Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Cao Bằng
TCCS - Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm, chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của công tác dân tộc.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này, đặc biệt là phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số là nhóm đối tượng đặc thù quan trọng.
Điều 5 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Để thực hiện điều này, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân tộc thiểu số được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.
Cao Bằng là tỉnh vùng cao, biên giới, thuộc phía Đông Bắc của Tổ quốc. Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 6.724,6km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 9%; diện tích đất lâm nghiệp, núi đá, sông suối chiếm hơn 90%. Dân số toàn tỉnh năm 2016 là trên 529.800 người, với 8 dân tộc chủ yếu, trong đó dân tộc Tày là 40,97%, dân tộc Nùng: 31,08%, dân tộc Mông: 10,13%, dân tộc Dao: 10,08%, dân tộc Kinh: 5,76%, dân tộc Sán Chỉ: 1,39%, dân tộc Lô Lô: 0,47%, dân tộc Hoa: 0,03%, dân tộc khác: 0,09%.
Đa số dân cư sinh sống bằng nghề nông, cư trú phân tán, trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn, nhận thức về chính trị, pháp luật còn hạn chế, một số phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ. Mặt khác, do sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường và sự chống phá của các thế lực thù địch nên tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì, bảo vệ và thực thi pháp luật đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng, cần được tổ chức thực hiện thường xuyên.
Để đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến về nhận thức và tự giác chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, luôn tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, góp phần ổn định chính trị và thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chính quyền các cấp của tỉnh đã triển khai sâu rộng, toàn diện và tăng cường nguồn lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như công tác tuyên truyền, vận động nói chung đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hoàn thành mục tiêu được đề ra trong Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2021” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg, ngày 8-8-2017, của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 3295/KH-UBND, ngày 13-10-2017, về “Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2021” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”.
Kế hoạch nói trên xác định đến năm 2021, trên 70% số đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được phổ biến, giáo dục pháp luật, và tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng phổ biến cho đồng bào về những nội dung cơ bản của Hiến pháp, các luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vùng dân tộc thiểu số. Tập trung phổ biến pháp luật nói chung cho đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ pháp luật. Trong đó, nội dung cốt yếu là những quy định về các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự; phòng, chống các tệ nạn xã hội; phòng, chống mua bán người, bạo lực gia đình; bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; an toàn thực phẩm; an toàn giao thông;... Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào về những nội dung chủ yếu của công tác dân tộc, chính sách dân tộc, như Chương trình 135, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các dân tộc rất ít người; chính sách về giáo dục, y tế, đào tạo nghề ở nông thôn; các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu; việc áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đời sống; bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tuyên truyền, vận động đồng bào cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; nâng cao nhận thức về chủ quyền, an ninh biên giới; đấu tranh chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, truyền đạo trái pháp luật...
Với phương châm “hướng về cơ sở”, “đối tượng nào, hình thức đấy”, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp hướng dẫn, triển khai các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; chỉ đạo các địa phương khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu tuyên truyền pháp luật của người dân ở cơ sở, từ đó lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả. Trong thời gian qua, tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp và các chủ đề pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, phòng, chống ma túy, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, biên giới quốc gia, dân sự, hình sự, hòa giải ở cơ sở, giao thông đường bộ, chính sách dân tộc hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành... Việc tuyên truyền, phổ biến này được thực hiện bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền trực tiếp tại các hội nghị, các cuộc họp ở thôn, xóm, tổ dân phố; thi tìm hiểu pháp luật dưới dạng sân khấu hóa; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý miễn phí; hòa giải ở cơ sở; xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh bằng tiếng dân tộc); cung cấp miễn phí tài liệu; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa truyền thống...
Chỉ tính riêng năm 2018, toàn tỉnh tổ chức được 8.325 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật; 36 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 10.351 lượt người tham gia; phát hành 78.044 tài liệu miễn phí; phát sóng 1.871 chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên đài truyền thanh; đăng tải 1.252 tin, bài về pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.484 tổ hòa giải ở cơ sở, với 13.555 hòa giải viên. Trong năm 2018, các tổ hòa giải tiếp nhận 702 vụ việc hòa giải và hòa giải thành 560 vụ việc. Công tác trợ giúp pháp lý cho người dân được thực hiện thường xuyên. Năm 2018, tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý và thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động 50 đợt/50 xã, với 1.327 người là đồng bào các dân tộc thiểu số tham dự và 52 vụ việc tư vấn pháp luật cho các đối tượng là đồng bào các dân tộc thiểu số. Với các biện pháp phù hợp, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã phát huy được hiệu quả, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ở cơ sở, giảm thiểu các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế, như việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp triển khai tổ chức thực hiện chưa đồng bộ và kịp thời; đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế về kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật; phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc có sự khác nhau, địa bàn phổ biến, giáo dục pháp luật trải rộng; trang thiết bị, kinh phí phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được nhu cầu...
Để khắc phục hạn chế, khó khăn và nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số, xác định đây là công tác trọng tâm, trọng điểm và thường xuyên trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành và phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thứ hai, phát huy tối đa vai trò của hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. Đặc biệt, ngành tư pháp các cấp, với vai trò là cơ quan thường trực của hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, phải có trách nhiệm tham mưu cho chính quyền cấp mình trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi và tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.
Thứ ba, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở, trong đó chú trọng xây dựng và sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số am hiểu pháp luật, có kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với nguyện vọng và trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ trong phổ biến, giáo dục pháp luật, và đào tạo tiếng dân tộc, nâng cao sự hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương cho đội ngũ này. Đặc biệt, tận dụng tối đa nguồn nhân lực tại địa phương và phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, trưởng bản trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thứ tư, đa dạng hóa nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; kết hợp hài hòa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống với những hình thức mới đang được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phát huy hiệu quả đối với đồng bào các dân tộc thiểu số cần được tiếp tục triển khai sâu rộng, như phổ biến pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động; tư vấn pháp luật, cung cấp miễn phí thông tin, tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong các hoạt động văn hóa truyền thống. Về nội dung, bên cạnh việc phổ biến nội dung của các văn bản pháp luật mới, cần tập trung phổ biến những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào. Căn cứ vào đặc điểm của từng đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật, cần tập trung vào các quy định pháp luật về dân tộc, tôn giáo, trách nhiệm tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự, biên giới, chủ quyền quốc gia, tài nguyên, khoáng sản và các lĩnh vực pháp luật khác gắn liền với đời sống, sản xuất của người dân.
Thứ năm, gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, do đó cũng góp phần quan trọng trong việc hoàn thành chỉ tiêu về đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Vì vậy, trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới, cần đặc biệt quan tâm tới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và phải coi đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị.
Thứ sáu, bảo đảm kinh phí để triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng. Kinh phí được bố trí hằng năm phải đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ và việc triển khai các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho người dân./.
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11 đến 17-3-2019)  (19/03/2019)
Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông kỷ niệm 10 năm thành lập công ty và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước trao tặng  (19/03/2019)
Giáo dục vùng dân tộc thiểu số chuyển mình  (19/03/2019)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký thỏa thuận khung mua, bán khí bổ sung cho khu vực Cà Mau với Công ty Dầu khí Quốc gia Malaysia  (19/03/2019)
Năm 2019, Thủ tướng giao kế hoạch vốn tín dụng chính sách xã hội là 8%  (19/03/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên