Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kết tinh và tỏa sáng vị thế, giá trị và uy tín của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam
TCCS - May mắn khi có thời gian dài được cùng làm việc, gắn bó, gần gũi và luôn nhận được sự quan tâm, chỉ bảo ân cần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi còn công tác ở Tạp chí Cộng sản, nhà báo Nhị Lê (Phạm Đình Đảng), nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản xúc động chia sẻ những kỷ niệm sâu đậm về người Anh, người Thủ trưởng, người Thày mà nhà báo luôn luôn kính trọng.
Phóng viên: Kính thưa nhà báo! Nhà báo có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quá trình rèn luyện, công tác tại Tạp chí Cộng sản.
Nhà báo Nhị Lê: Tôi chọn ngày 7-5-1984 - ngày kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - để thực hiện quyết định của Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản. Tôi rời quân ngũ, khoác ba-lô về nhận nhiệm vụ công tác tại Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản.
Theo sự phân công của lãnh đạo Ban Xây dựng Đảng, với sự dẫn dắt trực tiếp của Anh Nguyễn Phú Trọng, lúc bấy giờ là Phó Trưởng Ban Xây dựng Đảng, tôi bắt đầu công việc kép: đọc sách cùng với tập việc nghiệp vụ báo chí và chuẩn bị đi thực tế dài hạn. Một hệ thống sách kinh điển và tài liệu về lĩnh vực xây dựng Đảng được Anh Nguyễn Phú Trọng giao đọc một cách hệ thống, ghi bút ký và báo cáo hằng tuần. Anh vừa hướng dẫn vừa động viên vừa cân cần chỉ dạy: Không nghiên cứu một cách hệ thống và căn cơ, không thể làm tốt được công việc rất khó này. Và, giữa năm 1985, tôi hoàn thành cơ bản việc đọc, sau đó báo cáo Anh bản thu hoạch, trong đó có hệ thống các tác phẩm bằng bút ký.
Tôi đọc thấy niềm vui trong mắt Anh; và, Anh nói: Em cố gắng khắc phục khó khăn và chuẩn bị tinh thần để đi thực tế dài hạn nhé!
Và, Đoàn công tác của Ban Xây dựng Đảng do đồng chí Nguyễn Văn Lộc, khi đó là Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Xây dựng Đảng dẫn đầu, về nghiên cứu, tổng kết thực tiễn tại Huyện ủy Phúc Thọ, cách Tạp chí hơn 40km. Tôi được giao chấp bút bài “Phúc Thọ xây dựng Đảng bộ huyện vững mạnh” ghi danh đồng chí Hoàng Thanh Cận, Thành ủy viên Hà Nội, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ (sau này là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) và được đăng trên Tạp chí Cộng sản vào tháng 9-1986. Được sự đồng ý của Huyện ủy Phúc Thọ và theo sự chỉ đạo của Anh, tôi bắt đầu đi thực tế theo kế hoạch mỗi tháng 10 ngày bằng xe đạp và trong 18 tháng tại huyện Phúc Thọ.
Kết thúc thời gian đi thực tế, tôi báo cáo Anh kết quả nghiên cứu thực tế bằng văn bản 25 trang viết tay. Khi đọc tới những dòng cuối cùng bản báo cáo của tôi là hai câu: “Độc phá vạn quyển thư/Hành quá vạn lý lộ…”, tôi thấy Anh rất vui và hỏi: Thế dấu ba chấm (…) sau hai câu thơ này là những gì mà em không viết tiếp? Tôi ngượng nghịu và cười trừ.
Hai bàn tay Anh nắm chặt hai bàn tay tôi và nhìn thẳng vào mắt tôi, rất ân cần: Bước tiếp lên em! Mạnh mẽ nữa lên!
Gần 40 năm trôi qua, kể từ tháng 8-1988, hơi ấm đôi bàn tay Anh như vẫn đang ấp ủ bàn tay tôi và ánh mắt ấy của Anh vẫn đang lấp lánh nhìn tôi viết những dòng này.
Và, tôi như thấy, từ cõi rất xa xôi, từ trên trời linh thiêng, Anh vẫn đang nhìn xuống và mỉm cười!
Phóng viên: Những ấn tượng sâu sắc của nhà báo về con người, tác phong, lề lối công tác,… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua thời gian dài được cùng làm việc, gắn bó, gần gũi.
Nhà báo Nhị Lê: Ngày 15-10-1994, với cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Anh ký quyết định cử tôi đi học, sau khi trúng tuyển nghiên cứu sinh hệ chính quy tập trung, khóa đặc biệt triết học, chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Sau hơn 5 năm, 19 giờ, ngày 26-3-2000, Anh gọi điện thoại bàn, hỏi thăm tôi về buổi bảo vệ luận án của tôi, mà do rất bận công việc của Bộ Chính trị, Anh không thể tới dự được. Từ đầu dây bên kia, giọng Anh rất ấm, nhưng bằng những câu rất ngắn, khác hẳn thường ngày: Anh chúc mừng Em! Buổi bảo vệ vui không? Kết quả thế nào? Cả nhà tôi buông đũa, ngóng theo tôi.
Tôi lặng đi một lát. Anh lại hỏi: Em đâu rồi? Tôi cảm kích: Em chào và cảm ơn Anh! Anh lại hỏi: Thế nào em? Tôi đáp; Em đang nhớ lại năm 1983. Anh hỏi: Sao em? Tôi đáp: Em đang nhớ Anh kể cho em nghe chuyện hôm anh bảo vệ luận án ở Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Liên Xô ấy. Cô giáo Rai-xa - người phản biện luận án của Anh, nói: Nếu được cho điểm, tôi cho luận án của Nguyễn Phú Trọng một vòng điểm 5 (bậc điểm cao nhất trong thang điểm 5 bậc của Liên Xô lúc ấy)!
Anh lại nói: Em nói tiếp đi! Tôi đáp: Thưa Anh, về luận án của em, bảy thành viên của Hội đồng chấm luận án, chỉ cho em được 70 điểm thôi! Tôi như thấy Anh khẽ reo trong điện thoại: Ôi! Thế là vừa đủ, em! Anh chúc mừng em, chúc mừng em gái anh (vợ tôi) và gia đình nhé!
Anh ân cần: Kể từ hôm nay, là tân ông Nghè rồi, em làm sao cho xứng với sự tin cậy của các giáo sư trong Hội đồng và công lao đào tạo của Học viện, em nhé! Chuẩn bị về Tạp chí làm việc cho thật tốt nhé!
Khi Anh gửi lại Lời giới thiệu cho cuốn sách “Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của tôi, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành, tháng 8-2001, tôi hỏi: Anh ơi, sao Anh chỉ ghi Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng mà không ghi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, thì anh nhìn vào mắt tôi, thật ấm: Thế là vừa đủ, em ạ!
Càng sống, tôi càng thấm thía cái triết lý “Tri túc, tri chỉ” (biết đủ, biết dừng) mà Anh nói với tôi và thường động viên tôi cùng làm từ đó cho tới tận ngày 19-7-2024, Anh về với Tổ tiên.
Và, Anh tặng tôi một chiếc cà-vạt màu huyết dụ. Anh nói, Anh mua nó ở căng-tin của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô và vẫn để dành tới tận lúc bấy giờ.
Phóng viên: Kính thưa nhà báo! Theo nhà báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có những cống hiến đặc biệt to lớn gì với Đảng, với đất nước và nhân dân ta?
Nhà báo Nhị Lê: Thay vì sự thẩm xét “những cống hiến to lớn với Đảng, với đất nước và Nhân dân ta”, tôi chép lại một phần trong tập hồi ký về người Anh, người Thày và người Thủ trưởng Nguyễn Phú Trọng của tôi, ngõ hầu thay nén tâm nhang kính dâng lên Đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng!
Trước hết, là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng 7 khóa (từ khoá VII tới khoá XIII; Ủy viên Bộ Chính trị 6 khóa (từ khóa VIII tới khóa XIII); tham gia Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa XI, XII, XIII; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, XII; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Bí thư Quân ủy Trung ương; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng toàn Đảng hoạch định chiến lược và dẫn dắt sáng tạo công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế gần 40 năm qua và giành được những thành công to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vì Việt Nam hùng cường, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thứ hai, là một nhà lý luận lớn và xuất sắc, một nhà chiến lược tài ba, một nhà lãnh đạo tổ chức thực tiễn kiên định và sáng tạo, nhà ngoại giao tài năng và nhân văn… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng toàn Đảng kế thừa và phát triển những thành quả của cách mạng Việt Nam, chủ động tổng kết thực tiễn đất nước và quốc tế, xây dựng và phát triển hệ thống lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam, góp phần bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng độc lập và sáng tạo chủ nghĩa xã hội Việt Nam suốt 40 năm qua, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cách mạng thế giới. Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng toàn Đảng, toàn dân không ngừng đổi mới và phát triển hệ thống chính trị Việt Nam, rường cột là Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội ngang tầm yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thật sự hiệu quả, không ngừng nâng cao vị thế, sức mạnh và uy tín đất nước trên trường quốc tế, mở ra tầm nhìn khoa học và cương lĩnh hành động chiến lược, vì chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhịp bước cùng thời đại, tới năm 2045.
Thứ ba, là một nhà văn hóa lớn, Tổng Bí thư cùng toàn Đảng, trên nền tảng văn hóa Việt Nam, thâu thái và tiếp biến tinh hoa văn hóa thế giới, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhằm xây dựng nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững, nhân văn và đồng hành cùng nhân loại, khẳng định sức mạnh, danh dự và uy tín Việt Nam trong cộng đồng nhân loại, vì một thế giới hòa bình, hữu ái, văn minh và tiến bộ. Là một nhân cách lớn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kết tinh và tỏa sáng một cách toàn vẹn vị thế, giá trị và uy tín của con người Việt Nam, thanh danh của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn nhà báo!./.
Lào tuyên bố quốc tang tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (22/07/2024)
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng, tấm gương đạo đức sáng ngời  (22/07/2024)
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng - Một nhà lý luận xuất sắc, một nhà lãnh đạo tài ba, được nhân dân tin yêu, mến phục  (21/07/2024)
Nhà báo Hà Đăng: Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - phong cách của một nhà báo lão thành đầy trí tuệ và một nhà lãnh đạo chính trị đầy bản lĩnh, kiên định  (21/07/2024)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cốt cách lớn của vị lãnh tụ  (21/07/2024)
Những dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tạp chí Cộng sản  (21/07/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm