TCCSĐT - Tình trạng kháng kháng sinh đang đặt ra nhiều thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người thiệt mạng liên quan đến nhiễm trùng do kháng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới thậm chí gọi kháng kháng sinh là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Các nỗ lực ngăn chặn tình trạng này vì thế đang được đẩy mạnh, trong đó việc nâng cao nhận thức của bệnh nhân, của y bác sỹ là biện pháp được hy vọng sẽ đem lại hiệu quả.

Báo động tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trên toàn cầu

Kháng sinh là các loại thuốc được con người phát minh để chống lại khả năng phát triển, sinh sôi và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Mỗi loại kháng sinh có một “phổ tác dụng” khác nhau và thường hiệu quả trên một số chủng vi khuẩn nhất định. Tuy nhiên, trong một thập niên trở lại đây, nhiều loại vi khuẩn đã phát triển chống lại tác dụng của nhiều loại kháng sinh, dẫn tới tình trạng kháng sinh trước đây sử dụng có hiệu quả nhưng hiện nay không còn hiệu quả trên các loại vi khuẩn gây bệnh nữa. Các chủng vi khuẩn đã chống lại được tác dụng của kháng sinh được gọi là vi khuẩn kháng kháng sinh.

 
 Bệnh nhân cần sự tư vấn khám bệnh, kê đơn thuốc từ bác sĩ để bảo đảm sức khỏe bản thân. Ảnh: Lê Thương

Mức độ nguy hiểm của kháng kháng sinh đã được các nhà khoa học cảnh báo từ lâu. Khi vi khuẩn trở nên kháng với tất cả các loại kháng sinh, người bệnh có thể chết vì những nhiễm trùng thông thường, ngay cả một vết thương nhỏ, nhiễm trùng hô hấp nhẹ cũng có thể lấy đi tính mạng của một người khỏe mạnh.

Theo báo cáo công bố ngày 29-01-2018 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một hệ thống giám sát toàn cầu phát hiện hiện tượng phổ biến kháng thuốc kháng sinh trong số 500.000 người nghi bị nhiễm trùng tại 22 nước. Ông Marc Sprenger, Giám đốc Cơ quan kháng thuốc kháng sinh của WHO cho biết, một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và phổ biến nhất thế giới bị kháng thuốc kháng sinh(1).

Báo cáo mới đây của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ cho biết, tình trạng gia tăng sử dụng thuốc kháng sinh chủ yếu xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Hiện một số quốc gia có thu nhập trung bình như Thổ Nhĩ Kỳ hay Algeria đang dẫn đầu nhóm các nước tiêu thụ thuốc kháng sinh nhiều. Trong khoảng thời gian 16 năm, tiêu thụ thuốc kháng sinh đã tăng gấp đôi tại Ấn Độ và tăng gần 80% ở Trung Quốc(2).

Việc người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận thuốc kháng sinh là điều đáng mừng, song vấn đề là thuốc kháng sinh thường bị lạm dụng ở những nước này. Đơn cử như tại Ấn Độ, người dân có thể tự ý mua thuốc kháng sinh mà không cần đến chỉ định của bác sĩ, rồi sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách, kể cả thuốc gốc (generic). Còn ở các nước có thu nhập cao, việc dùng thuốc kháng sinh bình quân đầu người đã giảm 4%, nhưng đây là mức giảm không đáng kể. Trên thực tế, các quốc gia có thu nhập cao vẫn là những nước sử dụng kháng sinh nhiều.

Nhân Hội nghị quốc tế tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) tập trung vào vấn đề kháng thuốc kháng sinh (AMR) tháng 01-2018, quan chức phụ trách thú y của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) J. Lubroth cho biết, sử dụng quá nhiều và sử dụng sai kháng sinh trong lương thực rất phổ biến hiện nay tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời cảnh báo về những nguy cơ nghiêm trọng cho người và động vật do vi khuẩn trở nên kháng thuốc hơn. Theo ông J. Lubroth, AMR đã gia tăng tại những nơi như các thành phố lớn ở châu Á, nơi tăng trưởng dân số cao và sản xuất nông nghiệp và lương thực phát triển mạnh.

Một vấn đề đáng lo ngại khác, đó là sự gia tăng nhanh chóng việc sử dụng thuốc kháng sinh đi liền với gia tăng tình trạng vi khuẩn kháng thuốc. Mặc dù rất khó để thống kê cụ thể số người tử vong liên quan tình trạng các vi khuẩn kháng thuốc, nhưng một nhóm chuyên gia cho rằng, vi khuẩn kháng thuốc là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của khoảng 700.000 người mỗi năm trên thế giới. Một số chuyên gia còn ước tính đến năm 2050, thế giới sẽ ghi nhận tới 10 triệu người tử vong mỗi năm do vi khuẩn kháng thuốc nếu tình hình không được cải thiện, các hành động cần thiết không được tiến hành(4).

Không chỉ có vậy, trong một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Vi trùng học tự nhiên (Nature Microbiology), các chuyên gia thuộc Đại học Melbourne đã phát hiện 3 biến thể của một siêu vi trùng kháng đa kháng sinh trong các mẫu phẩm từ 10 quốc gia, trong đó các mẫu ở châu Âu cho thấy loại siêu vi này có thể chống lại bất cứ kháng sinh nào có bán trên thị trường hiện nay(3).

Giám đốc Bộ phận chẩn đoán vi trùng học thuộc Phòng thí nghiệm y tế cộng đồng của Đại học Melbourne, ông B. Howden cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu với các mẫu tại Australia, song phát hiện ra vi sinh vật trên tại nhiều quốc gia và nhiều cơ sở y tế trên thế giới”. Ông lo ngại: “Dường như nó đang lan rộng”. Loại vi khuẩn trên được biết đến với tên khoa học là Staphylococcus epidermidis, có liên quan đến vi khuẩn chết người MRSA được biết đến nhiều hơn và nguy hiểm hơn. Vi khuẩn này được tìm thấy trên da người và phổ biến nhất là ở người già và các bệnh nhân được phẫu thuật ghép bộ phận nhân tạo như ống thông tiểu đường hay các bộ phận thay thế khớp xương.

Nhóm nghiên cứu của ông B. Howden đã nghiên cứu hàng trăm mẫu Staphylococcus epidermidis từ 78 bệnh viện trên thế giới và phát hiện một số chủng vi khuẩn có một thay đổi nhỏ trong chuỗi DNA, cho phép chúng chống lại hai loại kháng sinh phổ rộng nhất thường được sử dụng trong các bệnh viện để điều trị các bệnh nhiễm trùng. Nhiều loại kháng sinh mạnh nhất thường có giá rất đắt đỏ và rất độc hại, tuy nhiên nhóm nghiên cứu cho biết, việc sử dụng nhiều loại kháng sinh cùng lúc để ngăn chặn khả năng kháng khuẩn có thể không phát huy tác dụng. Theo nhóm nghiên cứu, loại siêu vi trùng trên lây lan nhanh là vì sử dụng quá nhiều kháng sinh trong các cơ sở chăm sóc y tế, nơi bệnh nhân thường rất yếu và việc sử dụng kháng sinh để điều trị đã trở thành một thói quen. WHO từ lâu cảnh báo việc sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh có thể làm xuất hiện các chủng vi khuẩn mới kháng kháng sinh và gây chết người.

Một nghiên cứu khác của Australia công bố hồi tháng 8-2018, cho thấy một số siêu vi trùng trong bệnh viện đang ngày càng có thể thích nghi với các loại thuốc khử trùng mạnh, dùng để rửa tay hoặc vệ sinh phòng bệnh.

Tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng

Theo thống kê của WHO, Việt Nam là nước có tình trạng kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Từ năm 2009 đến nay, số lượng kháng sinh bán ra ngoài thị trường tăng gấp 2 lần, trong đó, tỷ lệ bán kháng sinh không có đơn của bác sĩ ở thành thị là 88% và nông thôn là 91%(5).

 
 Tình trạng quá tải trong công tác khám bệnh tại các bệnh viện khiến người dân có tâm lý ngại mất thời gian chờ đợi khám, tự ý mua thuốc uống. Ảnh: Nguyễn Hữu

Các cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh gây khó khăn trong quá trình điều trị. Còn các bệnh nhân phải chịu hậu quả nặng nề, đối diện với nhiều rủi ro hơn khi cơ thể kháng với hầu hết các loại kháng sinh. Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hàng tháng tiếp nhận gần 180 bệnh nhân, tỷ lệ bệnh nhân kháng một số loại thuốc kháng sinh thông thường lên tới 70%. Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn khiến các bác sĩ tại các tuyến trung ương buộc phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới dẫn đến chi phí điều trị tăng, tỷ lệ tử vong cao hơn. Đây là tình trạng đáng báo động bởi điều này đồng nghĩa với việc nhiều bệnh nhân sẽ không được cứu sống khi vi khuẩn đã kháng tất cả các loại kháng sinh hiện nay.

Việc kháng thuốc xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó việc sử dụng kháng sinh không kiểm soát trong cộng đồng được cảnh báo hàng đầu. Đến bất cứ hiệu thuốc nào, người dân chỉ cần kể sơ qua về triệu chứng của bệnh là sẽ được dược sĩ bán ngay cho bất kỳ loại kháng sinh nào. Việc mua bán thuốc không cần đơn bác sĩ kê phổ biến hiện nay đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh cao ở Việt Nam. Chưa kể, việc quá tải trong khám chữa bệnh khiến thời gian chờ khám của bệnh nhân quá lâu, dẫn đến chỉ khi bệnh nặng mới đến bệnh viện, còn không người dân tự mua thuốc để không mất thời gian chờ đợi.

Ngoài ra, bệnh viện tuyến trên quá tải bệnh nhân, bệnh viện tuyến dưới năng lực hạn chế còn dẫn đến việc bác sĩ không đủ thời gian hoặc không đủ năng lực kiểm chứng hiệu quả của thuốc kháng sinh thông qua việc làm kháng sinh đồ (một phương pháp để xác định loại kháng sinh nào đó có diệt được vi khuẩn gây bệnh ở mức tối đa hay không). Theo nghiên cứu tại nhiều bệnh viện cho thấy, có những đơn thuốc còn sai sót, trong đó những đơn được bác sĩ kê với nhiều loại thuốc cùng một công dụng, cùng một biệt dược, chỉ khác tên gọi. Điều này khiến vi khuẩn càng thêm nhờn thuốc, nhất là khi không tiến hành làm kháng sinh đồ.

Như vậy, việc chống kháng thuốc không chỉ từ phía người dân, mà cần có giải pháp căn cơ, tổng thể. Người dân sẽ không tự ý mua thuốc về điều trị nếu họ được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng tốt một cách dễ dàng, thuận lợi. Bệnh viện không còn quá tải, bác sĩ sẽ làm được kháng sinh đồ trước khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ông Cao Hưng Thái cho rằng: “Phải có một chiến lược lâu dài, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhưng quan trọng nhất là đào tạo nhân lực, phải đào tạo kỹ thuật viên vi sinh và đào tạo cho bác sĩ nếu không, không thể thực hiện kháng sinh đồ”.

Một nguyên nhân nữa ít được đề cập và cũng chưa nhiều nghiên cứu, đó là việc tồn dư thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và trong thực phẩm hiện nay cũng đang làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh. Hiện trên thế giới, việc sử dụng thuốc kháng sinh trong nông nghiệp đã tăng lên con số báo động 50%. Người nông dân sử dụng tràn lan thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Tồn dư kháng sinh trong cơ thể động vật từ đó được truyền vào cơ thể người tiêu dùng.

Nâng cao nhận thức khi sử dụng thuốc kháng sinh

Ước tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do tình trạng kháng thuốc - kháng vi sinh vật, con số cao hơn nhiều so với tử vong do ung thư hiện nay(6). Để đối phó với tình trạng này, 193 quốc gia thành viên và vùng lãnh thổ của Liên hợp quốc mới đây đã đưa ra cam kết thắt chặt quản lý thuốc kháng sinh, cũng như tăng cường tuyên truyền về cách sử dụng kháng sinh hiệu quả, song song với công tác nghiên cứu.

 
 Bác sĩ cần tuân thủ nguyên tắc kê toa thuốc, khuyến khích bệnh nhân tuân thủ điều trị. Ảnh: Nguyễn Hữu

Kháng sinh là một trong những biện pháp điều trị hữu hiệu, song tỷ lệ kháng thuốc đang có xu hướng gia tăng. Các chuyên gia cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên để ngăn chặn tình trạng này. Việc nâng cao nhận thức của bệnh nhân, của y bác sỹ về kháng kháng sinh là biện pháp được hy vọng sẽ đem lại hiệu quả.

Một là, sự tham gia mạnh mẽ của các bên. Về phía y, bác sĩ, cần tuân thủ nguyên tắc kê toa, đó là: chỉ kê kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn; tối ưu hóa dược lâm sàng; khuyến khích bệnh nhân tuân thủ điều trị. Tìm ra đúng tác nhân gây bệnh có vai trò mấu chốt trong việc quyết định chọn kháng sinh phù hợp, hoặc phối hợp các kháng sinh hợp lý. Phác đồ điều trị nên giữ gìn những kháng sinh cũ nhưng còn hiệu quả nhất định.

Theo các chuyên gia, có thể giảm được 10 triệu đơn thuốc kháng sinh nếu các bác sỹ kê đơn có trách nhiệm, vì hiện nay có tới 97% bệnh nhân được đáp ứng yêu cầu khi họ muốn được dùng thuốc kháng sinh. Điều quan trọng là bác sỹ cần giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ không nên sử dụng thuốc kháng sinh ngay từ đầu, cũng như xây dựng hệ thống giám sát, quản lý việc phân phối thuốc.

