Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 23 đến ngày 29-4-2018)

Nhân Chính Tổng hợp từ TTXVN, TCCSĐT, Chinhphu.vn
23:55, ngày 01-05-2018
TCCSĐT - Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thăm và làm việc tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang; Thường trực Chính phủ họp về các dự án BOT giao thông đường bộ; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt; Cả nước cùng hướng về Quốc Tổ Hùng Vương; Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành xây dựng Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; Carnaval Hạ Long 2018 với chủ đề “Hạ Long - Di sản, Kỳ quan - Điểm đến thân thiện”; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà đồng bào dân tộc Chăm có hoàn cảnh khó khan;... là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2018

Sáng 29-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới tỉnh Ninh Bình dự và đánh trống khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2018 với chủ đề "Tràng An kết nối di sản". Lễ hội diễn ra vào dịp tỉnh Ninh Bình tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) - Nhà nước độc lập tự chủ đầu tiên của dân tộc Việt Nam sau 1.000 năm Bắc thuộc.

Lễ hội cũng là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tỏ lòng tri ân sâu sắc với cuội nguồn, tổ tiên; cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người hạnh phúc.

Nằm trong các hoạt động chào mừng Đại lễ Kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, Lễ hội Tràng An 2018 có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Các tiết mục mang đậm sắc màu văn hóa nghệ thuật của từng dân tộc sẽ được trình diễn tại 10 sân khấu dựng trên các tuyến đường thủy trong khu danh thắng Tràng An và kéo dài đến hết ngày 30-5.

Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu


Sáng 23-4-2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng điều hành Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội, ngành, nghề, các doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo về tình hình xuất khẩu cả nước năm 2017 và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu năm 2018. Theo đó, năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành công thương. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 155,1 tỷ USD, tăng 22,8% so với năm 2016, chiếm 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2017, Việt Nam có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng; số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 20 và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chiếm lĩnh được thị trường là con đường để nền kinh tế Việt Nam cất cánh. Theo Thủ tướng, không có nước nào trên thế giới có thể công nghiệp hóa, trở thành một nước thu nhập cao mà không thành công trong xuất khẩu. Bởi, những quốc gia thành công, doanh nghiệp thành công đều coi toàn thế giới là thị trường phải vươn ra, từ đó tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm được thị trường quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh, thị trường trong nước với gần 100 triệu dân cũng vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng nhất để tăng trưởng xuất khẩu và phát triển bền vững thì cần nhìn vào thị trường toàn cầu.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thủ tục hành chính hiện đã có nhiều tiến bộ nhưng người dân vẫn còn chưa hài lòng. Do đó, Thủ tướng mong muốn lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các địa phương, hiệp hội, ngành, nghề về vướng mắc trong cơ chế chính sách, tiếp cận thị trường và những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu; làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu; làm thế nào để bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu; giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu...

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thăm và làm việc tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang

Ngày 23-4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đoàn công tác đã đến làm việc tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nghe báo cáo tình hình xây dựng mô hình đặc khu Phú Quốc; các cơ chế, chính sách đối với đặc khu; công tác quản lý quy hoạch đất đai tại huyện Phú Quốc. Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị.

Báo cáo với đoàn công tác, bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Qua nhiều lần tham vấn ý kiến tại hội thảo trong nước và quốc tế, đến nay tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành Đề án đặc khu Phú Quốc. Theo đó, khi thành lập đặc khu Phú Quốc có diện tích trên 57.529 ha với 29.185 hộ (trừ xã Thổ Châu do đã lập đề án thành lập huyện Thổ Châu); có 9 khu hành chính được chuyển đổi từ 2 thị trấn và 7 xã hiện có.

Theo đề án tỉnh Kiên Giang đang xây dựng thì mô hình tổ chức hệ thống chính trị đặc khu Phú Quốc bao gồm Đảng bộ, chính quyền đặc khu; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; các cơ quan nội chính, tư pháp và ngành dọc khác trên địa bàn; thực hiện nhất thể hóa các cơ quan Đảng, chính quyền; nhất thể hóa chức danh Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ đặc khu là Chủ tịch UBND đặc khu; Bí thư Đảng bộ đặc khu hành chính đồng thời là Trưởng khu hành chính. Tổ chức Đảng trong đặc khu Phú Quốc thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng và theo mô hình 3 cấp, gồm đảng bộ cấp trên cơ sở, đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở.

Ghi nhận các ý kiến của đại biểu bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao lộ trình xây dựng mô hình đặc khu Phú Quốc. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, mô hình chính quyền đặc khu, cơ chế chính sách thì Phú Quốc là một trong ba đặc khu có lợi nhất vì hội đủ các điều kiện xây dựng. Đặc khu cũng được đồng thuận cao nhất và quá trình hình thành tương đối rõ nét. Tuy nhiên, Phú Quốc phải xác định quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và dài hơn nữa; tập trung phát triển du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng cao; chú ý quy hoạch phát triển thêm trung tâm tài chính quốc tế hay dịch vụ hàng hải; trung tâm chữa bệnh cao cấp. Từ chiến lược đó phải xây dựng được quy hoạch, phải tính đến quy mô lớn, nhất là trong đề án cần tính đến nguồn lực, lao động; cân đối về môi trường, nước ngọt, rác thải, hạ tầng du lịch…

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tỉnh Kiên Giang, chính sách đất đai xây dựng ở Phú Quốc phải có đặc thù riêng với các địa phương khác để thu hút đầu tư, nhưng không giảm đi nguồn lực đất đai. Nếu không sử dụng khéo thì chính đất đai sẽ là vật cản phát triển kinh tế ở “đảo ngọc” này.

Thường trực Chính phủ họp về các dự án BOT giao thông đường bộ

Chiều 23-4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về các dự án BOT giao thông đường bộ.

Tại cuộc họp, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo việc rà soát các dự án BOT và một số phương án, biện pháp triển khai chủ trương này trong thời gian tới, trong đó có việc thu phí tự động không dừng.

Được biết, từ tháng 4-2014, Bộ Giao thông vận tải đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các dự án trước khi quyết toán để quản lý chặt chẽ chi phí. Đã có 108 kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán.

Trong 9 tháng năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng tại 22 dự án giao thông, tương ứng giảm doanh thu hơn 22.000 tỷ đồng.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí cho rằng, xã hội hóa nguồn lực trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, nhất là trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp là điều cần thiết, là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và thời gian qua, đã cơ bản được triển khai tốt.

Các dự án BOT đã được kiểm tra, kiểm toán để loại bỏ những chi phí bất hợp lý trong quá trình xây dựng.

Nhất trí nhận định mặt được là cơ bản, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung khắc phục các tồn tại, yếu kém, bất cập bao gồm thời gian thu, mức thu, miễn giảm cho người dân khu vực trạm BOT..., nhất là loại bỏ chi phí bất hợp lý của các trạm BOT.

Đánh giá cao con số giảm 20% tổng mức đầu tư được duyệt đối với các dự án BOT sau khi thanh tra, kiểm toán, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần công khai, minh bạch trong triển khai dự án BOT.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đấu thầu công khai để chọn đơn vị cung cấp công nghệ; công khai, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình lưu thông; bảo mật thông tin của người sử dụng phương tiện.

Về mức thu tại các trạm không dừng, Bộ Giao thông vận tải làm việc cụ thể với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng để công bố mức phí hợp lý, phù hợp với tình hình hiện nay. Bộ Giao thông vận tải theo dõi, xử lý kịp thời các tình hình liên quan và báo cáo Thủ tướng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt

Tối 24-4 (tức mùng 09-3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), Tỉnh ủy, Hội đông nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018).

Dự lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tới dự còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương và các vị khách quốc tế; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và đông đảo người dân, du khách thập phương.

Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt là hoạt động chính trị, văn hóa quan trọng trong năm của tỉnh Ninh Bình nhằm tuyên truyền đậm nét về vị trí, vai trò và giá trị lịch sử to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, đã ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc với sự kiện năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay), lấy niên hiệu là Thái Bình, gắn liền với thiết chế nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mở nền chính thống quốc gia, là tuyên ngôn đanh thép của tinh thần độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia.

Việc thành lập một Nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền thống nhất đã mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc, mở ra một thiên sử mới trong sự nghiệp dựng nước độc lập, tự chủ của dân tộc.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, Ninh Bình là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, văn hóa trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, góp phần cùng cả nước lập nên những chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử dân tộc những trang vàng chói lọi.

Phó Thủ tướng một lần nữa khẳng định Nhà nước Đại Cồ Việt có vị trí, vai trò rất lớn lao đối với lịch sử dân tộc; ngay từ buổi đầu thành lập với việc xưng đế, dựng kinh đô, đặt quốc hiệu, định niên hiệu, cho lưu hành đồng tiền riêng, xây dựng thiết chế, Đinh Tiên Hoàng đã lập nên Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Với truyền thống hào hùng, bề dầy lịch sử của quê hương Cố đô, Phó Thủ tướng tin tưởng tỉnh Ninh Bình sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt được, ra sức khắc phục khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, đưa Ninh Bình ngày càng phát triển nhanh và bền vững, góp phần xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Dự lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, các đại biểu và du khách thập phương còn được hòa mình trong khong khí vui tươi, phấn khởi của chương trình nghệ thuật "Rực sáng thiên anh hùng ca Đại Cồ Việt" và chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa tầm cao đặc sắc.

Cả nước cùng hướng về Quốc Tổ Hùng Vương

Sáng 25-4 (tức ngày 10-3 Âm lịch), tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào cả nước tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

Tham dự Lễ dâng hương có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và lãnh đạo 4 tỉnh góp giỗ gồm Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương và Kiên Giang.

Đúng 6h ngày 25-4, trong không khí trang nghiêm, Ðoàn dâng hương khởi hành từ sân Trung tâm Lễ hội Đền Hùng qua Nghi môn, Đền Hạ, Đền Trung, lên Đền Thượng. Đi đầu là đội tiêu binh rước cờ Tổ quốc, cờ hội Đền Hùng và vòng hoa mang dòng chữ “Ðời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”. Tiếp đó là các thiếu nữ trong trang phục áo dài truyền thống màu đỏ mang hương, hoa, lễ vật và 100 thanh niên mặc trang phục có những chi tiết mô phỏng theo quần áo người Việt cổ tượng trưng cho con cháu Lạc Hồng giương cao cờ hội đứng chung quanh sân Đền Thượng và sân Lăng Hùng Vương. Đi sau khối nghi thức là Ðoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, địa phương và nhân dân về dự Lễ dâng hương.

Phát biểu mở đầu Lễ dâng hương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2018 Hà Kế San nhấn mạnh: “Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày lễ trọng của cả dân tộc, đã trở thành tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài; là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo và sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn"; nhớ về tổ tông, về nghĩa ‘đồng bào’ để cùng nhau làm nên sức mạnh Việt Nam trong tiến trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc”.

Với tấm lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các địa phương, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo các tỉnh góp giỗ đã vào Thượng cung dâng hương, hoa, lễ vật tri ân, tưởng nhớ công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông để con cháu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh; cầu mong cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đã đặt vòng hoa, thắp hương tại Lăng Hùng Vương, thành kính tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc bên bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại ngã năm đền Giếng.

Ngay sau Lễ dâng hương, tại các đền của Khu di tích, hàng triệu con dân đất Việt trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đã tề tựu thành kính tri ân công đức tổ tiên, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và tham gia các hoạt động lễ hội, các trò chơi dân gian.

Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành xây dựng Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Cách đây 60 năm, ngày 29-4-1958, Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ VIII, từ đó đến nay, ngày 29-4 trở thành ngày truyền thống của ngành. Nhân dịp này, ngày 27-4-2018, Bộ Xây dựng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành xây dựng Việt Nam.

Buổi lễ có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương và địa phương; các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài ngành; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng qua các thời kỳ và gần 1.000 cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động tại các đơn vị chức năng thuộc Bộ Xây dựng.

Thay mặt Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đọc diễn văn khai mạc, ôn lại những thành tựu to lớn, những đóng góp thiết thực và trọng yếu của ngành xây dựng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, trải qua các giai đoạn của lịch sử, ở bất kỳ giai đoạn nào, ngành xây dựng đều có những đóng góp lớn đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trải qua quá trình 60 năm xây dựng và phát triển, cho đến nay, ngành xây dựng có những chuyển biến, đổi mới quan trọng cả về nhận thức, tư duy và hành động, đạt được những kết quả nổi bật. Hệ thống pháp luật về xây dựng cơ bản hoàn chỉnh, đồng bộ. Toàn ngành tích cực rà soát, cắt, giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư xây dựng thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị có sự chuyển biến tích cực về chất lượng và đi trước một bước trong các hoạt động xây dựng. Công tác quản lý, phát triển đô thị đạt nhiều kết quả, hình thành hệ thống đô thị rộng lớn với 813 đô thị. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại hơn...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Trong suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành xây dựng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, luôn giữ vững và khẳng định được vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, có đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nổi bật là ngành đã chuyển từ một cơ quan chủ yếu làm nhiệm vụ thi công, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng sang một cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực xây dựng, với các nội dung, phương thức quản lý phù hợp với từng giai đoạn phát triển; đổi mới và hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; phát triển nhanh chóng năng lực xây dựng, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ khoa học - công nghệ, đủ sức xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia với quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao.

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết của Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, ngành xây dựng cần tập trung chỉ đạo nâng cao nhận thức về trách nhiệm của ngành đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước, xây dựng tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển ngành để đảm nhận trọng trách xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng; phát triển mạnh năng lực đạt trình độ tiên tiến, tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ, kỹ thuật; gắn kết tiến trình đô thị hóa với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản vận hành thông suốt, ổn định, minh bạch.

“Điều then chốt nhất là toàn Ngành phải tập trung thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với việc đẩy mạnh Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong ngành thật sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, phục vụ đất nước”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Carnaval Hạ Long 2018 với chủ đề “Hạ Long - Di sản, Kỳ quan - Điểm đến thân thiện”

Tối 28-4, tại quảng trường biển hiện đại nhất Việt Nam - Sun Carnival Plaza, tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức Lễ khai mạc “Năm Du lịch Quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh” và Chương trình Carnaval Hạ Long 2018 với chủ đề “Hạ Long - Di sản, Kỳ quan - Điểm đến thân thiện”.

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Trưởng Ban chỉ đạo Năm Du lịch Quốc gia năm 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tỉnh bạn, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện các tỉnh, thành phố quốc tế có hợp tác với Quảng Ninh, cùng đông đảo nhân dân và du khách.

Phát biểu tại lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong phát triển thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 08, hàng năm chúng ta tổ chức Năm Du lịch quốc gia - một sự kiện văn hóa, kinh tế, xã hội và du lịch tiêu biểu, có quy mô quốc gia và tầm quốc tế. Đây là cơ hội quan trọng giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Việt Nam, tạo sự phát triển đột phá về du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm nay, Quảng Ninh được lựa chọn là địa điểm phát động Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Hạ Long - Di sản, Kỳ quan - Điểm đến thân thiện”. Cho rằng đây là niềm vui, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Quốc hội đồng thời đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực, sự chuẩn bị đầy trách nhiệm của tỉnh Quảng Ninh cho Năm Du lịch quốc gia và Chương trình Carnaval Hạ Long 2018.

Tuyên bố Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh và Lễ hội Carnaval Hạ Long 2018 với chủ đề “Hạ Long - Di sản, Kỳ quan - Điểm đến thân thiện”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để chuẩn bị, Quảng Ninh đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực mạnh mẽ đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là về hạ tầng giao thong (nhiều công trình giao thong quan trọng như đường cao tốc Hải Phòng - Vân Đồn, sân bay quốc tế Vân Đồn sắp sửa hoàn thành), hạ tầng dịch vụ, du lịch, văn hóa, chỉnh trang, nâng cấp đô thị và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để chào đón Năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh...

Carnaval Hạ Long 2018 là đêm của âm nhạc, ánh sáng, nghệ thuật với các công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới - là sự kiện mở màn cho Năm du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh. Điểm nhấn của Đêm Carnaval Hạ Long 2018 là sân khấu đẹp lộng lẫy và có độ lớn kỷ lục nhất trong lịch sử Carnaval Hạ Long. Được chia là ba phần: Truyền thuyết và Tâm linh; Độc đáo và Đa sắc; Hội nhập và Lan tỏa, Đêm Carnaval Hạ Long 2018 với sự tham gia của hơn 2.000 diễn viên múa, ca sĩ chuyên nghiệp, người mẫu Việt Nam và các đoàn nghệ sỹ quốc tế đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Trung Quốc, Ucraine, Cu Ba,… cống hiến cho du khách và người dân Hạ Long, Quảng Ninh nhưng tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, vui tươi, rực rỡ nhưng cũng đa chiều sâu văn hóa…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà đồng bào dân tộc Chăm có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 28-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2018), Đoàn công tác Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã đến thăm, tặng quà đồng bào dân tộc Chăm có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố.

Tham dự cùng Đoàn có đại diện lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ; Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là hoạt động nhằm thể hiện sự quan tâm, chăm lo và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc ở Thành phố có hoàn cảnh khó khăn nói chung và đồng bào dân tộc Chăm nói riêng.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết, hiện nay trên địa bàn Thành phố có khoảng 7.000 người Chăm, trong đó có 110 hộ có hoàn cảnh khó khăn và mong muốn được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố nhằm giúp cộng đồng người Chăm sớm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đoàn đã trao 110 phần quà (trị giá 1,5 triệu đồng/phần quà) cho các hộ đồng bào dân tộc Chăm có hoàn cảnh khó trên địa bàn Thành phố./.