TCCSĐT - Chiều 19-10-2011, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tiến hành Kỳ họp thứ nhất dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng và các đồng chí Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng.

Tại Kỳ họp này, các thành viên Hội đồng nghe quyết định thành lập các Tiểu ban của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015 gồm: Tiểu ban Chính trị, Tiểu ban Kinh tế, Tiểu ban Văn hóa-Xã hội và Con người; Tiểu ban Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại, đồng thời xem xét, cho ý kiến thảo luận về các chương trình, đề án trong toàn khóa. Bám sát chức năng, nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, Hội đồng Lý luận Trung đã đưa ra Dự thảo những những nội dung và phương thức hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015 với 16 nội dung lớn. Dự kiến, nhiệm kỳ 2011-2015, Hội đồng sẽ tổ chức 16 kỳ họp với 19 cuộc Hội thảo chuyên đề để chuẩn bị nội dung tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại các Kỳ Hội nghị Trung ương Đảng.
 
Với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên Hội đồng đã thảo luận thực sự dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và có chất lượng về những vấn đề liên quan đến ba đề án trọng tâm: Đề án những nội dung công tác chủ yếu của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015; Đề án tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội đồng nhiệm kỳ 2011-2015 và Chương trình làm việc của Hội đồng cả nhiệm kỳ; Đề án tổ chức học tập, nghiên cứu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ khóa XI.
 
Thảo luận về Đề án “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015”, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung trong Đề án, song có ý kiến cho rằng, Hội đồng cần tăng tính chủ động trong việc tìm đề tài nghiên cứu, tạo bước đột phá trong công tác lý luận như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại buổi lễ công bố quyết định thành lập Hội đồng. Bên cạnh đó, theo các đại biểu, tại mỗi cuộc họp, cuộc Hội thảo, cần phát huy tính dân chủ, thảo luận, tranh luận thẳng thắn các vấn đề lý luận và thực tiễn để có tiếng nói chung, đưa ra những kết luận sát thực, tư vấn chính xác cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
 
Đa số các đại biểu cho rằng, chặng đường 25 năm đổi mới vừa qua, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong tư duy lý luận của Đảng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của giới lý luận. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn vẫn chưa đáp ứng hết được yêu cầu của thực tiễn. Nhiều vấn đề cụ thể của công cuộc đổi mới còn hạn chế, thiếu thống nhất, đây là một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Vì vậy, cần tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới; không ngừng phát triển lý luận, đề ra đường lối và chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; khắc phục một số mặt lạc hậu, yếu kém của công tác nghiên cứu lý luận. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận, cải tiến tổ chức nghiên cứu lý luận phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn, tổng kết 30 năm đổi mới đất nước.
 
Thực tiễn phong phú và những thành tựu đạt được qua 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn cách mạng Việt Nam và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hội đồng Lý luận Trung ương là tổ chức do Bộ Chính trị lập ra, hoạt động của Hội đồng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, về những chương trình, đề tài khoa học cấp Nhà nước về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo của Đảng, Hội đồng Lý luận Trung ương có nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu một số đề tài do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao hoặc chấp thuận trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, đồng thời kế thừa, chắt lọc kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu khác, để thực hiện tốt chức năng tư vấn của Hội đồng và thực hiện một số nhiệm vụ tư vấn khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao; Thẩm định những vấn đề mà các ngành, các cấp trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương; Nghiên cứu, đề xuất những luận cứ về lý luận đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng; Giữ mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu lý luận của các đảng cộng sản và đảng cầm quyền trên thế giới.

Vì thế vai trò, vị thế, ý nghĩa thực tiễn của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015 sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào ý thức trách nhiệm, sự nỗ lực, tâm huyết của tất cả các Tiểu ban chuyên môn và của từng cán bộ thuộc bộ máy tổ chức của Hội đồng trong việc triển khai cụ thẻ các đề án nói trên và hàng loạt những vấn đề nội dung quan trọng khác.

Phát biểu kết luận kỳ họp, đồng chí Đinh Thế Huynh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng. Đồng chí đề nghị, ngoài 12 ý kiến đóng góp trực tiếp tại kỳ họp, còn nhiều thành viên chưa có điều kiện phát biểu sẽ tiếp tục cho ý kiến bằng văn bản hoặc sửa chữa, bổ sung trực tiếp vào các dự thảo đề án và gửi sớm về Văn phòng Hội đồng. Thường trực Hội đồng sẽ chỉ đạo nghiêm túc và kịp thời tiếp thu ý kiến xây dựng của tất cả các thành viên Hội đồng, tiếp tục hoàn thiện các đề án để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chính thức ban hành; đồng thời sẽ chỉ đạo một cách sát sao việc tổ chức thực hiện những kế hoạch, nội dung cụ thể gắn với từng đề án.

Ngay sau Kỳ họp thứ nhất, các thành viên Hội đồng cần chủ động, phối hợp chặt chẽ, triển khai các công tác trọng tâm đã được xác định. Trước mắt, tổ chức thật tốt cuộc trao đổi lý luận lần thứ tư giữa Đảng ta và Đảng Cộng sản Nhật Bản (cuối tháng 10-2011); Hội thảo lý luận lần thứ bảy giữa Đảng ta với Đảng Cộng sản Trung Quốc (luân phiên) tại Trung Quốc vào cuối tháng 11-2011, hai hội thảo khoa học lớn tại Kỳ họp thứ 2 của Hội đồng để tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung quan trọng, phục vụ chuẩn bị Hội nghị Trung ương 4 và Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.

Thường trực Hội đồng đề nghị các thành viên cần chủ động, bám sát vào nội dung của từng đề án sẽ được ban hành, đặc biệt là Chương trình làm việc của Hội đồng để triển khai các kế hoạch, các công việc cụ thể, bảo đảm chất lượng cao nhất nhiệm vụ tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lý luận chính trị./.