Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11 đến 17-3-2019)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
22:07, ngày 19-03-2019

TCCSĐT - Ngày 15-3, tại phiên bế mạc kỳ họp thường niên Quốc hội khóa XIII, Trung Quốc đã thông qua luật đầu tư nước ngoài, một đạo luật mang tính bước ngoặt tạo ra sự bảo vệ vững chắc hơn và môi trường kinh doanh tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng: Cần tạo thuận lợi hơn nữa cho ngành công nghiệp ôtô

Chiều 12-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với một số bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương về việc tháo gỡ một số khó khăn để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành và địa phương đều khẳng định vai trò quan trọng của ngành công nghiệp ôtô đối với sự phát triển của các địa phương và cả nước. Đặc biệt, tại các địa phương có các trung tâm công nghiệp ôtô, có đóng góp lớn vào ngân sách.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ôtô mong muốn Chính phủ ban hành các chính sách thuận lợi hơn nữa nhằm thúc đẩy công nghiệp phụ trợ để phục vụ cho chính ngành công nghiệp lắp ráp và sản xuất ôtô trong nước. Đây cũng là biện pháp quan trọng để thu hút các hãng công nghiệp ôtô lớn của thế giới đầu tư hoặc liên kết với các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ôtô.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công nghiệp ôtô là một ngành công nghệ cao, có vai trò quan trọng đối với phát triển công nghiệp của một quốc gia. Thủ tướng đánh giá cao thời gian qua, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư lớn phát triển ngành công nghiệp ôtô, cả lắp ráp, sản xuất ôtô, sản xuất phụ tùng ôtô ở trong nước, góp phần hình thành các trung tâm lớn về công nghiệp ôtô tại một số vùng cả nước, trong đó có các thương hiệu lớn như Trường Hải, Thành Công, Toyota, Vinfast.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần có chính sách thuận lợi hơn nữa để giúp ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là công nghiệp phụ trợ, sản xuất các phụ tùng ngay tại trong nước để phục vụ cho công nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô, từ đó không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện chính sách về công nghiệp phụ trợ, trong đó có sản xuất phụ tùng cho ôtô, động cơ ôtô, để mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp này phải có sự đổi mới, sáng tạo, có chiến lược và bước đi phù hợp để đi đến thành công. Chính phủ sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Cùng với đó là cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút các tập đoàn ôtô lớn thế giới; nghiên cứu thị trường trong nước và xuất khẩu để sản xuất các mặt hàng phù hợp, trong đó, ngoài tiến tới xuất khẩu ôtô nguyên chiếc thì cần xuất khẩu cả linh kiện ôtô.

Yêu cầu các địa phương tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp ôtô, Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo môi trường sống xanh, sạch cho người dân.

Tập trung nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư công năm 2019


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh phân bổ vốn đầu tư công, các chủ đầu tư tập trung nghiệm thu, thanh toán vốn và yêu cầu xử lý chủ đầu tư, nhà thầu chậm hoàn thiện thủ tục giải ngân, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, trong bối cảnh giải ngân hai tháng đầu năm còn chậm.

Theo kế hoạch chi đầu tư phát triển vốn ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt, năm 2019 tổng vốn phải thực hiện là 416.000 tỷ đồng. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn hơn 355.617 tỷ đồng. Như vậy còn hơn 58.319 tỷ đồng chưa được Thủ tướng giao vốn do chưa đủ điều kiện.

Bộ Tài chính cho biết với số vốn đã được Thủ tướng giao, ước giải ngân trong hai tháng đầu năm 2019 là 4,52% kế hoạch vốn, cao gấp 2,31 lần cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn ở mức thấp. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết cho các dự án, nhập dự toán trên hệ thống, các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục đấu thầu, hồ sơ tạm ứng, thanh toán theo quy định.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp các dự án đáp ứng đủ điều kiện giao vốn để trình Thủ tướng tiếp tục giao kế hoạch đối với số vốn hơn 58.319 tỷ đồng. Nếu dự án không đủ điều kiện giao vốn kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp.

Đối với số vốn đã được Thủ tướng giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết hết số vốn đã được cơ quan có thẩm quyền giao cho các dự án đúng quy định và gửi báo cáo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt thiết kế dự toán, thủ tục đấu thầu và đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; tập trung thực hiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn ngay từ những tháng đầu năm; rà soát các vướng mắc trong thực hiện và thanh toán để kịp thời xử lý, tháo gỡ. Bên cạnh đó, có các biện pháp xử lý trách nhiệm cụ thể đối với chủ đầu tư, nhà thầu chậm hoàn thiện thủ tục liên quan tới giải ngân vốn đầu tư.

Trong quá trình triển khai thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, trong đó phải gửi báo cáo định kỳ hàng tháng về tình hình triển khai tới các Bộ để báo cáo Thủ tướng.

Đối với các dự án đã được giao vốn kế hoạch năm 2018 nhưng chưa giải ngân hết và có nhu cầu kéo dài sang năm 2019, các bộ, ngành và địa phương khẩn trương làm thủ tục với Kho bạc Nhà nước theo quy định của Chính phủ.

Trong ba năm qua, giải ngân vốn đầu tư công chậm do vướng các quy định về thủ tục trong Luật Đầu tư công 2014, làm ảnh hưởng tới tiến độ các dự án đầu tư và tới cả tăng trưởng kinh tế của đất nước. Hiện nhiều luật, nghị định của Chính phủ đã được chỉnh sửa, bổ sung để tháo gỡ các khó khăn về thủ tục, thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Tuy nhiên, trong mặt bằng chung “chậm trễ” đó và trong cùng một hệ thống pháp luật, vẫn có các bộ, ngành và địa phương triển khai tiến độ giải ngân nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Do vậy, trong điều kiện Luật Đầu tư công 2014 chưa được Quốc hội chỉnh sửa, bổ sung thì trách nhiệm và ý thức công vụ là yếu tố quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân theo yêu cầu của Quốc hội.

Tại Điều 5, Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ đã quy định các bộ, ngành và địa phương chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu. Kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp. Trường hợp phát hiện thì xử lý theo quy định hoặc rút vốn, điều chuyển vốn cho dự án, công trình khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công.

Các cơ quan thanh tra, kiểm tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Công khai và làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân của các bộ, ngành và địa phương gây chậm trễ trong việc giao vốn, chậm giải ngân; kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây cản trở, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong việc giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công.

Đức, Pháp thúc đẩy xây dựng chiến lược công nghiệp châu Âu

Theo AP, ngày 17-3, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước này và Pháp hy vọng thuyết phục được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác về ý tưởng xây dựng một "chiến lược công nghiệp châu Âu" tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần này. Trước đó, các nhà lãnh đạo của 28 nước EU đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên trong hai ngày 14 và 15-3.

Trong thông điệp video hàng tuần phát ngày 17-3, Thủ tướng Merkel cho hay bà và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất thảo luận vấn đề này, trong bối cảnh họ tìm cách "đảm bảo việc làm cho tương lai trong những lĩnh vực kinh doanh chiến lượctại châu Âu".

Bà Merkel nhấn mạnh về các dự án đổi mới và nghiên cứu chiến lược, thí dụ như việc Đức và Pháp thúc đẩy việc thành lập một hiệp hội sản xuất ắc-quy ô tô nhằm bắt kịp các đối thủ châu Á.

Hồi tháng 2 năm ngoái Berlin và Paris đã bắt đầu vận động cho "chính sách công nghiệp châu Âu," trong đó có thúc đẩy việc xem xét lại các quy định cạnh tranh của EU để tạo thuận lợi cho việc tạo ra các công ty dẫn đầu thế giới.

Quốc hội Trung Quốc chính thức thông qua luật đầu tư nước ngoài


Theo Tân Hoa xã, ngày 15-3, tại phiên bế mạc kỳ họp thường niên Quốc hội khóa XIII, Trung Quốc đã thông qua luật đầu tư nước ngoài, một đạo luật mang tính bước ngoặt tạo ra sự bảo vệ vững chắc hơn và môi trường kinh doanh tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Với đa số áp đảo, các đại biểu có mặt tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội Trung Quốc khóa XIII đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật, theo kế hoạch sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01-01-2020.

Với những quy định thống nhất về cách tiếp cận, thúc đẩy, bảo vệ và quản lý đầu tư nước ngoài, đây là một đạo luật mới và cơ bản cho lĩnh vực đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.

Ngoài việc cải thiện sự minh bạch của các chính sách đầu tư nước ngoài, luật mới cũng đảm bảo rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia cạnh tranh thị trường trên cơ sở bình đẳng.

Đạo luật mới cũng sẽ cải thiện tính minh bạch của các chính sách đầu tư nước ngoài và đảm bảo rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia cạnh tranh thị trường trên cơ sở bình đẳng.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của chính phủ, cũng như có thể tham gia vào việc thiết lập tiêu chuẩn trên cơ sở bình đẳng và cạnh tranh công bằng. Nhà nước sẽ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Với luật mới, Trung Quốc có thể bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh dựa trên luật pháp, được quốc tế hóa và cho phép.

Sau khi có hiệu lực, luật mới sẽ thay thế 3 luật hiện hành về liên doanh vốn Trung Quốc - nước ngoài, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và liên doanh khế ước Trung Quốc - nước ngoài.

Tính đến cuối năm 2018, khoảng 960.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Trung Quốc, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt quá 2.100.000 tỷ USD.

Theo thống kê của Tổ chức Hội nghị về Thương mại và Đầu tư của Liên hợp quốc (UNCTAD), đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã đứng đầu trong số các nước đang phát triển trong suốt 27 năm liên tục.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất ngân sách cho tài khóa 2020

Ngày 11-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất ngân sách tài khóa 2020 với Quốc hội Mỹ, trong đó yêu cầu cắt giảm các khoản chi cho viện trợ nước ngoài và Bộ Ngoại giao, đồng thời đề nghị tăng ngân sách cho quân đội và xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Theo đề xuất trên, Tổng thống Trump yêu cầu khoản tiền 8,6 tỷ USD cho việc xây dựng bức tường biên giới phía nam với Mexico, cao hơn gấp 6 lần khoản tiền mà Quốc hội đã đồng ý phê chuẩn cho các dự án biên giới cho mỗi năm tài khóa trong hai năm vừa qua và nhiều hơn 6% so với khoản tiền ông muốn huy động khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng kêu gọi tăng 4% cho chi tiêu quốc phòng lên tới 750 tỷ USD bằng việc sử dụng tài khoản khẩn cấp ở nước ngoài (OCO) để tránh các giới hạn về khoản tiền ngân sách được cấp được đưa ra trong luật hạn chế tài khóa 2011.

Các khoản chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng được giữ dưới mức những giới hạn của ngân sách đó, nhờ khoản cắt giảm ngân sách 23% cho Bộ Ngoại giao, 31% cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường và các khoản khác. Nhà Trắng cũng đề xuất cải cách các chương trình chi tiêu bắt buộc như tem thực phẩm nhằm cắt giảm 22 tỷ USD.

Tuy nhiên, đề xuất ngân sách trên của Tổng thống Trump có khả năng sẽ bị Quốc hội bác bỏ và đây được coi là động thái mở màn trong cuộc chiến ngân sách tiếp theo giữa Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ./.