Chuẩn mực đạo đức trong Đảng - lịch sử và những yêu cầu đặt ra hiện nay
TCCS - Đạo đức thuộc phạm trù ý thức xã hội và là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng. Vì vậy, đạo đức có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển xã hội. Từ buổi sơ khai, đạo đức đã được quy chiếu như những chuẩn mực cần thiết điều chỉnh hành vi của con người, sự ứng xử của con người với nhau và với cộng đồng. Đạo đức có tính giai cấp, tính dân tộc và phát triển gắn liền với các thời đại lịch sử. Đạo đức tư sản có những điểm khác với đạo đức phong kiến; đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản khác với đạo đức tư sản. Ngoài những chuẩn mực mang tính phổ biến, như tính nhân đạo, nhân văn, hướng thiện..., mỗi dân tộc, tôn giáo lại có những tiêu chí, chuẩn mực đạo đức riêng.
1- V. I. Lê-nin đặc biệt nhấn mạnh vai trò của đạo đức cộng sản, coi đạo đức là một bộ phận trong cuộc đấu tranh nhằm cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Người đòi hỏi những người cộng sản, nhất là thế hệ thanh niên phải tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức: “Các đồng chí phải tự giáo dục mình thành những người cộng sản”(1), “Đạo đức của chúng ta hoàn toàn phục tùng lợi ích đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản. Đạo đức của chúng ta là từ những lợi ích của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản mà ra”(2). Đạo đức đó là những gì góp phần phá hủy xã hội cũ và sáng tạo ra xã hội mới.
Khi chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong tác phẩm Đường Cách mệnh (năm 1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt lên hàng đầu Tư cách một người cách mệnh với 23 điểm căn bản. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng 10-1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về Tư cách và đạo đức cách mạng, nhấn mạnh 12 điều về tư cách của Đảng cách mạng chân chính, nêu bật những tính tốt của người cách mạng cần được bồi đắp là: NHÂN, NGHĨA, TRÍ, DŨNG, LIÊM. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”(3), “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(4).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên, như non kém về lý luận, không vững vàng về tư tưởng, thiếu kiên định mục tiêu chính trị, quan liêu trong phong cách lãnh đạo và còn có khuyết điểm về đạo đức. Những khuyết điểm này có lúc, có nơi trầm trọng, biểu hiện ở sự tham lam, lười biếng, xa hoa, hủ hóa, kiêu ngạo, hiếu danh, hẹp hòi, thiếu kỷ luật,... Những thứ bệnh nguy hiểm đó đều bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân và “Những tật bệnh đó khiến cho Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ. Chính sách không thi hành được triệt để, Đảng xa rời dân chúng”(5).
2- Suốt quá trình lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức gắn liền với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng - lý luận và tổ chức. Nhiều cán bộ, đảng viên đã nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Ở mỗi thời kỳ đấu tranh cách mạng, với chiến lược cách mạng cụ thể đã định hình những giá trị chuẩn mực đạo đức nổi bật.
Trước hết là tuyệt đối trung thành với sự nghiệp đấu tranh của Đảng và dân tộc vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đạo đức của Đảng là thật sự vì nước, vì dân, lợi ích của đất nước, dân tộc, Tổ quốc trên hết, độc lập trên hết. Toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức và hành động vì lợi ích của dân tộc. Ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Toàn Đảng chung sức lãnh đạo đấu tranh làm sao cho đất nước được hoàn toàn độc lập, thống nhất, đồng bào được tự do, hạnh phúc, bảo đảm quyền sống và thoát khỏi sự áp bức, bất công, đau khổ dưới sự thống trị của chế độ thực dân, phong kiến.
Đạo đức của Đảng thể hiện ở quyết tâm và ý chí kiên cường đấu tranh chống mọi kẻ thù cướp nước và bán nước; cán bộ, đảng viên của Đảng là những chiến sĩ đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh đó. Cuộc đấu tranh đó đã diễn ra rất lâu dài và gian khổ với những thách thức nặng nề, phải đương đầu với những thế lực đế quốc, thực dân, phản động cực kỳ tàn bạo, có sức mạnh và mưu đồ hiểm độc. Thách thức nặng nề đó đòi hỏi toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao phẩm chất, ý chí đấu tranh, vượt qua mọi gian khổ hiểm nguy để đi tới chiến thắng - đó chính là giá trị đạo đức của Đảng.
Đạo đức của Đảng, của những người cộng sản là đức hy sinh, giữ vững ý chí và khí tiết của người cộng sản. Những người cộng sản đã hy sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc riêng tư, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, luôn đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh, nêu tấm gương sáng trước quần chúng nhân dân, dù biết phải hy sinh kể cả tính mạng cũng không lùi bước. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng đã hy sinh trong lao tù đế quốc, như Trần Phú, Lê Hồng Phong hoặc ở trường bắn của quân thù, như Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ,...
Trong nhà tù của đế quốc, thực dân, các chiến sĩ cộng sản ra sức học tập nâng cao trình độ lý luận, lập trường tư tưởng, rèn luyện ý chí đấu tranh, giữ vững nhân cách, khí tiết của người cộng sản, thà chết chứ không phản bội, đầu hàng. Đồng chí Trần Phú trước lúc hy sinh đã nhắn nhủ các đồng chí của mình: Hãy giữ vững chí khí chiến đấu! Đồng chí Lê Hồng Phong trong những giây phút cuối cùng vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ trước lúc ra trường bắn của kẻ thù vẫn giữ vững phẩm giá của người cộng sản: Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành. Biết bao đồng chí bị địch bắt, đày ải ở các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Khám Lớn (Sài Gòn), Côn Đảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc,... đã kiên cường vượt qua thách thức về thể xác, tinh thần, giữ vững lý tưởng cách mạng, ý chí đấu tranh, biến nhà tù của địch thành trường học cách mạng. Đạo đức cách mạng đã tỏa sáng ở những chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp chung, như Lý Tự Trọng, Nguyễn Hoàng Tôn, Nông Văn Dền (Kim Đồng), Nguyễn Thị Lợi, Võ Thị Sáu, Bùi Thị Cúc, Cù Chính Lan, Mạc Thị Bưởi, Phan Đình Giót, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Thị Hồng Gấm, Hoàng Thị Hồng Chiêm,...
Đạo đức của Đảng trong đấu tranh giải phóng dân tộc đã góp phần rèn luyện nhiều thế hệ đảng viên, cán bộ và cả quần chúng trung kiên thành những lớp người đặc biệt mà uy vũ không thể khuất phục, sẵn sàng xả thân vì dân, vì nước, vì nghĩa lớn, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Những người cộng sản luôn luôn đứng ở hàng đầu trong những lớp người đặc biệt đó và được quần chúng nhân dân kính phục, tin cậy và noi theo. Giá trị đạo đức đó cũng là cội nguồn sức mạnh của Đảng, của cách mạng để đi đến thắng lợi.
Thời kỳ Đảng lãnh đạo xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa và thực hiện công cuộc đổi mới, những giá trị đạo đức của thời kỳ cách mạng giải phóng và kháng chiến cứu nước tiếp tục được kế thừa, phát triển và lan tỏa. Thời kỳ mới cũng đặt ra nhiều thách thức mới đòi hỏi quyết tâm mới để vượt qua hoàn cảnh và vượt qua chính mình trước những cám dỗ vật chất, lợi ích cá nhân và tham vọng quyền lực. Nhiều đồng chí đã giữ vững truyền thống đạo đức của Đảng, thật sự vì sự phát triển, phồn vinh của đất nước, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Nhưng cũng có một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, học tập dẫn tới sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra. Những hạn chế, khuyết điểm và sự suy thoái đó đã “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(6).
3- Hơn lúc nào hết, hiện nay cần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng để lãnh đạo đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trước yêu cầu đó, rất cần thiết phải tổng kết sâu sắc hơn những vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức từ trước tới nay và đề ra được những tiêu chí về đạo đức của Đảng trong hoàn cảnh hiện nay.
Đạo đức của Đảng trong thời kỳ mới là hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, “dĩ công vi thượng”. Cương lĩnh, đường lối của Đảng đã thể hiện điều đó, công tác chỉ đạo và hoạt động thực tiễn của toàn Đảng, mọi tổ chức đảng đều hướng tới chuẩn mực đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý được yêu cầu phấn đấu để làm tốt điều đó - đó chính là giá trị đạo đức mới hiện nay.
Để đạt tới chuẩn mực đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, thái độ vì dân, thật sự trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, vì sự hùng cường của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Chuẩn mực đạo đức đó đòi hỏi phải kiên quyết phê phán, chống chủ nghĩa cá nhân trong mỗi người cán bộ, đảng viên; chống lối sống ích kỷ, tham lam, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, thu vén cá nhân, không quan tâm đến tập thể, đến lợi ích chung.
Cần nhấn mạnh, cần, kiệm, liêm, chính, không tham ô, tham nhũng, lãng phí, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi là chuẩn mực thể hiện lương tâm, danh dự và nhân cách, tư cách của người cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Chuẩn mực đó đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải làm việc với chất lượng và hiệu quả cao nhất trước những nhiệm vụ được giao. Cần kiên quyết phê phán, đấu tranh ngăn chặn những hành động tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện phe cánh, lợi ích nhóm, câu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Sống bằng kết quả lao động, cống hiến và thu nhập hợp pháp, kê khai trung thực, minh bạch tài sản riêng. Mọi cán bộ, đảng viên sống và làm việc tuân thủ kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trung thực, đoàn kết, không làm điều khuất tất, không đưa người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào các cơ quan hoặc vị trí lãnh đạo, quản lý. Chống tham nhũng không chỉ bảo vệ tiền bạc, tài sản công để không gây thiệt hại về kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, sự vững mạnh của chế độ, niềm tin của nhân dân và cũng là vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đạo đức của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay là không quan liêu, không xa rời quần chúng, khiêm tốn, giản dị, giữ gìn lối sống trong sạch, đề cao các giá trị văn hóa, nhân văn. Gắn bó mật thiết với nhân dân là một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Từ phong trào cách mạng của quần chúng mà xây dựng Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên trưởng thành. Bài học lấy dân làm gốc cần được nhận thức và hành động đúng ở mọi thời kỳ cách mạng. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, bài học đó có ý nghĩa to lớn, động viên sức dân trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước. Gắn bó mật thiết với nhân dân, thật sự vì lợi ích của nhân dân, là vấn đề lớn trong đạo đức cách mạng. Làm tốt được điều đó là khắc phục được bệnh quan liêu - một nguy cơ lớn của Đảng cầm quyền. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu rõ một trong các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống là: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”. Phải thật sự tin dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, bàn bạc với nhân dân, chăm lo cho lợi ích của nhân dân. Nếu có khuyết điểm thì thật thà nhận lỗi trước nhân dân và cùng với nhân dân sửa chữa. Giữ gìn lối sống lành mạnh, không “sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội”.
Đạo đức của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay đòi hỏi đề cao tính trung thực, tình thương yêu đồng chí, sống nhân ái, nghĩa tình. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Tình là tình cảm chân thật, nghĩa là trách nhiệm, cần sống “ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có gì phải giấu Đảng”. Đó là sự trung thực. Mọi việc Đảng giao cho dù to hay nhỏ phải cố gắng hoàn thành cẩn thận. Trong bối cảnh hiện nay, đó là phải khắc phục biểu hiện thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, “gió chiều nào che chiều ấy”, “dĩ hòa vi quý”; đó là sự thiếu trung thực ảnh hưởng đến sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng và cũng là biểu hiện suy thoái về đạo đức. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã nêu rõ những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống cần phải phê phán, loại bỏ như “ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”, “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền, độc đoán, gia trưởng,... trong chỉ đạo, điều hành”. Những biểu hiện đó là trái với đạo đức cách mạng của Đảng, trái với đạo đức công vụ trong bộ máy nhà nước và ảnh hưởng xấu đến đạo đức của xã hội.
Ở bất kỳ giai đoạn nào, sự hoàn thiện đạo đức trong Đảng với những tấm gương sáng về đạo đức của cán bộ, đảng viên luôn có ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn đến những giá trị đạo đức của toàn xã hội, của dân tộc. Để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, cần thiết có sự thống nhất nhận thức và quyết tâm hành động, đây là cơ sở quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế./.
--------------------------------------------
(1), (2) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 41, tr. 366 - 367
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 292
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 298
(6) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 23
Bài viết của Chủ tịch nước nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh K.Marx  (02/05/2018)
Thành phố Hồ Chí Minh: Kiên quyết xử lý những dự án chậm tiến độ  (02/05/2018)
Thúc đẩy việc quảng bá di sản văn hóa Việt Nam tại Myanmar  (02/05/2018)
Quan điểm của Ph. Ăng-ghen về mối quan hệ giữa lao động và giới tự nhiên vẫn vẹn nguyên tính khoa học và ý nghĩa thời sự  (02/05/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên