Chất lượng đảng viên làm công tác tham mưu của các cơ quan Đảng ở Trung ương

TS. Trần Duy Hưng Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương
16:08, ngày 21-09-2017

TCCSĐT - Đảng viên làm công tác tham mưu là một bộ phận chủ yếu, nòng cốt, chiếm tuyệt đại đa số của đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan Đảng Trung ương; là những cán bộ, công chức có chức năng, nhiệm vụ thực hiện các hoạt động tham mưu. Đây được xem là những đảng viên làm nhiệm vụ tham mưu, hoạch định chính sách ở tầm chiến lược.

Thực trạng và những khó khăn

Đội ngũ đảng viên làm công tác tham mưu được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, phần lớn kinh qua công tác thực tế ở các địa phương và ở các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, trực tiếp hoặc gián tiếp làm công tác xây dựng Đảng. Nhiều đồng chí tham gia lực lượng vũ trang, trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu; nhiều đồng chí là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của các tỉnh, thành phố và các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương. Đây là những đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về công tác xây dựng Đảng.

Xét về độ tuổi, tỷ lệ giữa các độ tuổi tương đối bảo đảm theo quy định, bảo đảm sự kế thừa và phát triển, không có tình trạng hụt hẫng trong chuyển tiếp các thế hệ cán bộ; phần lớn có độ tuổi từ 31 - 40 (chiếm 30,67%), kết hợp với độ tuổi đến 30 (16,41%) là tương đối trẻ. So sánh với độ tuổi từ 41 - 50 (chiếm 20,50%) và độ tuổi từ 51 - 60 (27,31%) thì tương đối cân bằng. Cơ cấu độ tuổi như vậy góp phần vừa bảo đảm tính tương đối đồng đều, vững vàng về trình độ kiến thức, kinh nghiệm trong tham mưu; vừa bảo đảm tính hăng hái, nhiệt tình gánh vác công việc, sôi nổi, tự tin của tuổi trẻ. Tỷ lệ giữa đảng viên trẻ, đảng viên có tuổi trung bình và đảng viên lớn tuổi chênh nhau không lớn nên có nhiều thuận lợi trong đào tạo, bồi dưỡng, học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau, vừa có khả năng nâng cao trình độ, vừa bảo đảm hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị không bị ảnh hưởng, gián đoạn do đảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh lực lượng đảng viên tham mưu từ 41 tuổi trở lên, lực lượng đảng viên tham mưu trẻ, đến 40 tuổi ở các cơ quan Đảng Trung ương hầu hết được đào tạo bài bản trong nước, nhiều đồng chí được đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài, có trình độ ngoại ngữ, tin học, ham học hỏi, năng động sáng tạo, tích cực học tập tiếp thu những tri thức mới. Cơ cấu giới tính tương đối cân bằng (tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 46,92%). Cơ cấu lãnh đạo: phó vụ trưởng, vụ trưởng và tương đương chiếm tỷ lệ cao (24,54%).

Tuy vậy, đội ngũ đảng viên này hiện nay cũng còn nhiều hạn chế: Số lượng cán bộ tuy không ít nhưng cơ quan, đơn vị vẫn phải đề nghị bổ sung, tăng thêm biên chế do yêu cầu nhiệm vụ được giao ngày một tăng. Cơ cấu ba độ tuổi chưa thật sự bảo đảm. Tỷ lệ đảng viên trẻ còn thấp. Lực lượng đảng viên tham mưu trẻ đến 40 tuổi chiếm tỷ lệ tương đối lớn (47,08%), nhưng kinh nghiệm thực tiễn còn ít, khả năng nghiên cứu và tổng kết thực tiễn thành những vấn đề lý luận phục vụ công tác tham mưu còn hạn chế, cần thêm nhiều thời gian, công sức học tập, tích lũy. Tỷ lệ chuyên viên và tương đương còn quá lớn (46,25%) nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác tham mưu. Tỷ lệ đảng viên người dân tộc, nhất là đảng viên lãnh đạo, quản lý còn ít. Trong đội ngũ đảng viên tham mưu mỗi cơ quan và trong cả hệ thống các cơ quan Đảng ở Trung ương còn thiếu nhiều chuyên gia giỏi, đảng viên tham mưu giỏi, tâm huyết trong các lĩnh vực tham mưu.

Về đào tạo, bồi dưỡng, qua số liệu thống kê từ năm 2009 trở lại đây cho thấy, trình độ đào tạo của đội ngũ đảng viên này từng bước được nâng cao. Trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân chiếm đại đa số. 100% tốt nghiệp đại học với các chuyên ngành đào tạo khác nhau. Đảng viên tham mưu có trình độ lý luận chính trị cao cấp, có trình độ ngoại ngữ, tin học ở mức cao tương ứng. Nhiều đảng viên có học hàm, học vị cao đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các vụ, đơn vị chuyên đề có chức năng tham mưu của các cơ quan Đảng. Cùng với sự phát triển của các cơ quan Đảng ở Trung ương, trình độ đào tạo ngày một cao như trên là một trong những điều kiện góp phần cải thiện, nâng cao về chất lượng của đội ngũ đảng viên tham mưu qua từng năm.

Tuy nhiên, như tình trạng chung của nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị hiện nay, đội ngũ đảng viên làm công tác tham mưu các cơ quan Đảng ở Trung ương chưa giải đáp được nhiều vấn đề do yêu cầu thực tiễn đặt ra, lý do:

- Đối với đảng viên tham mưu có chức danh lãnh đạo, quản lý, chủ yếu và cơ bản phải là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tham mưu về lĩnh vực, nhiệm vụ được giao tham mưu chứ không phải chủ yếu và cơ bản là bằng cấp được đào tạo đại học và trên đại học. Vì thế, có thực tế là đội ngũ đảng viên được đào tạo với những bằng cấp từ đại học trở lên đông nhưng trình độ tham mưu về những công việc cụ thể lại hạn chế.

- Đối với một lĩnh vực đòi hỏi đảng viên tham mưu cần có chuyên ngành đào tạo đại học đúng với lĩnh vực được giao phụ trách thì khó có thể bố trí được do công tác tuyển dụng, sử dụng không hợp lý. Tình trạng đảng viên làm công tác tham mưu được bố trí trái chuyên môn tương đối phổ biến khiến họ khó phát huy khả năng được đào tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

- Tham mưu là một hoạt động đòi hỏi năng lực trí tuệ cao, nhất là tham mưu về chính trị, về lãnh đạo, quản lý. Trong cấu thành năng lực trí tuệ, ngoài khả năng bẩm sinh, chủ yếu là năng lực có được do tích lũy kiến thức qua đào tạo và thực tiễn, đòi hỏi mỗi đảng viên phải không ngừng học tập và hăng say hoạt động thực tiễn. Do điều kiện, hoàn cảnh kinh tế khó khăn,... đòi hỏi này đối với mỗi đảng viên làm công tác tham mưu trong thời gian qua là rất khó thực hiện, vì thế, chưa có sản phẩm tham mưu giá trị cao.

- Các quy định hiện hành về chế độ, chính sách sử dụng, đãi ngộ đối với tham mưu chưa hợp lý nên chưa tạo được điều kiện phát triển các “chuyên gia” tại chỗ; chưa động viên, khuyến khích, thu hút được các “chuyên gia” từ bên ngoài vào. Sự thiếu vắng những tham mưu tầm cỡ “chuyên gia” đã hạn chế rất lớn đến giá trị chung, giá trị đặc biệt của trình độ, năng lực đội ngũ đảng viên làm công tác tham mưu ở mỗi cơ quan và ở các cơ quan Đảng Trung ương.

Phát huy năng lực, khắc phục hạn chế

Về chính trị, tư tưởng, Đảng viên làm công tác tham mưu các cơ quan Đảng ở Trung ương được tuyển chọn từ những nguồn cán bộ có chất lượng theo quy trình chặt chẽ, trong đó chú ý đặc biệt về tiêu chuẩn chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nên về cơ bản đây là đội ngũ trung thành với Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội; có ý thức gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân; luôn chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, kịp thời phát hiện, giáo dục, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc; có trách nhiệm giữ gìn kỷ luật, bảo đảm phát ngôn, bảo mật thông tin của Đảng; có bản lĩnh, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những ý tưởng, nội dung mình tham mưu nhưng không bảo thủ, cố chấp; có ý thức ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đã có những đóng góp quan trọng trong kết quả hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, kết quả xây dựng ổn định và phát triển của các cơ quan Đảng ở Trung ương trong những năm qua.

Về đạo đức, lối sống, đa số đảng viên làm công tác tham mưu các cơ quan Đảng ở Trung ương có phẩm chất đạo đức tốt, là những cán bộ có ý thức gương mẫu trong thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; có lối sống lành mạnh, giản dị, không vi phạm các quy tắc về đạo đức, lối sống; tích cực vận động người thân, gia đình chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm tròn các nghĩa vụ đóng góp đối với địa phương theo quy định, tham gia tích cực các phong trào vì lợi ích của cộng đồng, xây dựng mối quan hệ gắn bó với tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân nơi cư trú.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận nhỏ đảng viên có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, dưới những hình thức, nội dung như phản ánh sai lệch hiện thực khách quan; phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xa rời chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng. Hiện tượng này dù chỉ rơi vào một bộ phận nhỏ tham mưu của các cơ quan Đảng ở Trung ương, tuy không phải là phổ biến nhưng lại là mối nguy hại lớn đối với Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, vẫn còn một số cá nhân sa sút, vi phạm về đạo đức, lối sống, biểu hiện dưới nhiều hình thức như bệnh cơ hội; chủ nghĩa cá nhân; vụ lợi trong thực thi công vụ; nói nhiều làm ít hoặc nói nhưng không làm; quan liêu, xa rời thực tiễn; thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật; tham nhũng, nhũng nhiễu nhân dân... Những sa sút, vi phạm đó thường gặp ở những cán bộ tham mưu nắm quyền, tiền, tài sản công. Một số đảng viên thiếu bản lĩnh chính trị, chưa có ý thức tự giác học tập, rèn luyện phẩm chất về đạo đức công vụ, thực hiện chế độ công vụ của tham mưu trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, còn có biểu hiện dễ bị lung lạc bởi vật chất, dễ hoang mang, dao động trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Về chất lượng, hiệu quả tham mưu, đảng viên làm công tác tham mưu các cơ quan Đảng ở Trung ương hiện nay có khả năng vận dụng, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn để tham mưu cho Đảng đề ra chủ trương, đường lối, cũng như thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối thành những chỉ thị, nghị quyết, những quy định, quy chế của Trung ương; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; kiểm tra giám sát thực hiện; trực tiếp tổ chức thực hiện; sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các văn bản trên để kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho những đề xuất, kiến nghị hợp lý tiếp theo; nghiên cứu, phân tích, tư vấn, dự báo chiến lược, đáp ứng các yêu cầu về công tác lãnh đạo Nhà nước và xã hội, về nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng. Đảng viên làm công tác tham mưu đã tích cực tham gia các đề án, đề tài khoa học được giao để cung cấp các luận cứ cho Đảng thực hiện vai trò và nhiệm vụ của Đảng.

Nhìn chung, trong thời gian qua, sản phẩm tham mưu của đội ngũ đảng viên làm công tác tham mưu các cơ quan Đảng ở Trung ương, về cơ bản là đã đáp ứng được yêu cầu của những nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, nhìn thẳng sự thật, chất lượng, hiệu quả tham mưu hiện nay của đội ngũ đảng viên làm công tác tham mưu các cơ quan Đảng ở Trung ương còn nhiều hạn chế. Đảng viên làm công tác tham mưu trong các cơ quan Đảng Trung ương chưa thật sự chủ động trong công tác tham mưu. Nhiều vấn đề quan trọng về chủ nghĩa xã hội, về lãnh đạo Nhà nước và xã hội, về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đã được các kỳ Đại hội Đảng và nhiều khóa Trung ương đề ra, đòi hỏi công tác lý luận, tư tưởng phải đi trước, phải làm sáng tỏ nhưng đến nay còn chậm hoặc chưa được nghiên cứu thấu đáo, giải thích cặn kẽ, chưa tham mưu xây dựng thành các quy định, quy chế, quy trình phù hợp thực tiễn để thực hiện. Chất lượng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ở tầm chiến lược về công tác lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác lý luận, tư tưởng còn nhiều hạn chế là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới những bất cập trong công tác xây dựng Đảng hiện nay mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” đã nêu.

Việc tham mưu thể chế hóa, cụ thể hóa một số quan điểm, chủ trương của Đảng trong công tác lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thành các quy định, quy chế của Trung ương còn nhiều bất cập, nhiều văn bản không sát thực tế, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện. Việc tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan Đảng ở Trung ương còn hạn chế; nhiều quy định, quy chế, quy trình, hướng dẫn của Trung ương ban hành không đồng bộ, lạc hậu so với thực tiễn nhưng chậm rà soát, sửa đổi, bổ sung. Việc tham mưu thẩm định, thẩm tra đề án của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng nghiên cứu khoa học còn hạn chế, khả năng ứng dụng thực tế thấp. Nhiều đảng viên làm công tác tham mưu có tâm lý chủ quan, chưa thật sự nghiêm túc nghiên cứu, tìm tòi, mạnh dạn đưa ra những ý tưởng mới, sáng tạo, có tính đột phá, sa vào những “lối mòn“ cũ kỹ, lạc hậu. Dự báo tình hình vẫn là khâu yếu, nhiều vấn đề chưa dự báo đúng, trúng để chủ động tham mưu cấp ủy, lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị kịp thời xử lý, giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra. Năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực biên tập, tổng kết lý luận, nghiên cứu thực tiễn; khả năng phối hợp, làm việc nhóm cũng như chủ động, độc lập nghiên cứu đề tài, đề án, nhiệm vụ công tác... của nhiều đảng viên làm công tác tham mưu còn hạn chế.

Như vậy, các cơ quan Đảng ở Trung ương rất cần xây dựng và thực hiện đúng quy định vị trí việc làm, trong đó có vị trí việc làm tham mưu và tiêu chuẩn chức danh đảng viên làm công tác tham mưu để bố trí đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, có kế thừa và phát triển, góp phần bảo đảm chất lượng đội ngũ đảng viên làm công tác tham mưu tại mỗi cơ quan, đơn vị./.