Ninh Bình phát triển kinh tế xanh từ lợi thế tài nguyên văn hóa
TCCS - Kinh tế xanh là một mô hình kinh tế mà mục tiêu chính là tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời tạo ra cơ hội kinh doanh và việc làm bền vững. Với với lợi thế tài nguyên văn hóa sẵn có, phát triển kinh tế xanh là một mục tiêu quan trọng của Ninh Bình, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tính tất yếu của phát triển kinh tế xanh
Kinh tế xanh nhấn mạnh sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Mô hình này thường đòi hỏi sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để đạt được mục tiêu bền vững. Kinh tế xanh đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho cả môi trường, xã hội và kinh tế.
Kinh tế xanh có những vai trò chính sau:
Thứ nhất, góp phần bảo vệ môi trường. Kinh tế xanh nhấn mạnh vào sự tương tác tích cực giữa kinh tế và môi trường. Nó hỗ trợ sự phát triển bền vững bằng cách giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, giảm lượng chất thải và tăng cường sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo.
Thứ hai, giảm khí nhà kính bằng cách tập trung vào nguồn năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải, kinh tế xanh đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bằng cách giảm thiểu lượng khí nhà kính được đưa vào không khí.
Thứ ba, tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Phát triển kinh tế xanh tạo ra cơ hội kinh doanh mới thông qua việc đầu tư vào các ngành công nghiệp và dịch vụ mới, như năng lượng tái tạo, quản lý nước, xử lý chất thải và sản xuất hàng hóa, dịch vụ có tính bền vững.
Thư tư, tăng cường hiệu suất năng lượng. Kinh tế xanh thúc đẩy sự hiệu quả trong sử dụng năng lượng thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến và thay thế nguồn năng lượng truyền thống bằng nguồn năng lượng tái tạo.
Thứ năm, tạo ra việc làm mới. Việc đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới và đòi hỏi những kỹ năng mới. Điều này có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Thứ sáu, kinh tế xanh cũng có thể giúp giảm chênh lệch xã hội bằng cách tạo ra cơ hội kinh doanh và việc làm trong cộng đồng, đặc biệt là trong các khu vực nông thôn và vùng đô thị nghèo. Sự phát triển bền vững thông qua kinh tế xanh còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội và cung cấp các dịch vụ cơ bản, như nước sạch, giáo dục và y tế.
Thực trạng phát triển kinh tế xanh dựa trên nguồn lực văn hóa ở Ninh Bình
Phát triển “kinh tế xanh” là một trong những định hướng quan trọng mà Ninh Bình tập trung triển khai thực hiện trong những năm vừa qua. Lĩnh vực văn hóa được xem là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xanh.
Với vai trò, vị trí đặc biệt trong lịch sử nên vùng đất Ninh Bình có nhiều di tích lịch sử văn hóa. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 78 di tích quốc gia, 314 di tích cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra tại các địa phương trong tỉnh nhiều cộng đồng dân cư còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán, các lễ hội... tạo nên sự phong phong phú, đa dạng, sự giàu có các tài nguyên văn hóa.
Ninh Bình cũng là một trong số ít tỉnh còn lưu giữ, bảo tồn, phát huy được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, đặc sắc như: hát Đúm, hát Rằng Thường trong cộng đồng dân tộc Mường; hát Chèo ở Yên Khánh, hát Văn phủ Đồi Ngang Nho Quan, hát Xẩm Yên Mô... Đặc biệt là nghệ thuật hát Xẩm hiện đã phát triển rộng ra trên toàn tỉnh như là một “đặc sản văn hóa” của Ninh Bình.
Hệ thống các lễ hội của địa phương cũng rất độc đáo và đa dạng: Lễ hội Hoa Lư, lễ hội Thánh Quý Minh Đại Vương, lễ hội Đền Thái Vi, lễ Báo bản Nộn Khê, Hội vật làng Yên Vệ, làng Bồ Vi; Hội Bơi chải Kim Sơn, Hội thi chèo thuyền Ninh Hải.. Di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư của Ninh Bình chính là một di sản độc đáo riêng có của Ninh Bình. Bạn bè, du khách khi nói đến Ninh Bình là nói đến cố đô Hoa Lư lịch sử, nói đến lễ hội Hoa Lư. Và sự độc đáo của Ninh Bình lại thêm nối dài với Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, Tam Cốc Bích Động; Nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long...
Ngoài thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp, đa dạng, các di tích lịch sử, văn hóa, Ninh Bình cũng là tỉnh có nền nghệ thuật ẩm thực phong phú. Ninh Bình nổi tiếng sản phẩm “thịt dê cơm cháy”, nem Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn, xôi trứng kiến Nho Quan, cá rô Tổng Trường, rượu Kim Sơn, dứa Đồng Giao, chè Ba Trại...
Nét văn hóa ẩm thực độc đáo kết hợp với môi trường thiên nhiên được bảo vệ tốt, hệ thống các di tích lịch sử ken dầy vô cùng độc đáo, đa dạng tại các địa phương tạo nên những sản phẩm du lịch mang đậm “chất” Ninh Bình...
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiều giải pháp để biến nguồn lực văn hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã dành hơn 136 tỷ đồng cho việc tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, góp phần làm gia tăng giá trị văn hóa cho các di tích, giáo dục truyền thống, lịch sử; quảng bá, thu hút khách tham quan. Hàng nghìn cư dân địa phương có nguồn sinh kế ổn định từ việc phát huy giá trị di sản của quê hương. Qua đó mở ra hướng đi mới trong phát huy giá trị di sản địa phương, để văn hóa là sức mạnh nội sinh theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XXII của Đảng bộ tỉnh đã xác định.
Hằng năm, ngành văn hóa lựa chọn xây dựng từ 6 đến 10 hồ sơ khoa học về di tích đề nghị công nhận xếp hạng; tu bổ, tôn tạo từ 20 đến 25 di tích đã được công nhận xếp hạng. Hoàn thành các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất cố đô Hoa Lư giai đoạn 2021 - 2030 và các nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, khai quật khảo cổ và phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư giai đoạn 2021 - 2025...
Trong thời gian gần đây, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều hành động cụ thể nhằm “khơi thông nguồn lực”, “đánh thức” tiềm năng các tài nguyên văn hóa của tỉnh, biến nó thành nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Hàng loạt hội thảo được tỉnh tổ chức: Hội thảo khoa học quốc tế bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại; Hội thảo khoa học “Nghề gốm cổ Ninh Bình, truyền thống và hiện đại”; Hội thảo khoa học quốc tế "Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương"... với mục đích tìm kiếm sự “hiến kế” từ phía các nhà khoa học, các chuyên gia để khai thác các tài nguyên văn hóa phục vụ sự phát của Ninh Bình.
Các thế hệ lãnh đạo tỉnh Ninh Bình luôn quan niệm văn hóa sẽ tạo nên sự khu biệt giữa Ninh Bình với các địa phương khác, văn hóa sẽ tạo nên dấu ấn “định vị thương hiệu địa phương”. Chính tài nguyên văn hóa độc đáo, đa dạng cho phép tỉnh có những bước đi tự tin, vững chắc trong việc định hình “thương hiệu” của Ninh Bình trên bản đồ du lịch quốc gia.
Nhiều chương trình, sản phẩm quảng bá cho văn hóa du lịch cũng được tỉnh Ninh Binh thực hiện, như: Tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" năm 2023, Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2023... Và đặc biệt, một trong những sự kiện văn hóa lớn được tỉnh Ninh Bình tổ chức thành công đó là: Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II năm 2023 với chủ đề "sắc màu di sản hội tụ và lan tỏa"... Đây là những sự kiện có tính điểm nhấn khẳng định nét văn hóa đặc sắc, mang thương hiệu riêng của vùng đất cố đô Hoa Lư. Chính các sản phẩm này đã và đang tạo nên dấu ấn “định vị thương hiệu địa phương” của Ninh Bình trên bản đồ văn hóa du lịch quốc gia, quốc tế.
Đề xuất một số giải pháp phát triển xanh cho Ninh Bình
Ở tầm vĩ mô, để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, cần triển khai một loạt các giải pháp toàn diện từ chính phủ, doanh nghiệp, và cộng đồng. Trước hết, cần thiết lập các chính sách thuế và ưu đãi đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình xanh. Các ưu đãi thuế và giảm thuế có thể được áp dụng cho các doanh nghiệp và dự án có tác động tích cực đối với môi trường. Chính phủ có thể tạo ra các quỹ hỗ trợ để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và các công nghệ xanh. Quỹ này có thể được tài trợ bằng các nguồn tài trợ từ cả trong nước và quốc tế.
Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ xanh. Điều này có thể thúc đẩy sự đổi mới và sự tiến bộ trong các ngành công nghiệp. Tạo ra chính sách và cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình xanh. Các biện pháp có thể bao gồm ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính, và đánh giá hiệu suất xanh. Chính phủ cần thiết lập các mục tiêu và kế hoạch hành động để đạt được nguồn năng lượng xanh. Ngoài ra, cần tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, và tài trợ, đồng thời tham gia vào các hiệp định và cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Và một một khâu rất quan trọng, đó là cần chú trọng giáo dục và đào tạo về kinh tế xanh để nâng cao nhận thức và năng lực của người lao động trong lĩnh vực này. Điều này có thể bao gồm cả việc tích hợp chủ đề xanh vào chương trình học tập.
Đối với Ninh Bình, nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa; nhận diện rõ thách thức đến từ biến đổi khí hậu cùng các vấn đề xã hội khác, tỉnh xác định quan điểm phát triển bền vững dựa trên nền tảng tiềm năng, thế mạnh, giá trị nổi trội, riêng có của tỉnh, nhất là về hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên, các danh hiệu UNESCO.
Để làm được điều này, ngành văn hóa bắt tay vào thực hiện một số mục tiêu cụ thể, phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu tại Chiến lược văn hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, với một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: Đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Trong đó, lựa chọn từ 3 đến 5 di sản văn hóa phi vật thể để xây dựng hồ sơ khoa học và đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình cần tập trung vào các định hướng sau:
Một là, quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kiên định phát triển kinh tế - xã hội theo hướng “xanh, bền vững và hài hòa”; phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất cố đô và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An làm nền tảng, nguồn lực và động lực phát triển, trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch của quốc gia và quốc tế; phát triển đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại; quyết tâm, nỗ lực xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Nghiên cứu, báo cáo, đề xuất với Trung ương ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách cho tỉnh Ninh Bình thực hiện thành công các nhiệm vụ trên.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa và đổi mới sáng tạo, đưa tỉnh Ninh Bình trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía nam vùng đồng bằng sông Hồng; trong đó, tập trung quy hoạch, phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử cố đô Hoa Lư, xây dựng các thiết chế văn hóa lớn, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án quan trọng liên quan. Ban hành chính sách riêng về bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa, lịch sử, di tích trên địa bàn tỉnh.
Ba là, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về di sản để giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát huy giá trị phục vụ phát triển trên địa bàn tỉnh. Xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu của phát triển bền vững; nâng cao trách nhiệm của cả cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo vệ, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, phát triển đa dạng sinh học, tạo việc làm và thu nhập tốt cho cộng đồng sống trong khu vực di sản.
Bốn là, đầu tư thích đáng cho phát triển công nghiệp văn hóa. Trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện và thực hiện mô hình hợp tác công - tư trong quản lý, phát huy giá trị di sản; đẩy mạnh xã hội hóa trong phát huy các giá trị của di sản, thực hiện trên nền tảng 4 chủ thể: Người dân - Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, kết nối nội bộ giữa các khu, điểm du lịch với nhau và với các trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ của tỉnh.
Năm là, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác ngoại giao kinh tế, văn hóa, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong công tác phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử cố đô Hoa Lư, hướng tới xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ; thúc đẩy hợp tác với UNESCO và các tổ chức văn hóa quốc tế trong phát huy giá trị toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, quảng bá mạnh mẽ giá trị hình ảnh văn hóa - con người - thiên nhiên Ninh Bình đến với bạn bè trong nước, quốc tế và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài./.
Tỉnh Ninh Bình bảo đảm an sinh xã hội - hiệu quả từ công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân  (02/10/2024)
Tỉnh Ninh Bình: Tăng cường bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ đa dạng sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội  (27/09/2024)
Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho người dân tỉnh Ninh Bình  (26/09/2024)
Một số vấn đề về ứng phó với bão, lụt - góc nhìn từ tỉnh Ninh Bình qua cơn bão số 3  (25/09/2024)
Tỉnh Ninh Bình bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống  (24/09/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm