TCCS - Nằm ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, tỉnh Quảng Ninh có địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh; là cửa ngõ hội nhập quốc tế với thế giới của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Do đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa với các hoạt động thông tin đối ngoại, ngoại giao chính trị, kinh tế; qua đó góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, gia tăng sức mạnh toàn diện của địa phương và cả nước.
1- Chiến lược ngoại giao văn hóa của Việt Nam đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược, được phê duyệt tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 30-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ) xác định quan điểm phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước; phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Chiến lược, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND, ngày 4-8-2022, triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh, thông tin, tuyên truyền một cách đa dạng, sáng tạo, chú trọng khai thác và phát triển những lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông hiện đại để tối đa hóa khả năng tiếp cận của nhân dân trong và ngoài nước.
Trên cơ sở các chủ trương, đường lối đã đề ra, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ trên các lĩnh vực đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao văn hóa với các địa phương nước ngoài và các tổ chức quốc tế thông qua nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, để vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, vừa làm phong phú và lan tỏa giá trị văn hóa địa phương và bản sắc văn hóa quốc gia - dân tộc trong cộng đồng quốc tế. Đến nay, ngoài 6 địa phương của Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh đã thiết lập quan hệ với 8 địa phương khác của các nước, như Hàn Quốc, Lào, Belarus và đang xúc tiến phát triển quan hệ hợp tác với các địa phương, trọng tâm là các tỉnh, thành phố, thủ đô của các nước trên thế giới, như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ba Lan và một số đối tác khác ở châu Âu. Tỉnh cũng đẩy mạnh và củng cố quan hệ hợp tác với đại sứ quán các nước tại Việt Nam nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quảng bá hình ảnh Quảng Ninh đến với bạn bè quốc tế, góp phần duy trì, giữ vững và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Quảng Ninh với các địa phương nước ngoài.
Trong hơn 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đón tiếp nhiều đoàn famtrip, presstrip quốc tế đến khảo sát, đưa tin về các tuyến, điểm du lịch tại Quảng Ninh; xây dựng các ấn phẩm, cẩm nang, video clip quảng bá văn hóa với nhiều ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản); tổ chức thành công nhiều chương trình xúc tiến du lịch văn hóa Quảng Ninh quy mô lớn tại các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Nga, Cộng hòa Séc… Nhiều đoàn nghệ thuật, thể thao của Quảng Ninh tham gia các sân chơi văn hóa, thể thao tại nước ngoài, như tham gia giải bơi thuyền châu Á tại Quảng Tây (Trung Quốc); tham gia giải vô địch taekwondo Đông Nam Á tại Thái Lan; giải cờ vua Đông Nam Á tại Myanmar; giải đua thuyền rồng quốc tế tại thành phố Phòng Thành Cảng (Trung Quốc); giải vô địch canoeing Đông Nam Á, vô địch muay thế giới và cờ vua quốc tế tại Thái Lan… Tỉnh Quảng Ninh cũng hợp tác văn hóa với tỉnh Quảng Tây, Hải Nam (Trung Quốc), Gangwon (Hàn Quốc), Luang Prabang (Lào), Cebu (Philippines), Nhật Bản...
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện trên cơ sở ba trụ cột kinh tế, văn hóa, chính trị, tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực tổ chức các sự kiện văn hóa đối ngoại trên địa bàn, như lễ hội Carnaval Hạ Long, Hội chợ “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Tuần lễ du lịch Hạ Long, lễ hội Hoa anh đào - mai vàng Yên Tử; Liên hoan Văn hóa ẩm thực Vân Đồn; lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng Soóng cọ (Tiên Yên); cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3, Liên hoan Xiếc quốc tế - Hạ Long, hát đối trên sông Bắc Luân tại Hội chợ thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Hội thi tiếng hát hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc trên sông biên giới; đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan báo, đài của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Gangwon (Hàn Quốc); trao đổi thông tin giữa Đài Phát thanh truyền hình Quảng Ninh và Quảng Tây cùng xuất bản Đặc san Hoa Sen phát hành trên lãnh thổ hai quốc gia... Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức rất thành công Lễ hội Hokkaido tại Hạ Long và các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Đây là mốc son quan trọng mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh với tỉnh Hokkaido nói riêng và giữa Quảng Ninh với Nhật Bản nói chung. Những hoạt động văn hóa, du lịch trên đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời cũng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến với Quảng Ninh. Cùng với đó, nhiều dự án về hợp tác văn hóa, hoạt động giao lưu các đoàn biểu diễn nghệ thuật và trao đổi sách, báo, phim ảnh, triển lãm, nghiên cứu, đào tạo… giữa tỉnh Quảng Ninh với các nước trong khu vực và thế giới ngày càng được đẩy mạnh. Tỉnh còn tích cực tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ các lễ hội, các tuần văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia trên thế giới.
Những kết quả đạt được trong hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa đã và đang góp phần lan tỏa hình ảnh đất và người Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung ra thế giới; đồng thời tăng cường sự tin cậy, thắt chặt tình hữu nghị, tạo động lực mới đưa quan hệ của tỉnh Quảng Ninh với nhiều đối tác đi vào chiều sâu, nhất là các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng. Thông qua đó, tỉnh Quảng Ninh ngày càng khẳng định và giữ vững thương hiệu, tăng trưởng kinh tế ngày càng bền vững.
2- Trên cơ sở những kết quả đáng ghi nhận đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh xác định cần tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa, lồng ghép đồng bộ ngoại giao văn hóa với các kênh ngoại giao kinh tế, chính trị để góp phần quảng bá, nâng cao vị thế của địa phương trên trường quốc tế, tranh thủ các nguồn lực và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Một số giải pháp được đề xuất là:
Một là, đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa trên địa bàn tỉnh, tăng cường hoạt động ngoại giao văn hóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hợp tác quốc tế. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác truyền thông giữa tỉnh Quảng Ninh với các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước để tăng cường quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh.
Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức các lễ hội truyền thống, sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh. Tiếp tục đăng cai cũng như phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế trên địa bàn tỉnh; lồng ghép các chương trình quảng bá văn hóa gắn với các sự kiện ngoại giao văn hóa trong và ngoài nước. Thông qua đó, tích cực lan tỏa sâu rộng bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung đến với các nước trên thế giới; đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú thêm văn hóa địa phương và dân tộc.
Ba là, tiếp tục thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Ninh, mà tiêu biểu là các ngành du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo,... Xây dựng, định vị một số thương hiệu sản phẩm văn hóa địa phương mang tầm quốc gia, hướng tới tầm quốc tế, nhất là những sản phẩm du lịch văn hóa, sản phẩm OCOP tiêu biểu. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa đặc sắc, riêng có của địa phương và cả nước. Phát triển, nâng tầm quốc gia, quốc tế lễ hội Canaval Hạ Long trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, sự kiện văn hóa thường niên của Quảng Ninh.
Bốn là, đa dạng hóa các nguồn lực để tăng cường đầu tư, bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ về thông tin và tài liệu tuyên truyền để các doanh nghiệp trong nước giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, văn hóa, con người Quảng Ninh tại các sự kiện, diễn đàn hợp tác phát triển kinh tế, thu hút đầu tư ở trong và ngoài nước.
Năm là, tập trung gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, thông qua việc tiếp tục duy trì hoạt động ngoại giao văn hóa với các địa phương có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống cũng như phát triển, mở rộng giao lưu, hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và các thành phố, địa phương trên thế giới, các tổ chức quốc tế… Phát triển các loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu các giá trị văn hóa Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và truyền thông phù hợp với từng địa bàn, như các tuần, ngày văn hóa Việt Nam, các lễ hội văn hóa - du lịch, các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa - du lịch tại nước ngoài, các diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF), Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF), các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế... Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để cộng đồng người Quảng Ninh ở nước ngoài giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa tỉnh Quảng Ninh tại nước sở tại.
Sáu là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa của tỉnh, trong đó có những kiến thức, kỹ năng về ngoại giao văn hóa. Phối hợp với các bộ, ngành trung ương tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề nâng cao lý luận, nhận thức và chuyên môn về hoạt động ngoại giao văn hóa cho lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu công tác này; từ đó, đưa công tác ngoại giao văn hóa trở thành một trụ cột quan trọng trong công tác đối ngoại của tỉnh; tạo đồng thuận trong nhận thức và hành động từ chính quyền đến tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa. Tổ chức dịch, giới thiệu, xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật, lịch sử của tỉnh Quảng Ninh có giá trị về tư tưởng nghệ thuật và phát hành các chuyên san, ấn phẩm bằng một số ngôn ngữ nước ngoài để quảng bá văn hóa, con người Quảng Ninh đến với bạn bè quốc tế./.
Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội  (20/08/2024)
Xây dựng, kiến tạo và lan tỏa văn hóa số ở nước ta hiện nay  (15/07/2024)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay