Thành phố Hà Nội đẩy mạnh truyền thông y tế trong tình hình mới

TS Nguyễn Thanh Bình
Học viện Chính trị khu vực I

TCCS - Huy động nguồn lực đầu tư cho công tác truyền thông y tế, chú trọng đầu tư các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật tiên tiến, cần thiết để thực hiện tốt các nhiệm vụ truyền thông y tế là một trong những điểm sáng của ngành y tế Hà Nội.

Phát triển hệ thống y tế cơ sở

Y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong hệ thống y tế của nước ta. Đây là tuyến y tế trực tiếp, gần dân nhất và được đánh giá là nền tảng, là xương sống trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Ngày 22-1-2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW “Về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”. Sau hơn 22 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, công tác y tế cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo đó, mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp cả nước từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được không chế và đẩy lùi, phòng, chống và quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe người dân bước đầu được triển khai tại tuyến xã; chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Những năm qua, thành phố Hà Nội củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, bao gồm các trạm y tế xã, phường và phòng khám đa khoa khu vực. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, thành phố Hà Nội xác định tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở nhằm thu hút bệnh nhân về tuyến cơ sở, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; huy động mọi hình thức cũng như xây dựng cơ chế thu hút bác sĩ phục vụ các tuyến y tế cơ sở. Điều này giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ngay tại địa phương với chi phí thấp. Cùng với việc thu hút bác sĩ về công tác tại trạm y tế, ngành y tế Hà Nội tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, tạo môi trường làm việc thuận lợi để bác sĩ yên tâm công tác, gắn bó và đóng góp nhiều hơn nữa cho y tế cơ sở.

Xác định quan điểm tiếp tục đầu tư cho y tế cơ sở, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trạm y tế không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giám sát thực hiện quy chế chuyên môn tại đơn vị, hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến do sai sót về chuyên môn để thu hút người bệnh đến khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Tăng cường luân phiên bác sĩ cho các trạm y tế còn thiếu bác sĩ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế tình trạng bác sĩ phải ghi chép nhiều sổ sách, nhập số liệu. Đồng thời, kết nối và thực hành thành thạo các phần mềm phục vụ hoạt động chuyên môn và thanh toán bảo hiểm y tế cho người dân.

Tuy nhiên, hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở vẫn còn nhiều bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất là mô hình tổ chức, cơ chế chính sách; đặc biệt là cơ chế tài chính và nguồn nhân lực. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh và khám, chữa bệnh. Số người dân đến chăm sóc sức khỏe ban đầu và được tư vấn về sức khỏe thường chiếm tỷ lệ thấp và ngày càng sụt giảm.

Để tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở, Thành ủy Hà Nội đã ban hành chương trình về việc phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có rất nhiều nội dung được quan tâm về phát triển y tế cơ sở.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới xây dựng y tế thông minh

Triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đến năm 2030”, Luật Thủ đô (sửa đổi); bảo đảm quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh; mở rộng triển khai mô hình “Bệnh viện Chị - Em” nhằm hỗ trợ chuyên môn giữa các bệnh viện, trung tâm y tế; đẩy mạnh, chuyển đổi số trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các đơn vị,… thành phố Hà Nội triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, xây dựng hệ thống y tế thông minh để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế trực tuyến. Các nền tảng số, như quản lý tiêm chủng, giám sát dịch bệnh và tư vấn sức khỏe trực tuyến đang được phát triển mạnh mẽ. Điểm nổi bật trong quá trình chuyển đổi số của ngành y tế Hà Nội là việc ứng dụng dữ liệu hiệu quả, như khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip cho hơn 4 triệu lượt khám, chữa bệnh, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; xác thực điện tử cho 17,31 triệu mũi tiêm vắc xin COVID-19; liên thông dữ liệu kết quả khám sức khỏe lái xe; liên thông dữ liệu giấy báo tử, giấy chứng sinh; khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử cho hơn 9 triệu người dân; kết nối dữ liệu bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa và 297 trạm y tế, giúp người bệnh thanh toán viện phí nhanh chóng, thuận lợi.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, ngành y tế Hà Nội đã triển khai nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh hiện đại, tiện lợi cho người dân, như: Bệnh án điện tử: Có 5 bệnh viện đã triển khai dịch vụ này, gồm: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình và Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai giúp truy cập thông tin y tế nhanh chóng, dễ dàng; khám, chữa bệnh từ xa (5 bệnh viện đã triển khai, gồm: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Thanh Nhàn giúp người dân ở khu vực khó khăn tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao; kiosk tự phục vụ (thí điểm 5 kiosk tại các bệnh viện, giúp giảm tải cho nhân viên y tế, rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh)…

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng tới mục tiêu: Quy hoạch và chiến lược rõ ràng; hoàn thiện quy trình, thủ tục; ứng dụng công nghệ thông tin một cách bài bản, khoa học, bảo đảm an toàn thông tin; kết hợp chuyển đổi xanh…

Truyền thông, giáo dục sức khỏe trong tình hình mới

Những năm qua, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trên địa bàn thành phố Hà Nội được triển khai toàn diện ở tất cả các tuyến y tế với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ tiếp cận và phù hợp với từng đối tượng đến mọi người dân để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe, hướng tới mỗi người dân và cộng đồng tự thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, chủ động phòng, chống bệnh và dịch bệnh.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, Sở Y tế Hà Nội chủ động cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời, chính xác cho dư luận và các cơ quan báo chí; giới thiệu những kết quả, thành tựu và tiến bộ y học đến người dân nhằm khẳng định và tạo dựng niềm tin của người dân đối với ngành y tế, góp phần củng cố và nâng cao vị thế, vai trò của y tế trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Ngoài tuyên truyền trên báo chí, tuyên truyền trên Cổng Giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội, cổng/trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; đợt cao điểm truyền thông còn tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở, tuyên truyền trên trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; tuyên truyền thông qua tin nhắn SMS và tuyên truyền cổ động trực quan. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận dịch vụ y tế một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.

Thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg, ngày 30-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”, các đơn vị thuộc thành phố Hà Nội, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện, tình hình thực tiễn đã chủ động lựa chọn những văn bản pháp luật có tác động lớn tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội, được dư luận quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền trên cổng/trang thông tin điện tử của đơn vị. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí ở trung ương, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức truyền thông dự thảo chính sách, trong đó có chính sách y tế bằng hình thức phù hợp với đối tượng và địa bàn theo quy định. Công tác truyền thông chính sách y tế của thành phố Hà Nội đã được thực hiện chủ động, công khai, minh bạch, có định hướng nhằm tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Thời gian tới, ngành y tế Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu trong công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, bao gồm:

Một là, quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành, Trung ương, thành phố về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; tiếp tục truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, lồng ghép truyền thông mục tiêu, nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân với các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của ngành, địa phương. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội là đơn vị thường trực, phối hợp với phòng nghiệp vụ y tham mưu Sở Y tế trong hoạt động chỉ đạo công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe của ngành với các đơn vị trong ngành y tế Hà Nội.

Hai là, tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương với vai trò chủ yếu là ngành y tế để chia sẻ thông tin, thúc đẩy truyền thông nhằm tạo được sự đồng thuận cao, sự thống nhất trong tổ chức thực hiện các nghị quyết về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. 

Ba là, đổi mới phương thức truyền thông y tế, sử dụng đồng bộ các loại hình truyền thông với phương châm phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, kết hợp giữa truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội với truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, phát triển các loại hình truyền thông mới có hiệu quả cao để lan tỏa, chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; phổ biến kiến thức, thực hành chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe đến các nhóm đối tượng đích, đến từng người dân.

Bốn là, thường xuyên chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện và phân công nhân lực, bộ phận/đơn vị thực hiện chức năng truyền thông y tế trên tất cả các tuyến và tất cả các đơn vị. Tổ chức truyền thông, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông, truyền thông nguy cơ cho các đối tượng lãnh đạo, quản lý, cán bộ truyền thông các cấp, người tham gia trực tiếp phòng, chống dịch bệnh và người dân trong cộng đồng; tiếp tục đào tạo kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin y tế cho đội ngũ lãnh đạo và nhân viên y tế.

Năm là, gắn công tác thi đua, khen thưởng với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành y tế, của các đơn vị trong việc xem xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của cá nhân, tập thể. Phát động các phong trào thi đua với nội dung và hình thức thiết thực, phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa phương, đơn vị; biểu dương và khen thưởng kịp thời những cá nhân xuất sắc, điển hình tiên tiến, các đơn vị thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ y tế./.