Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 01 đến ngày 07-01-2018
Mặt trận Tổ quốc tăng cường giám sát cán bộ, công chức
Ngày 05-01, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 8, khóa VIII.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, trân trọng cảm ơn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các cấp đã luôn đồng hành với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, ngoài các nội dung giám sát năm 2017, Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc chú ý các nội dung như: Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đánh giá sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ hành chính công, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo…
Mặt trận Tổ quốc phải là nơi mọi người dân có thể phản ánh, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, nhũng nhiễu nhân dân. Với tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ ủng hộ hoàn toàn Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020,
Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc bám sát nhiệm vụ kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương để đề xuất các chương trình, các mục tiêu phối hợp thiết thực. Để phối hợp tốt, hiệu quả cao, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo phối hợp và tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc phát huy vai trò của mình.
Hoàn thiện Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đã được xây dựng với bố cục đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên Đề án còn thiếu Báo cáo đánh giá tác động của việc thành lập Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong trên các khía cạnh như: Mở rộng quy mô diện tích của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt ra cả huyện Van Ninh, bố trí lại dân cư phù hợp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, phát triển kinh tế- xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường, an ninh, quốc phòng trên địa bàn…
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa khẩn trương bổ sung các tài liệu của Đề án; tiếp tục hoàn thiện Đề án trên cơ sở làm rõ, cụ thể sự cần thiết thành lập đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong; căn cứ để triển khai thực hiện (chủ trương của Đảng, Hiến pháp 2013, tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển, phát huy lợi thế của địa phương).
Thực trạng và định hướng của đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong theo phương án mở rộng bao gồm cả huyện Vạn Ninh (phương án mới) nêu bật lợi thế so sánh với các Khu Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (cạnh tranh lành mạnh không làm triệt tiêu lẫn nhau giữa các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt trong nước, đủ sức cạnh tranh với các đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới) tính đặc thù, phân tích đánh giá ưu điểm, bất cập trong việc lựa chọn phương án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt…
Định hướng và mục tiêu tổng quát theo ngành, lĩnh vực…; các giải pháp tổ chức thực hiện; xác định mô hình chính quyền địa phương; kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức…
UBND tỉnh Khánh Hòa khẩn trương hoàn thành quy hoạch, trong đó đặc biệu lưu ý trong việc sắp xếp dân cư, bảo vệ môi trường, quản lý chặt chẽ đất đai, công tác quốc phòng, an ninh để khi triển khai thực hiện thuận lợi.
TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Phải quyết liệt hơn nữa trong thực hiện, không thể để thủ tục hành chính trở thành nỗi ám ảnh của doanh nghiệp, người dân là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, năng động, chính quyền điện tử phù hợp với đô thị đặc biệt…
Việc cải cách thủ tục hành chính ở TP. Hồ Chí Minh xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để hoàn thiện các dịch vụ hành chính công theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả và tiện lợi. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, từ 10 năm trước, thành phố đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước là khâu đột phá quan trọng giúp cải thiện, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thành phố đang tập trung triển khai đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, đồng thời tiếp tục triển khai chính quyền điện tử từ thành phố đến cơ sở nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, năng động, chính quyền điện tử phù hợp với đô thị đặc biệt; phấn đấu chỉ số cải cách hành chính (PAR index) của thành phố nằm trong nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước. Mục tiêu phấn đấu của thành phố đến năm 2020 là mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt hơn 80%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn của từng lĩnh vực đạt hơn 90%; sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt hơn 80%...
Thành phố sẽ xây dựng chính quyền điện tử một cách có hệ thống, chuyên nghiệp và hiệu quả; bảo đảm tất cả các thủ tục hành chính được công khai đúng quy định và tất cả các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn phải có hệ thống lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp. Thành phố sẽ xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính trách nhiệm, cầu thị của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường sự giám sát của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính của thành phố...
Long An: Thực hiện đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị
Tại hội nghị cán bộ chủ chốt diễn ra ngày 05-01, Tỉnh ủy Long An triển khai, quán triệt thực hiện kế hoạch, đề án về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị của tỉnh.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc và xác định việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Việc sắp xếp lại bộ máy và bố trí lại các chức danh lãnh đạo phải thực hiện trên cơ sở định hướng khung của đề án; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp không còn giữ chức danh lãnh đạo; cán bộ, công chức trong diện tinh giản biên chế…; đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị sau khi sát nhập.
Theo đề án, mục tiêu đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% biên chế cán bộ, công chức trong toàn tỉnh; giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước; phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến năm 2025, tiếp tục giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế so với năm 2021, đến năm 2030, giảm tiếp 10% so với năm 2025.
Tỉnh Long An đề ra phương án cụ thể thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy, sát nhập, giải thể cho từng cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh, lộ trình thực hiện từ quý I năm 2018. Theo đó, sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong các cơ quan khối đảng, đơn vị sự nghiệp, Tỉnh ủy sẽ giảm 6 đơn vị cấp phòng, 2 chức danh trưởng phòng, 22 chức danh phó phòng và 37 biên chế; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội giảm 10 đơn vị cấp phòng và tương đương, 6 chức danh trưởng ban, 10 chức danh phó trưởng ban và 16 biên chế; cơ quan chính quyền sẽ giảm 3 đầu mối cơ quan cấp tỉnh, giảm 38 đơn vị cấp phòng thuộc sở, 31 phòng thuộc chi cục và 15 phòng thuộc huyện cùng các chức danh trưởng, phó phòng và 264 biên chế. Đối với cấp xã chỉ có từ 5-7 chức danh không chuyên trách, cấp ấp, khu phố chỉ từ 3-4 người hoạt động không chuyên trách; tiến hành sát nhập các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chí và các ấp, khu phố chưa đạt tiêu chí theo quy định. Các tổ chức hội sẽ giảm gần 1.300 hội các cấp và 377 biên chế, giảm chi khoảng 56 tỷ đồng; giảm 99 đơn vị sự nghiệp công lập và hơn 2.300 biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, Long An tiến hành thực hiện Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, huyện; nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; thí điểm thực hiện nhất thể hóa một số chức danh ở cấp huyện như Trưởng ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra đồng thời là Chánh thanh tra; thí điểm thực hiện Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, huyện.
Tỉnh Long An hiện có gần 32.000 biên chế cấp tỉnh và cấp huyện, hơn 4.000 cán bộ, công chức cấp xã, gần 3.600 chức danh không chuyên trách cấp xã và hơn 9.000 chức danh ở ấp, khu phố. Năm 2017, ngân sách địa phương chi lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hơn 3.200 tỷ đồng và chi gần 708 tỷ đồng cho hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Bình Phước: Để hoạt động của Trung tâm hành chính công đạt hiệu quả tốt nhất
Ngày 03-01, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đã làm việc với Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Phước về kiểm tra công tác cải cách hành chính. Tại buổi làm việc Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo phải tiếp tục sáng tạo để hoạt động của Trung tâm hành chính công đạt hiệu quả; qua đó kiểm soát thái độ các cán bộ giải quyết hành chính, rút ngắn phiền hà về thời gian...
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho rằng năm 2018 là năm bản lề để Bình Phước “lột xác” cải cách hành chính phục vụ người dân; yêu cầu, thủ tục hành chính công đưa lên trang website của tỉnh phải dịch ra các thứ tiếng nước ngoài; trong đó có Tiếng Anh để phục vụ người dân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo phải đưa công tác đấu thầu qua mạng điện tử, chậm nhất tháng 6-2018 phải triển khai để khắc phục tình trạng tình cảm, tiêu cực trong công tác đấu thầu; nâng tầm hạ tầng công nghệ thông tin toàn tỉnh hướng tới mục tiêu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân bằng công nghệ thông tin. Tỉnh cũng yêu cầu người dân phải tương tác bằng công nghệ thông tin thông qua cổng thông tin giải quyết thủ tục hành chính để từng bước hướng đến nền hành chính công điện tử. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức lại bộ máy giải quyết thủ tục hành chính nâng cao chất lượng, nhất là người đứng đầu.
Theo báo cáo, Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Phước được đưa vào hoạt động trong 8 tháng qua đã tiếp nhận 33.865 hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính. Một số sở, ban ngành có lượng lớn hồ sơ thủ tục tiếp nhận tại Trung tâm hành chính công như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Giao thông Vận tải; Bảo hiểm Xã hội; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tư pháp… Trong tổng số hồ sơ, thủ tục tiếp nhận đã giải quyết được 31.600 hồ sơ, đang giải quyết 2.265 hồ sơ và số hồ sơ bị chậm là 288 hồ sơ (chiếm 0,85%). Qua khảo sát thực tế cho thấy, có đến 98% người dân đến Trung tâm Hành chính công nộp hồ sơ ghi nhận sự hài lòng tuy nhiên, vẫn còn 0,05% ( tương đương 1 trường hợp) không hài lòng và 0,05% rất không hài lòng.
Trung tâm Hành chính công tập trung được người dân và doanh nghiệp hoan nghênh và đánh giá cao, thời gian tới, Trung tâm cần cải thiện hơn nữa, kiên trì để hướng tới nền hành chính công phục vụ, kiến tạo ngày một tốt hơn cho người dân.
Khai trương Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Thuận
Sáng 02-01, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ khai trương đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Thuận được thành lập theo Quyết định số 3389/QĐ-UBND ngày 24-11-2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh, trên cơ sở giải thể Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đang thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bình Thuận. Trung tâm Hành chính công có hai chức năng chính: Là đầu mối tập trung thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan cấp tỉnh đối với các tổ chức và cá nhân; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tìm hiểu, tiếp cận môi trường đầu tư của tỉnh và thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư dự án ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Hành chính công thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả tập trung, hướng dẫn thủ tục đầu tư tại một đầu mối là cách làm mới để nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; hỗ trợ thực hiện các thủ tục đầu tư, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho tổ chức, công dân; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ hành chính, nhất là các thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị; tạo ấn tượng tốt, gần gũi, thân thiện, văn minh, hiện đại khi tổ chức, công dân đến giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan hành chính nhà nước.
Trung tâm Hành chính công được đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin và phần mềm đáp ứng yêu cầu thực hiện các thủ tục hành chính một cách khoa học, hiện đại, nhanh chóng, chính xác. Cung cấp công cụ chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp, chuyên môn cho cơ quan hành chính nhà nước, cho phép cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước cập nhật tiến độ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính xuyên suốt, nhất quán nhưng vẫn đảm bảo công khai, minh bạch trên môi trường mạng; đồng thời cung cấp công cụ, phục vụ công tác tổ chức, quản lý, lưu trữ khoa học, nhất quán, lâu dài hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá để đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Việc thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Thuận nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chỉ cần đến một nơi làm được các thủ tục hành chính và ở đó người dân thực sự là đối tượng được phục vụ. Với quyết tâm chính trị cao nhất, Bình Thuận đưa Trung tâm Hành chính công vào hoạt động, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân trong tỉnh, từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển đúng theo phương châm hoạt động của Trung tâm là “Sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công”./.
Xăng sinh học E5 RON 92 rẻ hơn nhiều so với xăng RON 95  (08/01/2018)
Chính quyền ông Trump cân nhắc sử dụng linh hoạt vũ khí hạt nhân  (07/01/2018)
Campuchia tưng bừng kỷ niệm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng  (07/01/2018)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoan nghênh đối thoại liên Triều  (07/01/2018)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên