Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25 đến ngày 31-12-2017

Đức Toàn tổng hợp
10:51, ngày 02-01-2018
TCCSĐT - Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01-01-2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo.

Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính

Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01-01-2018 của Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai mạnh mẽ và toàn diện cải cách hành chính. Tập trung xây dựng, triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Trọng tâm là nhanh chóng kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách tiền lương; thu gọn đầu mối bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổng cục.... Hoàn thiện tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong năm 2018, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập.

Quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp. Dừng việc giao bổ sung biên chế. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã được cấp có thẩm quyền giao; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số biên chế được giao. Các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm phù hợp. Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo động lực và áp lực, chuyển biến thái độ xử lý gắn với trách nhiệm chính trị trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Kịp thời thay thế các cán bộ, công chức trì trệ, cản trở, không hoàn thành nhiệm vụ. Xử lý nghiêm và kịp thời theo quy định của pháp luật các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ. Đẩy mạnh đổi mới phương thức, lề lối làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo, tăng cường họp trực tuyến và tin học hóa các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo; xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; nhân rộng mô hình trung tâm hành chính công hoạt động hiệu quả, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp.

Xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý hồ sơ công việc trên mạng máy tính trong các cơ quan hành chính, trước hết là ở các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp. Tạo chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân thông qua việc thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và các dịch vụ công trực tuyến; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Xử lý dứt điểm và công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Tăng cường thực hiện công tác bảo đảm an toàn, có phương án ứng phó, khắc phục kịp thời các sự cố mất an toàn thông tin, an ninh mạng.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử; phấn đấu nâng cao chỉ số đánh giá về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc đối với cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI); phối hợp với các cơ quan đánh giá của Liên hợp quốc để kịp thời cung cấp thông tin chính xác, cập nhật về tình hình xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử tại các cơ quan nhà nước của Việt Nam…

Đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, nội dung đơn giản hóa liên quan đến thủ tục hành chính trong 5 lĩnh vực: 1- Thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; 2- Thành lập và hoạt động của hợp tác xã; 3- Đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; 4- Đầu tư tại Việt Nam; 5- Đấu thầu.

Trong đó, với lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, đơn giản hóa nhóm 5 thủ tục: Đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân; đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; đăng ký thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên; đăng ký thành lập công ty cổ phẩn; đăng ký thành lập công ty hợp danh; nhóm 3 thủ tục: Đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên từ việc tách doanh nghiệp; đăng ký thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên từ việc tách doanh nghiệp; đăng ký thành lập công ty cổ phần từ việc tách doanh nghiệp;...

Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính đăng ký thành lập hộ kinh doanh; đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh. Trong đó với thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, về thành phần hồ sơ, bãi bỏ quy định về nộp "bản sao hợp lệ thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình" tại khoản 1 Điều 71 và khoản 2 Điều 75 Nghị định 78/2015/NĐ-CP; về mẫu đơn, mẫu tờ khai, thay thế quy định "địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực" bằng "số định danh cá nhân" tại điểm đ khoản 1 Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP; thay thế các thông tin về công dân nêu tại khoản 1 Điều 9 Luật Căn cước công dân 59/2014/QH13, thông tin "Căn cước công dân" và Giấy tờ chứng thực cá nhân khác" trong các mẫu văn bản đề nghị, mẫu đơn, tờ khai,... ban hành kèm theo Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01-12-2015 hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp bằng các thông tin: "họ, chữ đệm và tên khai sinh; số định danh cá nhân".

Với lĩnh vực đấu thầu, đơn giản hóa thủ tục đăng ký tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Cà Mau: Chú trọng nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính

Năm 2017, tỉnh Cà Mau đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nên tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện công tác cải cách hành chính. Nổi bật, tỉnh kịp thời ban hành kế hoạch liên quan đến cải cách hành chính như: kế hoạch công tác năm, kế hoạch kiểm tra, đẩy mạnh truyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin và nhiều văn bản khác để triển khai, chỉ đạo thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh. Công tác rà soát, xử lý văn bản được thực hiện thường xuyên, kịp thời, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành cũng dần hoàn thiện và có tính khả thi cao. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế ''một cửa, một cửa liên thông'' được nâng lên, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn của các đơn vị đạt khá cao, đa số đơn vị thực hiện tốt việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với hồ sơ giải quyết trễ hẹn.

Năm 2018, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo Chỉ thị số 02 của Tỉnh ủy Cà Mau, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về công tác tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ chức năng tỉnh công bố kịp thời 100% thủ tục hành chính theo quy định, tập trung rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, các đơn vị cấp huyện, cấp xã thực hiện đưa 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, bố trí công chức có trình độ, chuyên môn phù hợp vị trí việc làm và có khả năng xử lý tốt để làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Cà Mau tiếp tục nâng cao sử dụng phần mềm VIC, sử dụng chữ ký số, kịp thời chấn chỉnh việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên dịch công trực tuyến. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng phần mềm một cửa điện tử (ISO điện tử) giai đoạn 3, đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến mực độ 3 và 4 theo danh mục do Chính phủ quy định.

Khai trương Trung tâm hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 29-12, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã khai trương Trung tâm hành chính công tỉnh. Trung tâm có nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn, tiếp nhận hồ sơ về thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; luân chuyển hồ sơ đến các bộ phận chuyên môn thuộc các sở, ngành và cơ quan, đơn vị liên quan xử lý, giải quyết theo quy định; theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ để đôn đốc và trả lời, cung cấp thông tin cho tổ chức, công dân liên quan khi được yêu cầu; nhận kết quả giải quyết từ các sở, ngành; trả kết quả và thu phí, lệ phí (nếu có) theo quy định. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức khảo sát ý kiến của khách hàng đối với các dịch vụ hành chính đã cung cấp; tiếp nhận và phối hợp giải đáp các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân liên quan đến chất lượng giải quyết dịch vụ hành chính công của các sở, ngành; phục vụ các dịch vụ hỗ trợ quá trình giao dịch thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức; cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; từng bước liên kết tối đa các giao dịch hành chính từ các huyện, thành, thị và xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng hệ thống mạng máy tính và các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp như: hệ thống phần mềm dịch vụ công cấp độ 3, 4; hệ thống thông tin hướng dẫn, màn hình cảm ứng tra cứu thủ tục hành chính; hệ thống lấy số chờ phục vụ... Hệ thống phần mềm xử lý thủ tục hành chính đến các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh đã được thiết kế đồng bộ, kết nối quản lý hồ sơ từ Trung tâm hành chính công tỉnh về các sở, ngành và ngược lại. Bên cạnh đó, hệ thống cũng kết nối nhận, gửi hồ sơ hành chính cho người dân, doanh nghiệp qua hệ thống bưu điện; hệ thống tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ, ứng dụng các tiện ích trong giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì khẳng định: Việc khai trương Trung tâm hành chính công tỉnh thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt hơn, sâu sát hơn chương trình cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính của tỉnh. Ngày 25-12-2017, UBND tỉnh đã có quyết định công bố đợt 1 đưa 1.055 thủ tục hành chính vào tiếp nhận giải quyết và trả kết quả tại Trung tâm hành chính công tỉnh, đạt gần 65% tổng số; trong đó thủ tục hành chính các cơ quan ngành dọc Trung ương đạt gần 5%, các sở, ban, ngành của tỉnh đạt gần 85%.

Hà Nội: Giảm 231 đơn vị nhờ sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện

Chiều 26-12, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, trong năm 2017, Hà Nội đã sắp xếp xong các đơn vị sự nghiệp công lập trên toàn địa bàn thành phố; các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, giảm từ 607 đơn vị xuống còn 376 đơn vị (giảm 231 đơn vị).

Đáng chú ý, thời gian qua, Hà Nội đã sắp xếp thành công 70 Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành 41 Ban Quản lý dự án (giảm 41,4%); hoàn thành việc tổ chức lại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, Quỹ Phát triển đất thành phố, Quỹ Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thành phố cũng đã tinh giản được gần 1.270 biên chế bao gồm 282 biên chế công chức, 668 biên chế viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy, 317 biên chế theo phương án chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần; giải quyết 551 trường hợp nghỉ tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội sẽ nghiên cứu, ban hành lộ trình và kế hoạch để đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn đủ điều kiện được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát lại toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công trong từng ngành, từng lĩnh vực để sáp nhập các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; chuyển đổi mô hình hoạt động trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Gia Lai

Chiều 25-12, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Thứ trưởng Phạm Đại Dương dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai, kiểm tra công tác cải cách hành chính của tỉnh.

Năm 2017, công tác cải cách thủ tục hành chính và cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỉnh Gia Lai chú trọng đến việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính. Theo đó, các thủ tục hành chính sau khi được công bố đã được các đơn vị, địa phương niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, công khai trên Trang thông tin điện tử nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện. Việc thực hiện cơ chế một cửa được triển khai đồng bộ, đến nay đã có 100% sở, ban ngành của tỉnh, UBND các cấp huyện và xã đã triển khai mô hình “một cửa”, “một cửa điện tử liên thông” hoạt động hiệu quả, giúp giảm thời gian xử lý công việc, tăng tính công khai, minh bạch. Đến đầu tháng 12/2017, tỉnh Gia Lai đã có 16/222 xã triển khai Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2008.

Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai đã cung cấp hơn 1.530 thủ tục hành chính công trực tuyến ở mức độ 2; 301 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 52 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4, được tích hợp tại Cổng dịch vụ công của tỉnh. Bên cạnh đó, cổng thông tin điện tử tỉnh Gia Lai được nâng cấp sử dụng, cung cấp các thông tin cần thiết, kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, được đánh giá cao về mức độ cung cấp và duy trì hoạt động; 100% UBND cấp huyện, 19/20 sở, ban, ngành có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định của Trung ương.

Dù vậy, công tác cải cách hành chính tại tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tình trạng hồ sơ thủ tục hành chính quá hạn giải quyết, chậm được khắc phục, nhất là ở UBND cấp huyện, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai vẫn còn tồn tại; cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số địa phương còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; hiệu quả của các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp còn thấp… Nguyên nhân chính là do một bộ phận cán bộ cấp xã, cán bộ chuyên môn còn chưa tiếp cận và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế đã gây khó khăn trong việc triển khai tuyên truyền vận động nói chung và đưa công nghệ thông tin vào cải cách hành chính nói riêng./.