TCCSĐT - Mặc dù trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, song đến nay vẫn còn những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm và cải thiện, như chất lượng dịch vụ, tỷ lệ sử dụng không liên tục và tỷ lệ thất bại của các biện pháp tránh thai.

Từ những kết quả quan trọng…

Thời gian qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) có sự thay đổi cơ bản, toàn diện, cả về nội dung, cách làm, huy động toàn hệ thống chính trị tham gia; xây dựng và từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước thông qua chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ. Mạng lưới cộng tác viên DS-KHHGĐ tại các địa phương phủ rộng đến các vùng, miền, thôn, bản với phương thức hoạt động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động và cung cấp các phương tiện tránh thai. Những kết quả của công tác DS-KHHGĐ vượt các mục tiêu đề ra, tốc độ gia tăng dân số quá nhanh cơ bản được kiềm chế. Ghi nhận những kết quả đạt được, Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ủy ban quốc gia DS - KHHGĐ; và Việt Nam được nhận giải thưởng về dân số của Liên hợp quốc năm 1999.

Từ đó đến nay có thể thấy, chương trình DS - KHHGĐ tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Tỷ lệ tăng dân số từ hơn 2%/năm vào năm 1993 đã giảm xuống còn khoảng 1%/năm vào năm 2016. Số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 5,6 con đầu thập niên 60 của thế kỷ XX xuống còn 2,09 con vào năm 2006, đạt mức sinh thay thế và duy trì ổn định trong hơn 10 năm qua. Đáng chú ý, từng nghiên cứu, đánh giá chất lượng dịch vụ KHHGĐ tại Việt Nam do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thực hiện cho thấy, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 37% năm 1988 lên 67% vào năm 2016. Tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc giảm đáng kể từ 233/100.000 ca sinh sống trong những năm 90 của thế kỷ XX xuống còn 58/100.000 ca sinh sống vào năm 2016. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai chung ở Việt Nam là khá cao (80,5%); trong đó, khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ cao nhất (83,4%) và thấp nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (75,1%). Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở khu vực thành thị cao hơn ở nông thôn. Nghiên cứu cũng cho thấy, 80,5% số phụ nữ kết hôn trong độ tuổi 15 - 49 có sử dụng một biện pháp tránh thai bất kỳ, trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 64,4%. Biện pháp phổ biến nhất là đặt vòng tránh thai (25,2%), tiếp theo là thuốc tránh thai (19,3%) và bao cao-su (13,3%)…

Không chỉ có vậy, chương trình KHHGĐ tại Việt Nam góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; nâng cao chất lượng đời sống của người dân; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ước tính, chương trình KHHGĐ đã tiết kiệm chi phí cho các dịch vụ xã hội, tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm (1).

… đến những khó khăn, thách thức

KHHGĐ là một trong những can thiệp y tế công cộng có chi phí hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ tử vong và mắc bệnh của bà mẹ, giúp cải thiện sự công bằng, bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ. KHHGĐ ngăn chặn tình trạng có thai ngoài ý muốn; giúp giảm thiểu tối đa nhu cầu phá thai và giảm nguy cơ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến mang thai và sinh con. Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong các chương trình KHHGĐ trong những thập niên gần đây. Và để tăng cường kiểm soát chất lượng phương tiện tránh thai hiệu quả, Bộ Y tế ban hành Thông tư 31/2017/TT-BYT, ngày 25-7-2017, đưa phương tiện tránh thai vào danh mục hàng hóa được kiểm soát hợp quy, hợp chuẩn nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực và đầu tư để giảm tỷ lệ tử vong mẹ, con, song hiện nay, tỷ lệ này vẫn cao. Nguyên nhân là do:

Thứ nhất, người dân thiếu kiến thức đầy đủ về sử dụng đúng các biện pháp tránh thai. Trên thực tế, những người hiện đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại có biết hoặc không biết cách sử dụng đúng các biện pháp họ đang dùng. Kết quả điều tra của Tổng cục DS - KHHGĐ cho thấy, 37,8% những người hiện đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (không kể tình trạng hôn nhân) không nhận được tư vấn từ cán bộ cung cấp dịch vụ KHHGĐ trước khi bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai. Điều này có thể làm tăng khả năng sử dụng không đúng hoặc lạm dụng các biện pháp. Kết quả cũng cho thấy, việc sàng lọc trước khi áp dụng các biện pháp KHHGĐ chưa được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, trong số những người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại có tham khảo ý kiến từ cán bộ cung cấp dịch vụ, chỉ có 56,3% hiểu biết đầy đủ về cách sử dụng đúng biện pháp đang dùng.

Thứ hai, việc sử dụng không liên tục các biện pháp tránh thai. Việt Nam là một nước có tỷ lệ nạo phá thai cao trên thế giới. Đây là hậu quả của việc không sử dụng đúng các biện pháp tránh thai hiện đại hoặc không sử dụng liên tục. Các kết quả thống kê cho thấy, người dân vẫn sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống và ít sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Việc không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc chỉ sử dụng biện pháp tránh thai truyền thống; sử dụng chưa đúng theo khuyến cáo của các biện pháp tránh thai; sử dụng không liên tục… dẫn tới tỷ lệ có thai ngoài ý muốn cao hơn. Từ đó dẫn đến việc nạo phá thai, gây nguy hiểm tới sức khỏe người phụ nữ. Nguyên nhân của thực trạng này là do ảnh hưởng của một loạt các yếu tố tâm lý, văn hóa, xã hội. Trong trường hợp này, tỷ lệ sử dụng không liên tục các biện pháp tránh thai được coi là thước đo chất lượng dịch vụ KHHGĐ, là một chỉ báo chưa thành công của các chương trình thúc đẩy và duy trì việc sử dụng các biện pháp tránh thai.

Thứ ba, công tác tuyên truyền cho nhóm đối tượng thanh, thiếu niên chưa thực sự hiệu quả. Ngày 15-3-2017, Bộ Y tế ra Quyết định 906/QĐ-BYT ban hành Đề án “Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2016 - 2020”. Mục tiêu của Đề án là đáp ứng nhu cầu KHHGĐ của vị thành niên, thanh niên, góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số, nhằm thực hiện thành công Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 (2).

Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ phụ nữ, nữ thanh, thiếu niên có thai ngoài ý muốn vẫn còn cao. Theo thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) năm 2016, tính riêng trong hệ thống các bệnh viện công lập thuộc 63 tỉnh, thành phố, đã có đến 265.536 ca nạo phá thai, trong đó phá thai ở độ tuổi vị thành niên, thanh niên chiếm xấp xỉ 4.600 ca. Theo báo cáo chưa đầy đủ, năm 2017, cứ 1.000 phụ nữ có thai thì có 24 trường hợp ở tuổi vị thành niên; trong 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở tuổi vị thành niên (3). Thực tế, số liệu này có thể cao hơn bởi tình trạng phá thai ở các cơ sở y tế tư nhân vẫn chưa được kiểm soát. Một trong những vấn đề cần khắc phục là các đơn vị chức năng chưa tập trung đúng mức thực hiện chương trình giáo dục giới tính, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, thanh, thiếu niên ở độ tuổi 10 - 18 về sức khỏe sinh sản, biện pháp tránh thai trước khi lập gia đình.

Thứ tư, tỷ lệ thất bại trong sử dụng các biện pháp tránh thai cao. Theo báo cáo nghiên cứu “Đánh giá chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam” do Tổng cục DS - KHHGĐ, UNFPA công bố mới đây cho thấy, tỷ lệ thất bại của các biện pháp tránh thai tại Việt Nam còn cao (4). Bởi, 80,5% số phụ nữ đã kết hôn trong độ tuổi 15 - 49 đang sử dụng một biện pháp tránh thai, trong đó, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại mới chỉ đạt 64%. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai cao nhất (83,4%), còn khu vực Đồng bằng sông Hồng đạt tỷ lệ thấp nhất (75,1%). Khoảng 17,4% phụ nữ đã từng phá thai; ở khu vực thành thị là 19,6% và ở khu vực nông thôn là 16,5% (5).

Cũng theo báo cáo, các trạm y tế xã dù có đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân viên cần thiết để cung cấp dịch vụ KHHGĐ, nhưng chỉ có 9,7% số trạm y tế xã đáp ứng tất cả 25 chỉ số. Ở khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên không có trạm y tế nào đáp ứng được 25 chỉ số về sự sẵn sàng của các cơ sở; có 31,3% số trạm y tế ở khu vực phía Đông Nam Bộ đạt được yêu cầu của 25 chỉ số. Đáng chú ý, một số trạm y tế không đáp ứng các chỉ số liên quan đến việc cung cấp đầy đủ phương tiện tránh thai (thuốc viên, bao cao su, dụng cụ tử cung - IUD). Khoảng 30% trạm y tế thiếu nhân lực được đào tạo về cung cấp dịch vụ KHHGĐ.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có 37,8% số người đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (không phân biệt tình trạng hôn nhân) không được tư vấn trước khi sử dụng. Công tác sàng lọc trước khi cung cấp các biện pháp tránh thai chưa được thực hiện đầy đủ. 93% số khách hàng hài lòng với dịch vụ được cung cấp nhưng chỉ 40% cho biết sẽ giới thiệu cơ sở cung cấp dịch vụ đó cho người khác.

Giải pháp nâng cao chất lượng kế hoạch hóa gia đình

Theo Tổng cục thống kê, mỗi năm, dân số Việt Nam tăng thêm gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 - 2028. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai theo đó cũng sẽ gia tăng. Trước thực trạng hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua có nhiều cải thiện trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân, tuy nhiên vẫn còn những “khoảng trống” trong cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Hằng năm, vẫn có từ 250.000 - 300.000 ca phá thai. Do vậy, việc đưa ra những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KHHGĐ thực sự cần thiết.

Một là, các hoạt động của ngành dân số cần hướng tới việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác DS - KHHGĐ đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước theo định hướng Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Dịch vụ KHHGĐ, trong đó có tư vấn, cung cấp phương tiện tránh thai cần được coi là một trong những biện pháp can thiệp y tế công cộng hiệu quả, chi phí thấp vừa mang lại lợi ích trực tiếp, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở người mẹ, vừa bảo đảm chất lượng dân số.

Cụ thể, để người dân có đủ thông tin đưa ra quyết định lựa chọn đúng biện pháp tránh thai, công tác tư vấn cần cung cấp cho khách hàng các thông tin chi tiết và toàn diện về các mặt của KHHGĐ (lợi ích, tác dụng phụ, hướng dẫn sử dụng đúng đối với các biện pháp KHHGĐ…), cũng như trao đổi nhu cầu của khách hàng sử dụng dịch vụ lần đầu và khách hàng có ý định chuyển đổi biện pháp tránh thai. Ngoài ra, việc sàng lọc đối với khách hàng mới cũng như các khách hàng muốn chuyển đổi biện pháp tránh thai cần được xem là một phần quan trọng của nội dung tư vấn. Nội dung tư vấn cần bao gồm cả việc tư vấn cho khách hàng trước và sau phá thai để giúp ngăn chặn tình trạng mang thai ngoài ý muốn nhiều lần.

Hai là, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý chương trình, chuyên gia y tế, nhà nghiên cứu và các nhà tài trợ cần chú trọng việc thiết kế và triển khai các chương trình nhằm đáp ứng có hiệu quả nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại của người dân. Bộ Y tế cần xây dựng các chính sách phù hợp để bảo đảm chất lượng của các dịch vụ KHHGĐ và xem đây là một trong những quyền mà mọi người dân có quyền được hưởng.

Ba là, với độ bao phủ rộng rãi toàn quốc của các dịch vụ KHHGĐ như hiện nay, chương trình KHHGĐ cần chú trọng hơn đến chất lượng sức khỏe sinh sản để đáp ứng với nội dung của Chương trình Hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Hiện nay, UNFPA đang thực hiện Kế hoạch chiến lược mới nhằm thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 và tăng cường cam kết hơn nữa trong việc thực hiện Chương trình ICPD. Kế hoạch chiến lược của UNFPA nhằm giải quyết nhiều vấn đề trong phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu: Không có tử vong mẹ; không có nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ.

Bốn là, Bộ Y tế cần xây dựng các hướng dẫn và chuẩn quốc gia về đánh giá chất lượng phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ theo các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Xem xét đưa các dịch vụ KHHGĐ chất lượng vào khung theo dõi giám sát đánh giá chất lượng dịch vụ y tế. Xây dựng một bộ công cụ kiểm định chất lượng dịch vụ các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ KHHGĐ dựa trên cách tiếp cận quyền sức khỏe sinh sản như trong nội dung của ICPD, các tiêu chuẩn quốc gia và bối cảnh văn hóa, xã hội của Việt Nam. Theo đó, bộ công cụ kiểm định chất lượng cần được thử nghiệm để đánh giá mức độ phù hợp với đặc điểm vùng, miền và loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ.

Với sự gia tăng nhanh chóng của các cơ sở y tế tư nhân và phi chính phủ trong việc cung cấp các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ, các cơ quan chức năng cần xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát chất lượng của các phương tiện tránh thai và dịch vụ tại các cơ sở này. Cần xây dựng hướng dẫn cho y tế tuyến huyện để họ giám sát chất lượng dịch vụ KHHGĐ của các cơ sở y tế tư nhân và các tổ chức phi chính phủ tại địa bàn quản lý.

Năm là, bảo đảm các cơ sở cung cấp dịch vụ có đủ cán bộ đã qua đào tạo để có thể cung cấp các dịch vụ KHHGĐ. Cải thiện hoạt động đào tạo mới và đào tạo lại định kỳ cho cán bộ cung cấp dịch vụ KHHGĐ.

Ngoài ra, với vai trò quan trọng của cộng tác viên dân số trong việc cung cấp các biện pháp tránh thai phi lâm sàng và do tỷ lệ sử dụng không liên tục cao, Tổng cục DS - KHHGĐ cần xây dựng hướng dẫn để theo dõi, giám sát, hỗ trợ công việc của cộng tác viên dân số. Bên cạnh đó, cần xem xét triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng dịch vụ KHHGĐ tại các cơ sở cung cấp với sự tham gia củathành viên chính quyền địa phương, chi cục DS - KHHGĐ, cán bộ cung cấp dịch vụ, đại diện của các tổ chức xã hội và các cơ quan nghiên cứu khác.

Sáu là, cân bằng cơ cấu các biện pháp tránh thai để cung cấp nhiều lựa chọn cho người dân. Do cơ cấu sử dụng các biện pháp tránh thai tập trung nhiều vào các biện pháp truyền thống cao và tỷ lệ thất bại cũng cao, Bộ Y tế cần chỉ đạo để cân bằng cơ cấu các biện pháp tránh thai. Tổng cục DS - KHHGĐ cần xây dựng các chiến lược truyền thông hiệu quả để giảm tối đa tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống và tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Các cơ sở cung cấp dịch vụ KHHGĐ cần trưng bày các tài liệu thông tin, giáo dục và truyền thông về dịch vụ KHHGĐ đầy đủ và phù hợp về văn hóa. Đặc biệt, cần cung cấp nhiều sự lựa chọn cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm có tỷ lệ thất bại cao trong KHHGĐ, để giúp họ có cơ hội đưa ra những lựa chọn phù hợp và để giảm thiểu tỷ lệ sử dụng không liên tục các biện pháp tránh thai ở các nhóm cộng đồng yếu thế này./.

----------------------------

(1) Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững, TTXVN, ngày 11-7-2018

(2) 8 sự kiện tiêu biểu của ngành Dân số năm 2017

(3) Nâng cao nhận thức phòng tránh thai an toàn cho cộng đồng, TTXVN, ngày 25-9-2018

(4) Các số liệu định lượng được thu thập từ điều tra hộ gia đình, phỏng vấn 6.000 phụ nữ (độ tuổi 15 - 49) ở 6 vùng kinh tế - xã hội (Hà Nội, Yên Bái, Phú Yên, Đắk Lắk, Đồng Nai và An Giang) trong năm 2015 - 2016 ở 20 huyện, 120 xã, phường và 240 thôn, bản

(5) Khoảng 30% số trạm y tế xã thiếu người cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, http://www.nhandan.com.vn, ngày 08-5-2018