Đối với các dược sĩ, cần tư vấn đúng cách sử dụng thuốc. Dược sĩ cần lưu ý về cảnh giác dược, tương tác thuốc, và quản lý sử dụng thuốc nhằm hạn chế tối đa các trường hợp phản ứng có hại của thuốc. Cần bán thuốc theo đơn, tư vấn sử dụng kháng sinh đúng cách cho người bệnh, bảo đảm “4 chữ Đ” trong lựa chọn kháng sinh, đó là: đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian và đúng cách.

Bệnh nhân không lạm dụng kháng sinh. Bác sĩ kê kháng sinh khi không cần thiết, bệnh nhân thiếu tuân thủ điều trị, là hai nguyên nhân hàng đầu gây kháng thuốc. Người bệnh không nên tự ý sử dụng kháng sinh bừa bãi, tránh sao chép đơn thuốc của người khác...

Hãng dược phát triển kháng sinh mới. Các hãng dược ngày nay không ngừng nghiên cứu kháng sinh mới. Mặt khác, bên cạnh hướng đi truyền thống là nghiên cứu kháng sinh mới, các công ty dược phẩm hiện nay cũng đang tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ hoặc thay thế để hạn chế phụ thuộc vào kháng sinh. Chẳng hạn như bên cạnh các nỗ lực điều chế vắc-xin mới nhằm bảo vệ cộng đồng trước các tác nhân gây bệnh, phải kể đến sáng kiến về Khảo sát đề kháng kháng sinh (SOAR) mà Tập đoàn GSK đang thực hiện tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới nhằm đo lường độ nhạy cảm của các tác nhân vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường hô hấp mắc phải trong cộng đồng, đánh giá về hiệu quả của kháng sinh trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, hỗ trợ phát triển các phác đồ điều trị mới có hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao ý thức của giới y tế và khuyến khích sự tuân thủ tốt hơn với các nguyên tắc chỉ định/sử dụng kháng sinh hợp lý trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và cộng đồng.

Hai là, ngành y tế cũng như người dân cần tuân thủ thực hiện lộ trình đến năm 2020 không còn tình trạng bán kháng sinh không kê đơn. Đây là một mục tiêu trong kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc kháng sinh.

Theo kết quả khảo sát của ngành y tế, vấn đề kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng trầm trọng khi nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh mà nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh. Phần lớn các loại kháng sinh thuộc thế hệ 1 và thế hệ 2 hiện nay đều không có tác dụng đặc hiệu. Các bệnh viện hầu hết đều phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới trong điều trị.

Ba là, nâng cao nhận thức của người dân. Không lạm dụng thuốc kháng sinh như một loại thuốc thông thường. Chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, dự đoán chắc chắn nhiễm trùng nặng sẽ xảy ra thì có thể sử dụng kháng sinh dự phòng, nhưng nên chỉ sử dụng ở một liều tối thiểu.

Cần chấm dứt ngay việc sử dụng kháng sinh khi đã đủ liệu trình cho phép nhưng cũng không được kết thúc quá sớm trước thời gian tiêu chuẩn. Sử dụng quá lâu sẽ làm cho vi khuẩn có cơ hội “tìm hiểu” kháng sinh và đột biến mạnh hơn. Còn kết thúc quá sớm sẽ làm cho vi khuẩn có nguy cơ hồi sinh. Cả hai biểu hiện này cần tuyệt đối tránh khi có sử dụng kháng sinh trong điều trị.

Cần sử dụng đúng kháng sinh với đúng loại mầm bệnh. Tránh sử dụng kháng sinh tùy tiện, sử dụng mà không cần thăm khám. Việc sử dụng đúng kháng sinh sẽ hạ thấp được liều điều trị, thành công hóa mục tiêu kiểm soát và sẽ hạn chế tối đa sự kháng thuốc. Nếu có điều kiện, nên lựa chọn kháng sinh sau khi có kết quả làm kháng sinh đồ./.
---------------------------

(1) FAO: Đông Nam Á là điểm nóng lạm dụng kháng sinh, https://vtv.vn, ngày 01-02-2018

(2), (3) Báo động tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trên toàn cầu, TTXVN, ngày 29-3-2018

(4) Siêu vi trùng kháng thuốc lan rộng trong bệnh viện toàn thế giới, TTXVN, ngày 04-9-2018

(5) Báo động tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam, https://vov.vn,ngày 15-9-2018

(6) Báo động tình trạng kháng thuốc kháng sinh trên thế giới, https://vtv.vn, ngày 30-11-2016