TCCSĐT - Trong hai ngày 14 và 15-10-2011, Bộ trưởng Tài chính các nước công nghiệp phát triển và mới nổi (G20) đã họp tại Paris (Pháp) để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị cấp cao sẽ được tổ chức tại Cannes (Pháp) trong tháng 11 tới. Cùng tham dự có cả những người đứng đầu của những thể chế tài chính và tiền tệ quốc tế.

Dù bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị được đưa ra nhưng vẫn còn sự bất đồng quan điểm giữa các thành viên tham dự hội nghị về phương cách xử lý khủng hoảng tài chính.

Trong tuyên bố đó, các thành viên tham dự Hội nghị bày tỏ, EU sẽ nhanh chóng giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ công và đồng euro nhưng đồng thời cũng lại cảnh báo, EU không có nhiều thời gian và phải có những quyết định thuyết phục tại Hội nghị cấp cao EU vào ngày 23-10 tới. Các bên tham dự Hội nghị không phải là thành viên EU cam kết thông qua cải cách kinh tế, tài chính và điều tiết vĩ mô để góp phần bảo đảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế năng động trên thế giới.

Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên G20 nhất trí tăng cường khả năng tài chính cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giúp các nước đang bị khủng hoảng tài chính thoát khỏi khủng hoảng và ngăn ngừa khủng hoảng lây lan sang các nước khác ở châu Âu cũng như ở các khu vực khác trên thế giới. Mức độ tăng cụ thể sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao của G20 vào đầu tháng 11 tới ở Cannes. Tuy nhiên, Hội nghị không đưa ra những giải pháp cụ thể hơn trên lĩnh vực này bởi những bất đồng quan điểm giữa các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế mới nổi.

Các nền kinh tế mới nổi sẵn sàng hỗ trợ về tài chính cho các nước công nghiệp phát triển bị khủng hoảng cũng như cho IMF nhưng với điều kiện là phải có tiếng nói trọng lượng hơn trong IMF. Đòi hỏi này bị hai nước Mỹ và Đức kiên quyết bác bỏ. Ngoài ra, Hội nghị cũng đã nhất trí về những nguyên tắc hợp tác giữa IMF với các thể chế tài chính và tiền tệ khu vực cũ cũng như mới hình thành.

Kết quả quan trọng đạt được trong Hội nghị này, đó là sự nhất trí giữa các thành viên tham dự về danh sách những ngân hàng được coi là ảnh hưởng tới sự tồn vong và hoạt động của toàn bộ hệ thống ngân hàng quốc gia và thị trường tài chính quốc tế, tức là những ngân hàng hoạt động trên bình diện toàn cầu mà chính phủ các quốc gia không được để cho bị sụp đổ. Danh sách các ngân hàng này sẽ được công bố trong thời gian tới. Các ngân hàng này sẽ bị buộc phải tăng mức độ dự trữ tiền tệ tối thiểu bắt buộc, từ năm 2016 sẽ cao hơn so với mức độ hiện tại từ 1 đến 2,5%.

Tuy nhiên, chưa có Hội nghị quốc tế nào mà EU bị phê trách mạnh như ở Hội nghị này, thậm chí cả Mỹ và Anh cũng lên tiếng yêu cầu nhóm các nước thành viên sử dụng đồng euro phải nhanh chóng tự giải quyết khủng hoảng đồng euro và khủng hoảng nợ công ở những thành viên của nhóm. Các thành viên khác đều thôi thúc Nhóm Euro phải hành động quyết liệt hơn nữa, phải có lộ trình và biện pháp cụ thể và khả thi.

Tất cả các nước đều cho rằng, vấn đề chính trong xử lý khủng hoảng tài chính trên thế giới hiện tại là xử lý khủng hoảng đồng euro và khủng hoảng nợ công trong Nhóm Euro. Họ ghi nhận nhưng chưa thật sự tin tưởng vào cả lộ trình giải cứu ngân hàng ở châu Âu đã được Chủ tịch Ủy ban EU Jose Manuel Barroso đưa ra cũng như kế hoạch 5 điểm được Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đưa ra nhằm giải cứu đồng euro.

Trong khi Chủ tịch Ủy ban EU Jose Manuel Barroso gần như chỉ tập trung vào việc tăng khả năng tài chính cho các ngân hàng bằng cách bắt buộc cũng như hỗ trợ của nhà nước thì kế hoạch của Đức để cập được nhiều vấn đề hơn. Theo kế hoạch đó, trước hết EU phải sửa đổi các loại luật lệ và hiệp ước của mình để biến Nhóm Euro thành một Liên minh về tài chính và ngân sách, có nghĩa là phối hợp tốt hơn chính sách tài chính và ngân sách, đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn và có biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với việc đáp ứng những tiêu chuẩn đó.

Nội dung thứ hai trong kế hoạch này là tiếp tục mở rộng phạm vi sử dụng và nâng cao khả năng tài chính cho Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) theo hướng cũng được đề cập trong tuyên bố chung cuối cùng của hội nghị nói trên là "tối đa hóa khả năng của Quỹ EFSF".

Nội dung thứ ba là giải cứu dứt điểm Hy Lạp mà không thể loại trừ khả năng phải xóa một phần nợ cho Hy Lạp.

Nội dung thứ tư là nội dung chính trong kế hoạch đã được Chủ tịch Ủy ban EU Jose Manuel Barroso đưa ra và điểm này cũng đã được đề cập đến trong Tuyên bố chung cuối cùng của Hội nghị. Đó là nhất trí tăng cường khả năng tài chính cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giúp các nước đang bị khủng hoảng tài chính thoát khỏi khủng hoảng và ngăn ngừa khủng hoảng lây lan sang các nước khác ở châu Âu cũng như ở các khu vực khác trên thế giới.

Nội dung cuối cùng trong kế hoạch của Đức liên quan đến những thành viên EU chưa bị khủng hoảng nhưng có nguy cơ bị khủng hoảng như Tây Ban Nha hay Italia, Đức cho rằng, các thành viên này phải tự giải quyết lấy vấn đề đó chứ không thể trông chờ vào các đối tác bên ngoài.

Đề nghị của Đức được các thành viên quan tâm và ghi nhận, tuy nhiên chưa nhận được sự tán đồng sâu rộng. Đề nghị này sẽ được tiếp tục thảo luận trong EU và tại Hội nghị cấp cao tới của Nhóm G20./.