Chuyển đổi số y tế gia tăng lợi ích cho người dân trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện

ĐÀO HỒNG LAN
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế
21:19, ngày 25-07-2024

TCCS - Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu và là một yêu cầu bắt buộc giúp các quốc gia phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Ở Việt Nam, lĩnh vực y tế cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Quá trình chuyển đổi số y tế là một yêu cầu mang tính tất yếu, đồng thời cũng là nền tảng, động lực cho sự phát triển của ngành y tế trong thời kỳ mới.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số y tế

Đảng, Nhà nước ta đã xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn, đột phá quan trọng, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Y tế được xác định là một trong các lĩnh vực có tác động xã hội lớn, liên quan hằng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước.

Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn, là hướng đi tất yếu để bảo đảm thích ứng với bối cảnh mới, ngày 3-2-2023, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã ban hành Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ “Về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu chung là: 1- Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, hiệu quả; 2- Công tác quản lý điều hành của Bộ Y tế, của các đơn vị y tế trong ngành y tế phải được chuyển đổi thực hiện trên môi trường số. Xây dựng và triển khai công tác chuyển đổi số trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số hiện đại thông qua việc số hóa toàn bộ thông tin: quản lý hệ thống nhân lực, nguồn lực; công tác cấp phép, cấp số đăng ký; công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên môi trường mạng được bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Người bệnh đăng ký khám bệnh tại bảng thông tin điện tử của Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: TTXVN

Trước đó, ngày 22-12-2020 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5316/QĐ-BYT phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, các hoạt động chuyển đổi số y tế đã đưa ra các nội dung về phát triển nền tảng cho chuyển đổi số trong ngành y tế, phát triển kinh tế số trong ngành y tế và phát triển xã hội số trong ngành y tế. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số. Nội dung này bao gồm nhiều hoạt động, như chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; xây dựng cơ chế thuê dịch vụ y tế số; phát triển hạ tầng số y tế; phát triển dữ liệu số y tế; phát triển các cơ sở dữ liệu dùng chung trong ngành y tế, phát triển nền tảng số trong y tế, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số và phát triển nguồn nhân lực.

Để chuyển đổi số thành công, trọng tâm là chuyển đổi từ môi trường truyền thống lên môi trường số hiệu quả, trước hết cần chuyển đổi nhận thức, tư duy vì con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và là động lực phát triển của chuyển đổi số. Đây là nhiệm vụ, giải pháp nền tảng, quan trọng hàng đầu cần được thực hiện trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết số 52/NQ-TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đều nhấn mạnh đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức là nhiệm vụ cần thực hiện trước tiên.

Đồng thời, kiến tạo thể chế đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển, vận hành sản phẩm, dịch vụ y tế trên nền tảng số. Việc thiếu hành lang pháp lý đồng bộ có thể làm chậm quá trình số hóa của các tổ chức trong lĩnh vực y tế. Điều đó đòi hỏi hệ thống chính sách, quy định quản lý của ngành liên tục được bổ sung, hoàn thiện để tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số y tế.

Nếu ví chuyển đổi số là ngôi nhà thì hạ tầng số chính là nền móng, do đó phát triển hạ tầng số sẽ tạo bệ phóng vững chắc cho chuyển đổi số. Hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số y tế hiện nay bao gồm các trung tâm dữ liệu y tế quốc gia, trung tâm điều hành y tế thông minh tại các sở y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của mỗi cơ sở khám, chữa bệnh.

Dữ liệu số y tế là một trong các yếu tố đóng vai trò quyết định sự thành công của chuyển đổi số y tế. Nhờ có dữ liệu về y tế kết hợp với ứng dụng công nghệ để phân tích số liệu kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng cũng như phục vụ việc chẩn đoán, chăm sóc cho từng người bệnh. Phát triển dữ liệu số y tế cần tập trung vào cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn ngành y tế, như bệnh án điện tử, hình ảnh y khoa, thông tin xét nghiệm, cơ sở dữ liệu nhân lực y tế, cơ sở dữ liệu các cơ sở y tế trên toàn quốc, cơ sở dữ liệu gene, cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực chuyên ngành y tế.

Phát triển các nền tảng số trong y tế sẽ góp phần xây dựng các cơ sở dữ liệu y tế cũng như phục vụ các hoạt động chuyển đổi số y tế khác, như dịch vụ đăng ký khám, chữa bệnh và thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, siêu ứng dụng di động (superapp) cung cấp các dịch vụ y tế. Phát triển nền tảng số còn phải bao gồm nền tảng dữ liệu mở y tế, thu thập dữ liệu y tế từ nhiều nguồn.

Chuyển đổi số cần đi liền với bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, qua đó bảo đảm sự phát triển bền vững của chuyển đổi số, giúp tạo lập niềm tin và sự gắn bó của người dân đối với sản phẩm, dịch vụ số y tế. Để bảo đảm an ninh, an toàn mạng cần tập trung xây dựng, triển khai các hệ thống kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin phục vụ phát triển Chính phủ điện tử đối với ngành y tế. Các cơ sở y tế triển khai bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thông tin của đơn vị. Đồng thời, phát triển, hoàn thiện hệ thống xác thực chữ ký số cho bệnh án điện tử tại các bệnh viện.

Muốn chuyển đổi số thành công và bền vững thì không thể thiếu vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm các chuyên gia cấp trung ương và các chuyên gia cấp tỉnh về chuyển đổi số y tế. Ngoài ra, cần triển khai các chương trình đào tạo về chuyển đối số trong y tế cho lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của các đơn vị y tế cũng như thúc đẩy việc đào tạo công nghệ thông tin y tế trong các cơ sở đào tạo nhân lực y tế.

Thứ hai, về phát triển chính phủ số trong ngành y tế: tập trung phát triển và nâng cấp hệ thống thông tin y tế trên các nền tảng số mới nhất, nhằm cung cấp thông tin và dịch vụ y tế một cách đơn giản và thuận tiện trên các thiết bị di động. Đồng thời, áp dụng phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, mang lại trải nghiệm tốt nhất và thân thiện nhất cho người dùng.

Thứ ba, về phát triển kinh tế số trong ngành y tế: Phát triển kinh tế số trong lĩnh vực y tế đặt trọng điểm vào việc thúc đẩy doanh nghiệp y tế và cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường sử dụng công nghệ số trong quản lý và cung cấp dịch vụ y tế, nhằm nâng cao trải nghiệm và tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và nhân viên y tế. Điều này bao gồm việc khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực y tế số, cũng như tăng cường triển khai công nghệ số trong sản xuất, quản lý doanh nghiệp và cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành dược phẩm, thực phẩm và trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng cần thúc đẩy tiến trình hướng tới bệnh viện thông minh và cung cấp dịch vụ trên nền tảng số. Doanh nghiệp công nghệ y tế cần tăng cường nghiên cứu và phát triển các nền tảng số trong y tế, cũng như công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây để tạo ra các dịch vụ số hiệu quả.

Thứ tư, phát triển xã hội số trong ngành y tế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và đơn vị y tế trong quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số y tế mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho người dân, đặc biệt là trong các khía cạnh về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm chi phí y tế và khả năng tự chăm sóc sức khỏe của người dân:

Một là, một trong những lợi ích rõ ràng của việc chuyển đổi số y tế là sự tiện lợi và dễ dàng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Thay vì phải đến trực tiếp bệnh viện, người dân có thể dễ dàng đặt lịch khám và tư vấn trực tuyến với bác sĩ thông qua các ứng dụng hoặc trang web của bệnh viện. Việc này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, giảm tình trạng đông đúc tại bệnh viện và cho phép người dân có thể chọn thời gian khám phù hợp với lịch trình của mình. Việc triển khai tiếp đón người bệnh đi khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng định danh điện tử của Bộ Công an (ứng dụng VNeID) cũng giúp tạo thuận lợi cho người dân. Ngoài ra, việc xem kết quả xét nghiệm và chẩn đoán từ xa cũng là một tính năng quan trọng của chuyển đổi số y tế.

Hai là, chuyển đổi số y tế giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Điều này có được nhờ sổ sức khỏe điện tử, hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và  hỗ trợ điều trị từ xa (telemedicine).

Hồ sơ sức khỏe điện tử là một công cụ quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân, giúp người dân tự theo dõi được các thông tin của mình, từ kết quả xét nghiệm, lịch sử bệnh án đến thông tin về thuốc và bệnh lý liên quan. Thông qua sổ này, bác sĩ có thể có đầy đủ và chính xác thông tin để chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Hệ thống quản lý bệnh viện (HIS) giúp quản lý hồ sơ bệnh án, theo dõi sức khỏe và thanh toán viện phí. Hệ thống quản lý bệnh viện cho phép cập nhật thông tin về sức khỏe và kết quả xét nghiệm, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn. Ngoài ra, HIS còn giúp quản lý thanh toán viện phí dễ dàng và chính xác.

Trí tuệ nhân tạo là một công nghệ mới được sử dụng trong y tế, giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Thông qua phân tích dữ liệu và học máy, AI có thể nhận diện triệu chứng bệnh và đưa ra khuyến nghị điều trị chính xác.  Trí tuệ nhân tạo có thể giúp giảm tỷ lệ chẩn đoán sai hoặc bỏ sót ca bệnh, qua đó làm tăng chất lượng dịch vụ y tế.

Hỗ trợ điều trị từ xa là tính năng quan trọng trong việc chuyển đổi số y tế. Nó giúp kết nối người dân với các chuyên gia y tế hàng đầu, giúp cho việc tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao trở nên dễ dàng hơn, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa (telehealth), giúp đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho nhân viên y tế tại các vùng khó khăn, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng dịch vụ y tế.

Ba là, chuyển đổi số giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe. Nó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người dân. Công nghệ số còn giúp giảm chi phí trong các quy trình quản lý hồ sơ, khám, xét nghiệm và điều trị, như bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy, chụp X-quang không cần in phim, hệ thống đơn thuốc điện tử thay thế đơn thuốc bằng giấy. Thông qua sổ sức khỏe điện tử, bác sĩ có thể xem lại lịch sử bệnh án và kết quả xét nghiệm trước đó của bệnh nhân để đưa ra quyết định điều trị chính xác hơn. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và tránh việc làm lại các xét nghiệm hay điều trị không cần thiết, từ đó giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân.

Bốn là, chuyển đổi số y tế tạo điều kiện cho người dân tăng cường khả năng tự chăm sóc sức khỏe thông qua việc theo dõi sức khỏe cá nhân qua các thiết bị thông minh, truy cập thông tin y tế uy tín và chính xác từ các nguồn đáng tin cậy, cũng như tham gia các chương trình giáo dục sức khỏe trực tuyến. Điều này giúp nâng cao nhận thức và kiến thức về sức khỏe của mọi người, từ đó giúp họ có lối sống lành mạnh hơn và phòng tránh được nhiều căn bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang sử dụng mã QR Code cấp cho bệnh nhân giúp điều dưỡng viên nắm thông tin bệnh nhân thông qua thiết bị quét mã, hiển thị lên màn hình máy tính đặt trên xe thuốc_Ảnh: TTXVN

Kết quả nổi bật trong chuyển đổi số y tế

Thời gian qua, Bộ Y tế đã công bố dữ liệu mở trên 2 trang thông tin điện tử: http://suckhoeviet.gov.vn và https://itrithuc.vn; đang tiếp tục tổ chức xây dựng, hoàn thiện danh mục dữ liệu mở; hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ Y tế (LGSP), kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đồng thời mở rộng kết nối với các cơ quan, bộ, ngành, như Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam...

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và giám định thanh toán bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh từ xa, đến nay đã kết nối liên thông 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); hầu hết bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS); nhiều bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim; hệ thống telehealth đã kết nối tới tất cả cơ sở y tế tuyến huyện.

Nền tảng Hỗ trợ tư vấn Khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth), bao gồm các chức năng cơ bản: Quản trị thông tin bác sĩ (thông tin cá nhân; thông tin hành nghề; trạng thái sử dụng...); chức năng cho phép người dân đăng ký tài khoản, thực hiện cuộc gọi trực tuyến (video call) với bác sĩ, quản lý kết quả tư vấn; chức năng cho phép bác sĩ tiếp nhận cuộc gọi video call và tư vấn cho người dân, nhập thông tin kết quả tư vấn. Vtelehealth đã triển khai thử nghiệm cho các tỉnh Trà Vinh, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Bệnh viện Nhi Thái Bình. Tính đến ngày 1-9-2023 đã có gần 1.000 bác sĩ tham gia; hơn 100.000 người dân có hồ sơ trên hệ thống, hơn 67.000 tài khoản và 880 phiên khám được thực hiện. Dự kiến năm 2024 sẽ triển khai tiếp tục tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Về nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử, bao gồm các thành phần: Hình ảnh kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế trên cơ sở tiếp nhận dữ liệu nhóm thông tin cơ bản về y tế; phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe dành cho người dân và ứng dụng di động tra cứu hồ sơ sức khỏe dành cho người dân. Hiện nay, hạ tầng cài đặt Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử đang được Bộ Công an hỗ trợ sử dụng hạ tầng của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư. Dự kiến trong năm 2024 sẽ triển khai nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử cho các tỉnh/thành phố.

Đến nay, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip hoặc qua ứng dụng định danh điện tử của Bộ Công an (ứng dụng VNeID), với trên 49,6 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế đang triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trong tiếp nhận bệnh nhân khám, chữa bệnh.

Về quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh: Đến nay đã có 70 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy. Bộ Y tế đã tích cực triển khai phần mềm kê đơn thuốc điện tử: đã có 63 sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 4.160 cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc với hệ thống đơn thuốc quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt: 100% cơ sở khám, chữa bệnh đã có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo nhiều hình thức khác nhau (chuyển khoản, quét mã QR code, ví điện tử, thẻ khám, chữa bệnh có kết nối với ngân hàng,...) bảo đảm thuận tiện cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế dự phòng (hệ thống thông tin quản lý bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia), đồng thời xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất; đến nay, hầu hết trạm y tế xã/phường/thị trấn đã triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, khám, chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế đã triển khai một số hệ thống khác, như hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia, ngân hàng thuốc, hệ thống thông tin báo cáo về tổ chức và nhân lực của cả nước...

