TCCS - Ngày 22-3-2025, tại tỉnh Bình Định, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định_Ảnh: Công Tiến

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định; Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Báo cáo kết quả về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho biết: Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,78%, đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7,5 - 8%). Quy mô GRDP của tỉnh đạt 130.800 tỷ đồng, tương đương 5,3 tỷ USD, xếp vị trí thứ 25/63 địa phương cả nước, thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và thứ 3/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung Bộ; GRDP bình quân đầu người cuối năm 2024 đạt 86,1 triệu đồng, tăng 9,7% so cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế; giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 3,04%, chiếm tỷ trọng 25,03%; trong đó: nông nghiệp tăng 3,05%, lâm nghiệp tăng 4,97%, thủy sản tăng 2,63%. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa; đã hình thành một số vùng sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản gắn với nhà máy chế biến lớn; thực hiện nghiêm các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU). Tỉnh Bình Định có 80,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 7 đơn vị cấp huyện đạt nông thôn mới. Toàn tỉnh có 477 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, tỉnh Bình Định phải tổ chức tốt các ngày kỷ niệm lớn, như 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Ngày truyền thống lực lượng công an nhân dân, 80 năm Quốc khánh; do đó, tỉnh phải xác định rõ nhiệm vụ, phấn đấu cao nhất, tham gia tốt Đại hội XIV của Đảng, trong đó có việc đóng góp ý kiến cho đại hội đảng bộ các cấp nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu tại buổi làm việc_Ảnh: Công Tiến

Tiên phong, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nghĩ sâu, làm lớn, nhìn xa, trông rộng, không trông chờ ỷ lại; kiên định, giữ vững lập trường để phát triển Bình Định nhanh và bền vững; bảo đảm quốc phòng - an ninh; thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp với tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải. Phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền”; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tránh lãng phí với tinh thần khi giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp phải đặt vị trí người dân, doanh nghiệp vào vị trí của mình, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, đã nói, đã hứa là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả, sản phẩm rõ ràng. Khai thác nguồn lực sẵn có của địa phương, lấy nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài là tài nguyên con người, thiên nhiên; khai thác, tiến sâu vào lòng đất, tích cực vào không gian biển (điện gió ngoài khơi), đáy biển; tích cực khai thác kinh tế không gian.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; huy động nguồn lực từ hợp tác công tư, “lãnh đạo công - quản trị tư”, “đầu tư tư - sử dụng công”, “đầu tư công - quản lý tư”; không để cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm; phát huy tinh thần có lợi cho Nhà nước, có lợi cho doanh nghiệp, có lợi cho nhân dân trên tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng và không để thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, nhân dân.

Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Định triển khai quyết liệt cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, tạo sự đồng thuận trong Đảng, các cấp chính quyền, trong xã hội và nhân dân. Tỉnh Bình Định phải tăng trưởng 2 con số; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…; đi vào các ngành mới nổi, như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây…; tiếp tục đẩy mạnh, tự chủ hơn, quyết liệt hơn về 3 đột phá chiến lược, nhất là về hạ tầng giao thông, hạ tầng số, y tế, giáo dục, thể thao; mạnh dạn tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án chính; xác định các trọng tâm, trọng điểm; xã hội hóa các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư công; sử dụng hiệu quả tài sản công sau khi sáp nhập xã, phường.

Triển khai tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024, của Bộ Chính trị, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, theo đó, tỉnh Bình Định phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực; xác định những lĩnh vực trọng tâm để tăng năng suất lao động, gia tăng giá trị; tập trung tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp; làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát triển hạ tầng liên quan đến nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phát huy bản sắc văn hóa, khí phách Tây Sơn hào hùng. Tạo đồng thuận, đoàn kết, thống nhất trong Đảng, chính quyền, nhân dân; chuẩn bị tham gia tích cực cùng Nhà nước đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam./.