Tỉnh Hà Giang lan tỏa giá trị các lễ hội truyền thống
TCCS - Tỉnh Hà Giang sở hữu đa dạng các lễ hội độc đáo. Để góp phần đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn, Hà Giang thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và phát triển các lễ hội trên địa bàn.
Chú trọng phục dựng nhiều lễ hội
Giống với các tỉnh vùng cao khác ở cực Bắc Tổ quốc - nơi có nhiều dân tộc cùng sinh sống - Hà Giang sở hữu nhiều lễ hội độc đáo, đậm đà bản sắc, mang đặc thù riêng biệt của từng dân tộc. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 81 lễ hội từ cấp tỉnh đến cơ sở. Các lễ hội thực sự là những màn biểu diễn văn hóa đặc sắc và có ý nghĩa truyền thống rất lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Lễ hội nhảy lửa là một ví dụ. Đối với dân tộc Pà Thẻn (xã Tân Bắc, huyện Quang Bình), lễ hội nhảy lửa là dịp để cộng đồng gửi gắm những ước muốn cho cuộc sống ấm no, mạnh khỏe. Lễ hội còn có ý nghĩa thi tài đọ sức, rèn luyện tính kiên cường, dũng cảm của những chàng trai trong làng bản, những người con của núi rừng và xua đuổi tà ma trong nhà, trong bản làng của năm cũ để cầu chúc cho mùa màng năm sau tốt hơn. Lễ hội nhảy lửa cũng là dịp để cộng đồng, dòng họ gắn kết, tập trung lại với nhau cùng múa, hát, cùng xem nhảy lửa.
Đối với đồng bào Dao đỏ (xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên), lễ nhảy lửa lại mang ý nghĩa tắm rửa sạch sẽ, giải hạn cho con người và cho cả bản, làng. Đó cũng là dịp để cho toàn thể dân làng tạ ơn trời đất, thần linh đã cho một mùa vụ tươi tốt, mang lại sự ấm áp, may mắn; đồng thời là dịp xua đi những đen đủi của năm cũ, xua đuổi tà ma, bệnh tật, cầu mong mưa thuận, gió hoà, cuộc sống no ấm, dân bản khỏe mạnh trong năm tới.
Tuy nhiên, đa phần là những lễ hội quy mô nhỏ, đơn thuần chỉ là hoạt động phản ánh tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số, diễn ra trong thời gian ngắn, chủ yếu được tổ chức vào các dịp lễ, tết đầu năm mới. Lễ hội của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh chủ yếu dựa trên phong tục, tập quán sinh hoạt hằng ngày và nhu cầu thực tế của từng dân tộc. Về cơ bản, sức ảnh hưởng và sự lan tỏa của các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang chưa thực sự phản ánh đúng giá trị trong việc thu hút khách du lịch tham gia trải nghiệm.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển, quảng bá các lễ hội trên địa bàn, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng, phát triển các lễ hội truyền thống, như: Quyết định số 1244/QĐ-UBND, ngày 4-7-2017, của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia” và “Phục dựng, bảo tồn một số lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang” giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định số 1476/QĐ-UBND, ngày 31-7-2019, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Về việc phê duyệt đề án nâng cao chất lượng và phát triển các lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2030”.
Quán triệt sâu sắc những chủ trương trên của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch số 164/KH-SVHTTDL, ngày 29-10-2022, về “Phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023”, nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ cấp bách thời gian tới là: “Tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh triển khai khảo sát, lập hồ sơ 2 di sản văn hóa là kỹ thuật thêu, dệt thổ cẩm của dân tộc Nùng U, huyện Xí Mần, huyện Hoàng Su Phì; kỹ thuật trồng bông và dệt vải của dân tộc La Chí huyện Hoàng Su phì, huyện Xí Mần và huyện Quang Bình để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia. Phục dựng và bảo tồn 3 lễ hội dân gian có nguy cơ mai một…”.
Quang Bình là một trong số những huyện tích cực bám sát và thực hiện có hiệu quả kế hoạch trên. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với ủy ban nhân dân các xã, thị trấn sưu tầm, phục dựng và duy trì các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện để thu hút khách du lịch, như: Lễ hội nhảy lửa, lễ hội kéo chày của đồng bào Pà Thẻn; lễ cấp sắc của dân tộc Dao; lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày, lễ hội đua thuyền trên lòng hồ thủy điện sông Chừng; nghi lễ cúng mừng cơm mới của dân tộc La Chí… Đáng chú ý, vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Quang Bình đã chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Văn hóa dân tộc và Ủy ban nhân dân xã Tân Nam tổ chúc phục dựng Lễ cầu mùa của đồng bào Dao đỏ tại thôn Nặm Qua, xã Tân Nam. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh và là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn huyện.
Ở cấp tỉnh, dự án “Bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, “Phục dựng, bảo tồn một số lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số” tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 - 2020 và bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Bố Y được triển khai, nhờ đó, đã nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống với quy mô cấp tỉnh, khu vực là 8 lễ hội, quy mô cấp huyện 15 lễ hội và cấp xã là 58 lễ hội; bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ cho 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng, bảo đảm mục tiêu bảo tồn kiến trúc truyền thống, phục dựng các loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, nghề thủ công truyền thống phục vụ du lịch tại địa phương.
Tính đến nay, tỉnh Hà Giang có 39 lễ hội được tổ chức quy mô và khả năng thu hút du lịch. Nhiều dự án văn hóa, lễ hội được phục dựng, bảo tồn như: “Lễ hội Bàn Vương” dân tộc Dao; các điệu múa và lễ hội của dân tộc Lô Lô, dân tộc Cờ Lao; “Lễ hội tung còn” của dân tộc Tày; “Múa gậy xinh tiền”, “Múa ngựa giấy”... Cùng với đó, các thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh được quan tâm đúng mức ngày càng mạnh, xứng tầm. Đến nay, toàn tỉnh có 134/193 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 1.760/2.071 thôn, bản, tổ khu phố đã có nhà văn hoá cộng đồng, 11/11 huyện, thành phố có thư viện; 193/193 xã, phường có tủ sách pháp luật; 175/193 xã có bưu điện văn hóa xã, tạo sân chơi bổ ích cho cộng đồng dân cư, không gian sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú cho du khách khi đến với Hà Giang…
Hằng năm, ngành du lịch chủ động xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch, đặc biệt là công tác nâng cao chất lượng, phát triển các lễ hội từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra của tỉnh thời gian qua cũng được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện nghiêm túc, qua đó kịp thời phát hiện những sai phạm trong tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh; đồng thời thông qua đó, gây dựng niềm tin, tranh thủ được nội lực của quần chúng, nhân dân, đồng bào các dân tộc tham gia công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc nói chung, công tác phục dựng, nâng cao chất lượng và phát triển lễ hội nói riêng.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để việc duy trì và phát triển các lễ hội hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, thời gian tới, tỉnh Hà Giang xác định triển khai đồng bộ những giải pháp quan trọng sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tổ chức lễ hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, tu bổ, bảo vệ, giữ gìn tốt di tích văn hóa - lịch sử,… đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và đặc biệt là nhân dân, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc tổ chức các lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống, sâu rộng tới các cấp, các ngành, đoàn thể và tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc. Đồng thời, thông qua các buổi tuyên truyền, quán triệt chỉ thị, nghị quyết, chủ động tạo điều kiện kết nối các chương trình dự án về phát triển văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao tính hiệu quả.
Hai là, tăng cường sự chỉ đạo và quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương với ban tổ chức lễ hội, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý và tổ chức các lễ hội; triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức cụ thể, minh bạch cho từng lễ hội theo từng cấp để bảo đảm các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, hiệu quả, tiết kiệm theo đúng quy định của pháp luật nhà nước. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên để qua đó khen thưởng và xử lý kịp thời các vi phạm trong họat động tổ chức lễ hội, tạo niềm tin cho nhân dân, đồng bào các dân tộc trong việc nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá sâu rộng những lễ hội của tỉnh trên các phương tiện thông tin truyền thông, xây dựng chuyên trang, chuyên mục giới thiệu về nét đặc sắc của từng lễ hội trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, các trang mạng xã hội, pa nô, áp phích để từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân, đồng bào các dân tộc về giá trị và ý nghĩa của các lễ hội, thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.
Bốn là, chú trọng việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làm phong phú hơn những giá trị mới trong lễ hội. Khuyến khích những sáng tạo mới dựa trên nền tảng các giá trị truyền thống để những sáng tạo đó giao thoa, hòa quyện với nhịp sống văn hóa của thời đại, qua đó nâng cao hơn tính bền vững làm cho lễ hội thêm sức sống, lan tỏa, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, đồng bào các dân tộc, tạo sức hút, sự hấp dẫn cao tới du khách trong nước và quốc tế. Tiếp tục đổi mới việc tổ chức các lễ hội theo hướng gọn nhẹ, an toàn, tiết kiệm thời gian, sức người sức của, nội dung phải phù hợp, bám sát đặc điểm của địa phương, vùng, miền, dân tộc và tôn giáo, tránh các hình thức phô trương, lãng phí. Tổ chức các lễ hội phải thực sự vui tươi, lành mạnh, thiết thực và bổ ích.
Năm là, đẩy mạnh công tác đào tạo, tích cực mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cấp quản lý để có đủ năng lực tham mưu tổ chức những lễ hội phù hợp với quy mô tổ chức ở từng cấp, đặc biệt là các cán bộ làm công tác văn hóa của huyện, xã, người làm việc trong các ban quản lý di tích. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cộng tác viên đủ mạnh trong lĩnh vực tuyên truyền văn hóa, nhất là đội ngũ cộng tác viên không chuyên ở các thôn bản để thực sự phát huy và lan tỏa sâu rộng tới quần chúng nhân dân, đồng bào các dân tộc về chủ trương, đường lối, chính sách của tỉnh, huyện trong công tác nâng cao chất lượng và phát triển các lễ hội. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục có cơ chế khuyến khích việc phát huy vai trò và khai thác mọi khả năng sáng tạo, tham gia hoạt động lễ hội của Hội Nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh trong công tác duy trì cũng như truyền dạy vốn văn hóa truyền thông trong các lễ hội cho lớp trẻ.
Sáu là, xây dựng cơ chế chính sách về tổ chức hoạt động và tổ chức lễ hội cấp tỉnh cũng như xây dựng kế hoạch khảo sát và phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống theo Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa hằng năm phải dựa trên cơ sở, chức năng, nhiệm vụ, tính chất hoạt động và điều kiện cụ thể của từng lễ hội. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức kinh tế, cá nhân và từ quần chúng nhân dân để tổ chức lễ hội các cấp. Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, ban tổ chức trong hoạt động tổ chức lễ hội, đặc biệt là các lễ hội truyền thống, lễ hội ngành nghề. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, hoàn thiện nội dung chương trình tổ chức của từng lễ hội, trong đó chú trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa của từng lễ hội, bảo vệ cảnh quan di tích, quản lý các dịch vụ, bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự công công và an toàn vệ sinh thực phẩm./.
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay