Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 05 đến ngày 11-11-2018)

Nhân Chính (Tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn, TCCSĐT)
23:30, ngày 13-11-2018
TCCSĐT - Tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực, hướng đi mới cho kinh tế tập thể; Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý vi phạm quản lý đất nông nghiệp ở Phú Quốc; Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về các dự án BOT; Chống tham nhũng: Bên trên chuyển động, bên dưới bắt đầu ấm dần lên; Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Tuyên Quang, Bình Dương; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự Ngày hội Đại đoàn kết tại Đắk Lắk;… là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua. 

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương

Sáng 06-11-2018, tại Hà Nội, Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương (07-11-1948 - 07-11-2018) đã được tổ chức long trọng.

Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu khai mạc tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Sơn Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nêu rõ, tiền thân của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương hiện nay là Liên chi cơ quan Trung ương được Trung ương thành lập tại Chiến khu Việt Bắc vào ngày 07-11-1948. Ngay từ khi thành lập, Liên chi các cơ quan Trung ương và Đảng bộ các cơ quan Chính - Dân - Đảng Trung ương luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là chủ trương quan trọng của Trung ương Đảng và Bác Hồ nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và nguyện vọng của các chi bộ, đảng viên đang sinh hoạt tại các cơ quan Trung ương ở Việt Bắc.

Đảng bộ khối đã trải qua các giai đoạn lịch sử tháng 6-1953, Liên chi được phát triển thành Đảng bộ các cơ quan Chính, Dân, Đảng, Trung ương; năm 1962, Đảng bộ chuyển về trực thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội; năm 1964 trở về trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương; năm 1978, Ban Bí thư quyết định giải thể các cơ quan Chính, Dân, Đảng Trung ương, chuyển các tổ chức Đảng về trực thuộc Ban Bí thư và Đảng bộ thành phố Hà Nội. Đến năm 1982, Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy cấp trên của 10 Đảng bộ cơ quan Trung ương theo khối công tác (gọi tắt là Đảng ủy Khối trực thuộc Trung ương).

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X, ngày 11-4-2007, Bộ Chính trị đã quyết định lập Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương trên cơ sở hợp nhất 7 Đảng bộ Khối cơ quan Trung ương. Việc thành lập thống nhất một Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương là một chủ trương quan trọng nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực chiến đấu, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; đồng thời đánh dấu mốc son, nối tiếp truyền thống 70 năm từ Liên chi cơ quan Trung ương đến Đảng bộ các cơ quan Chính, Dân, Đảng Trung ương, gắn với lịch sử phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương hiện nay là một trong bốn Đảng bộ trực thuộc Trung ương. Đảng bộ bao gồm 64 đảng bộ, chi bộ trực thuộc, trong đó có 34 đảng bộ cấp trên cơ sở, 29 đảng bộ cơ sở, 1 chi bộ cơ sở, với 5.469 chi bộ, hơn 6 vạn đảng viên.

Trải qua 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy Khối và các cấp ủy luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Đồng thời, giữ vững bản lĩnh, tinh thần đoàn kết, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, trong Đảng bộ vượt qua mọi khó khăn thách thức. Qua đó, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên thắng lợi các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thay mặt lãnh đạo Đảng Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chúc mừng và biểu dương những thành tích mà Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã đạt được trong 70 năm qua và khẳng định Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương là một Đảng bộ lớn, rất đặc thù, có vai trò, vị trí quan trọng; có đảng bộ, chi bộ trong các cơ quan tham mưu chiến lược, đầu não của Trung ương; có chức năng lãnh đạo các tổ chức Đảng trực thuộc bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với xây dựng cơ quan, đoàn thể ở Trung ương vững mạnh.

Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, thời gian tới, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương cần tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị, sinh hoạt tư tưởng, qua đó, giúp mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ nhận thức sâu sắc, thấm nhuần hơn chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với Đảng và chế độ.

Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương cần đặc biệt coi trọng việc tự phê bình, phê bình, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc sinh hoạt chi bộ tại các cơ quan đơn vị trong Đảng bộ Khối. Các cấp ủy trong Đảng bộ đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong các cơ quan đơn vị.

Đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị Đảng bộ Khối cần bám sát các Nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để triển khai toàn diện, đồng bộ, sâu sắc công tác xây dựng Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo, hạt nhân chính trị của tổ chức Đảng; hết sức coi trọng việc đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc sinh hoạt chi bộ tại các cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ Khối.

Các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ cần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, giữ vững, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong các cơ quan, đơn vị; chủ động, tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các Đảng đoàn, Ban Cán sự, thủ trưởng cơ quan để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ, quản lý đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng tác phong công tác khoa học, văn minh, gần dân, kính trọng dân.

Tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực, hướng đi mới cho kinh tế tập thể

Sáng 06-11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, bàn, thống nhất kế hoạch tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Đồng tình với các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nội dung tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể phải đánh giá cho được thực trạng của kinh tế tập thể hiện nay, cả về mặt số lượng, chất lượng, tính bền vững của loại hình kinh tế này. Phó Thủ tướng yêu cầu nội dung tổng kết phải bám sát Nghị quyết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết, đi vào những vấn đề về thể chế, chính sách, nhất là đất đai, tài chính tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực kinh tế tập thể, hợp tác xã; đánh giá thực trạng và vai trò của quản lý nhà nước, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, vai trò của liên minh hợp tác xã; đồng thời làm rõ những vướng mắc, rào cản để tháo gỡ, tìm ra điển hình mới, động lực mới, hướng đi mới, tạo động lực cho loại hình kinh tế này phát huy hiệu quả trong thời gian tới. Trên cơ sở tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, có bổ sung, trên cơ sở đó tạo luận cứ cho việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã vào năm 2022.

Theo Phó Thủ tướng, cần tổng kết từ cơ sở, cấp đứng ra tổ chức là cấp tỉnh. Ngoài việc tổ chức tổng kết theo địa bàn, kế thừa kinh nghiệm sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã, các bộ cần chủ trì tổng kết theo lĩnh vực chuyên đề. Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến về thực thi chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển hợp tác xã, các vấn đề về đất đai, tín dụng, đào tạo, kinh nghiệm quốc tế… Trung ương sẽ tổ chức đoàn khảo sát đi một số địa bàn trọng điểm, mang chất vùng miền, để nghiên cứu một số mô hình mới thành công, những nơi còn vướng mắc. Thời điểm tổng kết cần được tính toán tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Đại hội Đảng các cấp. Việc tổng kết ở cấp Trung ương do Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.

Nếu tổng kết tốt, có thể đưa số liệu này vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Phó Thủ tướng nói và đề nghị Ban Chỉ đạo chuẩn bị các bước công việc, có báo cáo trình Bộ Chính trị vào quý IV/2019.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm đăng ký chương trình tổng kết với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, chủ động xây dựng lại kế hoạch, đề cương; Bộ Tài chính trên cơ sở kế hoạch, dự trù kinh phí tổ chức tổng kết.

Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý vi phạm quản lý đất nông nghiệp ở Phú Quốc

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, đất rừng trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Xét báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về kết quả xử lý các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, đất rừng trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tiếp tục kiểm tra các công trình xây dựng trái pháp luật trên đất nông nghiệp, đất rừng trên địa bàn huyện Phú Quốc.

Ủy ban nhân dân tỉnh cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan đã buông lỏng quản lý, cấu kết, bao che, tiếp tay để xảy ra vi phạm, có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo xử lý hình sự đối với các đối tượng phá rừng phòng hộ, rừng quốc gia, lấn chiếm đất công chuyển nhượng trái phép (vi phạm pháp luật đất đai) theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo trên trước ngày 01-3-2019.

Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về các dự án BOT

Sáng 08-11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp, nghe báo cáo về việc rà soát các dự án BOT và các tồn tại, vướng mắc.

Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều nhất trí rằng, việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức BOT đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông là chủ trương đúng đắn mà không làm thì khó huy động được các nguồn lực trong bối cảnh cơ sở hạ tầng còn yếu kém và việc di chuyển bằng đường bộ vẫn là chủ yếu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, còn có một số bất cập, tồn tại như về vị trí đặt trạm thu phí, mức giá, thời gian thu.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông vận tải nói riêng theo hình thức BOT là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương. Chúng ta cần xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực trong khi nguồn vốn nhà nước đang thiếu.

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội để thực hiện hình thức đầu tư công - tư (PPP), trong đó có BOT. Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động, nỗ lực rà soát các dự án BOT, tập trung vào các nội dung như vị trí trạm thu phí, chi phí và hiệu quả các dự án BOT. Thủ tướng đánh giá cao việc khắc phục tình trạng phức tạp an ninh trật tự ở một số trạm BOT và việc Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán các trạm để từ đó, loại bỏ các chi phí bất hợp lý.

Nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục tập trung khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập trong các dự án BOT, Thủ tướng nêu rõ chủ trương là cần bảo đảm quyền lợi của cả nhà nước, nhà đầu tư, người dân; cụ thể, cần bảo đảm công khai, minh bạch; có phương án tài chính đúng đắn, không đẩy chi phí đầu tư lên quá cao, thu dồn dập, mức giá không phù hợp với người dân nhưng cũng không vì thế mà đẩy khó khăn cho nhà đầu tư.

Cho rằng cần nghiên cứu giải pháp tổng thể, toàn diện đối với các dự án BOT, Thủ tướng lưu ý việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến các dự án BOT giao thông.

Bảo đảm an ninh trật tự đối với các trạm BOT, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối, làm mất an ninh trật tự.

Về thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng và Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội về vấn đề này. Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng trên toàn quốc, bảo đảm lộ trình chuyển sang thu phí tự động đã được phê duyệt.

Thủ tướng nhấn mạnh việc cần phải lắng nghe xử lý, giải quyết đến nơi đến chốn những tồn tại, vướng mắc đối với các trạm BOT, không để xảy ra vụ việc gây bức xúc xã hội.

Chống tham nhũng: Bên trên chuyển động, bên dưới bắt đầu ấm dần lên

Ngày 10-11, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 13 đến nay. Xử lý các vụ án, vụ việc đúng tiến độ; kê biên, thu giữ tài sản trên 3.000 tỷ đồng.

Thường trực Ban Chỉ đạo biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, nhất là: Công an, Quân đội, Viện Kiểm sát, Tòa án, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo, đã nghiêm túc triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo, tại các phiên họp 13, 14 của Ban Chỉ đạo và Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo dấu ấn tốt, bước chuyển mạnh trong công tác phòng, chống tham nhũng, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã nỗ lực, cố gắng, huy động lực lượng, phối hợp chặt chẽ, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành cơ bản, đúng tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc theo kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo.

Thời gian qua, nhất là sau hai phiên họp của Ban Chỉ đạo và cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo, tình hình đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực càng quyết liệt, tạo hiệu quả rõ rệt. Tâm lý chung thường chờ đợi những vụ lớn, vụ to, còn những vụ nhỏ mặc dù rất nghiêm trọng nhưng không để ý. “Thực tình chúng ta làm được rất nhiều việc, rất tốt”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo đánh giá.

Như trong báo cáo đã nêu, các ý kiến phát biểu đều nhất trí, thời gian có mấy tháng mà khởi tố 13 vụ án; kết thúc điều tra và kết thúc điều tra bổ sung 15 vụ, 209 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ, 239 bị can; xét xử sơ thẩm 20 vụ, 181 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ với 99 bị cáo; trong đó có 3 vụ vượt tiến độ, yêu cầu của Ban Chỉ đạo đề ra.

Thực tế cho thấy, qua mỗi lần họp đều có bước chuyển tốt. Thanh tra Chính phủ kết luận 2 vụ án trọng điểm, trong đó chuyển cơ quan điều tra khởi tố 1 vụ. Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành 53 văn bản, Ban Chỉ đạo 110 (Ban Chỉ đạo liên ngành) họp 9 phiên, họp liên ngành 14 phiên để phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra xử lý… Điều đó cho thấy sự quyết liệt, tích cực của tất cả các cơ quan hữu quan, từ Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Tòa án, khối Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra… Các cơ quan phối hợp rất tốt, quyết liệt và tích cực, đều cố gắng khẩn trương thực hiện nhiệm vụ và phối hợp với nhau khá nhịp nhàng, đây là bài học tốt.

“Vừa rồi, bên trên chuyển động, bên dưới bắt đầu ấm dần lên, không còn lạnh như trước, nhiều nơi đã tự kiểm tra và xử lý. Sắp tới, các địa phương phải làm mạnh hơn nữa, đồng thời chú ý công tác tuyên truyền, những điển hình, nhân tố mới cần tiếp tục phát huy”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo đánh giá.

Từ sau Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 27-4-2018 đến nay, các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra 11 vụ án/151 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ án/193 bị can, đưa ra xét xử sơ thẩm 13 vụ án/121 bị cáo. Trong đó, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức;” vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” xảy ra tại Công ty Bắc Nam 79 và Công ty Novaland 79; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Sacombank, TPBank và BIDV; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVTEX và các đơn vị liên quan; Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật 5 đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý có sai phạm liên quan trong các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Thanh tra Chính phủ kết luận và công khai kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; kết luận, chuyển Cơ quan điều tra đề nghị khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan. Những kết quả trên tiếp tục khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong phòng chống tham nhũng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo ghi nhận các ý kiến phát biểu rất thiết thực, thẳng thắn, chất lượng, không khí thảo luận tích cực, thể hiện tinh thần quyết liệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm rõ thêm nhiều vấn đề và thống nhất rất cao.

“Điều này rất quan trọng, tạo bước chuyển mới trong thời gian tới. Chúng ta có khí thế, có quyết tâm, có cách làm, phối hợp tốt thì sẽ tạo tiền đề để sắp tới làm tốt hơn”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, chúng ta không bằng lòng, thỏa mãn.

Tại cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo đã bàn một số vụ việc cụ thể có vướng mắc, tập trung vào các vụ việc cần chỉ đạo, thực hiện ráo riết, quyết liệt, hiệu quả hơn thời gian tới. Theo đó, các cơ quan chức năng cần nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, phối hợp tốt hơn, phấn đấu đến hết năm 2018 kết thúc điều tra 8 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 3 vụ án; xét xử sơ thẩm 2 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án; kết thúc xác minh 33 vụ việc theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Trong đó, các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB).

Vấn đề ở đây là khâu giám định, cơ quan giám định, cá nhân giám định, chỗ nào yếu phải sửa, nếu khuyết phải bổ sung, làm sao để rõ ràng minh bạch hơn. Nơi nào làm tốt thì phải khen thưởng, động viên anh em, những nơi làm chưa tốt phải nhắc nhở, phê bình, thậm chí phải xử lý. Nếu cơ quan giám định làm không đúng, không khách quan, sai lệch, nhẹ là phê bình nhắc nhở, nhắc nhở nhiều lần không được thì phải xử lý, cần thiết thì chí ít là thay cán bộ, nếu vi phạm luật thì phải xử lý, phải làm chứ không nói mãi thế này không chuyển. Giám định là một kênh để tham khảo nhưng rất quan trọng, làm minh bạch hóa ra, nhưng nếu không làm được, vụ nào vướng thì phải xử lý chính anh làm giám định. Các khâu khác còn khó hơn nhiều, như điều tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là kiểm tra, anh em vẫn âm thầm làm.

“Việc này đã nói từ lâu, nhiều lần rồi, sắp tới phải có biện pháp với cơ quan giám định, xem xét những anh làm giám định, sẽ kiểm tra, giám định chính anh làm giám định xem anh có làm tốt chức trách của anh không, có đúng luật pháp, đúng trách nhiệm, lương tâm của anh không, hay là nể nang, né tránh, hay anh có cái gì mà “há miệng mắc quai” không, có dây dưa ở đây không, nếu có phải xử luôn, tức là chúng ta phải xét xử ngay những người vi phạm trong công việc xét xử, bất cứ khâu nào, như vậy mới nghiêm được” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cho rằng: “Bản thân cơ quan tố tụng, cơ quan làm những việc này cũng phải là đối tượng xem xét để xem có làm đúng không, không phải mình có quyền thì muốn quyết ai, quyết thế nào thì người ta phải chịu, có luật cả rồi”.

Về những việc sắp tới, các ý kiến thống nhất rất cao vụ “Út Trọc” giao cho Ban Chỉ đạo 110, tạo điều kiện thuận lợi để làm chính xác hơn; hay đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ các vụ: Cảng Quy Nhơn, gỗ Quảng Trị, ALCII, Ocean bank, BIDV…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu, sắp tới phải đẩy mạnh chống tham nhũng vặt, việc này lâu nay đã nói rồi, như ghẻ ruồi rất khó chịu, gây mất lòng tin trong nhân dân, đặc biệt là các cơ quan hành chính, om giấy tờ của người ta đấy, rồi hẹn, bắt người ta đi lại nhiều lần, rất khó chịu. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các địa phương thực hiện ráo riết quyết liệt, có hiệu quả những kết luận của các đoàn thanh tra của Ban Chỉ đạo, chỗ nào đã hẹn thời gian mà không làm được, bắt phải báo cáo giải trình, hoặc phải có biện pháp xử lý.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, phải kịp thời khen thưởng những nơi làm tốt, phê bình nghiêm khắc, thậm chí xử lý cơ quan nào làm không nghiêm túc công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tỉnh, thành phố nào làm tốt thì được khen, cán bộ làm tốt được đề bạt cất nhắc, thậm chí vượt cấp… Những nơi làm không tốt, không những không có khen thưởng mà còn bị kỷ luật; đồng thời phải có chế độ chính sách đối với anh em làm việc trong lĩnh vực này.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 2 vụ án, 6 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Tuyên Quang, Bình Dương

Ngày 11-11, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư Đồng Ẻn, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của Khu phố Bình Quới A, P.Bình Chuẩn, Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Phước.

* Thôn Đồng Ẻn, xã Kim Bình có 487 nhân khẩu, 7 dân tộc chung sống. Năm 2018, nhân dân khu dân cư Đồng Ẻn đã cố gắng, nỗ lực đoàn kết cùng nhau thực hiện hiệu quả 5 nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhân dân các dân tộc khu dân cư Đồng Ẻn đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, tận dụng đất đai được giao, tăng gia sản xuất. Hiện bình quân thu nhập đầu người khu dân cư Đồng Ẻn đạt trên 30 triệu đồng/người/năm…

Trò chuyện với người dân khu dân cư Đồng Ẻn, đồng chí Trần Quốc Vượng biểu dương và ghi nhận những kết quả người dân khu dân cư Đồng Ẻn và xã Kim Bình đạt được trong thời gian qua. Cơ sở hạ tầng của xã Kim Bình được đầu tư khang trang, giao thông thuận lợi, đời sống của người dân xã Kim Bình ngày càng được nâng cao. Để phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nâng cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các đồng chí cán bộ, đảng viên xã Kim Bình, khu dân cư Đồng Ẻn phải luôn gương mẫu, đi đầu khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nhân dân trong thực hiện các phong trào thi đua, nhất là xây dựng nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, huy động sức dân xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, bảo đảm Kim Bình thực sự là nơi đáng sống.

Nhân dịp này, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tặng hoa chúc mừng khu dân cư Đồng Ẻn; tặng quà Đảng ủy, HĐND, UBND xã Kim Bình và 5 gia đình tiêu biểu của khu dân cư Đồng Ẻn trong thực hiện các phong trào thi đua tại địa phương.

*Khu phố Bình Quới A có 1.190 hộ dân với hơn 16.000 nhân khẩu. Năm 2018, toàn bộ 1.190 hộ dân trên địa bàn đều đăng ký hộ gia đình văn hóa, toàn Khu phố có 156/156 khu nhà trọ văn hóa. Hầu hết gia đình ở khu phố đều có thu nhập ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo khu phố và người dân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã phát biểu, ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của Khu phố Bình Quới A trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Vui mừng trước sự thay da đổi thịt của người dân Khu phố Bình Quới A hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, đó là nhờ sự cố gắng, nỗ lực đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của người dân trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; sự phối hợp chặt chẽ của Ban công tác Mặt trận với chi bộ và các đoàn thể trong Khu phố đối với việc tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ các gia đình, trong phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục, thực hiện đền ơn đáp nghĩa, giữ gìn an ninh trật tự.

“Trước đây, xứ Lái Thiêu nghèo lắm, người dân sống rất khổ, bà con ở đây một lòng một dạ đi theo cách mạng. Ngày nay, về lại Thuận An, Lái Thiêu và tỉnh Bình Dương đã hoàn toàn thay da đổi thịt, hạ tầng phát triển, đời sống người dân đã khá giả, số hộ nghèo không còn nhiều và đã có nghiều người vươn lên làm giàu chính đáng”, Phó Thủ tướng nói và mong rằng các tầng lớp nhân dân ở Khu phố Bình Quới A nói riêng, Thuận An và Bình Dương nói chung cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thực hiện tốt quy chế dân chủ, khơi dậy sức mạnh nội lực để từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Đánh giá kết quả đạt được của người dân Khu phố Bình Quới A vừa qua là rất đáng khích lệ, tuy nhiên Phó Thủ tướng cho rằng, để giữ được và phát huy kết quả đó, người dân và cán bộ Khu phố còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, phối hợp của chính quyền đoàn thể để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước để tập hợp quần chúng nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự Ngày hội Đại đoàn kết tại Đắk Lắk

Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11-1930 – 18-11-2018), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 và tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

Tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, bà con đã cùng nhau ôn lại lịch sử, truyền thống 88 năm qua của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; điểm lại những kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước ở thôn, buôn.

Dur Kmăl là khu căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có diện tích tự nhiên hơn 7.000ha, với gần 7.500 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc anh em, trong đó hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương sự nỗ lực cố gắng bà con các dân tộc trong xã và những kết quả, thành tích đạt được thời gian qua.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phân tích để có được như ngày hôm nay, trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự nỗ lực cố gắng của toàn dân, nhưng có một nguyên nhân hết sức quan trọng - đó là tinh thần đoàn kết chặt chẽ, đúng như Bác Hồ đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công.” Đoàn kết thì thắng, không đoàn kết thì thua. Dân gian cũng có câu: “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

Đoàn kết là các cá nhân riêng lẻ phải được tập hợp lại, tổ chức lại, quần chúng nhân dân trên dưới đồng lòng thì mới có được sức mạnh đoàn kết. Muốn như thế, phải thành lập Mặt trận, và Mặt trận phải hoạt động cho thật tốt.

Điểm lại quá trình hình thành và phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ cách đây 88 năm, Đảng ta ra đời vào tháng 02-1930, thì đến tháng 11-1930 Đảng thành lập Mặt trận, lúc bấy giờ là Mặt trận Phản đế đồng minh, tiền thân của Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Mặt trận mang những tên gọi khác nhau, nhưng ngày càng khẳng định và phát huy vai trò to lớn trong việc tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana đổi mới, phát triển như ngày nay, đạt được những kết quả, thành tích to lớn như vậy, rõ ràng là do bà con các dân tộc các thôn, buôn đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu không ngừng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy, thời gian qua, bà con các thôn, buôn của xã Dur Kmăl đã nêu cao tinh thần đoàn kết phấn đấu, nỗ lực phát triển vươn lên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn bà con các dân tộc ở Dur Kmăl, Krông Ana tiếp tục triển khai có hiệu quả các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; khẳng định Trung ương luôn tạo điều kiện để các địa phương xây dựng phát triển, kể cả cung cấp nguồn lực vật chất, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật…

Nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, nhất định Dur Kmăl sẽ thành công, thành công, đại thành công!

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tặng quà các hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu trong xã./.