6.500 khách, Hanoi Redtour đón 4.700 khách…

Tại các địa phương, nhiều sự kiện, lễ hội đã thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, điển hình là: Lễ hội Lòng Tòng (Đăk Lăk), Lễ hội Đền Huyền Trân, Lễ hội vật Làng Sình, Lễ hội Cầu Ngư và đua ghe tại Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), Lễ hội Đống Đa (Bình Định), Lễ hội vùng cao ở Bắc Hà, Mường Khương (Lào Cai). Tính đến ngày 3 Tết Nhâm Thìn (25-1) đã có 9 doanh nghiệp lữ hành quốc tế hàng đầu Việt Nam gửi báo cáo nhanh tình hình hoạt động du lịch của doanh nghiệp trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012. Ước tính tổng số khách nội địa là: 69.085 lượt khách, khách quốc tế đến là 42.468 lượt, người Việt đi du lịch nước ngoài là 42.274 lượt. Lượng khách du lịch (chủ yếu là từ ngày 1 đến 4 Tết) đông hơn so với cùng kỳ năm 2011, đặc biệt là ở các khu du lịch trọng điểm như Hạ Long (Quảng Ninh), Sapa (Lào Cai), Nha Trang (Khánh Hoà), Đà Lạt (Lâm Đồng), Mũi Né (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam)... Công suất sử dụng phòng bình quân đạt 85-90%, trong đó, nhiều khách sạn có công suất sử dụng phòng đạt 100%. Các khách sạn đã quan tâm, duy trì tốt việc bình ổn giá phòng, dịch vụ theo giá công bố trước Tết, thậm chí có khách sạn còn thực hiện chương trình khuyến mại dưới nhiều hình thức.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết: Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng, trò chơi dân gian, thể thao truyền thống được tổ chức rộng khắp, nội dung phong phú trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Bộ và các tỉnh, thành phố tích cực tổ chức biểu diễn tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi… với các tiết mục đặc sắc, nội dung phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Các đội thông tin lưu động, bảo tàng, triển lãm, thư viện, trung tâm chiếu bóng lưu động thực hiện tốt các chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và đất nước với chủ đề “Mừng Đảng - Mừng Xuân”. Các khu di tích và danh thắng, các địa điểm lễ hội tâm linh lớn như Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Hương (Hà Nội), Cố đô Huế… đón và phục vụ hàng vạn du khách trong dịp đầu năm mới. Các sản phẩm phim Tết có nội dung phong phú, chất lượng tốt. Nhiều nép đẹp văn hóa truyền thống đã được đông đảo công chúng hưởng ứng, tham dự...

Nhiều địa phương đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng một số trò chơi dân gian mang tính cộng đồng cao; có ý nghĩa thiết thực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, thu hút hàng vạn người tham gia và cổ vũ như: Võ cổ truyền (Bình Định, Hậu Giang, Lâm Đồng…); đua thuyền, đua ghe truyền thống (Đồng Nai, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế...), đua thuyền Rồng trên biển (Đồ Sơn, Hải Phòng); thi kéo co, múa lân sư rồng (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long…), bắn nỏ, kéo co, cờ tướng, chọi gà, ném còn, đẩy gậy, đập niêu (các tỉnh trung du miền núi phía Bắc); cờ tướng - cờ người (Thanh Hóa)...

Tuy nhiên, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012 cũng còn một số hạn chế như: Một số địa phương, tại các điểm di tích, nơi thực hành tín ngưỡng, việc trông coi quản lý các phương tiện tham gia giao thông của du khách chưa được quản lý tốt. Ý thức người dân khi tham dự lễ hội tuy đã chuyển biến so với năm trước nhưng chưa thực sự nền nếp, vẫn có tình trạng xả rác bừa bãi, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Công tác tuyên truyền ý nghĩa, nội dung lễ hội gắn với lịch sử di tích, giáo dục văn hóa cộng đồng một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Nội dung tuyên truyền chưa thực sự hấp dẫn, người dự hội nhiều, nhưng hiểu biết về các giá trị văn hóa của lễ hội còn hạn chế. Hiện tượng đốt đồ mã vẫn còn, chủ yếu là tại khu vực đô thị. Tại các lễ hội, đền, chùa... các loại sách có nội dung mê tín dị đoan, hoạt động bói toán, khấn thuê, lễ mướn; các hình thức cờ bạc trá hình tái diễn nhưng chưa được xử lý kịp thời.../.