Đặc biệt, ngành y tế đã triển khai một số ứng dụng AI, chủ yếu trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh, như hệ thống hỗ trợ chẩn đoán, phác đồ điều trị 13 loại ung thư tại một số bệnh viện; hỗ trợ chẩn đoán COVID-19 sử dụng hình ảnh X-quang phổi trong và hỗ trợ đánh giá tiên lượng bệnh nhân phục vụ điều trị COVID-19; tầm soát bệnh glôcôm, tầm soát sớm bệnh lý đáy mắt; sàng lọc và phân loại bệnh võng mạc, đái tháo đường; sử dụng robot trong phẫu thuật. Có 4 hệ thống rô-bốt nổi bật trong y học hiện đại được ứng dụng là rô-bốt phẫu thuật nội soi Davinci, rô-bốt phẫu thuật cột sống Renaissance, rô-bốt phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và rô-bốt phẫu thuật thần kinh Rosa.

Thách thức trong triển khai chuyển đổi số y tế và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới

Bên cạnh những thành tựu mà ngành y tế đạt được, chuyển đổi số y tế vẫn còn nhiều thách thức phía trước, đó là:

Một là, trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số y tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, cần được tiếp tục rà soát, bổ sung và ban hành.

Hai là, sự kết nối liên thông, tích hợp giữa các hệ thống thông tin trong ngành y tế và giữa ngành y tế với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ y tế đa tiện ích cho người dân còn nhiều thách thức.

Ba là, việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai các ứng dụng và nền tảng số trong y tế đều đòi hỏi một khoản đầu tư lớn.

Bốn là, việc triển khai chuyển đổi số y tế cũng đặt ra nhiều vấn đề về an ninh mạng trong khi việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng rất quan trọng vì tính nhạy cảm của thông tin y tế. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi còn tâm lý e ngại khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế trên nền tảng số.

Năm là, thiếu đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ có năng lực cao về công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế thực sự chuyên nghiệp có tầm khu vực và quốc tế.

Để giải quyết các thách thức nêu trên và bám sát định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngành y tế cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số y tế; rà soát, sửa đổi các quy định pháp lý về kết nối, khai thác dữ liệu, về bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động y tế trên nền tảng số...

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ y tế số; tăng cường tích hợp, kết nối giữa các đơn vị y tế và giữa ngành y tế với các bộ, ngành, địa phương để cung cấp dịch vụ y tế số đa tiện ích. Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6-1-2022, của Thủ tướng Chính phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đem đến những kết quả cụ thể về ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong các sản phẩm, dịch vụ y tế phục vụ người dân.

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về sử dụng các dịch vụ y tế trên nền tảng số một cách an toàn, phù hợp; đồng thời, nâng cao nhận thức của tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc ngành y tế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.

Thứ năm, huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư cho chuyển đổi số y tế.

Thứ sáu, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia đầu ngành.

Trong đó, một số lĩnh vực chuyển đổi số trong ngành y tế cần ưu tiên để gia tăng lợi ích cho người dân bao gồm:

Một là, chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam. Theo đó, cần tiếp tục triển khai sổ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ; phát triển ứng dụng giám sát và dự báo dịch bệnh thông qua công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; phát triển các ứng dụng thông minh có thể cung cấp dịch vụ theo dõi, trợ giúp chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế.

Tổ chức, quy định định danh đối với các sản phẩm y tế, như thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng để hỗ trợ các hệ thống truy xuất nguồn gốc. Xây dựng và triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu an toàn thực phẩm quốc gia kết nối với các bộ, ngành, địa phương để cung cấp nền tảng cho các cơ quan nhà nước để người dân, doanh nghiệp đăng ký, công bố sản phẩm thực phẩm của mình.

Phát triển các hệ chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho phép người dân có thể tự kiểm tra chẩn đoán bệnh ban đầu của mình thông qua việc nhập các triệu chứng ban đầu của bệnh nhân vào hệ chuyên gia, hình thành các trợ lý ảo chăm sóc cho người dân. Triển khai tích hợp các ứng dụng có thể tự theo dõi, phát hiện ra tình trạng sức khỏe của người dân với các thiết bị gắn trên người (bao gồm thiết bị di động).

Hai là, chuyển đổi số trong bệnh viện. Theo đó, cần triển khai hệ thống phần mềm bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Xây dựng “bệnh viện thông minh” và tiếp tục triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt. Triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại tất cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân trên cả nước. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán, hỗ trợ ra quyết định lâm sàng, hỗ trợ phẫu thuật.../.