Hoàn thiện hệ thống chính sách để vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững
TCCS - Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế - xã hội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Song thời gian qua, sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng. Để phát huy tốt hơn nội lực của vùng, hiện thực hóa mục tiêu đưa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở thành vùng phát triển hiện đại, nhanh và bền vững thì các địa phương trong vùng cần từng bước hoàn thiện, đồng bộ hệ thống chính sách hướng đến mục tiêu phát triển chung của vùng.
Lợi thế để vùng đồng bằng sông Cửu Long hướng tới phát triển bền vững
Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Hiện nay, vùng có 13 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 39.734 km2, chiếm 12,2% diện tích cả nước và dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. Vùng có khoảng 150 đơn vị cấp huyện, hơn 1.000 đơn vị hành chính cấp xã, gần 10 triệu hộ nông dân(1). Đây là vùng kinh tế - xã hội đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng thủy sản cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây(2). Quy mô kinh tế của vùng ngày càng mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 970 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 56,02 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8%(3). Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn đạt 1,6%; giá trị gia tăng chiếm 32,2% GRDP toàn vùng và chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước. Vùng ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước về sản xuất gạo, nuôi tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,51 triệu tấn thóc, 0,78 triệu tấn tôm, 1,472 triệu tấn cá tra và 4,3 triệu tấn trái cây; lần lượt chiếm 55,4%, 83,51%, 98% và 60% tổng sản lượng cả nước(4). Tuy nhiên, cùng với đồng bằng châu thổ sông Hằng (Ấn Độ - Băng-la-đét) và sông Nin (Ai Cập), ĐBSCL là một trong ba vùng châu thổ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biết đổi khí hậu(5). Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển dâng từ 0,5-1m, làm cho khoảng 39% diện tích, 35% dân số vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng(6). Theo kịch bản đã công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng 100cm thì nguy cơ vùng ĐBSCL bị ngập lên đến 47,29%, khoảng 570.000#ha lúa sẽ bị ngập và các khu vực chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu nhiều nhất là tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang(7).
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm hoạch định, ban hành hệ thống chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL trước những thách thức của bối cảnh, điều kiện phát triển mới. Nổi bật là Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017, của Chính phủ, “Về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”. Theo đó, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo 4 lĩnh vực chính: Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; hạ tầng và kỹ thuật môi trường; nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; chế biến thực phẩm và các dịch vụ vận tải (logistics) liên quan. Nghị quyết là cột mốc mang tính đột phá, đánh dấu sự thay đổi từ cách tiếp cận mang tính phòng vệ thụ động với biến đổi khí hậu sang hướng tới mô hình “chủ động thích ứng với thiên nhiên”, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong “điều kiện bình thường mới”, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những lợi thế sẵn có, trên cơ sở định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã chú trọng đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư vào các địa phương trong vùng trên 220 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% so với cả nước. Một số ngành, lĩnh vực được quan tâm, chú trọng đầu tư, như giao thông, nông nghiệp... Đơn cử, giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của vùng khoảng 86 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14% cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2016 - 2020, trong đó, vốn bố trí đầu tư phát triển đường cao tốc khoảng 42.647 tỷ đồng, chiếm 20% cả nước(8). Liên kết nội vùng và vùng ĐBSCL với các địa phương khác cũng được cải thiện, trong đó, liên kết kinh tế vùng ĐBSCL - Thành phố Hồ Chí Minh đạt mức 280 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trong vùng đã hoàn thành 863 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư có sẵn cho 191.000 hộ dân, 1 triệu người dân vùng ngập lũ. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch trung bình trong vùng đạt khoảng 89,6%, tăng 1,5% so với năm 2017, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch trung bình đạt 22,5%, cao hơn 4% so với mực trung bình cả nước(9).
Một số vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long
Mặc dù được quan tâm, đầu tư phát triển, nhưng vùng ĐBSCL chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và trên thực tế, một số chỉ số phát triển có dấu hiệu chậm lại so với mặt bằng chung cả nước.
Về kinh tế: Tỷ trọng đóng góp GDP của vùng ĐBSCL mặc dù đứng thứ ba cả nước sau vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng, nhưng có xu hướng ngày càng giảm. Năm 1988, GDP của vùng là 31,5%, đến năm 2000 giảm còn 17,2%. Năm 2017, vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, năm 2019 đóng góp 17,7%(10), năm 2020 đóng góp 11,95%(11).
Thu nhập người dân vùng ĐBSCL ngày càng thấp so với mặt bằng chung cả nước. Giai đoạn 1999 - 2002, thu nhập bình quân đầu người trong vùng cao hơn mức bình quân cả nước, nhưng đến năm 2004, thu nhập người dân trong vùng chỉ bằng 97,3%, năm 2020 đạt 91,2% (3.874/4.249 nghìn đồng) và sơ bộ năm 2021 là 88,3% (3.713/4.204 nghìn đồng) mức bình quân cả nước. Trong đó, tại một số địa phương, thu nhập bình quân đầu người sơ bộ năm 2021 khá thấp, như tỉnh Vĩnh Long là 3.172 nghìn đồng, Cà Mau là 3.239 nghìn đồng; Sóc Trăng là 3.246 nghìn đồng...(12).
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của vùng còn cao. Năm 2019 là 5,65% so với tỷ lệ 4,83% của cả nước; năm 2020 là 4,80% so với 4,17% của cả nước và sơ bộ năm 2021 là 4,36% so với tỷ lệ 3,75% của cả nước (13). Đặc biệt, tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn rất khó khăn. Năm 2019, vùng ĐBSCL có khoảng 1.310.007 người thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 9,27% cả nước, sinh sống ở 463 xã, trong đó có 17 xã biên giới. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 24,2%, chiếm đến 19,93% tổng số hộ nghèo của vùng(14). Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế chưa có định hướng rõ ràng; thiếu tính đồng bộ trong toàn vùng. Các động lực truyền thống của vùng ĐBSCL trong phát triển kinh tế (đất đai phì nhiêu, nguồn nước ngọt dồi dào... phù hợp cho phát triển kinh tế nông nghiệp) đã được khai thác tới ngưỡng giới hạn do áp lực thực hiện vai trò là vùng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, trung tâm sản xuất chính cho xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp trong khi các động lực mới chưa định hình rõ nét... Bối cảnh phát triển mới cùng với tác động từ biến đổi khí hậu và áp lực chuyển đổi để vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa gia tặng hiệu quả kinh tế, đặt ra yêu cầu đối với Chính phủ và Đảng bộ, chính quyền các địa phương trong vùng cần xác định đúng các lợi thế hiện có và tiềm năng của vùng; quy hoạch, tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, hiệu quả trong giai đoạn phát triển mới.
Về xã hội: Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy giáo dục - đào tạo phát triển, nhưng vùng ĐBSCL vẫn được xem là “vùng trũng giáo dục” của Việt Nam(15). Hầu hết chỉ số phát triển giáo dục của vùng đều thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. Năm 2021, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ của vùng là 93,94%, thấp hơn bình quân cả nước là 95,69%. Trong đó, một số địa phương trong vùng có tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ thấp, nhất là tỉnh Trà Vinh (89,68%), Sóc Trăng (90,22%), An Giang (91,28%). Ngoài ra, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của vùng ĐBSCL là 14,61%, thấp nhất cả nước, bình quân cả nước là 26,13%(16).
Hạ tầng y tế, năm 2021, số giường bệnh/10.000 dân của vùng là 32 trong khi cả nước là 34, một số địa phương có số giường bệnh thấp hơn bình quân của vùng, như tỉnh Long An (24), Trà Vinh (25,7), An Giang (25,9)...; số bác sĩ/10.000 dân là 9,29 (cả nước là 11,12), một số địa phương có số bác sĩ thấp hơn bình quân của vùng, như tỉnh Long An (6,02), Tiền Giang (6,94), Vĩnh Long (7,18)(17)... Theo đánh giá của Chính phủ, mặt bằng học vấn và tỷ lệ ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của vùng, ĐBSCL thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; chất lượng giáo dục, y tế vẫn còn thấp so với yêu cầu...(18).
Dân số trong giai đoạn 2009 - 2019, dân số thành thị của vùng ĐBSCL chỉ tăng 0,98%/năm và dân số tăng bình quân là 0,05%/năm, rất thấp so với 2,62% và 1,14% bình quân của cả nước. Tình trạng di cư diễn ra trên diện rộng, chủ yếu ở số người trẻ, trong độ tuổi lao động. Số lượng di cư ra khỏi vùng ĐBSCL trong giai đoạn này là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh, thành phố trong vùng; tương đương với tốc độ gia tăng dân số tự nhiên của vùng. Đồng thời, vùng ĐBSCL có tốc độ già hóa dân số thuộc nhóm nhanh nhất cả nước.
Về môi trường: vùng ĐBSCL ngày càng đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, như ngập mặn, sạt lở, nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tốc độ sụt lún đất ở vùng ĐBSCL trung bình là 0,96 cm/năm và nước biển dâng 0,35 cm/năm(19). Năm 2020, vùng ĐBSCL có trên 500 điểm sạt lở ven sông, biển với hơn 800 km, trong đó có 63 điểm sạt lở nghiêm trọng, với chiều dài lên tới 104 km. Hằng năm, sạt lở làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển, hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời khỏi vùng nguy hiểm(20). Hiện nay, toàn vùng còn 561 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài khoảng 810km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 63 điểm/204 km cần được xử lý với tổng kinh phí khoảng 13.648 tỷ đồng(21).
Tốc độ công nghiệp hóa vùng ĐBSCL trong những năm gần đây tăng nhanh, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng. Nhiều nhà máy công nghiệp trong vùng xả thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí, tổn hại sức khỏe dân cư địa phương. Hơn nữa, với đặc điểm là một vùng kinh tế nông nghiệp, nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp giảm cùng với quá trình đô thị hóa và tác động từ biến đổi khí hậu nên áp lực tăng năng suất cao, dẫn đến việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trong sản xuất. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm, vùng ĐBSCL có khoảng 1.790 tấn hoạt chất thuốc diệt ốc sên, 210 tấn hoạt chất thuốc diệt cỏ, 1.224 tấn hoạt chất thuốc trừ sâu và 4.245 tấn hoạt chất thuốc diệt nấm được sử dụng dư thừa trong sản xuất lúa(22)...
Từ một vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, vùng ĐBSCL đang dần đứng trước những thách thức mang tính thời đại - tác động từ biến đổi khí hậu và những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế này “đòi hỏi có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững vùng ĐBSCL”(23).
Góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách để phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long
Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp tục mở ra diện mạo vùng kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai, với phương châm phát triển hài hòa, thuận thiên, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành “vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả với cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người; nhân dân có mức sống cao; bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc được duy trì và tôn tạo; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường”. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ cũng như các tỉnh, thành phố của vùng cần hoàn thiện và đồng bộ trong tổ chức thực thi hiệu quả hệ thống chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Một là, bên cạnh giữ đất, giữ nước và bảo vệ môi trường cho vùng, các cơ quan có thẩm quyền cần chú trọng các giải pháp, chính sách để “giữ người”. Trong hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL, ngoài việc quan tâm xác định tầm nhìn dài hạn, mục tiêu, giải pháp phát triển bền vững kinh tế - xã hội, cần quan tâm đồng bộ ba nhóm chính sách: 1- Nhóm chính sách hướng đến mục tiêu giữ “người”; 2- Nhóm chính sách hướng tới mục tiêu giữ “đất”, giữ “nước”; 3- Nhóm chính sách nhằm bảo vệ môi trường. Các nhóm chính sách này cần được tích hợp để nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách cụ thể. Trong đó, nhóm chính sách giữ “người” cần được xác định là nhóm chính sách trọng tâm, hướng tới xây dựng những lớp người sinh ra và lớn lên từ vùng đất này, được trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ để chung sống ổn định, phát triển với quê hương. Họ chính là nhân tố quyết định hiệu quả trong thực thi hệ thống chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, cần đồng bộ trong xây dựng và thực hiện hệ thống các giải pháp công trình, phi công trình để giữ đất, giữ nước và bảo vệ môi trường cho vùng.
Hai là, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học để dự báo và xây dựng các kịch bản khả thi cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu toàn diện, dự báo chính xác các vấn đề phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong những thập niên tiếp theo. Trên cơ sở đó, xây dựng các kịch bản khả thi, hiệu quả cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong từng giai đoạn. Hoàn thiện các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học hướng đến hóa giải thách thức và giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội; trong bảo vệ các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất và nước của vùng; trong thích ứng với những tác động tiêu cực ngày càng đa dạng và nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Hoàn thiện các chính sách thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng. Đặc biệt ưu tiên các hoạt động nghiên cứu, lai tạo các vật nuôi, cây trồng thích ứng với điều kiện của vùng ĐBSCL trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Ba là, quan tâm phát triển giáo dục. Trên cơ sở quan điểm của Đảng về giáo dục: “Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng...”; “Phát triển nhanh và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung một số giải pháp cơ bản: 1- Nghiên cứu, quy hoạch nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển và định hướng phát triển vùng ĐBSCL; 2- Quy hoạch, tổ chức lại hệ thống giáo dục của vùng phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên phát triển giáo dục phổ thông (bảo đảm phổ cập giáo dục), tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học hướng đến xây dựng đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu phát triển vùng theo định hướng phát triển (tránh lãng phí nguồn lực trong đào tạo, khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trong nguồn nhân lực của vùng); 3- Gắn kết Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong dự báo, phát triển chương trình đào tạo và đào tạo nguồn nhân lực cho vùng; 4- Thí điểm thực hiện và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi giáo dục cho người học trong vùng; 5- Xây dựng và thực hiện chính sách đột phá, ưu tiên trong xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông, giáo viên nghề nghiệp, giảng viên đại học là người địa phương để làm động lực phát triển giáo dục của vùng; 6- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, các giải pháp thông minh trong tổ chức các hoạt động giáo dục; 7- Phát huy vai trò của nhà trường và đội ngũ nhà giáo trong phát triển giáo dục...
Bốn là, xác định mô hình phát triển bền vững kinh tế và phát huy hiệu quả các nguồn lực, thế mạnh để phát triển. Trước hết, các cơ quan hữu quan cần tổ chức hoạt động nghiên cứu, tham vấn rộng rãi để xác định mô hình phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế của vùng ĐBSCL trong những thập niên tiếp theo. Các hoạt động này cần được thực hiện nghiêm túc để nhận diện chính xác, toàn diện cơ hội, tiềm năng cũng như rủi ro, thách thức của vùng, đồng thời lan tỏa, tạo sự đồng thuận của các bên liên quan trong phát triển bền vững kinh tế vùng ĐBSCL. Nên chăng, mô hình phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL trong thời gian tới cần nhất quán hướng đến tạo lập một khối thống nhất toàn vùng phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững, gắn kết với thị trường một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Mô hình này đòi hỏi từng địa phương phải xác định lại vai trò của mình trong khối liên kết thống nhất toàn vùng, đồng thời điều chỉnh chiến lược, kế hoạch phát triển của địa phương cho phù hợp. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần quan tâm chuyển đổi số mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và quảng bá, kết nối, phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Năm là, tạo lập cơ chế điều phối, liên kết vùng hiệu quả. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025. Liên kết vùng ĐBSCL cần hướng tới phát huy vai trò điều phối trong phạm vi toàn vùng ĐBSCL, qua đó xác định cụ thể vai trò, nhiệm vụ của từng địa phương trong mô hình phát triển kinh tế bền vững của vùng ĐBSCL; giảm thiểu tác động tiêu cực giữa các địa phương trong quá trình phát triển. Đồng thời, tăng liên kết vùng giữa vùng ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và khu vực, quốc tế./.
---------------------------
(1) Xem: Lê Minh Hoan: “Báo cáo tái cơ cấu nông nghiệp và đầu tư hệ thống các công trình thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2030”, tại Hội nghị công bố “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030”, ngày 21-6-2022
(2) Nguyễn Phú Trọng: “Nỗ lực phấn đấu, tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Cộng sản, số 989 (5-2022), tr. 6
(3) Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(4) Xem: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Fulbright: Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2022: Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp, Nxb. Đại học Cần Thơ, 2022
(5) Nguyễn Văn Thắng, Mai Văn Khiêm: “Nghiên cứu đánh giá và dự tính điều kiện khô hạn theo chỉ số SPI cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Khí tượng thủy văn, 2017, số 678 (6-2017)
(6) Hồng Đạt: “Vùng đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu”, Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang, ngày 10-2-2023, https://kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/18/33525/Vung-dong-bang-song-Cuu-Long-no-luc-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau.html
(7) Mộng Toàn: “Biến đổi khí hậu - Thách thức lớn cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Tài chính, ngày 9-11-2022, https://tapchitaichinh.vn/bien-doi-khi-hau-thach-thuc-lon-cho-toan-vung-dong-bang-song-cuu-long.html
(8) Trúc Giang: “Đầu tư 86.000 tỷ đồng phát triển giao thông đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025”, Báo điện tử Đầu tư, ngày 21-8-2022, https://baodautu.vn/dau-tu-86000-ty-dong-phat-trien-giao-thong-dbscl-giai-doan-2021-2025-d172007.html
(9) Anh Hùng: “INFOGRAPHIC: 3 năm thực hiện Nghị quyết “thuận thiên””, Báo điện tử Chính phủ, ngày 13-3-2021, https://baochinhphu.vn/infographic-3-nam-thuc-hien-nghi-quyet-thuan-thien-102289042.htm
(10) Trường Chính sách công và quản lý (Fulbright): Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long: Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững năm 2021, 2022, tr. 4
(11) Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(12), (13) Xem: Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2021
(14) Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Hoàng Hành: “Phát huy vai trò đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Cộng sản, ngày 8-10-2020, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/819706/phat-huy-vai-tro-dong-bao-dan-toc-thieu-so-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-dong-bang-song-cuu-long.aspx
(15) Như Anh: “Thu hút nhân tài cho vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Báo Công an nhân dân online, ngày 9-4-2021, https://cand.com.vn/Xa-hoi/Thu-hut-nhan-tai-cho-vung-dong-bang-song-Cuu-Long-i601908/
(16), (17) Xem: Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê, Nxb. Thống kê, 2022
(18) Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017, của Chính phủ, “Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”
(19) Thanh Tâm: “Ứng phó sụt lún đất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 16-3-2022, https://nhandan.vn/ung-pho-sut-lun-dat-o-vung-dong-bang-song-cuu-long-post689362.html
(20) Quách Hằng: “Sạt lở nghiêm trọng bủa vây đồng bằng sông Cửu Long”, Báo điện tử VTVnews, ngày 11-9-2022, https://vtv.vn/xa-hoi/sat-lo-nghiem-trong-bua-vay-dong-bang-song-cuu-long-20200911121736096.htm
(21) Văn Vĩnh: “Cấp bách khắc phục sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long”, Báo Công an nhân dân online, ngày
14-8-2023, https://cand.com.vn/doi-song/cap-bach-khac-phuc-sat-lo-tai-dong-bang-song-cuu-long-i703659/
(22) Mai Chi: “Đồng bằng sông Cửu Long: Báo động nước thải nông nghiệp”, báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 27-8-2019, https://baotainguyenmoitruong.vn/dong-bang-song-cuu-long-bao-dong-nuoc-thai-nong-nghiep-294481.html
(23) Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017, của Chính phủ, về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu
Thành phố Cần Thơ hướng đến đô thị sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long  (18/08/2023)
Hà Nội tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội hằng tháng, góp phần nâng cao đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội  (16/07/2023)
Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long hiện nay  (14/07/2023)
Tỉnh Cà Mau huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển nhanh và bền vững  (19/04/2023)
Thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững  (19/02/2023)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay